Tin tức

Nắm vững các quan điểm, vận dụng sáng tạo trong quá trình truyền đạt Nghị quyết Đại hội XI

23 Tháng Tư 2011

Sáng 22/4, sau hơn hai ngày làm việc khẩn trương và nghiêm túc, Hội nghị cán bộ chủ chốt khu vực phía Bắc triển khai học tập, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã hoàn thành chương trình đề ra. Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu bế mạc Hội nghị.

 

Trong hơn 2 ngày qua, các báo cáo viên Trung ương đã truyền đạt về những quan điểm lớn, những nội dung cơ bản và điểm mới của các văn kiện: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020; Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khoá X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Điều lệ Đảng (bổ sung, sửa đổi).

 
 Đồng chí Đinh Thế Huynh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng,
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu bế mạc Hội nghị

 

 

Thay mặt Ban Chỉ đạo đợt sinh hoạt chính trị học tập, nghiên cứu, quán triệt các văn kiện Đại hội XI của Đảng và lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí Đinh Thế Huynh đã hoan nghênh sự nhiệt tình của các đồng chí báo cáo viên, sự tham gia đông đủ, tích cực và rất nghiêm túc của các đại biểu về tham dự Hội nghị. Đồng chí nhấn mạnh: Tất cả nội dung các văn kiện Đại hội XI của Đảng đều rất quan trọng, mỗi phần, mỗi điểm đều có vị trí quan trọng, do đó, các báo cáo viên cần nghiên cứu kỹ lưỡng, nắm vững và vận dụng sáng tạo trong quá trình truyền đạt Nghị quyết Đại hội XI tại các đảng bộ và các địa phương.

 

Nắm rõ những quan điểm đáng chú ý trong các Văn kiện Đại hội XI

 

Tại Hội nghị lần này, đồng chí Đinh Thế Huynh yêu cầu các báo cáo viên cần nắm vững những điểm đáng chú ý sau:

 

Về Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), cần nắm vững 5 bài học kinh nghiệm lớn: Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; Không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế; Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế; Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

 

Về 8 đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; Do nhân dân làm chủ; Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; Có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; Các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; Có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.

 
 Các đại biểu tham dự Hội nghị

 

 

Về mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta và mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI. Mục tiêu tổng quát là: xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hoá phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

 

Từ nay đến giữa thế kỷ 21, toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

 

 

Về 8 phương hướng cơ bản xây dựng xã hội chủ nghĩa: Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường; Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; Bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường và mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất; Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

 

Đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết tốt những mối quan hệ lớn: Quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; Giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; Giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; Giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; Giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; Giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; Giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; Giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; Không phiến diện, cực đoan, duy ý chí.

 

Về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011- 2020, đồng chí Đinh Thế Huynh yêu cầu cần phân tích rõ để thấy cho hết những thuận lợi và khó khăn trong chặng đường 10 năm tới mà đất nước ta sẽ trải qua, sẽ phải đối mặt. Đồng thời, phải nắm thật vững 5 quan điểm phát triển và 3 đột phá chiến lược cũng như 12 nội dung trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội; 4 vấn đề cơ bản nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước.

 
 Đồng chí Phạm Văn Linh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
hướng dẫn tổ chức triển khai các Hội nghị nghiên cứu quán triệt Nghị quyết Đại hội XI

 

 

Về Báo cáo chính trị, cần nắm thật vững mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong 5 năm tới, trong đó có mục tiêu tổng quát và 5 nhiệm vụ chủ yếu; 10 nhiệm vụ và giải pháp lớn mà Báo cáo chính trị đề cập; 7 nhiệm vụ trọng tâm, phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ.

Về Điều lệ Đảng (sửa đổi bổ sung): Trên cơ sở đánh giá việc thi hành Điều lệ Đảng (Khóa X), Đại hội XI cũng đã tiến hành sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung của Điều lệ cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay. Đại hội đã thảo luận, sửa đổi, bổ sung các vấn đề như: tiêu chuẩn đảng viên, về những điều đảng viên không được làm, thời gian tính tuổi đảng của đảng viên, thành lập tổ chức cơ sở đảng, nhiệm kỳ đại hội đảng ở những nơi thành lập mới chia tách, hợp nhất, sáp nhập giữa nhiệm kỳ, quy định về thí điểm một số chủ trương mới, về tổ chức đảng trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, về thẩm quyền kỷ luật đảng viên của cấp ủy các cấp... Đồng chí Đinh Thế Huynh đề nghị các báo cáo viên nắm vững, truyền đạt chính xác, nhằm thực hiện nghiêm túc các quy định mới.

 

 

Sớm đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

 

Đồng chí Đinh Thế Huynh cũng lưu ý, việc quán triệt văn kiện Đại hội không thể chỉ dừng lại ở các Hội nghị, các đồng chí cán bộ chủ chốt và báo cáo viên tham dự Hội nghị cần tiếp tục nghiên cứu sâu sắc về những quan điểm lớn, những vấn đề cơ bản và mới trong các văn kiện Đại hội. Mỗi báo cáo viên phải thấm nhuần tinh thần của các văn kiện và gắn chặt việc học tập, nghiên cứu Nghị quyết Đại hội với việc xây dựng và thực hiện thật tốt chương trình hành động, hoàn thành nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, tổ chức, của mỗi cán bộ, đảng viên để từ đó đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

 
 Trong hơn 2 ngày, các đại biểu đã được nghe những điểm mới,
những nội dung quan trọng trong các Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI

 

 

Đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: Học tập, quán triệt và triển khai đưa Nghị quyết Đại hội XI của Đảng vào cuộc sống là trách nhiệm, đồng thời cũng là vinh dự đối với mỗi cán bộ, đảng viên, nhằm thực hiện bằng được nhiệm vụ quan trọng: ''Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại''.

 

Đồng chí cũng tin tưởng rằng các đồng chí cán bộ chủ chốt và báo cáo viên nòng cốt tham dự Hội nghị ngày hôm nay sẽ mang hết tâm huyết của mình để tiếp tục thực hiện tốt công tác quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết của Đại hội theo kế hoạch chung, sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống, biến các chủ trương, đường lối, mục tiêu trong các văn kiện Đại hội thành kết quả thực tiễn, thể hiện rõ trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước./.

                                                                                                                                           Theo cpv.org.vn