Tin tức – Sự kiện

Người khổng lồ trong những người khổng lồ

03 Tháng Năm 2011

Mikhail Vasilievich Lomonosov là một nhà "bách khoa toàn thư", có những đóng góp to lớn trên nhiều lĩnh vực. Không chỉ là một nhà khoa học tự nhiên, ông còn là một sử gia, một họa sĩ, một nhà thơ, người đặt nền móng cho ngôn ngữ văn học Nga hiện đại... Đại thi hào Pushkin từng tôn vinh Lomonosov là "Người thầy khoa học của nước Nga", còn nhà phê bình văn học lỗi lạc Belinsky thì ghi nhận ông là "Nhà thơ đầu tiên của nước Nga"...

Nhân dịp UNESCO chuẩn bị kỷ niệm 300 năm ngày sinh của Mikhail Lomonosov (vào tháng 11 tới), xin có đôi dòng ôn lại cuộc đời cùng một ít dữ liệu liên quan đến những hoạt động văn học - vốn chỉ là nghề tay trái - của con người được Thượng đế ban tặng cho quá nhiều khả năng này...

Mikhail Lomonosov sinh ngày 8/11/1711 trong một gia đình làm nghề đánh cá ở Denisovka - một làng chài hẻo lánh thuộc tỉnh Arkhangelsk (miền Bắc nước Nga). Đây là một làng đảo, mỗi năm cư dân của làng bị nước biển bao vây ít nhất hai tuần vào mùa xuân và hai tuần vào mùa đông. Kể từ khi tên tuổi Lomonosov làm sáng giá ngôi làng cổ kính, đến nay, ngôi làng đã sản sinh ra nhiều nhà khoa học xuất sắc, kế tục xứng đáng truyền thống hiếu học của các lớp cha anh.

Ngay từ nhỏ, Lomonosov đã nổi tiếng là sáng dạ, nhưng vì điều kiện kinh tế, ông phải tham gia học nghề như bất kỳ đứa trẻ nào khác trong làng, như học làm muối, học đóng thuyền bè. Cha ông - một ngư dân - đã giữ rịt cậu con bên mình để phụ giúp công việc.

Mới 10 tuổi, cậu bé Lomonosov đã phải theo cha ra khơi đánh cá. Sau này, người cha làm ăn phát đạt, cậu lại theo cha xuống tàu đi buôn bán. Lomonosov chỉ được biết tới con chữ là do một người hàng xóm tận tình dạy bảo cho. Là người đặc biệt ham mê đọc sách, Lomonosov đọc và nghiền ngẫm đến thuộc lòng một số cuốn sách mà mình vô tình có được. Cùng với sách, cậu bé ham học hỏi ấy đã gắng thu lượm những kiến thức - dẫu là ít ỏi - của những người lao động nghèo khó xung quanh. Chẳng mấy chốc, những cuốn sách và vốn hiểu biết của người dân quê đã không còn thỏa mãn được nhu cầu học hỏi, khám phá thế giới của cậu.

Dù thông minh đến mấy cũng không thể thu nạp kiến thức theo kiểu "học lỏm" mãi được. Cần phải có trường lớp đàng hoàng. Vậy là, năm 1730, ở tuổi 19, Lomonosov theo một đoàn xe chở hàng hóa rời làng lên Moskva tìm tri thức. Những ngày đầu, vì cần có chỗ dung thân, Lomonosov đã phải giấu đi nguồn gốc ngư dân của mình, đồng thời bịa ra lý lịch là con một vị giáo sĩ ở Arkhangelsk. Nhờ đó, Lomonosov đã nhanh chóng được nhận vào học tại Học viện Ngôn ngữ Latinh - Hy Lạp - Slav, là nơi vốn chỉ dành để đào tạo các tu sĩ. Mặc dù sống xa quê, thiếu thốn đủ bề, vậy nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, Lomonosov đã có những bứt phá đáng kinh ngạc. Vốn tiếng Latinh của ông vượt xa chúng bạn. Điểm số ở các bộ môn khác cũng luôn đạt loại xuất sắc.

Sau 4 năm theo học ở Học viện, Lomonosov đã hoàn tất một chương trình đáng ra phải học trong 7 năm. Cuối năm 1835, ông được giới thiệu sang học tại Học viện Khoa học Saint Peterburg. Chưa ngồi ấm chỗ, Lomonosov lại được triều đình cử sang Đức học về toán, vật lý, triết học, hóa học, cùng với đó là học về khai thác mỏ và luyện kim (là những lĩnh vực mà nước Nga đang rất thiếu chuyên gia) tại Trường Đại học Tổng hợp Marburg, một trong những trung tâm giáo dục uy tín nhất châu Âu thời ấy.

 

Tượng đài Lomonosov trước cổng Trường Đại học Quốc gia mang tên ông ở Moskva.

Từ đó cho tới khi về nước (năm 1741), Lomonosov đã tích lũy được một vốn liếng tri thức rộng lớn đủ giúp ông trở thành người giữ vai trò tiên phong trong công cuộc khai hóa và đổi mới các lĩnh vực văn hóa, khoa học của nước Nga suốt mấy chục năm…

Không biết có phải vì ngay từ bé, Lomonosov đã có may mắn được tiếp xúc với những cuốn như "Ngữ pháp" của Melechi Smochinski,  "Âm vận thánh ca" của Simion Polotski mà sau này, ông rất yêu thích và quan tâm đến vấn đề ngữ pháp và cách sử dụng âm vận trong thơ ca.

Trong thời gian tu nghiệp tại Đức, ông đã mang theo công trình "Phương pháp mới và ngắn gọn để sáng tác thơ Nga" của Trediakovsky. Có điều kiện đối chiếu với lý thuyết cũng như sáng tác của các nhà thơ Đức, Lomonosov nhận thấy, cách kiến giải về luật trọng âm của Trediakovski còn có những bất cập. Trước hết là bởi nó không dành cho mọi ngôn ngữ. Năm 1739, từ Đức, Lomonosov đã gửi cho Ban nghiên cứu tiếng Nga và văn học của Học viện Saint Petersburg "Thư bàn về các quy tắc sáng tác thơ Nga". Với quan điểm, thơ Nga phải được sáng tác dựa trên đặc điểm ngôn ngữ dân tộc, không nên lạm dụng các ngôn ngữ xa lạ của nước ngoài, qua bức thư dài gần 8 trang, Lomonosov đã trình bày một cách dung dị toàn bộ hệ thống thi luật âm tiết trọng âm đã và đang được vận dụng một cách phổ biến trong thơ ca Nga. Bên cạnh đó, ông cũng đưa ra được một hệ thống âm luật và vận luật cơ bản, mà theo ông, là thích hợp hơn cả với thơ Nga. Nó góp phần bổ sung cũng như khắc phục được một số hạn chế trong lý thuyết của Trediakovsky. Có thể nói, cho đến nay, hệ thống thi luật âm tiết trọng âm mà Lomonosov đưa ra hầu như không thay đổi, đa phần các tác giả, kể cả tác giả hiện đại Nga vẫn sáng tác theo thi luật này.

Những cải cách ngôn ngữ mà Lomonosov đưa ra đã mở ra một thời kỳ phát triển mới cho thơ ca Nga nói riêng, văn học Nga nói chung. Các tác giả tên tuổi thuộc lứa sau Lomonosov như Dergiavin, Karamzin đã rất tích cực áp dụng phương thức sáng tạo này. Điều đó đã tạo tiền đề cho Pushkin sáng tạo nên ngôn ngữ văn học hiện đại. Không phải ngẫu nhiên mà Pushkin đã dành cho Lomonosov những lời đánh giá kỳ vĩ: "Người thầy khoa học của nước Nga", cũng như ghi nhận rằng, nhờ có Lomonosov, lần đầu tiên ở nước Nga, ngôn ngữ bình dân và ngôn ngữ sách vở đã có được sự kết hợp nhuần nhị.

Ngoài việc gửi về cho Học viện Saint  Peterburg "Thư bàn về các quy tắc sáng tác thơ Nga", như để minh họa cho lý thuyết của mình, Lomonosov còn gửi kèm bản tụng ca "Về cuộc chiếm đánh Khotin" (bấy giờ, Khotin là một địa danh của Thổ Nhĩ Kỳ, nay thuộc đất của Moldavia). Đây là một bài thơ dài, được Lomonosov sáng tác năm 1739 nhân sự kiện quân đội Nga chiếm được pháo đài Khotin. Bài thơ hội tụ được trọn vẹn những đặc điểm cần có của thể tụng ca. Nhà phê bình Belinsky là người vốn dị ứng với thơ ca Nga thế kỷ XVIII, cho rằng hầu hết là "khoa trương", sau khi đọc "Về cuộc đánh chiếm Khotin" đã phải thừa nhận trường hợp của Lomonosov là một "ngoại lệ", rằng "ngoài nghệ thuật làm thơ điêu luyện", tác phẩm còn có "những cảm xúc sinh động".

Ngoài những tác phẩm đã nhắc tới trên, năm 1748, Lomonosov còn cho xuất bản một công trình rất có giá trị, đó là cuốn "Tu từ học". Cuốn sách được xem là cẩm nang đối với nhiều thế hệ bạn đọc. Trong cuốn sách, ngoài những ý kiến có tính tổng kết và khơi mở, Lomonosov còn giới thiệu với bạn đọc những áng văn mẫu mực của các tác giả tiêu biểu thời cổ đại như Homer, Virgil, Aristotle, cũng như tác phẩm của các nhà văn thời Phục hưng và của chính Lomonosov. Qua cuốn sách, Lomonosov còn chứng minh cho thiên hạ thấy rằng, tiếng Nga không hề thua kém bất cứ ngôn ngữ châu Âu nào về sự phong phú, hàm súc, khả năng thể hiện các trạng huống, cung bậc tình cảm.   

Sau cuốn "Tu từ học", năm 1755, Lomonosov tiếp tục cho ra mắt độc giả cuốn "Ngữ pháp Nga". Sách cung cấp nhiều tư liệu ngữ vựng phong phú và được diễn đạt bằng một văn phong sáng sủa, dễ hiểu. Nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định đây là bộ sách đầu tiên của nước Nga hướng dẫn cách "nói và viết tiếng Nga thế nào cho giản dị, tinh tế".

Sinh thời, Lomonosov sáng tác cả thảy gần 200 bài thơ, chủ yếu thể hiện tinh thần yêu nước và ca ngợi công cuộc cải cách của Piort Đại đế. Năm 1748, ông được trao giải thưởng lớn về thơ và có một giai thoại vui về chuyện này như sau: Giải thưởng trị giá 2.000 rúp, quy đổi ra côpếch (mỗi rúp bằng 100 côpếch) là 200.000 côpếch. Vì côpếch (cũng như đồng rúp) khi ấy được đúc bằng kim loại nên khi trao giải cho Lomonosov, người ta đã phải khuân trong kho ra một số tiền nặng tới trên 3 tấn. Lomonosov đã phải thuê mấy chiếc xe tam mã mới chở hết số tiền được trao. 

Mikhail Vasilievich Lomonosov qua đời ngày 4/4/1765 tại Saint Peterburg, khi mới ở tuổi ngoài năm mươi. Cả nước Nga đã đau đớn trước cái chết của bậc thiên tài, trong khi ở châu Âu và nhiều nước khác trên thế giới, phải rất lâu sau họ mới đánh giá đúng tầm vóc của Lomonosov

Theo vnca.cand.com.vn