Tin tức

Một sự lựa chọn lịch sử, khởi đầu sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Bác Hồ

10 Tháng Sáu 2011
 

Nguyễn Ái Quốc năm 1919 (Ảnh tư liệu).

- Từ nhiều năm nay, một số nhà nghiên cứu, và không ít người trẻ, đã nêu câu hỏi: chuyến rời nước ngày 5 tháng 6 năm 1911 của Nguyễn Tất Thành, từ Sài Gòn sang Pháp, sang phương Tây, là sự xê dịch tình cờ, ngẫu nhiên hay là sự lựa chọn có chủ đích mang tính khoa học, cách mạng? Bài viết này của chúng tôi xin đi thẳng vào vấn đề vừa đề cập.

1. Nguyễn Tất Thành sinh ra ở vùng đất nằm ở hạ lưu Sông Lam của xứ Nghệ, nơi hội tụ của các trung tâm văn hóa vùng Bắc Trung Bộ; nơi phát tích nhiều nền văn hoá cổ; một vùng văn hoá dân tộc học đặc sắc. Vùng đất đó nổi lên cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan trong gần 10 năm, từ năm 713 đến 722, quét sạch quân xâm lược nhà Đường ra khỏi bờ cõi nước ta, tự xưng là Mai Hắc Đế; là phên dậu thời Đinh, Lê, Lý; là đất “Cối Kê” đời Trần; đất Thang Mộc đời Lê; đất Phượng Hoàng Trung Đô thời Nguyễn Huệ - Quang Trung. Cụ Nghè Nguyễn Xuân Ôn, một trong những lãnh tụ của phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX từng ca ngợi quê hương: “Non nước châu Hoan đẹp tuyệt vời, Sinh ra trung nghĩa biết bao người”. Nhìn trong lịch sử dân tộc, những tên tuổi lớn như Mai Hắc Đế, Hồ Quý Ly, Nguyễn Huệ - Quang Trung, Hoàng Tá Thốn, Đặng Tất, Đặng Dung, Nguyễn Biểu, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Nguyễn Trường Tộ...đều sinh trưởng ở nơi này. Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc và lớp thanh niên yêu nước đầu thế kỷ XX như Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Phan Đăng Lưu, Lê Hồng Sơn, Lý Tự Trọng, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Sĩ Sách,v.v…và nhiều người khác tiếp tục làm rạng ngời pho sử đất Hồng Lam.

2. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học nguồn gốc nông dân. Khi Nguyễn Tất Thành cất tiếng khóc chào đời, khói lửa của phong trào Cần Vương - bên kia sông Lam là cuộc dấy nghĩa của Phan Đình Phùng, Cao Thắng, bên này sông Lam là Trần Tấn, Đặng Như Mai, Nguyễn Xuân Ôn, Lê Doãn Nhã và ngay núi Chung trước nhà là Vương Thúc Mậu…dù rất liệt oanh, đã bị xâm lược Pháp và bè lũ tay sai dìm trong biển máu. Những cuộc đàm đạo văn chương, về “quốc gia hữu sự” của thân phụ Anh với các vị túc nho như Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý, Trần Văn Lương, Đặng Thái Thân, Đặng Nguyên Cẩn, Bùi Danh Trứ…; cảnh người dân bị sưu cao thuế nặng; cảnh người làng Sen bị bắt đi phu Cửa Rào trong tiếng khóc than oai oán… đã nhen lên trong tâm khảm Anh và người chị, người anh lòng yêu nước nồng nàn, chí căm thù quân cướp nước và lũ bán nước. Ông Nguyễn Sinh Sắc, đậu phó bảng, được bổ làm quan rồi bị cách quan vì luôn đau đáu: “Quan trường thị nô lệ trung chi nô lệ hựu nô lệ” (quan trường là nô lệ trong đám người nô lệ nên càng nô lệ hơn). Chị cả của Nguyễn Tất Thành là Nguyễn Thị Thanh, còn gọi là Bạch Liên; người anh trai là Nguyễn Sinh Khiêm, còn gọi là Tất Đạt, đều được học hành, có chữ có nghĩa, khi trưởng thành đều tham gia các hoạt động yêu nước, bị chính quyền thực dân, phong kiến cầm tù nhiều năm, cả bà Thanh, ông Khiêm đều hy sinh hạnh phúc riêng tư vì nghĩa lớn. Truyền thống vẻ vang của quê hương và gia đình đã ảnh hưởng sâu sắc đến tuổi ấu thơ của Nguyễn Tất Thành, đến việc hình thành nhân cách, tư tưởng và sự lựa chọn con đường cứu nước sau này của Anh.

3. Ở quê hương Nghệ An, có nhiều trí thức phong kiến trước Nguyễn Tất Thành đã nuôi chí ra nước ngoài du học và hoạt động yêu nước. Nguyễn Trường Tộ, sinh năm 1828, quê làng Bùi Chu, huyện Hưng Nguyên (cách làng Kim Liên của Nguyễn Tất Thành chưa đến 10 km), năm 30 tuổi được Giám mục Gauthier (tên phiên âm tiếng Việt là Ngô Gia Hậu) đưa sang Hương Cảng, Singapore, Ý và học tập ở Pháp gần 2 năm, về nước, ông nổi tiếng trong các lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch, xây dựng và cả chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, ngoại giao, quân sự. Ông gửi hàng chục bản điều trần tâm huyết lên triều đình nhà Nguyễn đề nghị canh tân đất nước. Do “thân phận hèn mọn mà dám nói việc cao xa”.. “ở trong vòng của quân địch mà lại ôm chí khác”... “bị nghi kị mà vẫn hiến dâng ý kiến”, nên “Nhất thất túc, thành thiên cổ hận; tái hồi đầu, thị bách niên cơ” (Một kiếp sa chân, muôn kiếp hận; ngoảnh đầu cơ nghiệp ấy trăm năm). Cách Kim Liên chưa đầy 20 km, ông Đặng Thúc Hứa từng sang Lào, Nhật Bản và Thái Lan hoạt động yêu nước, được mệnh danh là “Cố Đi” vì đi nhiều, vận động yêu nước nhiều, luôn tràn trề bầu máu nóng. Và ở rất gần Kim Liên, khoảng 4-5 km là làng Đan Nhiệm, có Phan Bội Châu, bạn tâm giao của cụ Nguyễn Sinh Sắc - thân phụ của Nguyễn Tất Thành, một nhà yêu nước, nhà cách mạng, nhà văn hóa nổi tiếng, trở thành lãnh tụ của phong trào Đông Du, Duy Tân. Năm 1925, Nguyễn Ái Quốc - tên gọi sau này của Nguyễn Tất Thành, đã ca ngợi cụ Phan là “Bậc anh hùng, vị thiên sứ, đáng xả thân vì độc lập, được hai mươi triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng” [1]. Tuy nhiên, sau bao nỗ lực, tâm huyết, với 3 lần thay đổi chính kiến, cụ Phan tự nhận “trăm lần thất bại mà không một thành công” (Phan Bội Châu niên biểu).

4. Trong câu chuyện với nhà thơ Xô Viết Ôxíp Manđenstan tại Liên Xô năm 1923, Nguyễn Ái Quốc cho biết: “Vào trạc tuổi 13, lần đầu tiên tôi được nghe những từ Pháp “tự do”, “bình đẳng”, “bác ái”…thế là tôi muốn làm quen với văn minh Pháp, tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy”. Năm 15 tuổi, Anh cùng cha, mẹ và anh Khiêm vào Huế; năm 18 tuổi (1908), Anh tham gia các cuộc biểu tình chống thuế của nông dân tại kinh đô Huế. Chính ở nơi này, Anh thấy rõ nhất, sâu sắc nhất mâu thuẫn dân tộc, mâu thuẫn giai cấp, khát vọng độc lập, tự do của dân tộc mình.

Phan Bội Châu đi về phương Đông, nhưng một thực tế hiển nhiên và hết sức phũ phàng là nước Nhật “đồng chủng” đang phản bội người da vàng, xâm lược Trung Quốc, Triều Tiên, ra lệnh trục xuất chính ông và các du học sinh Việt Nam yêu nước. Cải cách của Khang, Lương ở Trung Quốc thất bại, cho thấy Trung Quốc không thể đi theo con đường Duy Tân của Nhật Bản. Cách mạng Tân Hợi (1911) của Tôn Văn tuy lật đổ được ngai vàng đế chế, nhưng đã không lật đổ được quyền chiếm hữu ruộng đất và ách bóc lột của địa chủ phong kiến, ách nô dịch của đế quốc tư bản nước ngoài. Nguyễn Tất Thành rời Huế, vào Phan Thiết, rồi vào Sài Gòn để sang phương Tây, như sau này Người kể lại “Tôi muốn đi ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào ta”.

Mấy tháng sau khi Nguyễn Tất Thành, với tên mới Văn Ba rời Sài Gòn, cách mạng Tân Hợi nổ ra thắng lợi, nhưng Anh không quay lại Trung Quốc. Anh vẫn kiên định sang Pháp, sang cái đất nước của những kẻ xâm lược và cai trị dân tộc mình. Theo Anh, muốn đánh đuổi thực dân Pháp thì phải biết nước Pháp là thế nào. Đó là một sự cân nhắc kỹ lưỡng, là sự lựa chọn có chủ đích. Đó cũng là một sự đổi mới, không chỉ về hướng đi, tầm nhìn mà cả về phương pháp nghiên cứu và hành động.

5. Tuy nhiên, việc một số người Việt Nam lúc đó sang phương Tây, sang nước Pháp (kể cả chuyến đi của Nguyễn Tất Thành - Văn Ba), tự nó, chưa hoàn toàn được coi là sự lựa chọn mang tính khoa học và cách mạng. Có nhiều trí thức Việt Nam đương thời cũng sang Pháp, có người chỉ lo học hành, kiếm sống, làm giàu; có người vừa học chữ, vừa tìm đường cứu nước, giúp dân. Luật sư, Tiến sĩ Phan Văn Trường và Phó bảng Phan Châu Trinh tiêu biểu cho nhóm thứ hai. Tuy nhiên, sống và hoạt động ở Pháp nhiều năm, từng tiếp xúc với các lực lượng cánh tả Pháp, vậy mà các ông vẫn không tìm được con đường đúng đắn giải phóng dân tộc, không đến được với chủ nghĩa Mác - Lê nin như Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc sau đó. Theo báo cáo của Trung ương Đảng Xã hội Pháp thì năm 1913 đã có 7 người Việt Nam vào Đảng Xã hội Pháp, năm 1919 có 80 người Việt Nam tham gia Đảng này, nhưng đến năm 1920 chỉ còn 20 người, duy chỉ có Nguyễn Ái Quốc (vào Đảng Xã hội Pháp năm 1918) trở thành người cộng sản.

6. Trên con đường bôn ba tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc được hòa mình trong phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động châu Âu, châu Phi, châu Mỹ, châu Á. Với bản tính thông minh, mẫn tiệp, nhạy cảm với cái mới, trăn trở, khát khao tìm con đường đúng đắn để cứu nước, cứu dân, Nguyễn Ái Quốc tiếp xúc, gạn lọc, đón nhận những tư tưởng tiến bộ của văn hóa phương Tây: chủ nghĩa nhân văn thời Phục hưng, chủ nghĩa duy lý thế kỷ Ánh sáng, tư tưởng dân chủ, tự do, bình đẳng, bác ái của cách mạng Pháp, Anh, Mỹ…Ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc cùng Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường gửi Yêu sách của nhân dân An Nam đến Hội nghị Véc-xây (1919); viết Bản án chế độ thực dân Pháp (1920); bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ Ba (tức Quốc tế Cộng sản), trở thành một trong những sáng lập viên của Đảng Cộng sản Pháp và đương nhiên, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên (1920); sáng lập báo Người cùng khổ (Le Paria, 1922), ngay bài viết cho số đầu tiên, Người tuyên bố sứ mệnh tờ báo là “giải phóng con người”. Hơn 10 năm vừa vất vả lao động kiếm sống, vừa đau đáu tìm kiếm con đường cứu nước, cứu dân, Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc càng nhận thức rõ: chủ nghĩa tư bản, bè lũ đế quốc, thực dân là những kẻ đã gây ra mọi áp bức, bóc lột, đau khổ cho công nhân, nông dân và các tầng lớp khác ở cả thuộc địa và ở ngay chính quốc. Theo Người: “Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải là chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lê-nin, tin theo Quốc tế thứ Ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lê-nin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng, chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ.”[2] Người khẳng định: “Muốn giải phóng dân tộc phải tự mình làm lấy”. Người tin tưởng ở con đường đi của mình, tin tưởng ở sức mạnh của nhân dân, của dân tộc. Điều này, rất khác với quan điểm của Phan Bội Châu, của Phan Chu Trinh; vượt qua những giáo lý Khổng, Mạnh hẹp hòi, duy tâm; vượt qua sự hạn chế của chủ nghĩa yêu nước cũ của các sĩ phu phong kiến và các nhà cách mạng có xu hướng dân chủ tư sản, tiểu tư sản đương thời. Từ chủ nghĩa yêu nước, Người đến với chủ nghĩa cộng sản khoa học, chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Người bắt gặp, đón nhận Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của V.I. Lê-nin không hề là sự may mắn ngẫu nhiên. Đó là một tất yếu khách quan mang tính khoa học và cách mạng. Chính Phan Châu Trinh, năm 1922, trong một bức thư đề ngày 18 tháng 2 gửi từ Mác-xây cho Nguyễn Ái Quốc đang ở Pa-ri, đã viết: “Thân tôi tựa như chim lồng, cá chậu…Cảnh tôi như hoa sắp tàn, hiềm vì quốc phá gia vong, mà hơi tàn cũng phải gào cho hả, may ra có tỉnh giấc hồn mê”. Cuối thư, Cụ ví Nguyễn Ái Quốc “như cây đương lộc, nghị lực có thừa, dày công học hành, lý thuyết tinh thông…không bao lâu nữa cái chủ nghĩa anh tôn thờ (ý nói chủ nghĩa Mác - Lê-nin) sẽ thâm căn cố đế trong đám dân tình chí sỹ nước ta”[3].

7. Điều mà cụ thân sinh Nguyễn Sinh Sắc cùng các chí sỹ yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh và cả dân tộc mong mỏi, theo bước chân của Nguyễn Tất Thành -Văn Ba-Nguyễn Ái Quốc, qua thực tiễn đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Á, Âu, Phi, Mỹ; qua ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê nin và cách mạng Tháng Mười Nga, đã lan tỏa, “sâu rễ bền gốc” ở Việt Nam. Để có chuyến trở về nước lịch sử của Nguyễn Ái Quốc ngày 28 tháng 1 năm 1941. Để có Ngày Quốc khánh 2 tháng 9 năm 1945 với tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại “Người có tầm nhìn cao rộng và sâu xa, xuyên qua lịch sử, bao quát không gian, thấy sáng tương lai, mở ra những bước ngoặt vĩ đại, đưa dân tộc Việt Nam từ cảnh nô lệ lầm than ra ánh sáng độc lập tự do, từ một đất nước ít ai biết đến trở thành người chiến sỹ tiêu biểu cho cả loài người tiến bộ yêu mến và khâm phục. Đó là tầm nhìn mang ý nghĩa chiến lược, nhìn thấy con đường cứu nước là con đường cách mạng vô sản, độc lập dân tộc gặp gỡ và hòa nhập với chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa yêu nước gắn liền với chủ nghĩa quốc tế vô sản, cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa quyện vào nhau trong không gian và thời gian, ở một nước và trên toàn thế giới” [4]./.

 



[1] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr 172.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tập X, trang 126-128 (Bài “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lê-nin, đăng trên Tạp chí Các vấn đề phương Đông, Liên Xô, 1960, nhân kỷ niệm 90 năm Ngày sinh V.I. Lê-nin).

[3] Bác Hồ với đất Quảng, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000.

[4] Lời Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại buổi gặp mặt với đại biểu cán bộ và nhân dân Nghệ Tĩnh ngày 19 tháng 5 năm 1985.

Theo cpv.gov.vn