Nội san

Bậc thầy tinh tướng họa

24 Tháng Năm 2011

Phan Cẩm Thượng

 

 

"Đan thanh bất tri lão tương chí

Phu quý ư ngã như phù vân"

Đỗ Phủ

(Mải mê nghề vẽ quên già tới

Phú quý với ta như mây trôi)

Một ngày  đẹp  trời  năm 1995, đang đứng vẩn vơ, chợt gặp thi sỹ Lâm Huy Nhuận cùng hai lão gia Hoàng Cầm và Hoàng Lập Ngôn ngất ngưởng tới, họ rủ tôi cùng đi ăn bít tết tại Hàng Buồm. Hai thi sỹ nhằn mãi chẳng hết đĩa thịt, riêng  Hoàng  họa gia nhoằng  một cái đã chén sạch. Tôi thầm cảm phục  sức sống của ông già  85 tuổi này, ông nói: “Tôi chẳng có bí quyết  nào hết, ngoài sống lạc quan và lúc nào cũng  thở "hình vuông". Nghĩa là Hít vào - nín - thở ra - nín,  một chu kỳ hình vuông đúng 2 phút. Vào Sài gòn bằng máy  bay, hết đúng 45 cái thở”. Nếu  chỉ  có thế, Hoàng đã chẳng có gì đáng nói, cuộc đời dài gần trọn thế kỷ 20, họa  sỹ đã ghi vào nghệ thuật Việt Nam bút pháp Tinh tướng họa độc nhất vô nhị của một kẻ lãng  tử tài hoa, coi vòng trần chẳng khác đám mây và coi mình như con bướm vẩn vơ trêu hoa, ghẹo nguyệt.

Vụ rong ruổi trên  chiếc xe ngựa Mê ly, còn nổi tiếng đến bây giờ. Năm 1941, Hoàng đóng một cỗ xe, đưa vợ là Hồng Hương Liên (một cô gái gốc Hoa), con gái mới 10 tháng   tuổi  là Hoàng Hồng Mê Ly, cùng hai người   bạn  là họa sỹ Song Văn và Dương Bích Liên, xuất  phát  từ đường Cổ Ngư đi xuyên Việt. Dọc đường,  lương thực cạn dần, họ vừa vẽ tranh, vừa triển lãm rong, vừa  gạ bán,  thậm  chí diễn cả kịch,  vào đến miền Trung nắng gió thất  thường, chướng khí nghi ngút, con gái Mê Ly bị ốm và hai gã họa sỹ trẻ xin quay về tại Quảng  Bình, Hoàng vẫn tiếp tục lên đường. Giờ đây, chúng ta không hình dung được ông và gia đình đã rong ruổi thế nào trong 3 năm, nhưng có  lẽ cuộc phiêu lưu đó quyết  định tính cách lãng du suốt đời cho Hoàng Lập Ngôn.

Hoàng  Lập Ngôn - Chân dung nữ nghệ sỹ Kim Cương, mực nho trên giấy 

Quê hương ở Đa Ngưu, Văn Giang (thuộc Bắc Ninh cũ), nhưng ông sinh tại Nam Định năm 1910. Tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương niên khóa 1934-1939, Hoàng  Lập Ngôn thoạt tiên cũng  có lối vẽ tả  thực lãng mạn như nhiều họa sỹ đương thời,  mà phụ nữ trẻ đẹp là đối tượng trong các sáng  tác của họ, dần  dà ông tìm về một  lối họa, có lẽ từ phương Đông cổ xưa xác định  phong mạo con người qua những hình dung tính cách,  từ đó đưa ra các tiêu chuẩn về nhân tướng. Khoa này  gắn với cả việc xem tướng đoán mệnh, xây dựng tính cách cho các tiểu thuyết trường thiên, các nhân vật tuồng chèo. Tuy nhiên, sáng  tác của họa sỹ hướng về những con người cụ thể, từ đó rút ra những đặc điểm xương cốt. Như vậy, đối tượng trước hết phải là những  người có cốt cách, tương đối điển hình, và tốt nhất là những  danh nhân, những  nghệ sỹ. Hàng  loạt các bức họa chân dung về Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ, Lê Phổ, nhà thơ Phùng Quán, Tố Hữu, Tú Mỡ, Xuân Sanh, nhạc sỹ Nguyễn Xuân Khoát,  nghệ  sỹ Kim Cương... mỗi người hiện lên ở những  đặc điểm riêng  nhất của mình  về thần tướng và về cái con người bản nguyên do năm tháng và lối sống hun đúc thành, lại có những đặc điểm chung do cùng một cách vẽ nhìn thấu vào tận tâm thức người mẫu, rút ra những  nét đơn giản  nhất  từ cả một  con người  phức tạp. Bức  chân dung Hồ chủ tịch là một điển hình của  tinh tướng  họa Hoàng  Lập Ngôn. Cụ Hồ hiện lên với những nét khắc khổ, tinh anh mà sâu thăm thẳm  của con người đầy lo nghĩ và quyết đoán. Khó có thể  dùng  lời để diễn tả lại một nghệ  thuật đặc sắc như  Tinh tướng  họa, bởi vì nó là cốt lõi của các ám thị, của ấn tượng  thị giác, chỉ  có thể nhìn trực diện thông qua các bức họa, đối chiếu  với ngườimẫu, mà nhận ra vẻ đẹp của lối họa này. Trước tiên, những người mẫu vốn tự hình thành mình trong cuộc bể dâu đầy bất trắc, từ đó mà  tâm sinh tướng, nét vui buồn, sự từng trải, sự trong sáng và trí tuệ  từ trong tâm khảm hiện lên nét mặt  bên ngoài. Sau đó người vẽ giống  như những người bóc vỏ tìm đến hạt nhân, gạt dần những chi tiết bên ngoài, lọc ra những  đường  nét thể hiện  cái tận cùng  bên trong, trong một giây phút ngẫu hứng, và một tay bút thục luyện, để cho cái thần và cái ý truyền đạt tức thời qua ngòi bút. Lối vẽ đó đòi  hỏi họa sỹ cũng phải là người từng trải, cũng giống như một người xem tướng đoán mệnh, lấy cái giang hồ của mình  mà xét đoán nhân gian. Cho nên trước ông, Tinh tướng họa, phần nhiều chỉ là một  khoa hỗ trợ cho bói toán, sân khấu, sau ông, ít người có thể học hỏi hoặc trở thành một bút pháp nào khác

Là một trong số ít những họa sỹ cuối cùng của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương còn sống cho đến thế kỷ này, Hoàng  Lập Ngôn thể hiện cho một  tính cách  lạc quan, dám sống và đam mê cuộc sống với lòng hoan hỷ tự thân. Dẫu vậy thì  ngay cả hội  họa  cũng không phải là quan trọng nhất, ông vẽ cũng không nhiều, các tác phẩm không chau chuốt cầu kỳ, không phải là những  bức sơn dầu, sơn mài đồ sộ mà chủ yếu là những  nét chì điểm chút thuốc nước trên  một  tờ giấy. Điều quan trọng là ta được sống, được chứng kiến và với  sự tự do tự tại như trời ban cho người nghệ sỹ./.

2006