Nội san

Nhìn ra thế giới: Thiết kế trong hệ thống giáo dục và nền kinh tế

24 Tháng Hai 2011

Nhìn ra thế giới:

                                  Thiết kế trong hệ thống giáo dục và nền kinh tế

                                                                                                                     Bạch Thị Lan Anh

                                   (Tham luận Hội thảo Giáo dục nghệ thuật và cuộc sống)

      

Cải cách ngành công nghiệp bắt đầu từ chiến lược thay đổi mô hình sản xuất theo hướng đột phá khâu mũi nhọn là thiết kế, tạo dáng sản phẩm. Với phương châmThiết kế là vô giá nhưng những gì mà nó tạo ra là có giá đã giúp Hàn Quốc, Malaysia duy trì tốc độ tăng trưởng cao về kinh tế. Bài viết nhằm giới thiệu kinh nghiệm một số nước trong việc đánh giá cao thiết kế trong sản xuất, chú trọng đào tạo họa sĩ thiết kế.

1.      Hàn Quốc

Tại Hàn Quốc, khoa nghề thủ công và nghề thiết kế Trường Đại học quốc gia Seoul, đã ra đời từ năm 1945 cùng với quy định giáo dục thiết kế bắt buộc. Đến những năm 1960 khi sản xuất công nghiệp phát triển, thiết kế Hàn Quốc có những bước tiến mạnh mẽ.

            Năm 1960 gọi là giai đoạn nghệ thuật ứng dụng trong ngành thủ công mỹ nghệ. Năm 1962, Hàn Quốc lập ra “Kế hoạch hát triển kinh tế 5 năm” và nhận thức thiết kế như một nguồn tài nguyên của công nghiệp, xã hội thừa nhận các nhà thiết kế. Giai đoạn này gọi là giai đoạn “Nhà thiết kế”. Trung tâm nghiên cứu thiết kế nghề thủ công Hàn Quốc, trường Đại học quốc gia Seoul (1965) và các phòng thiết kế trong công ty được thành lập (như Gold Star co, nay là LG Electronocs co. Thành lập phòng thiết kế năm 1959). Triển lãm nghề thủ công và nghệ thuật công nghiệp quốc gia lần thứ nhất do chính phủ chủ trì được tổ chức năm 1966, xuất bản tạp chí thiết kế từng quý “Design Quarterly Magazine” năm 1969.

            Giai đoạn những năm 1970 và 1980 là giai đoạn xuất khẩu tăng trưởng, đã phát động phát triển thiết kế trong nhiều lĩnh vực như thiết kế công nghiệp, thiết kế đồ hoạ cho ngành sản xuất sản phẩm. Hàn Quốc phát triển thành một quốc gia công nghiệp vào những năm 1980. Ngành thiết kế đã được kích hoạt với dự án quốc gia to lớn và các cuộc tranh luận sôi nổi về vai trò của thiết kế trong nền kinh tế và thương mại trước sức ép của việc hội nhập cộng đồng Châu Âu, sức ép của đăng ký bản quyền, các phán quyết bán phá giá, chính sách bảo hộ mậu dịch quốc tế cùng với việc hoàn thiện văn hoá thương mại, phổ cập truyền hình màu, chuẩn bị các sự kiện lớn như Asian game 1986, Olympic quốc gia 1988… Các cuộc thảo luận trong xã hội, các quan chức chính phủ khai sáng cho ngành thiết kế Hàn Quốc phát triển, tìm ra dáng vẻ riêng về hình ảnh sản phẩm Hàn Quốc so với sản phẩm của các quốc gia khác. Thời gian này nổi lên nhiều sự kiện tác động thúc đẩy thiết kế như: Chính sách xúc tiến thiết kế của chính phủ, chính sách hỗ trợ cho nhà thiết kế, lập hội của những nhà thiết kế chuyên nghiệp, thành lập trung tâm thiết kế và bao bì năm 1971 (nay là học viện xúc tiến thiết kế Hàn Quốc – Korea Institute of Design Promotion), thành lập hội các nhà thiết kế công nghiệp Hàn Quốc (nay là hiệp hội) năm 1972, trở thành thành viên của hội đồng quốc tế các hiệp hội thiết kế công nghiệp năm 1973 (The International Council of Societies of Industrial Design – ICSID) và các tổ chức quốc tế liên quan khác, thiết kế gốc xe ‘PONY’ của Hyundai Co, ra đời năm 1974, trung tâm nghiên cứu thiết của LG Electronics 1983, Good Design Mark 1985, 1st Design Consultant Firm 1989.

 

Trường Đại học quốc gia Seoul

 

 

            Những năm 1990 là giai đoạn thiết kế đi vào chiều sâu cả về phương pháp, nghiên cứu phát triển với khuynh hướng nổi bật gọi là “toàn cầu hoá và quốc tế hoá. Hầu hết các xí nghiệp đều có các trung tâm thiết kế và hình thành xu hướng đổi mới và đa dạng hoá thiết kế. Thiết kế thực sự trở thành chiến lược phát triển của các tập đoàn, giúp bảo vệ thị trường nội địa và tăng cạnh tranh bền vững bởi sự khác biệt với sản phẩm nước ngoài. Thời gian này, Hàn Quốc tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng cho thiết kế và nghiên cứu thiết kế, thành lập hiệp hội khoa học thiết kế Hàn Quốc năm 1994 (Korean Society of Design Science), mở các khoá đào tạo tiến sỹ thiết kế trong các trường Đại học (1995). Tại hội nghị thiết kế quốc tế Châu Á lần thứ nhất Lee K.H, chủ tịch Samsung tuyên bố: “Thiết kế là vũ khí quan trọng nhất đối với chiến lược kinh doanh”. Từ năm 2000 thiết kế Hàn Quốc hoàn toàn hội nhập và đầy đủ năng lực để cạnh tranh toàn cầu.

            Trong khoảng thời gian ngắn hơn 40 năm, thiết kế Hàn Quốc đã phát triển vượt bậc nhờ tôn trọng việc nghiên cứu thiết kế, kỹ thuật thiết kế, giáo dục thiết kế và liên tục đổi mới, chuyên môn hoá thiết kế tại các doanh nghiệp. Hiện nay, ngành giáo dục cung cấp mỗi năm trên 1000 sinh viên thiết kế có bằng cấp tại 120 trường cao đẳng và đại học. Có 131.247 chuyên đề giảng dạy về thiết kế và sinh viên theo học là 10.814 người. Với sự đầu tư về chiều sâu như vậy, đã làm cho không có đối thủ nào cạnh tranh được với sản phẩm công nghiệp của Hàn Quốc trên thị trường nội địa .

2. Malaysia

             Malaysia – một đất nước có rừng nhiệt đới lớn thứ 3 của thế giới, thiên nhiên đã ban tặng cho Malaysia một nguồn tài nguyên về gỗ phong phú cùng các tài nguyên khác như khoáng chất, thiếc, cao su, trái dừa, cây cọ nổi tiếng.

Khi chính phủ Malaysia thực thi kế hoạch tổng thế về công nghiệp lần thứ I  (1986-1995) nghề truyền thống chế biến đồ gỗ gia dụng được định dạng như một ngành công nghiệp mũi nhọn đồng thời một số chính sách ưu đãi được thi hành. Ưu tiên hàng đầu của Malaysia lúc này là tạo ra các yếu tố văn hoá trong thiết kế sản phẩm của chính mình (nhưng không phải là văn hoá Malaysia hoàn toàn), bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Với chủ trương phải tạo ra nhiều thiết kế khác nhau để phù hợp với thị trường rộng lớn và văn hoá đa dạng của thế giới. Từ khoá là “không thiết kế mang tính chất Malaysia” mà thích hợp hơn là “do người Malaysia thiết kế”. Đó chính là bước ngoặt trong đào tạo-giáo dục về văn hóa thiết kế. Bước tiếp theo là phát triển nhắm vào thị trường tiêu dùng trung và cao cấp bằng thiết kế và chất lượng.

Tháng 12/2006, tại Kuala Lumpur, Hội đồng Xúc tiến Hàng gia dụng Malaysia (MFPC) và Hội đồng Xuất khẩu gỗ Mỹ (AHEC) cùng nhau tổ chức cuộc Hội thảo Hàng gia dụng Quốc gia Malaysia với tâm điểm: “Quy trình thiết kế hàng gia dụng và tầm quan trọng của ý tưởng và đa dạng hoá nguyên liệu”. Hội thảo chỉ ra rằng: thiết kế và đổi mới phải được đặt ở trái tim (trung tâm) của chiến lược phát triển ngành công nghiệp hàng gia dụng nước này và thiết kế - sáng tạo để Malaysia đạt được vai trò là trung tâm của ngành công nghiệp hàng gia dụng Châu Á. Hội thảo cũng cung cấp một cánh cửa khác lạ về các cơ hội kinh doanh cho những nhà sản xuất Malaysia, tiếp cận các xu hướng đương đại, cập nhật thông tin thị trường hàng gia dụng toàn cầu. Hội thảo kết luận rằng đã đến lúc Malaysia chuyển từ sức mạnh cạnh tranh về giá sang cạnh tranh bằng sự hấp dẫn của thiết kế.

Chiến lược nâng cao thiết kế và thị trường được triển khai mạnh mẽ là những yếu tố quyết định chính cho sự chuyển động công nghiệp Đồ gia dụng Malaysia. Ngành này cũng đang tiến đến chấp nhận tiêu chuẩn ISO 4000.

Ngành hàng gỗ gia dụng đã xuất khẩu đến 160 quốc gia, được xếp thứ 10 trong danh sách những nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới.

3. Điểm hội tụ

Hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ và trang trí nội thất (Tendence Lifestyle) tại Frankfurt Cộng hòa Liên bang Đức, đ­ược coi là hội chợ hàng đầu thế giới về hàng thủ công mỹ nghệ và trang trí nội thất. Họp mỗi năm 2 kỳ vào tháng 2 và tháng 8. Điều bị cấm nghiêm ngặt nhất trong hội chợ  là quay phim, chụp ảnh. Vấn đề “hót” ở hội chợ này chính là cuộc cạnh tranh khốc liệt về mẫu mã, chất liệu sản phẩm. Đây là nơi mà các họa sĩ thiết kế (Designer) có thể cảm nhận s  bất tận của  sáng tạo, hiện thực các ý tư­ởng nghệ thuật và các ký kết  sẽ thuộc về những mẫu hàng mới. Các họa sĩ hay nhà thiết kế muốn “chiến thắng” trong các hợp đồng phải luôn tự làm mới mình vì xu hướng thẩm mỹ và thời trang là một dòng chảy liên tục.

 

Sản phẩm tại Hội chợ Frankfurt năm 2006

 

 Chính vì vậy, đầu t­ư cho giáo dục đào tạo ngành thiết kế sẽ thay đổi, làm nghiêng cục diện cạnh tranh về những ai nhận thức đư­ợc vai trò của nó.

 

TLTK:

 Báo cáo hội thảo phát triển làng nghề miền trung và Tây nguyên, ngày 28-7-2008 Quy Nhơn, Binh Định, cơ quan chủ trì UBND tỉnh Bình Định.