Tin tức – Sự kiện

Phẩm cách người Nhật lay động học sinh Việt

04 Tháng Tư 2011
Những gì xuất phát từ trái tim sẽ đến được với trái tim. Xuất phát từ những tình cảm trong sáng, nguyên sơ của một tình yêu và lòng ngưỡng mộ phẩm cách của người Nhật trong cơn đại hồng thủy vừa qua, những học sinh Việt Nam đã có những hành động cụ thể để chia sẻ với người dân và những người bạn Nhật. Những dòng chia sẻ tâm tư của các học sinh đã lý giải vì sao phẩm chất của con người ở xứ sở hoa anh đào lại chinh phục được trái tim của các em.


Gửi thư về báo điện tử VietNamNet, em Nguyễn Hằng Anh, học sinh lớp 10 Văn, Trường PTTH Hà Nội - Amsterdam, chia sẻ một tình yêu đặc biệt với đất nước Nhật Bản.

 

Hằng Anh đã có dịp sinh sống tại Nhật Bản trong thời gian năm 2008 - 2009.

Với em, vẻ đẹp của nước Nhật không chỉ là thiên nhiên, cảnh sắc, mà còn là tâm hồn của người Nhật. Họ vô cùng nhân hậu.

Em xúc động khi nhớ lại bà cụ đã tắm cho em ở bể bơi, những người tốt bụng không-quen-biết tại siêu thị nhẹ nhàng lượm đồ giúp em khi em bất cẩn, những dòng người từ tốn và nhường nhịn nhau xếp thành hàng dài một cách trật tự tại ga tàu điện ngầm... "Chưa bao giờ em gặp những người tốt bụng đến như thế" - Hằng Anh chia sẻ.

Dưới đây, VietNamNet xin giới thiệu với bạn đọc những trải nghiệm của em Nguyễn Hằng Anh.


Cứu sống em bé trong thảm họa động đất. Ảnh: CNN

“Quan trọng là con đã dùng cả trái tim của mình để viết!” - Đó là câu mẹ đã nói khi tôi có ý định gửi bài viết lên VietNamNet để viết về Nhật Bản. Về một đất nước từ lâu trong tiềm thức của tôi đã hằn lên một vết ký ức sâu đậm và chân thực hơn bao giờ hết. Về một đất nước mà từ lâu tôi coi như máu mủ ruột già của mình. Về một đất nước mà quan trọng nhất, là quê hương thứ hai của tôi.

 

Quay ngược dòng thời gian trở về những năm 2000, khi tôi còn là một cô bé sáu tuổi. Hạnh phúc là khi đến trường được khoe với lũ bạn rằng “Mẹ tớ đi Nhật làm thạc sĩ đấy”, là hàng tháng được cầm trên tay những món đồ đáng yêu mẹ gửi về. Nhật hiện lên là một nơi xa xôi, một nơi đẹp như thiên đường qua lời kể của mẹ. Nhưng quả thực mà nói, lúc đó, Nhật là gì không quan trọng mà miễn là tôi đều đều nhận được những món quà đẹp đẽ, có cái để khoe với bạn bè chứ cũng không phải là chuyện gì to tát.

Lớn lên một chút, mẹ luôn hướng tôi về đất nước ấy, như một điều gì nghiễm nhiên và giản đơn và tôi - đã từng cảm thấy thật sáo rỗng. Tôi thậm chí đã từng tự hỏi xem tại sao mẹ tôi lại phải thái quá như vậy, như vậy là áp đặt còn gì nữa? Tại sao không để tôi đến một đất nước lớn với nền văn hóa đa chủng tộc rất phong phú như Mỹ, cho tôi đi thăm thú cảnh đẹp ở những thành phố diễm lệ của Pháp hay là chọn một nơi được mệnh danh là “Xứ sở sương mù” như Anh? Bao nhiêu câu hỏi đặt ra trong đầu và quả thực thời gian ấy mẹ cũng đã trăn trở suy nghĩ rất nhiều. Nhưng rồi mẹ đã nở nụ cười khi một ngày được nghe tôi nói: “ Con yêu nước Nhật mẹ ạ!"

Nhật khác Mỹ, ở Nhật có những con người mà có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ được gặp ở Mỹ.

Đó là một cụ bà hơn 70 tuổi ở bể bơi có nụ cười thật hiền. Bà chủ động làm quen rồi chăm sóc tôi như đứa cháu nhỏ. Đó là người thầy giáo tận tâm giúp đỡ mẹ rất nhiều trong suốt quá trình làm luận án để đến khi về nước.

 

Đừng hỏi tôi tại sao, đó là vì trái tim tôi mách bảo thế! Nó tự thầm thì với tôi rằng, Nhật khác Mỹ, ở Nhật có những con người mà có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ được gặp ở Mỹ.

 

Đó là một cụ bà hơn 70 tuổi ở bể bơi có nụ cười thật hiền. Bà chủ động làm quen rồi chăm sóc tôi như đứa cháu nhỏ. Đó là người thầy giáo tận tâm giúp đỡ mẹ rất nhiều trong suốt quá trình làm luận án để đến khi về nước, mẹ không còn biết nói gì nữa ngoài từ “Domo arigato gozaimashita” thật nhiều, nhiều lắm tận sâu trong đáy lòng vì thầy đã là một “thầy giáo” đúng nghĩa.

Bao đêm thức trắng trên lab, những ngày không ăn trưa ngồi lo lắng suy nghĩ, những chuyến thực địa không chỉ ở Nhật mà còn ở cả Việt Nam – một nước đang phát triển với bao khó khăn còn bộn bề. Tất cả, hòa quyện... tạo nên một người thầy tuyệt vời mà mẹ luôn kính trọng và ngưỡng mộ, mẹ nhỉ?

Nhật Bản – không chỉ là vẻ đẹp tiềm ẩn nơi mỗi con người mà còn là là niềm vui vì được hòa mình vào thiên nhiên, một chút gì đó yên bình và ấm áp. Nếu như Pháp đẹp ở vẻ lung linh của ánh điện nơi quảng trường dưới con mắt của người nghệ sĩ thì ở Nhật, vẻ đẹp ấy không cao sang: là những bông hoa anh đào nở rộ sắc hồng tươi tắn, là ngôi đền trên đỉnh đồi cao, đôi khi là dòng người nối nhau trong ga tàu điện ngầm... Đâu phải là thứ gì quá đỗi to tát, là một chút bé nhỏ mà mỗi con người dành trọn tâm hồn mình cho mảnh đất này đều cảm nhận được và thấm thía nó.

 

Trong đêm tối, vài bóng người gò lưng đạp xe trên con dốc dài hun hút, cơn gió lạnh khẽ thổi qua từng khóm lá cây, vài hạt mưa có rơi tí tách bên vệ đường. Ở đây ý thức tự giác, tính cộng đồng đã ăn sâu vào máu của những con người Nhật Bản từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chỉ cho đến khi ấy, người ta mới nhận ra rằng Nhật có ý nghĩa biết nhường nào, tại sao ở một vùng đất nghèo tài nguyên với những hiểm họa tự nhiên luôn rình rập mà Nhật vẫn vươn lên thành cường quốc lớn mạnh nhất nhì thế giới. Và tôi, mong rằng mình đã nhận biết được điều đó không quá muộn!


Kiểm tra mức độ nhiễm phóng xạ. Ảnh: CNN

Mấy ngày gần đây, tôi xem được tin tức thời sự trên báo, đài. Có chút gì thảng thốt, có chút gì đó giật mình. Tôi đã từng sống ở Kofu, nơi cũng bị ảnh hưởng ít nhiều động đất do thảm họa lịch sử này gây nên. May mắn cho tôi, tôi cũng đã từng đi qua những thành phố ấy để ngắm nhìn trước khi chúng bị thiên tai tàn phá. Nhưng có lẽ vì thế mà lòng tôi có quặn thắt, có chút gì đó đau hơn những người dân Việt Nam bình thường khác chăng? Tôi ngắm nhìn và hồi tưởng lại những con phố đông đúc, tấp nập người qua lại, những công trình hiện đại bậc nhất thế giới, liệu bây giờ còn lại bao nhiêu phần.

 

Tôi nghe lời kể của các anh, các chị mà thấy xót xa đến vô cùng. Những giọt nước mắt có tuôn rơi, nhưng chỉ một chút thôi, trong lòng tôi vẫn còn một niềm tin và hi vọng, bởi nước Nhật kiên cường của tôi sẽ không đầu hàng, sẽ càng nỗ lực vươn lên hơn nữa. Vì họ biết hy sinh cho nhau, đặc biệt hơn thế là sự hy sinh từ những người già cho tới trẻ nhỏ - ở cái tuổi mà thậm chí nhận thức còn chưa rõ ràng! Phải chăng cách sống đẹp ấy đã thấm nhuần trong máu của những con người xứ sở mặt trời mọc như một lẽ thường của cuộc sống?

 

Thực chất mà nói, sự hy sinh được phát triển từ sự nhường nhịn hàng ngày. Có chăng sự khác nhau là khi hy sinh, tức là ta đang mất một điều gì đó. Hy sinh lớn lao hơn và mang tầm ý nghĩa cao hơn. Hy sinh là khi ta chấp nhận cho đi mà không hối tiếc, không cần nhận lại.

Những người biết hy sinh là những người không mang trong mình sự ích kỉ của cá nhân mà luôn hướng tới lợi ích của người khác, của cộng đồng.

Những khái niệm ấy nói ra có thể sẽ bị cho là phóng đại phi thực tế nhưng không phải chính trong cơn đại hồng thủy này đã cho ta rất nhiều minh chứng hay sao? Bộ quần áo đơn sơ, trời giá rét, một cốc nước, chẳng phải lạnh lắm sao, thời tiết khắc nghiệt những tưởng đã có thể vùi dập biết bao con người khiến họ gục ngã.Nhưng ông trời đâu biết, ông đã nhầm, càng ở trong những hoàn cảnh như vậy thì trái tim họ lại càng trở nên ấm áp, hình ảnh cậu bé vô danh cầm chiếc cốc lặng lẽ đứng xếp hàng khiến cho bao người phải rùng mình cảm phục. Chắc hẳn em cũng đói lắm chứ, nhưng dường như tư chất của một người Nhật mới càng tỏa sáng trong em. Em biết nghĩ cho người khác, cho những người cũng có hoàn cảnh như mình.

Nào có ai ở đó dạy em phải làm thế này, phải làm thế kia! Vậy nhưng.... Trong hoàn cảnh như vậy mà em bé vẫn nghĩ tới công bằng như một điều cốt lõi của cuộc sống. Còn điều gì tôi có thể thốt lên được nữa! Những con người Nhật Bản yêu quí của tôi, tại sao họ lại đẹp đến thế? Tại sao họ lại khiến cả thế giới phải cúi đầu mà cảm phục ? Tại sao trong tình huống khó khăn vậy mà họ vẫn giữ lời hứa viện trợ cho Campuchia 94 triệu USD không hoàn lại để phát triển kinh tế.

Đối với người Nhật mà nói, hy sinh bất kể thời điểm nào, ở nơi đâu, dù với ai họ cũng sẽ đều hy sinh cả. Con người Nhật đơn thuần như vậy đấy. Họ dám hy sinh trong khi hoàn cảnh cũng không hơn ai là mấy, hy sinh dù mình sẽ bị thiệt đến thế nào. Họ hy sinh một cách vô tư mà không cần một lời thỉnh cầu hay một lời đáp lại. Tấm lòng họ đẹp như viên ngọc không cần mài giũa, nó đẹp từ trong ra, tỏa sáng long lanh đến lạ thường.

Họ nghiệm ra rằng giúp đỡ nhau là cách cần thiết để tất cả đều được có một Cuộc sống

Đôi khi tôi thầm tự hỏi: “Tại sao phải hy sinh nhiều đến thế?”.

 

“Sống trong đời
Sống
Cần có một tấm lòng”

Sống là để lại cho đời một kiếp sống có ý nghĩa... như những gì người Nhật đã, đang và sẽ làm.

 

Cũng như bao người mẹ khác, mẹ tôi đã hy sinh tuổi trẻ, và sự nghiệp dành cho tôi những mong tôi sẽ có một cuộc sống hạnh phúc và sung sướng. Đó mới là sự hy sinh lớn lao nhất đối với tôi.

Nhìn vai mẹ gầy đi theo từng năm tháng mới thấy sự hy sinh ấy đã bị thời gian in hằn lên. Nhưng có lẽ đó lại là một cơ hội, mẹ đã từng từ chối Úc, Anh... Nhưng ít ai biết rằng khi một cánh cửa đóng lại là khi một cánh cửa khác mở ra. Nhờ sự hy sinh dành cho tôi mà mẹ đến với Nhật, như một điều rất bình thường, mà sau đó nhận được nhiều hơn thế. Mẹ thường nói, những gì đất nước này cho mẹ là ân nghĩa, mẹ nhận rất nhiều mà chưa bao giờ có cơ hội được đáp trả lại. Nhật Bản là một phần của cuộc sống.

 

Nhật cho tôi nhiều hơn tôi vẫn tưởng, là tình người, là tình yêu thương sưởi ấm những trái tim giá băng. Giá trị của cuộc sống là cho đi và nhận lại, mà đối với tôi, người Nhật đã cho nhiều hơn những gì họ đáng được nhận.

Tôi, ở Việt Nam, nhưng trái tim xin để một chỗ dành cho mảnh đất ấy để cầu nguyện cho mảnh đất của lòng nhân hậu sẽ nhanh chóng vượt qua được những khốn khó trước mắt.

Và tôi tin chắc rằng, những tấm lòng nhân hậu ấy sẽ không phí công khi đã sống như vậy, nhất định một ngày nào đó, họ sẽ nhận được nhiều điều hơn thế! Thứ mà họ nhận được sẽ còn giá trị hơn thế nữa.

Cầu mong rằng, mảnh đất hiền hậu ấy, vẫn sẽ dành cho tôi một góc nhỏ, để tôi có cơ hội được cho đi nhiều hơn nữa trên chính mảnh đất ấy, để tôi có cơ hội san sẻ, vực dậy, cùng bước tiếp với Nhật Bản trên con đường trở thành cường quốc lớn mạnh nhất thế giới. Một điều hoàn toàn xứng đáng!

 

  • Nguyễn Hằng Anh (lớp 10 Văn, Trường PTTH Hà Nội - Amsterdam, Hà Nội)

Theo vietnamnet.vn

Giá trị của cuộc sống là cho đi và nhận lại, mà đối với tôi, người Nhật đã cho nhiều hơn những gì họ đáng được nhận.

Như một sợi dây gắn kết vô hình với các bạn bè người Nhật cũng như bây giờ, khi nhìn ra xung quanh mình, đâu đó có chữ Nihon đập vào mắt tôi như gợi nhắc một điều gì đó thiêng liêng lắm.

Có lẽ bởi sinh ra giữa một môi trường vốn có truyền thống như vậy, bản thân là một đất nước không những nghèo tài nguyên mà còn ở vùng đất quanh năm động đất, họ nghiệm ra rằng giúp đỡ nhau là cách cần thiết để tất cả đều được có một Cuộc sống. Những người dân Nhật Bản của tôi – đôi khi họ là những người bạn khiến tôi cảm động trước món quà được lặn lội mang về tận Việt Nam, những dòng chữ lưu bút kỉ niệm nắn nót mà tình cảm dành cả đêm dài ngồi viết, đôi khi là những thiên thần giữa đời thường.
Mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống, mỗi khi phải cho đi, tôi thường nói với mình rằng tôi may mắn hơn những người khác, tôi được gặp họ để biết rằng cuộc sống không phải chỉ đơn thuần để sống:

Sự hy sinh được phát triển từ sự nhường nhịn hàng ngày. Có chăng sự khác nhau là khi hy sinh, tức là ta đang mất một điều gì đó. Hy sinh lớn lao hơn và mang tầm ý nghĩa cao hơn.

Từ đống hoang tàn đổ nát, tôi nhớ chỗ kia từng có hàng người dài ngay ngắn xếp chờ mua một món đồ, chỗ khác lại là mấy chị mặc Kimono đi chơi vào những ngày cuối tuần cũng lại đứng xếp hàng chờ lên tàu...