Tin tức

PGS.NSND. Trung Kiên nói chuyện về môi trường âm nhạc và đào tạo âm nhạc hiện nay

21 Tháng Năm 2011

Sáng ngày 20/5, trường ĐHSP Nghệ thuật TW đã tổ chức buổi giao lưu với sự tham gia của PGS.NSND. Trung Kiên. Ông đã phác họa về diện mạo nền âm nhạc Việt Nam, môi trường âm nhạc cũng như vấn đề đào tạo âm nhạc trong thời gian gần đây.

Tới dự buổi nói chuyện là đại diện Ban Giám hiệu, lãnh đạo các phòng, ban, khoa và đông đảo các bạn sinh viên chuyên ngành âm nhạc.

 Theo PGS.NSND. Trung Kiên, môi trường âm nhạc hiện nay rất sinh động và đang biến đổi ngày một phức tạp, yêu cầu sự đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy và sự nhạy cảm trước những thay đổi của tình hình mới. Đào tạo âm nhạc phải chú ý tới cá nhân người học, phải hướng người học (thậm chí cả người nghe) tới những yêu cầu về thẩm mỹ, những quan niệm đúng đắn trong nhu cầu hưởng thụ âm nhạc, tránh tình trạng hưởng thụ chỉ mang tính giải trí đơn thuần. Đó là vấn đề làm đau đầu bao nhà quản lý văn hóa nói chung và quản lý âm nhạc nói riêng, đặc biệt là trong hoàn cảnh đất nước, xã hội đang phát triển như hiện nay. Thực trạng hiện nay là chỉ có một số ít các đoàn nghệ thuật ca múa nhạc chuyên nghiệp sử dụng nhạc cụ dân tộc, truyền thống; trình độ mặt bằng chung cũng như quá trình luyện tập và biểu diễn của các diễn viên âm nhạc còn hạn chế… Điều này đã dẫn tới hậu quả tất yếu là các chương trình nghệ thuật đều thiên về loại hình nhạc nhẹ, thậm chí kém chất lượng, thiếu tính giáo dục cần thiết mà chỉ mang tính giải trí hời hợt, nông cạn; khiến cho tâm lý cảm thụ âm nhạc hiện nay đã có nhiều thay đổi so với thời gian trước. Như vậy, số lượng các chương trình âm nhạc thực sự có chất lượng xuất hiện không nhiều, thậm chí rất mờ nhạt trong diện mạo nền âm nhạc nước nhà.

 

PGS.NSND. Trung Kiên nói chuyện tại trường ĐHSP Nghệ thuật TW

 

Cũng theo PGS.NSND. Trung Kiên, vấn đề đào tạo âm nhạc ở Việt Nam hiện nay đang chịu ảnh hưởng rất rõ của vô tuyến truyền hình (VTTH). VTTH đã cơ bản làm thay đổi phương thức tuyên truyền và thói quen hưởng thụ văn hóa nghệ thuật (thậm chí ngay cả khuynh hướng thẩm mỹ văn hóa) của người dân. Tuy nhiên, quá trình quản lý, sáng tạo nghệ thuật vẫn theo phương thức cũ thì vô hình trung đã dẫn tới thực trạng: nghệ thuật biểu diễn dần mờ nhạt các tầng lớp khán giả nói chung cũng như khán giả riêng của từng loại hình nghệ thuật. VTTH còn được sử dụng như một “kênh” để nâng cao dân trí, phổ biến giáo dục. Tuy nhiên, nếu quá lạm dụng việc học tập qua VTTH mà coi nhẹ những tri thức từ sách vở thì những tri thức thu nhận được (qua VTTH) thiết nghĩ chỉ mang tính chất tiêu thụ, tiếp thu một cách thụ động, ít lao động trí não mà thôi.

Như vậy, trước tình trạng môi trường âm nhạc đang bị lệch lạc, bộc lộ không ít hạn chế và lo ngại thì vấn đề đặt ra đối với những người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc nói chung, những giảng viên âm nhạc nói riêng hiện nay chính là phải có sự đổi mới, cách tân cho phù hợp với xu thế, tình hình thực tế cũng như lâu dài, nhằm hướng tới một diện mạo âm nhạc Việt phát triển lâu dài, toàn diện, tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, thấm đượm truyền thống Việt Nam. Đó chính là thông điệp mà PGS.NSND. Trung Kiên muốn gửi gắm tới các cán bộ, giảng viên âm nhạc trường ĐHSP Nghệ thuật TW qua buổi nói chuyện này./.

 

PGS.NSND. Trung Kiên nổi tiếng với những ca khúc bất hủ, còn mãi với thời gian như “Tình ca” (Hoàng Việt), “Chào sông Mã anh hùng” (Xuân Giao), “Hà Tây quê lụa” (Nhật Lai)… Ông còn nổi tiếng với những aria trong vai Lensky  ("Eugenie Onéguine" - P.Tchaikovsky), Đen ("Cô Sao" - Đỗ Nhuận), thể hiện sự tiếp thu một cách thấu đáo và tinh tế tinh hoa thanh nhạc Nga, từ đó vang lên hào sảng những giai điệu Việt Nam vừa truyền thống, vừa hiện đại.

Ông đã từng đào tạo biết bao thế hệ học trò, mà trong số đó có những người là gương mặt tiêu biểu cho diện mạo nền âm nhạc Việt Nam như: Quang Thọ, Lê Dung… Không những thế, ông còn là người chỉ đạo có tầm cỡ, mà đỉnh cao là vở nhạc kịch “Cây sáo thần” của W.A.Mozart tại Nhà hát lớn năm 2006 (theo laodong.com.vn).

 

HH