Nội san

Vai trò của âm nhạc trong lễ hội

10 Tháng Năm 2011

Giảng viên: Trần Thị Thảo

Khoa Thanh nhạc - Nhạc cụ

           

 

Lễ hội là một loại hình sinh hoạt văn hoá dân gian tổng hợp, bao gồm nhiều thành tố nghệ thuật như văn học, âm nhạc, hội hoạ, kiến trúc, điêu khắc… Các thành tố này sẽ kết hợp với nhau nhằm làm tăng thêm ý nghĩa, sự thiêng liêng và giá trị của lễ hội. Trong khuôn khổ hạn hẹp của bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập tới một trong những thành tố kể trên và vai trò của nó trong lễ hội truyền thống của người Việt ngày nay, đó chính là âm nhạc.

 

Chúng ta có thể khẳng định rằng, âm nhạc được sử dụng trong lễ hội chính là âm nhạc dân gian với những nhạc cụ cổ truyền như: trống, mõ, cồng chiêng, thanh la, sinh tiền, chập choẹ, tù và, kèn sáo… thuộc các bộ mộc - thổ - kim - hơi - kéo - gõ v.v... Không chỉ vậy, trong quá trình diễn ra lễ hội như tiếng reo hò, la hét, vỗ tay… của khán giả cũng tạo nên những âm thanh độc đáo, làm tăng tính hấp dẫn, thú vị và vui tươi của không khí lúc bấy giờ.

Mỗi lần làng mở hội là một dịp để mọi người gác các công việc đồng áng quen thuộc để gặp gỡ, giao lưu với các làng lân cận. Khi chiêng trống vang lên thì trẻ già, trai gái đều háo hứng, hân hoan, rủ nhau đến hội. Âm nhạc trong lễ hội có vai trò báo hiệu, thúc giục mọi người. Vì lẽ đó nên dân gian đã có câu:

“Làng ta mở hội tưng bừng

Chiêng khua trống gióng vang lừng bốn phương”.

Lễ hội bao gồm phần “lễ” và phần “hội”. Đối với phần “lễ”, âm nhạc góp phần lớn trong việc tạo nên không khí linh thiêng, kính cẩn, chẳng vậy mà người xưa có câu: “Phi nhạc bất thành lễ” (Nghĩa là không có nhạc thì không thực hiện được cuộc tế lễ). Chiêng trống có chức năng làm hiệu lệnh điều khiển lễ tế từ đầu đến cuối. Trước đây, có những lễ đại tế kéo dài hơn nửa ngày như tế “Cửu trùng” (lễ hội Đinh Lê - Hoa Lư, Ninh Bình) với hơn bốn mươi bước tế kể từ “Khởi chinh cổ” đến “Lễ tất”. Trong suốt thời gian đó, nhạc tế phải luôn luôn bám sát các thành viên trong ban tế để vừa chỉ dẫn, nhắc nhở, vừa cổ vũ, động viên để giảm bớt sự mỏi mệt của mọi người. Với tính quy phạm nghiêm ngặt, khó có thể xáo trộn, thay đổi, bất cứ phần tế lễ nào cũng được diễn ra theo một quy trình đã định trước, mà phần khởi đầu luôn là “Khởi chinh cổ” (nghĩa là nổi chiêng trống).

Một ban tế thường có từ 23 đến 27 người, mỗi thành viên đảm nhận một công việc cụ thể. Nếu có sai sót thì cả làng phải chịu tội với thần thánh và ban tế phải chịu tội với làng. Với số lượng thành viên đông như vậy, mỗi nghi lễ lại gồm khá nhiều chi tiết nên nếu thiếu những âm thanh đóng vai trò là hiệu lệnh thì việc tế lễ khó thực hiện được một cách nhất quán, trình tự và hợp lý. Theo đó, âm nhạc của chiêng trống sẽ điều khiển cuộc tế bằng những tín hiệu có tính chất quy ước mà các thành viên trong ban tế phải nắm vững và thực hiện. Nhịp điệu nhạc tế luôn tương ứng với nhịp điệu nhanh chậm, độ dài ngắn của mỗi bước tế. Ví như: Khi vị chủ tế bước lên hai bước thì đánh hai tiếng nhanh; khi lùi về hai bước thì đánh hai tiếng chậm; lúc phủ phục (quỳ xuống) thì ba tiếng vừa; lúc bình thân (đứng dậy) thì ba tiếng nhanh; mãn tế thì đánh một hồi v.v...

Ngoài phần tế lễ thì múa dâng hương, múa tiến tửu, lễ rước cũng cần có âm nhạc hỗ trợ để tăng tính tôn nghiêm, sự nhịp nhàng, uyển chuyển. Điều này được thể hiện rất rõ bởi sự xuất hiện của các “phường bát âm” với đầy đủ chiêng trống, khèn nhị và sự hoạt động liền tay của các vũ công dân gian trong một đám rước.

 

Lễ rước (st)

 

Đối với phần “hội”, âm nhạc có chức năng làm hiệu lệnh, hướng dẫn, điều khiển các trò chơi, đặc biệt là các trò chơi mang tính thượng võ như bơi chải, đấu vật, kéo co... Nhờ “nhạc trống”, các tay chèo trong cuộc đua thuyền sẽ được thôi thúc, cổ vũ, có thêm động lực để quyết tâm giành chiến thắng. Trống đánh càng mạnh, càng giòn thì những mái chèo khua càng mạnh, khí thế hăng đua càng lên cao, cuộc đua càng quyết liệt.

Hay như trò đấu vật ở hội làng Liễu Đôi (Thanh Liêm, Hà Nam), nhạc trống là yếu tố rất quan trọng. Theo đó, người cầm trống đóng vai trò vừa là trọng tài, vừa là một cổ động viên nhiệt thành. Theo đó, khi người này đánh ba tiếng trống thong thả là hiệu lệnh để các đô vật vào xới; ba tiếng liên tục theo từng nhịp là thúc giục sự mạnh mẽ, quyết liệt hơn ở hai bên; khi hai đấu thủ “phạm luật” thì sẽ là tiếng “cắc cắc”; và keo vật sẽ kết thúc khi vang lên một hồi trống dài. Như vậy, âm thanh của trống là yếu tố tối quan trọng, gắn liền với không khí và diễn biến của trò chơi này.

Đấu vật (st)

 

Trong lễ hội còn có những hoạt động sinh hoạt mang tính tâm linh, thể hiện quan niệm về đời sống tinh thần của người dân. Lễ hội Tam phủ, Tứ phủ gắn liền với việc lên đồng và hát chầu văn. Tại đó, âm nhạc là một phần không thể thiếu, giúp con người có thể chuyện trò cùng thần thánh, giúp các căn đồng phấn khích để nhảy múa tưng bừng suốt buổi. Các làn điệu chầu ăn, lưu thuỷ... cùng với những lời ca ngọt ngào, thống thiết phục vụ cho giá đồng vừa là để tôn vinh thần thánh, vừa là một “chất men” mạnh mẽ giúp các căn đồng “bốc” hơn.

Một số lễ hội luôn luôn gắn liền với ca nhạc như lễ hội Đền Tến (Hoằng Hoá, Thanh Hoá), lễ hội Cao Hoàng (Đông Anh, Đông Sơn, Thanh Hoá), lễ hội Hát Dô (Quốc Oai, Hà Tây), lễ hội Hát Chèo Tàu (Đan Phượng, Hà Tây), lễ hội Quan họ (Từ Sơn, Bắc Ninh) v.v... Đối với các lễ hội này, âm nhạc và lời ca tiếng hát là thành tố quan trọng nhất, là phương tiện kết nối con người với nhau. Đơn cử, lễ hội Đền Tến, trò hát chèo chải đã cần đến mười hai nữ nhạc hát múa suốt ngày để ca ngợi sự nghiệp, công ơn của vị tướng tài ba, đức độ Lê Phụng Hiểu. Hay lễ hội Cao Hoàng đã dùng các trò “hát múa Đông Anh” để dâng lên Thánh (đây là thể loại dân ca tiêu biểu của xứ Thanh, gồm 11 trò, trong đó có 9 trò liên quan với âm nhạc, có những trò sử dụng đến 63 làn điệu dân ca) v.v...

 

Hát chèo tàu (st)

 

Như vậy, trong lễ hội, âm nhạc đóng vai trò vừa là để điều khiển việc tế lễ, vừa là hiệu lệnh hướng dẫn các trò chơi, vừa là nhạc đệm cho các bài hát thờ thần, lại vừa là một hình thức nghệ thuật hấp dẫn lôi cuốn, thu hút người trảy hội. Nhiều lễ hội thể hiện sự giao thoa, lồng ghép giữa hai yếu tố nghi lễ và nghệ thuật. Phải chăng vì lẽ đó nên chúng ta có thể hiểu âm nhạc trong lễ hội chính là minh chứng cho quá trình “nghi lễ hoá nghệ thuật” hay “nghệ thuật hoá nghi lễ” ? ./.