Tin tức

Nghệ thuật đương đại đã bị lợi dụng

16 Tháng Tư 2011

 

1 thanh niên đang được trang trí để trở thành Body Art

Được xem là một lễ hội hoành tráng nhất từ trước đến nay, Lễ hội đền Lảnh Giang năm nay diễn ra vào ngày 23/7 vừa qua cũng lần đầu tiên việc hầu đồng được công khai hóa như một hình thức diễn xướng tâm linh để khởi đầu cho các hoạt động đề cử UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây cũng là lần đầu tiên nghệ thuật đương đại được đưa vào một lễ hội mang tính chất truyền thống khiến cho đông đảo du khách thập phương háo hức kéo về. Đồng thời nó cũng như tạo ra nhiều sự tranh cãi trong giới nghiên cứu văn hóa về vai trò của nghệ thuật đương đại. Liệu sự hiện diện của chúng ở đây đã thực sự có ý nghĩa và thích hợp?

Trên Mỹ thuật số tháng 8/2009, có đăng bài của Thạc sĩ Phạm Quốc Trung (PQT) dưới nhan đề “Khi Body Art về với hội làng” đã đặt ra một số vấn đề trong việc cảm nhận nghệ thuật mới, và việc xã hội hóa nghệ thuật. Bài viết này, tôi xin được có vài điều trao đổi lại cùng tác giả PQT.

Trước tiên phải nói rằng, chưa bao giờ một lễ hội truyền thống lại được sự quan tâm sâu sắc đến vậy của giới báo chí truyền thông cũng như các nghệ sĩ đương đại. Từ đêm hôm trước, họ đã tất bật chuẩn bị cho một màn trình diễn lớn những tác phẩm body art. Điều này đã thực sự thu hút sự tò mò của không ít người dân, lần đầu tiên được chứng kiến tận mắt các nghệ sĩ phô diễn tài năng của mình không phải là lên toan mà chính thân thể của những trai làng tráng kiện, được cắt cử phục vụ đám rước bát bửu, lỗ bộ đứng hai bên sân khấu khi buổi hầu đồng diễn ra. Trên một khía cạnh nào đó, các hoạt động vẽ trên thân thể này đã tạo ra một sự cộng cảm thật sự giữa những thanh niên chưa bao giờ có khái niệm về nghệ thuật, chứ chưa nói đến nghệ thuật đương đại là gì, nay đã biết đến một “khái niệm sơ lược” về body-art. Chính nhân tố này đã khiến cho đêm hội sau khi được quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng thì dân thập phương kéo về cho thỏa chí tò mò. Tuy nhiên, ta không nên đánh giá cách làm này từ việc truyền thông đánh vào tâm lý tò mò của đại đa số bộ phận người dân, mà cần nhìn nhận nó ở một góc độ khái quát hơn.

Vấn đề ở đây không phải nghệ thuật đương đại có bộ mặt như thế nào, hay các nghệ sĩ đã vẽ lên thân thể những thanh niên trai tráng kia cái gì, mà nghệ thuật đương đại đã được sử dụng như thế nào trong các hoạt động mang tính chất tâm linh của một lễ hội truyền thống. Từ sự hào hứng của việc thực hành body art, người ta đã thực sự thất vọng bởi dường như những nhân vật được hóa hình một cách cầu kỳ đến như vậy lại không có một động thái nào khác ngoài việc đi lại một cách vô nghĩa trên sân khấu nổi, hoặc “đứng nghiêm hàng tiếng để hầu dâng cùng bốn cô đồng khác cũng được vẽ lên người” (PQT). Theo kịch bản được dàn dựng, thì những nhân vật này tượng trưng cho những nhân vật “thủy thần” thuộc hạ của ba ông rắn được thờ ở đền, chầu rìa hai bên sân khấu diễn ra sự nhập đồng của các ông vào các giá đồng. Hay như TS Bùi Quang Thắng (Tổng đạo diễn chương trình) đã lý giải về là cần “phải có sự bổ sung, sáng tạo thêm” bằng cách đưa cả những lối trang trí nghệ thuật kiểu thổ dân úc, Phi, châu Mỹ La tinh để theo kịp những “xu hướng mới của các nước phát triển trên thế giới trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hoá”

Hoặc trước thềm của việc xin công nhận di sản UNESCO, người ta cần phải chứng minh là hầu đồng đang có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đối với các giá trị nghệ thuật đương đại.

Vậy thì kiểu bảo tồn và sáng tạo như thế này có thực sự cần thiết? Văn hóa là sự tự vận động và tiếp biến. Cho dù việc hiện đại hóa những lễ hội truyền thống là điều không tránh khỏi trong xã hội đa diện như hiện nay, nhưng sự chủ động áp đặt một văn hóa đương đại lên nền tảng văn hóa truyền thống không có xuất phát điểm từ chính cộng đồng sáng tạo và hưởng thụ nó là một việc làm phi văn hóa. Mặc dầu tục vẽ mình hình giao long đã từng được các thư tịch cổ ghi nhận nhưng như kiểu body-art được trình diễn ở lễ hội lần này thì lại là một vấn đề khác.

PQT trong bài viết của mình có nhấn mạnh rằng “các họa sĩ khi sáng tác cũng cố gắng kết thể hiện nhiều họa tiết sóng nước, hoa sen, rắn, mây, biểu tượng âm dương... trên các body art. ở đây không có sự sáng tạo tùy hứng của nghệ sĩ mà chắc chắn các nghệ sĩ coi mình như một cá thể trong cộng đồng, góp tay vào “việc làng” vì cộng đồng, vì lễ hội, trong một sự đồng cảm hiển nhiên của cả hai phía nghệ sĩ và dân làng. Sự thiêng liêng, oai linh của các vị thánh được thờ, của các nghi lễ hầu đồng tất nhiên phải được chính những người dân làng tôn thờ, các tráng đinh được vẽ Body art hiển nhiên phải thấy nghiêm túc và vinh dự trong vai trò của mình, không có chuyện phỉ báng thần thánh ở đây”. Tôi cho rằng PQT đã có sự nhầm lẫn khái niệm. Nếu các nghệ sĩ vẽ không tùy hứng, có nghĩa họ phải vẽ theo một khuôn mẫu đã có sẵn. Còn nếu vẽ những biểu tượng sóng nước hoa sen, rắn mây, thậm chí có nhân vật vẽ cả một bộ xương lên người, thì cũng chỉ là hình tượng mà thôi. Tôi không bàn đến ngôn ngữ và cách hiểu của các nghệ sĩ về body art được thể hiện ra trên tác phẩm của mình. Nếu thư tịch cổ không chỉ nói chung chung mà còn ghi chép lại cả những đồ án đó, nay chúng ta tái hiện, phục dựng lại thì lại ra một nhẽ khác. Còn nếu coi body art ở đây chỉ như “một hình thức trang trí khác thường để tạo điểm nhấn thị giác cho phần diễn xướng hầu thánh” thì mặc nhiên Phạm Trung đã mâu thuẫn với chính mình để coi body art ở đây chỉ là một hình thức ký sinh. Và như vậy cũng có nghĩa nó bị lợi dụng cho một mục đích khác. Mục đích gây tò mò, gây sốc chứ không phải là điều thực sự cần thiết cho một lễ hội truyền thống, hay cho tính linh thiêng. Lễ hội truyền thống được hình thành và dựa trên yếu tố tâm linh. Nếu yếu tố tâm linh đã được hiện thực hóa sống sượng như thế thì cũng coi như “thế tục hóa” và giải thiêng tất cả những niềm tin vô hình của con người.

Còn việc có được sự đồng cảm giữa nghệ sĩ và dân làng mà PQT đề cập đến khi làm body art hoàn toàn khác với chuyện nghiêm túc hay linh thiêng của lễ hội. Có thể rất nghiêm túc rất linh thiêng nhưng không có nghĩa là body art đã làm tốt “phận sự” của mình trong lễ hội. Kể cả TS Bùi Quang Thắng, người chịu trách nhiệm chính cho kịch bản của đêm tái hiện lễ hội, cũng đã nhầm lẫn trong vấn đề này. Có thể ông đã muốn xã hội hóa nghệ thuật đương đại trong một bối cảnh lễ hội truyền thống, nơi con người ta có thể dễ dàng cộng cảm với nhau. Hoặc nhóm đạo diễn của Viện Văn hóa nghệ thuật muốn tạo ra một mắt xích liên hệ giữa diễn xướng đương đại hòa với cùng với diễn xướng truyền thống để tạo ra sự đồng cảm. Cho dù, trong văn hóa truyền thống Việt sẵn có những nhân tố trình diễn hay sắp đặt, nhưng lối cắt ghép kiểu này đã thể hiện ra sự thiếu hiểu biết ngôn ngữ nghệ thuật đương đại. Điều đó dẫn đến việc khi xây dựng kịch bản lễ hội có một độ vênh rất lớn giữa cái được coi là truyền thống và cái được xem là các giá trị đương đại. Chúng tạo ra những cái hiểu sai lạc cả về lễ hội truyền thống lẫn những dòng nghệ thuật mới. Hình thức body-art được nhìn thấy ở đây chỉ đơn thuần là thể hiện ra trong tính hình thức, còn giá trị thực sự của nó là gì thì dường như không ai hiểu được. Kể cả những người nông dân lần đầu tiên biết đến một khái niệm mới về dòng nghệ thuật này có lẽ cũng chỉ biết nó là kiểu tô vẽ lên người thay cho toan vải, mà không thực sự hiểu được nguồn gốc cũng như mục đích hay giá trị đương đại của loại hình nghệ thuật khá phổ biến này hiện nay trên thế giới.

Ngoài body-art thì video-art ở đây cũng được vận dụng sai mục đích. Với một màn hình lớn được dựng trước sân khấu, ngay phía trên bàn thờ tế thần, được chiếu đi chiếu lại những hình ảnh của 3 nhân vật được tô vẽ đầy mình múa may ở trên đê, dưới sông lúc ẩn lúc hiện, như thể minh họa lại thần tích của ba vị thần rắn. Cái màn hình này đã tạo nên một tâm điểm chú ý cho mọi con mắt dồn vào, đã làm loãng đi tính chất linh thiêng của lễ tế và hầu đồng ở ngay phía dưới. Có thể nói chính những hình ảnh video art ở đây đã khiến cho lễ tế thần cảm giác như bị giải thiêng, bởi lẽ các vị thần linh là vô hình, họ nhập đồng để trở nên hữu hình, để linh chứng cho tấm lòng thành của những người dân, thì nay lại ỷ vào kỹ thuật hiện đại để tái hiện. Vậy thì sự tái hiện này có ý nghĩa gì? công chúng xem hầu đồng hay xem video art? Hơn nữa tác phẩm video của họa sĩ Phương Vũ Mạnh được PQT đánh giá là “hơi đơn điệu, kỹ xảo ánh sáng đơn giản”. Tôi cho rằng tác phẩm này đã được đặt không đúng chỗ để tạo nên những hiệu quả thị giác cần thiết. Đặt video art ra một khoảng không rộng lớn cần phải tính đến nhiều vấn đề khác nhau. Video art không chỉ là hình, mà còn có phần âm thanh bổ trợ, nếu phần âm thanh bổ trợ được phóng đại bằng loa phóng thanh trong phần lễ hội ở đây, thì sẽ ngay lập tức “cạnh tranh” với tiếng hát của các cung văn bên dưới. Do vậy chúng không thể tạo ra một chỉnh thể để người tham gia lễ hội cùng đồng cảm với video art vừa đồng cảm với các động tác múa hay, đàn ngọt của các cung văn và người nhập đồng. Tương tự như vậy nhạc ngẫu hứng DJ của Vũ Nhật Tân cũng vênh và mờ nhạt. Nó được trình diễn cùng với màn diễn 3 ông rắn ở dưới hồ. Đây là một màn diễn khá dài, đơn điệu đã đành, âm nhạc kèm theo lại không tạo nên được điểm nhấn quan trọng cho màn diễn. Chính những khúc mắc này đã làm nên những mâu thuẫn rất lớn giữa người tổ chức lễ hội và các nghệ sĩ làm nghệ thuật đương đại. Phải nói rằng các nghệ sĩ đương đại khi tham gia vào lễ hội này đã không ý thức hết được vai trò của mình. Họ là nhân vật chính hay nhân vật phụ trong đám diễn? Sáng tác của họ là cho nghệ thuật video-art, body-art, hay cho lễ hội?

Do vậy nếu chỉ đơn thuần sử dụng nghệ thuật đương đại như một công cụ để tạo ra nét mới cho một lễ hội truyền thống, thì có lẽ những loại hình như video-art, body-art ở đây đã bị lợi dụng để phục vụ cho một mục đích khác phi nghệ thuật. Hoặc ngược lại tìm cách phá đi cái “”tháp ngà” quá cao siêu” của nghệ thuật để “đưa các ứng dụng tương tác của nghệ thuật vào đời sống cộng đồng”, thì có lẽ ban tổ chức đã tìm nhầm cách. Nếu muốn dân hiểu nghệ thuật thì phải tạo ra được một hệ thống giáo dục nghệ thuật từ tận gốc, chứ không phải là kiểu hái ngọn này. Nếu giáo dục mỹ thuật ở các cấp phổ thông các loại hình này được đưa vào, thì vấn đề cộng đồng, hay xã hội hóa nghệ thuật không cần phải mượn đến lễ hội, không cần đến một người ngoài làng, thiết kế kịch bản cho việc hầu thánh làng mình. Tất nhiên chuyện giáo dục phổ cập nghệ thuật ở đây là một câu chuyện dài mà người viết xin dành cho một dịp khác.

Trở lại với lễ hội, yếu tố thiêng là một vấn đề quan trọng nhất của một lễ hội ở đây có thể nói đã bị lối tư duy minh họa như vậy giải thiêng. Yếu tố trực ngôn của những loại hình nghệ thuật đương đại vốn được xem là một tư chất không thể thiếu đã bị lễ hội lợi dụng, cắt lát để tạo ra những sản phẩm văn hóa tồi. Việc thiếu sự gắn kết giữa trình diễn và tác phẩm, khiến cho những nhân vật được vẽ mình ở đây trở nên vô duyên trong bối cảnh mà họ chỉ là những nhân vật có tính minh họa. Đây là điều không nên có trong một lễ hội truyền thống cho dù đó chỉ là phục dựng theo kiểu minh họa. Hãy để nghệ thuật đương đại cất lên tiếng nói của mình đúng nơi đúng chỗ.


TRANG THANH HIỀN

Theo vietnamfineart.com.vn