Tin tức

Ca khúc cho học sinh phổ thông: Thiếu bài hay, nhiều... nhạc “chế”

31 Tháng Năm 2011
Đó là nhận định của các nhạc sĩ, chuyên gia âm nhạc tại hội thảo khoa học “Ca khúc cho nhà trường phổ thông - Thực trạng và giải pháp” do Hội Âm nhạc Hà Nội và trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương phối hợp tổ chức sáng 24/5.

Đó là nhận định của các nhạc sĩ, chuyên gia âm nhạc tại hội thảo khoa học “Ca khúc cho nhà trường phổ thông - Thực trạng và giải pháp” do Hội Âm nhạc Hà Nội và trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương phối hợp tổ chức sáng 24/5.

Thiếu các bài hát cho học sinh phổ thông
Nhạc sỹ Phạm Tuyên, Chủ tịch danh dự Hội Âm nhạc Hà Nội bức xúc: “Hôm vừa rồi tôi đi xe taxi, lái xe bật băng một bài hát giới thiệu là bài hát dành cho tuổi “teen” nửa Tây nửa ta: “Em là “number 1”, I love you, yêu em nhiều lắm...”. Lời bài hát cứ nhai đi nhai lại. Hiện tượng này đang phổ biến cho thấy sự lai căng về văn hóa và tác động không nhỏ đến cả một thế hệ”.

 

Một tiết mục hợp xướng của các em học sinh.

 

“Ca khúc trong nhà trường thiếu mà thừa. Bài hay không có. Bài không hay lại nhiều. Bài không hay các em vẫn hát. Có điều, hát những bài kém chất lượng thì thẩm mỹ của các em sẽ đi xuống”, nhạc sỹ Hoàng Lân, Trưởng ban Sáng tác thiếu nhi của Hội Âm nhạc Hà Nội nhận định. Trên thực tế, ca khúc cho thiếu nhi hiện nay ít có những bài hay như trước, ít bài có sức lan tỏa rộng, chất lượng sáng tác giảm sút. Không ít nhạc sỹ viết quá dễ dãi và cho ra đời những sản phẩm bình thường và tầm thường, bất chấp tính thẩm mỹ, tính giáo dục. Băng đĩa nhạc tràn lan nhưng đĩa nhạc cho thiếu nhi, học sinh quá ít. Nếu có băng đĩa nhạc cho thiếu nhi thì cũng thiếu chọn lọc, việc biên tập hết sức tùy tiện, chạy theo lợi ích kinh tế, ít chú trọng chất lượng. Chúng ta không khỏi giật mình khi thấy một bộ phận giới trẻ chạy theo gu thẩm mỹ lệch lạc, ngoại lai, sùng ngoại quên hẳn cái gốc, bản sắc dân tộc.
Cùng chung quan điểm này, nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam cho rằng, những sáng tác dành cho tuổi học sinh (từ tiểu học đến phổ thông trung học) hiện thiếu những bài hay mang tính giáo dục mà thừa những bài “nhái, lai căng” mà nhiều người hay gọi là nhạc “chế” đang ngấm dần vào cả một thế hệ. Nhất là trong thời đại hiện nay, công nghệ thông tin bùng nổ, âm nhạc lại có tính giao thoa, ảnh hưởng, hòa đồng lẫn nhau nên lan truyền rất nhanh. Dễ dàng nhìn thấy nguy cơ nghiệp dư hóa trong sáng tác và không có kiểm duyệt đang diễn ra. Mặt hàng “nhái” này tràn lan trên mạng, các đĩa bán ngoài hàng. Do đó cuộc hội thảo này nhằm gióng lên hồi chuông báo động; đồng thời cũng đề ra những giải pháp ngăn chặn hiệu quả trong việc chống lại sự ô nhiễm âm thanh.
Bắt đầu từ nhà trường Nhu cầu âm nhạc cho các lứa tuổi học đường rất lớn. Cả nước có khoảng 15.000 trường tiểu học, gần 10.000 trường trung học cơ sở và hàng nghìn trường trung học phổ thông và cả chục ngàn trường mầm non với tổng số khoảng 20 triệu em. Bài hát trong nhà trường, cho trẻ em rất cần thiết. “Ca khúc cho các em học sinh góp phần không nhỏ vào việc giáo dục và định hướng thị hiếu âm nhạc. Do đó khởi động trước tiên là từ nhà trường. Thời trước, giáo dục khá hoàn chỉnh, đi kèm theo các môn học chính là môn giáo dục âm nhạc, mỹ thuật. Vì thế, thế hệ của chúng tôi rất thích âm nhạc cổ điển. Nếu trẻ được giáo dục âm nhạc cẩn thận, các em sẽ trân trọng âm nhạc. Nhờ đó, trẻ đề kháng tốt để phản ứng với những bài hát dở”, nhạc sĩ Hồ Quang Bình, Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội cho biết. “Hội và Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội tổ chức cuộc “Vận động sáng tác ca khúc và hợp xướng cho học sinh phổ thông” từ nay cho đến hết tháng 10/2011 với kỳ vọng sẽ có nhiều bài hát mới phù hợp với độ tuổi của các em”, ông Bình nhấn mạnh.
“Các em là ban giám khảo khó tính”, nhạc sỹ Phạm Tuyên nói vui, “nếu bắt buộc, các em chỉ hát theo kiểu trả bài tập nhưng nội dung hay, bài hát đó lan truyền rất nhanh. Chúng ta có thể khai thác âm nhạc dân gian, những âm hưởng dân ca vùng miền để xây dựng tác phẩm. Những tác phẩm dạng này rất dễ nhớ và dễ thuộc”.
Đồng quan điểm này, ông Đỗ Hồng Quân cho rằng, nhiều bài hát thiếu nhi thiếu cảm xúc nên khó được các em chấp nhận. Hoặc bài hát đó chỉ quanh quẩn trong khu vực hẹp, không có sức lan tỏa. Cách dạy môn âm nhạc trong trường học còn thiếu tính khoa học. Nếu chỉ dạy các nốt “đô, rê, mi...” học sinh rất khó tiếp nhận. Khi các em đã không thích sẽ học lấy lệ. “Việc dạy âm nhạc trong trường học nên theo hướng truyền tình yêu âm nhạc tới các em. Việc dạy hát cho các em học sinh cũng nên theo hướng dựa vào bài dân ca các vùng miền để các em dễ tiếp nhận”, ông Quân nhấn mạnh.
Bài và ảnh: Xuân Cường

 


Theo baotintuc.vn