Tin tức

Đi ngày đàng, học một sàng…hay

02 Tháng Tư 2011

Văn hóa là gì, nếu không phải là cái Đẹp? Cái đẹp độc đáo và đặc sắc, làm nên sự khác biệt giữa dân tộc này với dân tộc kia. Làm nên những giá trị tinh thần, tình cảm vĩnh hằng với nhân gian…

Nhưng văn hóa từ đâu, nếu không phải bắt đầu từ giáo dục?

Đi ngày đàng...

Vượt qua một chặng đường dài, chỉ thấy lúc thì cây nối cây, lúc thì mây nối mây như bay về phía vô định... cuối cùng, chúng tôi cũng thấy mình ở Đại học Bách khoa Quế Lâm (Quảng Tây- Trung Quốc).

Ấn tượng đầu tiên là những chiếc đèn lồng đỏ treo cao, trên những chiếc cột điện dọc đại lộ, trên những rặng cây xanh, tạo nên một vẻ đẹp Trung Hoa truyền thống rất đặc sắc, chẳng trộn lẫn.

Quế Lâm vốn nổi tiếng là một trong 13 thành phố của Quảng Tây có phong cảnh "sơn thủy giáp thiên hạ". Đủ hiểu, vẻ đẹp của những bức tranh thủy mặc mà tạo hóa ưu ái cho Quế Lâm luôn hiện diện trong đời sống nhân gian, từ thuở khai thiên lập địa.

Nhưng hơi thở của đời sống hiện đại thời hội nhập, thì chỉ con người mới có thể tạo ra. Điều đó có thể thấy rõ nhất ở môi trường của học vấn, của đào tạo.

Quế Lâm lại vốn là đất của giao lưu giáo dục và du học. Chả thế, xưa, thành phố nổi tiếng với Khu học xá Quế Lâm, từng là 1 trong 2 cái nôi đào tạo nguồn nhân lực cho VN (Quế Lâm và Nam Ninh). Nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt, cốt cán của đất nước ta được đào tạo, trưởng thành từ các khu học xá này.

Sinh nở trên mảnh đất vốn có "gien" hội nhập GD, thì nay, sự thu hút du học sinh quốc tế cũng là một con đường, vừa góp phần tăng nguồn tài lực, vừa khẳng định vị thế và thương hiệu một trường ĐH như ĐHBK Quế Lâm.

 

Một góc cơ sở 2 ĐHBK Quế Lâm. Ảnh: Kim Dung

 

Có thể thấy rõ điều đó ở ĐH BK Quế Lâm- mà theo lời Giáo sư Châu, Phó Hiệu trưởng nhà trường, người được đào tạo từ ĐH Harvard danh tiếng đánh giá, nhà trường là 1 trong top 200 trường ĐH có tên tuổi của TQ. Trường có 49 chuyên ngành đào tạo bậc ĐH, 35 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, với 17 000 sinh viên hệ chính quy. Một số ngành đào tạo của trường được coi là mũi nhọn như địa chất, môi trường...

Sự hội nhập trong GD và ĐT ở đây, không chỉ bằng con đường hợp tác nghiên cứu khoa học của các giảng viên nhà trường sang các quốc gia như Mỹ, Anh, Italia, Nhật Bản... Mặc dù, hàng năm ĐHBK Quế Lâm có những đề tài nghiên cứu được công bố trên các tạp chí quốc tế ở Mỹ, có khoảng 20 đề tài được Chính phủ TQ trao quyền sáng chế. Mà còn bằng chính con đường du học của sinh viên nhà trường sang các nước và ngược lại.

Cánh cửa du học càng rộng mở, chất xám, trí tuệ các quốc gia càng có cơ hội chảy về nhau. Riêng sinh viên VN, hiện có khoảng 80 người, chiếm 50% sinh viên các nước theo học tại trường này.

Đương nhiên, cầu nối cho sự hội nhập đào tạo đó là những công ty du học, hoặc các tổ chức hội, như Công ty Tư vấn du học IEC Quốc Anh, Hiệp hội các trường ĐH ngoài công lập VN... Họ có kinh nghiệm chọn mặt, gửi vàng, góp phần mở cánh cửa du học ra thế giới cho tuổi trẻ VN thêm cơ hội học vấn và trưởng thành.

GS Trần, Viện trưởng Học viện GD quốc tế của nhà trường, người ra tận Bằng Tường đón đoàn công tác là một người chu đáo và dễ mến. Không chỉ thông thạo tiếng Anh, ông còn tự học tiếng Việt- vốn ngoại ngữ đủ để ông giao tiếp, và biết đùa với khách Việt bằng những câu chuyện tiếu lâm, kiểu "Sáng đèo cơm đi ăn phở, trưa đèo phở đi ăn cơm...", khiến cho sự giao lưu chủ khách hòa đồng và thân thiện.

Ông cho biết, những chính sách của ĐHBK Quế Lâm đối với du học sinh, trong đó có sinh viên VN khá ưu ái, thể hiện ở những ưu đãi cao nhất, cung cấp những điều kiện thuận lợi nhất cho họ. Mức học phí- khoảng 20000 nhân dân tệ/ năm, một mức phí hợp lý mà mỗi gia đình ở VN đều có thể chi trả được.

Ngoài ra, theo từng năm, căn cứ vào tỷ lệ và qui mô tuyển sinh, ĐHBK Quế Lâm còn dành một số học bổng nhất định cho sinh viên quốc tế, sinh viên VN có kết quả học tập xuất sắc, và đặc biệt, tạo nhiều điều kiện để họ sớm hòa nhập với văn hóa và môi trường sống mới.

Tôi hỏi GS Trần:"- Điểm mạnh của sinh viên VN du học là gì, thưa ông?". "- Họ khá chăm chỉ. Nhất là về ngôn ngữ tiếng Trung, chỉ 6 tháng đến 1năm là họ tiếp cận tốt. Và biết tự lập, tôn trọng thầy cô, cùng những quy định chung của nhà trường. Nhìn chung, chúng tôi hài lòng với chất lượng học tập của các em".

"- Còn điểm yếu?". "- Cũng có một số em tính kỷ luật kém, hay đi học muộn thậm chí trốn học. Nếu tình hình đó kéo dài, các em dễ bị đào thải....". Đương nhiên, cuộc sống vốn không dễ dàng, thì những giá trị gặt hái mới càng được trân trọng.

Không dễ dàng nên càng đòi hỏi sự nỗ lực. Như sự nỗ lực của cậu sinh viên VN, có cái tên Tuấn Thành, học năm thứ 2 của Khoa Marketing mà tôi đã gặp và hỏi chuyện. Để nâng cao kiến thức, và cũng là yêu cầu thực hành bắt buộc, vào dịp hè, Thành tham gia vào chuyện kinh doanh giầy dép- một sự thử sức và tích lũy kinh nghiệm nghề nghiệp cho tương lai đầy thách thức của tuổi trẻ ham khẳng định bản ngã và bản lĩnh. Thành cho biết, không chỉ có em, nhiều bạn bè của Thành đã bước vào thực tiễn cuộc sống theo nhiều cách khác nhau

Không chỉ bằng các chính sách ưu đãi cho du học sinh quốc tế, ĐHBK Quế Lâm hiểu rằng, sự hội nhập và hợp tác các quốc gia chỉ thực sự có hiệu quả khi chất lượng đào tạo của nhà trường có "trọng lượng", gắn với thương hiệu bền vững. Nhất là khi quy mô đào tạo nhà trường mở rộng, với nhiều hình thức đào tạo khác nhau, từ đại học đến cao học.

Và thế là, ngoài cơ sở cũ trong nội đô, 1 cơ sở tại Nam Ninh, cách nội đô không xa, 1 cơ sở đào tạo khác của ĐHBK Quế Lâm đang hiện dần lên trên diện tích 150 hecta khá hiện đại. Hiện dần lên trong con mắt của sinh viên nhà trường là những khoa, những ngành học được trang bị, thiết kế học tập trong môi trường thực nghiệm có đầy đủ các điều kiện thiết bị kỹ thuật, công nghệ hiện đại, và rèn luyện thể chất...

Học một sàng... hay

Đường vào chợ thị trấn cổ Dương Sóc. Ảnh: Kim Dung


Nhưng nếu hỏi cảm nhận thú vị nhất về chuyến đi, xin thú thực, lại là về đời sống văn hóa của Quế Lâm- một góc nhỏ của văn hóa Trung Hoa

Đó là khi chiếc ô tô của đoàn công tác chúng tôi phóng trên các cung đường cao tốc từ Bằng Tường về tới Quế Lâm. Con đường trải dài êm ả, rất sạch và đẹp. Cây trồng ở giữa hai chiều ô tô được tỉa tót, chăm sóc như khuôn viên. Cứ một đoạn dài, lại có những nhà cho khách nghỉ chân dọc đường ít phút, đi WC, và uống nước. mua sắm hàng hóa nếu có nhu cầu. Vì thế mà không hề có hàng rong, hàng quán, không có cảnh những người đàn ông, đàn bà thỉnh thoảng... chạy vội vào lùm cây hai bên đường. Sự văn minh hiển hiện ngay cả khi không có con người cư ngụ.

Đó là khi du khách thả bộ dạo chơi chợ Dương Sóc- 1 thị trấn cổ nổi tiếng của Quế Lâm, na ná giống như phố đi bộ. Nhưng càng đi sâu vào chợ, càng thấy phong cảnh, không khí thị trấn phảng phất như phương Đông gặp phương Tây trong cái không gian giao thương buôn bán. Ấn tương nhất vẫn là khắp nơi đèn lồng đỏ treo trên những lùm cây- như những dải lộc vừng lớn- một sự hiện diện đặc sắc của nét văn hóa cổ Trung Hoa.

Tiếng là chợ, nhưng không ồn ào, rác rưởi. Người bán cũng nhẫn nại "nói bằng tay" với khách. Có điều, giá nói thách ở đây là trên trời dưới biển. Nếu biết, khách vẫn không bị mua hố. Trái lại sẽ rất rẻ, rẻ đến ngỡ ngàng.

Bất chợt, một quán bán chè vừng đen (thường gọi là chí mà phù) hiện ra như mời gọi. Chao ôi, món quà một thời Hà Nội lãng mạn và thanh bình đánh thức ký ức tuổi thơ. Chúng tôi sà vào, để múc từng thìa chè nhỏ ngòn ngọt, thơm thơm. Hay quá khứ và hiện tại đang cùng giao hòa...

Đó là khi một buổi tối, đi ca nô trên sông Li (Li Giang) đoạn chảy qua thành phố. Vẻ lộng lẫy của phong cảnh núi non hai bên bờ sông bất ngờ hiện dần ra, trong mưa lạnh, được tôn lên gấp bội bởi công nghệ ánh sáng khiến tất cả du khách suýt xoa, trầm trồ. Không biết đâu là ngọn Độc Tú Sơn, Phục Ba Sơn, Mộc Long Sơn....

Chỉ thấy lung linh lúc những mái chùa cong vút, lúc những ngọn tháp huyền bí, lúc là dàn nhạc nước. Lúc là một nhịp cầu, trên đó, sừng sững mô hình cổng Khải Hoàn Môn. Tất cả vừa trầm mặc lại vừa trẻ trung, tinh tế tuyệt vời. Một Quế Lâm về đêm kỳ ảo như cuốn du khách vào những trang văn cổ xa xưa.

Nhưng ấn tượng nhất, là buổi biểu diễn của hàng trăm diễn viên nghiệp dư- nguyên là những người nông dân của 5 thôn thuộc thị trấn Dương Sóc trên sân khấu nước do đạo diễn lừng danh Trương Nghệ Mưu dàn dựng, kết hợp với công nghệ ánh sáng lade...Vở diễn là câu chuyện đời thực của một người phụ nữ nghèo khổ có tên Lưu Tam (thường gọi là chị Ba Lưu), không chịu nổi áp bức đã dũng cảm đứng lên kêu gọi dân làng đấu tranh chống lại cường hào ác bá.

Sự độc đáo của vở diễn không chỉ là sân khấu nước ngoài trời (được coi là duy nhất hiện nay trên thế giới), mà còn là ở tài năng múa hát, diễn xuất của những người nông dân thị trấn. Ban ngày họ cày cấy, chăn nuôi. Ban đêm, họ hóa thân thành những diễn viên dâng hiến cho đời những tiếng hát, những điệu múa, những vở kịch...khiến hàng ngàn khán giả ngồi chật ních dưới cái lạnh buốt căm căm, cứ phăng phắc để cùng buồn, cùng vui với số phận, thân phận con người...

Văn hóa là gì, nếu không phải là cái Đẹp? Cái đẹp nhân ái, độc đáo và đặc sắc, làm nên sự khác biệt giữa dân tộc này với dân tộc kia. Làm nên những giá trị tinh thần, tình cảm vĩnh hằng với nhân gian.

Nhưng văn hóa từ đâu, nếu không phải bắt đầu từ giáo dục? Từ những nhà trường phổ thông, đại học, như ĐHBK Quế Lâm mà góp phần nên?

Và như vậy, những quốc gia khôn ngoan, bao giờ cũng nói và làm cho giáo dục- thực sự phải là một quốc sách.

 

Theo tuanvietnam.vietnamnet.vn