Nội san

Nhạc sĩ Hoàng Vân với Quảng Bình quê ta ơi

13 Tháng Năm 2011

GV Lương Diệu Ánh

Khoa Thanh nhạc – Nhạc cụ

 

 

Nhạc sĩ Hoàng Vân (st)

 

 

Đôi nét về nhạc sĩ Hoàng Vân…

Nhạc sĩ Hoàng Vân tên thật là Lê Văn Ngọ, bút danh là Yna. Ông nổi lên với những ca khúc rất phong phú, đa dạng cả về nội dung, đề tài, thể loại và mang giá trị nghệ thuật cao. Nhạc sĩ Hoàng Vân còn viết nhiều tác phẩm cho khí nhạc ở nhiều thể loại khác nhau như Fuga, Rhapsodie, tổ khúc, giao hưởng thơ, hoặc các tác phẩm thanh nhạc có cấu trúc lớn như đại hợp xướng Điện Biên Phủ, Hồi tưởng... Ngoài ra, ông sáng tác âm nhạc cho rất nhiều phim truyện, phim tài liệu, phim hoạt hình, kịch nói... và còn là một nhạc sĩ của thiếu nhi với nhiều ca khúc đáng yêu, thân thiết với tuổi thơ các em như Mùa hoa phượng, Con chim vành khuyên, Em yêu trường em...

Cũng như những người cùng thời, con đường sáng tác âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân gắn liền với những biến động của lịch sử dân tộc qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ngay từ những năm 50, ông đã có nhiều ca khúc được biết đến, và tới năm 1954 thì tên tuổi của nhạc sĩ Hoàng Vân mới thực sự được nhắc tới nhiều với bài hát Hò kéo pháo mà âm điệu của nó còn vang vọng mãi cho đến ngày nay. Những năm 60, sau thời gian tu nghiệp âm nhạc ở nước ngoài, sự nghiệp sáng tác âm nhạc của ông bắt đầu nở rộ với nhiều ca khúc được công chúng đón nhận một cách nồng nhiệt như Tôi là người thợ lò, Nhớ (thơ Nguyễn Đình Thi), Bài thơ gửi Thái Nguyên... Những chuyến đi thực tế chính là cảm hứng giúp ông phôi thai các ca khúc đa dạng về đề tài, phong phú về nội dung và hình thức thể hiện, mà có thể kể tới là Hai chị em, Hà Nội - Huế - Sài Gòn, Người chiến sĩ ấy, Chào anh giải phóng quân, Bài ca xây dựng...

Ở những ca khúc của Hoàng Vân, công chúng nhận thấy một cách nhìn, một phát hiện độc đáo, một ngôn ngữ âm nhạc bình dị nhưng vẫn ẩn chứa trong đó nét tươi mới, đáng yêu, gần gũi. Có thể nói rằng, giai điệu trong các ca khúc của ông bắt nguồn từ các làn điệu dân ca khác nhau, tạo cho người nghe những âm hưởng nồng ấm, quen thuộc nhưng vẫn tạo được sự lôi cuốn, thu hút và thú vị rất riêng, mang đậm chất của nhạc sĩ Hoàng Vân.

…Và ca khúc Quảng Bình quê ta ơi

Năm 1964, cuộc chiến tranh của đế quốc Mỹ tại miền Bắc đang ở giai đoạn căng thẳng, quyết liệt nhất. Trong một chuyến đi thâm nhập thực tế ở Quảng Bình, nhạc sĩ Hoàng Vân đã cho ra đời ca khúc Quảng Bình quê ta ơi. Ca khúc này nhanh chóng được phổ biến rộng rãi và được đông đảo khán thính giả đón nhận.

Tác phẩm có cấu trúc bốn phần, mỗi phần được xây dựng trên một thang âm khác nhau:

Ở phần một, tác giả đã tái hiện một không khí vui tươi, hào hứng khi giới thiệu về miền quê Quảng Bình anh hùng với hỉnh ảnh những con người bình dị, chân chất, sớm hôm hăng say lao động xây dựng đất nước. Ở đây, nhạc sĩ đã dùng thang 5 âm, ở hình thức một đoạn đơn, mở ra một giai điệu giản dị, mượt mà và êm dịu theo hình làn sóng,

 

 

Khai thác đặc thù của ngữ điệu miền trung là dấu sắc thường được luyến từ thấp đến cao, người nhạc sĩ đã vận dụng một cách khéo léo trong sáng tác của mình. Những âm điệu, tiết tấu ở phần này thể hiện sự duyên dáng, thân thuộc nhưng vẫn cho thấy sự mới mẻ và sáng tạo.

Ở phần hai, tác giả viết theo lối hò–xô dựa trên thang 5 âm:

 

 

Được biến đổi từ chất liệu âm nhạc trong các bài hò trên sông nước miền Trung Bộ, tính chất của đoạn nhạc trở nên khỏe khoắn hơn với những tiếng xô “khoan khoan hò khoan”. Điều này nhằm ca ngợi phẩm chất người dân Quảng Bình với tinh thần lạc quan, yêu đời, đoàn kết, quyết tâm cùng nhau vượt qua mọi gian khổ, hi sinh trong công cuộc vệ quốc vĩ đại của cả nước. Thêm vào đó, bằng việc tạo nên những giai điệu đi kiểu gấp khúc trong những câu hò, nhạc sĩ Hoàng Vân đã thể hiện rất rõ đặc trưng giọng nói của người dân miền Trung là sự thay đổi cao độ trong âm điệu. Đó là cái “chất” đất Quảng Bình mà người nhạc sĩ đã rất thành công khi đưa vào tác phẩm của mình.

Phần ba cũng được xây dựng trên thang 5 âm:

 

 

Bằng việc thay đổi một âm trong thang âm, ông đã đem lại cho tác phẩm một sự thay đổi về điệu tính, có tác dụng hấp dẫn người nghe. Với giai điệu được viết ở âm khu cao, kết hợp với lời ca, nhạc sĩ đã cho ta cảm nhận về hình ảnh các chị dân quân, anh chiến sĩ, người công nhân... đầy nhiệt huyết, hăng say trong công việc: “Lứa tuổi thanh xuân hai mươi tuổi đời. Cùng với quê hương lớn lên rồi, cả cuộc đời mới”.

Ở phần kết, nhạc sĩ đã sử dụng hai chất liệu: âm hình tiết tấu trong câu hò của phần hai kết hợp với âm hình tiết tấu của phần một, tạo tính thống nhất cho toàn bộ tác phẩm, như muốn một lần nữa khẳng định niềm tin sắt son vào một ngày mai tươi sáng, đất nước hoàn toàn độc lập, người dân được hưởng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Có thể nói, Quảng Bình quê ta ơi là một trong những sáng tác rất thành công của nhạc sĩ Hoàng Vân. Ca khúc đã được thu thanh và phát liên tục qua Đài Tiếng nói Việt Nam. Từ những cụ già cho tới các em nhỏ, từ những người công nhân trong nhà máy, xí nghiệp tới các bác nông dân sớm hôm trên đồng ruộng… ở nơi đâu cũng vang lên những ca từ quen thuộc: “Nếu ai hỏi vì sao quê hương chúng ta nhiều ngói mới...”. Bằng sự kết hợp hài hòa giữa âm nhạc và lời ca, cũng như nét sáng tạo trong khai thác và sử dụng các thang 5 âm của âm nhạc dân gian Việt Nam và cách vận dụng nét đặc trưng của ngữ điệu miền Trung, nhạc sĩ Hoàng Vân  đã tạo cho người nghe những cảm xúc sâu lắng, thiết tha, gợi lên hình ảnh về một miền quê đầy truyền thống anh hùng, đang từng ngày đổi mới. Quảng Bình quê ta ơi đã được nhiều ca sĩ chọn để hát trong các cuộc thi, hội diễn văn nghệ chuyên nghiệp và không chuyên với những cách thể hiện khác nhau. Điều này chính là minh chứng cho sức sống mạnh mẽ của ca khúc này, cũng như những đóng góp của nhạc sĩ Hoàng Vân trong lòng công chúng yêu nhạc khắp cả nước./.