Tin tức – Sự kiện

'Chú ếch con' và bài học cho nhạc thiếu nhi

26 Tháng Năm 2011

Cơn “sốt” bài hát Chú ếch con tiếng Italia đã lan ra cả Hội nhạc sĩ Hà Nội khi vấn đề này được đề cập trong buổi hội thảo có tên Ca khúc cho nhà trường phổ thông hiện nay - Thực trạng và giải pháp, được tổ chức vào ngày 24/6.

Trước khi các nhạc sĩ rút ruột nói những điều đau đáu trong lòng mình, một dàn đồng ca đã remix ca khúc Chú ếch con theo phong cách của cô bé Hương Trà trên truyền hình RAI cách đây 7 năm. Tuy còn xa mới đạt được trình độ hòa âm, phối khí và dàn dựng như của cô giáo người Italia, nhưng tiết mục biểu diễn thú vị này đủ khiến những người có trong khán phòng đều nhất loạt đứng dậy vỗ tay.

Khi âm nhạc trở thành nỗi ám ảnh

Nhạc sĩ (NS) Hàn Ngọc Bích bồi hồi nhớ lại một thời đã xa. Năm 1990, ca sĩ Mỹ Linh khi ấy còn là một cô bé đã đạt Huy chương vàng với bài caThầy cô và mái trường của nhạc sĩ Duy Quang. Năm sau, chị em Minh Anh và Minh Ánh đã có một kỷ niệm đẹp khi nhận Huy chương vàng với bài ca mơ màng Tháng ba học trò… Khi ấy, các em yêu và sống trong những ca khúc thực sự của lứa tuổi mình, điều đang mất đi ở thời hội nhập. NS Ngọc Bích: “Hiện ở Việt Nam có khoảng 10 triệu nhi đồng, thanh thiếu niên ở các bậc học phổ thông, thử nghĩ có bao nhiêu bài hát cho đủ vang lên trong ít phút nghỉ ngơi giữa các tiết học? Danh mục bài hát không được bổ sung và chưa theo sát sự tăng trưởng học vấn cũng như thẩm mỹ của tuổi trẻ học đường”.
 

 

Nên lồng ghép các bài ngoại khóa cho học sinh
những những phẩm dân gian đương đại.

NS Trần Lệ Chiến, Đài tiếng nói Việt Nam, bày tỏ sự buồn bã khi bộ môn nghệ thuật này trở thành một môn học nhạt nhẽo trong nhà trường. Chủ tịch Hội nhạc sĩ VN, ông Đỗ Hồng Quân còn dùng từ “kinh hoàng” để diễn tả sự sợ hãi của các em nhỏ trong mỗi giờ học nhạc vì không phân biệt được các nốt thăng, giáng của Đồ - rê - mi. 

Là một giáo viên dạy nhạc, hiểu tâm lý học sinh nên TS Nguyễn Thị Hải cho biết các em không thích các ca khúc hô khẩu hiệu như: “Em yêu mái trường, em kính mến thầy cô, em biết ơn cha mẹ, quyết tâm chăm học, rèn luyện”… mà thích những ca khúc trong sáng, hồn nhiên như: “Chạy theo tiếng ve, từng cơn mưa về, hạt mưa long lanh trên lá, tiếng ve bay đầy trong gió…” (Trịnh Công Sơn). Do vậy, nhiều bài hát dù không bị “thế lực” nào ngăn sông cấm chợ, bế quan tỏa cảng, nhưng lại bị chìm đi, lặn sâu vào quên lãng. Đó là kết quả của sự đào thải.

Phải gần gũi tuổi thơ

NS Hoàng Lân cho rằng, âm nhạc thịnh hành của giới trẻ bây giờ mang tính tiết tấu, phá phách, có nội lực như Giấc mơ trưa, Ôi quê tôi, Con cò… Các em quen nghe pop-rock sôi động, mãnh liệt, nên với các bài mượt mà, hiền lành, một số tỏ ra không mặn mà. Phân tích về mặt chuyên môn, NS Phạm Lê Hòa, Hiệu trưởng ĐHSP Nghệ thuật Trung ương, nói: Âm vực nhi đồng không vượt quá quãng tám, thiếu nhi ở quãng mười, quãng mười hai, vì vậy nếu bắt thiếu nhi hát bài người lớn với tầm cữ rộng, các em phải cố hết sức, thanh quản chóng mệt và có thể hỏng giọng.
 

 

Các em thiếu nhi yêu thích và sống với những ca khúc hợp lứa tuổi mình. ảnh: Như Ý

NS Lệ Chiến đề xuất nên lồng ghép trong các bài ngoại khóa cho học sinh những nhạc phẩm dân gian đương đại, các ca khúc mang phong cách Jazz, Hiphop và hệ thống băng đĩa minh họa phong phú để các em thêm yêu môn học này. Nhiều NS đồng ý rằng nhất thiết ca khúc phải gần gũi tuổi thơ, tuyệt đối không mượn lời người lớn nói hộ trẻ. Nên tăng cường khai thác âm nhạc dân gian, âm hưởng dân ca vùng miền để xây dựng tác phẩm. 

NS Hoài An vừa trình làng một sản phẩm âm nhạc gồm 60 ca khúc thiếu nhi với nhiều phong cách, từ dân gian đến pop, rock, latin… để các bé có thể làm quen. Anh cho biết, nội dung các ca khúc hướng đến việc dạy bé biết lễ phép với ông bà, chăm ngoan trong cuộc sống, biết làm những việc nhỏ nhặt trong đời thường như đánh răng, chải đầu… Trong đó có những ca khúc như Nàng Bạch tuyết và 7 chú lùn, Thánh Gióng, Alibaba, Bé tập chải răng, Màu sắc trái cây...

 

Theo Đất Việt