Tin tức

Những đề tài khoa học cần có tầm hơn, toàn diện, hiệu quả hơn

13 Tháng Sáu 2011
Phải quán triệt sâu rộng tinh thần của Nghị quyết ĐH Đảng lần thứ XI, nhằm đưa ra được những định hướng, nội dung căn bản, những đề tài cụ thể có tầm hơn, toàn diện, hiệu quả hơn, sát với thực tiễn cuộc sống hơn trong kế hoạch hoạt động KH-CN trước mắt và dài hơi tại đơn vị mình.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã phát biểu chỉ đạo tại hội nghị "Tổng kết hoạt động KH&CN 5 năm 2006- 2010 và phương hướng phát triển giai đoạn 2011- 2015 được tổ chức sáng nay (11/6), tại Hà Nội.

 

 Thứ trưởng Trần Quang Quý trao tặng Bằng khen Thủ tướng Chính phủ và của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho các tập thể cá nhân... Ảnh, gdtd.vn

 

Dự hội nghị còn có Phó Chủ Nhiệm Ủy ban KHCN-Môi trường của Quốc Hội TS Nghiêm Vũ Khải, Chủ tịch HĐ chức danh Giáo sư Nhà nước- GS.TS Trần Văn Nhung, thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý và đông đảo lãnh đạo các trường ĐH, Viện nghiên cứu trực thuộc Bộ GD-ĐT, các GV, các nhà khoa học trên cả nước. 

Trong phát biểu đề dẫn, thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý nhấn mạnh sự cần thiết của KH-CN bao trùm hầu khắp các lĩnh vực KT-XH, an ninh quốc phòng, sức khỏe-môi trường, chất lượng cuộc sống...Lĩnh vực này đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, có tác động toàn diện và sâu sắc tới sự phát triển của mỗi quốc gia.

Hoạt động KH-CN có sự phát triển vượt bậc, có định hướng

Thứ trưởng Trần Quang Quý cho biết, hiện nay, Bộ GD-ĐT đang quản lý 3 ĐH (gồm 20 ĐH thành viên), 32 trường ĐH, Học viện, 3 trường CĐ 2 VNC với tổng số 23.571 CB-GV. Trong số này có 106 GS, 1.097 PGS, 2.762 TS và TSKH, 9551 ThS. Có 868 phòng thí nghiệm, trong đó 1 phòng thí nghiệm cấp quốc gia. Theo thứ trưởng, đây là những điều kiện thuận lợi để các trường ĐH, học viện này đẩy mạnh công tác NCKH. 

Thứ trưởng Trần Quang Quý đánh giá, trong thời gian qua, hoạt động KH-CN trong thời gian qua được các đơn vị này đẩy mạnh và có sự phát triển vượt bậc, thể hiện ở số lượng các công trình KH được công bố trên các tạp chí KH uy tín quốc tế và trong nước ngày càng tăng, số lượng các văn bằng chứng chỉ sở hữu trí tuệ được bảo hộ ngày càng nhiều.

 

 Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh, gdtd.vn

 

Công tác quản lý KHCN được triển khai theo chỉ thị 296 của Thủ tướng Chính phủ về Đổi mới giáo dục ĐH dần đi vào nề nếp với nhiều giải pháp có tính đột phá trong đổi mới, giao các nhiệm vụ KH-CN, quản lý hoạt động KH-CN theo hướng tăng quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm và phát huy tính chủ động, sáng tạo của các trường, các CSNC các nhà KH và các GV. 

Một số thành tựu 

Trình bày báo cáo tại Hội nghị Vụ trưởng Vụ KHCN-MT (Bộ GD-ĐT) Tạ Đức Thịnh cho biết: Nghiên cứu KH GD là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, những kết quả NC-KH GD đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng Luật GD và Chiến lược phát triển GD giai đoạn 2001-2010. Chương trình phát triển GD&ĐT VN trong quá trình hội nhập quốc tế cũng đã triển khai nghiên cứu đồng bộ, từ đó đặt ra và giải quyết một số vấn đề cấp bách đối với GD VN trong quá trình hội nhập quốc tế. 

Trong nghiên cứu cơ bản về KH tự nhiên, các đề tài đã thực sự đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy của cán bộ. Nhiều đề tài được Quỹ phát triển KH&CN Quốc gia (Nafosted) xét chọn để áp dụng thí điểm thực hiện. Trong nghiên cứu KHCN, nhiều công trình đã được lấy làm cơ sở khoa học cho việc định hướng chiến lược quy hoạch phát triển bền vững KT-XH địa phương, vùng, miền. Đội ngũ cán bộ KH trẻ của các trường đã có cơ hội tiếp cận, làm quen với phương pháp nghiên cứu KH mới, tích lũy và bổ sung những kiến thức mới. 

Hoạt động chuyển giao CN, sản xuất kinh doanh của khối trường KH-KT-CN cũng rất mạnh, với tổng doanh thu giai đoạn 2006-2009 đạt 1.806,62 tỷ đồng, trong đó có các trường như Trường ĐH Mỏ - Địa chất với 611,2 tỷ đồng, Trường ĐH Bách Khoa HN: 446,2 tỷ đồng; Trường ĐH Xây dựng: 441,2 tỷ đồng...

Trong lĩnh vực kỹ thuật và CN, nhiều công trình nghiên cứu có ý nghĩa khoa học, ý nghĩa thực tiễn cao, được áp dụng vào sản xuất, như cụm công trình “Nghiên cứu đặc điểm địa chất, địa chất công trình thềm lục địa VN phục vụ xây dựng công trình và định hướng chiến lược phát triển KT biển”,“Nghiên cứu sự hình thành, phân bố và đề xuất hệ phương pháp đánh giá và sử dụng tài nguyên nước ngầm ở vùng Karst Đông Bắc VN”, “Chế tạo vật liệu tricolorphotpho và bột điện tử micro-nano sử dụng để chế tạo đèn huỳnh quang và đèn huỳnh quang compacct tiết kiệm điện năng”...

 

IMG_1996.jpg
 Hội nghị tổng kết hoạt động KH-CN trong 5 năm vừa qua và đưa ra phương hướng phát triển cho công tác này trong thời gian tới. Ảnh, gdtd.vn    

 

Trong lĩnh vực KH nông – lâm – thủy sản, các trường ĐH, Học viện đã tạo ra được hàng chục giống cây trồng mới năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu sâu bệnh; Chuyển giao được một số CN khai thác thủy sản mới có hiệu quả KT cao; Làm chủ các CN sản xuất giống và nuôi thương phẩm có giá trị KT cao,...; Tạo ra các giống cây mới có khả năng chống chịu bệnh, đạt năng suất và hiệu quả KT cao, góp phần tăng diện tích và mật độ rừng; Thành lập bản đồ số hóa hiện trạng rừng và đất rừng đã giao khoán, tạo cơ sở dữ liệu phục vụ xây dựng mô hình quản lý lâm phận sau giao khoán dựa trên CN GIS

Các trường ĐH thuộc khối KT, quản trị kinh doanh đã thực hiện 38 đề tài cấp nhà nước, 805 đề tài cấp Bộ, 1.209 đề tài cấp cơ sở và 34 đề tài về hợp tác quốc tế, với nội dung nghiên cứu lý luận cơ bản phục vụ đào tạo, nghiên cứu phục vụ hoạch định chính sách quản lý KT vĩ mô, nghiên cứu tư vấn kinh doanh cho các doanh nghiệp, các tổ chức KT xã hội.

Đối với các nhiệm vụ KH-CN cấp Bộ, các trường ĐH tham gia nhiệm vụ bảo tồn quỹ gene đã xây dựng được một hệ thống nguồn gene có giá trị cao. Các trường tham gia nhiệm vụ ươm tạo CN đã tạo ra được nhiều bí quyết CN, trong đó đã được cấp 9 bằng độc quyền giải pháp hữu ích. 

Trong lĩnh vực nghiên cứu KH góp phần phát hiện và bồi dưỡng tài năng trẻ, phát triển tiềm lực KH-CN, công tác nghiên cứu KH của cán bộ trẻ và sinh viên được triển khai một cách bài bản, hệ thống, từ Bộ tới các cơ sở. Qua 5 năm xét giải, có 2.649 công trình nghiên cứu KH của sinh viên đạt Giải thưởng “Sinh viên NCKH” và được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tặng bằng khen.

Hợp tác quốc tế về KHCN đã góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu KH. Các trường ĐH có điều kiện đều thiết lập các mối quan hệ hợp tác, nghiên cứu song phương với các trường/viện nghiên cứu của nước ngoài, chủ động tổ chức hợp tác nghiên cứu, trao đổi giảng viên, khảo sát, học tập kinh nghiệm.

Quán triệt sâu sắc Nghị quyết XI của Đảng để hoạt động KH-CN thời gian tới hiệu quả hơn

Giai đoạn 2011 – 2015, hoạt động KH&CN của Ngành GD-ĐT theo phương hướng: phải dựa trên Chiến lược phát triển GD VN giai đoạn 2011-2020, Chiến lược phát triển KH&CN và Chiến lược phát triển KT - XH của đất nước; tập trung nghiên cứu phục vụ sự nghiệp phát triển và nâng cao chất lượng GD&ĐT, đặc biệt là GD ĐH, nhằm đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng, trình độ và chất lượng cao phục vụ phát triển KT - XH, nâng cao tiềm năng trí tuệ của đất nước; Đổi mới cơ chế, chính sách tài chính và quản lý hoạt động KH&CN của Ngành; nâng cao hiệu quả đầu tư cho hoạt động KH&CN. Việc đầu tư sẽ được thực hiện gắn với kết quả và hiệu quả hoạt động KH&CN của các trường ĐH, CĐ. Kết quả đánh giá sẽ là căn cứ cho các chủ trương đầu tư cho KH&CN sau này... 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã đánh giá cao những kết quả đạt được trong hoạt động KH-CN của các trường ĐH, các viện nghiên cứu trong 5 năm qua. Đồng thời nhấn mạnh rằng, những kết quả đó những tiền đề hết sức quan trọng cho ngành GD-ĐT thực hiện những nhiệm vụ của mình trong 5 năm tới.

 

images512627_TuThuchanh.jpg
Một giờ tự nghiên cứu KH của SV ĐH Sư Phạm-ĐH Thái Nguyên. Ảnh, gdtd.vn

 

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng trong công tác này còn nhiều hạn chế. Về mặt nhận thức, công tác nghiên cứu  KH-CN trong toàn hệ thống giáo dục còn chưa được nhận thức sâu sắc và đầy đủ, các trường còn đặt nặng vấn đề giảng dạy nên, ít chú ý đến nghiên cứu KH-CN.

Bộ trưởng cho rằng, có lúc, có nơi, công tác này còn bị lạm dụng để thực hiện những mục tiêu khác. Bộ trưởng nhấn mạnh, hoạt động KH-CN phải đóng góp xứng đáng vào các lĩnh vực của nền kinh tế, các mặt khác nhau của đời sống xã hội. Có những đóng góp quý báu, thiết thực thì những kết quả nghiên cứu KH-CN mới được đánh giá cao, được xã hội, tôn vinh.

Bộ trưởng cho rằng, trong thời gian qua, hoạt động KH-CN có nhiều hạn chế chủ yếu là do còn nặng nề về thủ tục hành chính; tại những trường ĐH, VNC nghiên cứu KH-CN được thực hiện một cách riêng lẻ, chưa gắn kết thành hệ thống các trường, cụm trường nên kết quả của công tác này thường không có tầm cỡ, trùng lặp, đơn lẻ và không có giá trị ứng dụng trong thực tiễn. Riêng mảng nghiên cứu Khoa học Giáo dục còn thiếu hụt và lạc hậu, không có sự gắn kết giữa nghiên cứu và thực tiễn của ngành giáo dục.

 

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã mạnh dạn nhận định, để xảy ra tình trạng trên đây, trách nhiệm  trước hết là do Bộ GD-ĐT; Theo Bộ trưởng, trong thời gian qua, có thể Bộ chưa thực sự quan tâm đúng mức, cơ chế chính sách và cách thức tổ chức thực hiện còn chưa thực sự làm cho hoạt động này sôi động và mạng lại hiệu quả...

 

 Một số nhà khoa học trình bày tham luận tại Hội nghị. Ảnh, gdtd.vn

 

Chính vì vậy, để hoạt động KH-CN thực sự đi vào chiều sâu và có nhiều ứng dụng trên hầu khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận yêu cầu, trong thời gian tới, đề nghị các trường ĐH, các VNC và trực tiếp là lãnh đạo các đơn vị này, các nhà khoa học phải quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI. 

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng yêu cầu các trường ĐH, VNC đánh giá, kiểm đếm lại một cách sâu sắc, sát thực hơn thực trạng đầu tư, sử dụng Cơ sở vật chất dành cho hoạt động KH-CN. Theo Bộ trưởng, Cần phải tính toán lại giữa nhu cầu sát sườn trước mắt và lâu dài của công tác này với các nguồn lực tài chính (vốn dĩ đã rất eo hẹp) để đầu tư sao cho có hiệu quả, có lộ trình, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, công trình làm xong mà không dùng được...

Bộ trưởng nhấn mạnh, trong thời gian tới, cùng với các công tác khác, một mặt Bộ GD-ĐT sẽ giao quyền tự chủ cho các trường, mặt khác, sẽ phối kết hợp với các Bộ, Ngành liên quan để tạo những cơ chế thuận lợi nhất cho hoạt động KH-CN của các trường ĐH, VNC. 

Bên cạnh đó, các trường cũng phải tăng cường tính tự chủ, trong hoạt động KH-CN, chủ động kiểm đếm lực lượng nghiên cứu, chủ động kế hoạch, chủ động đề tài cũng như công tác triển khai, đánh giá kết quả nghiên cứu, hợp tác ứng dụng. "Làm được như vậy, mới mong công tác nghiên cứu KH-CN ngành GD-ĐT sôi động và hiệu quả trong thời gian tới", Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ Hội nghị, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thứ trưởng Trần Quang Quý đã trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 10 tập thể đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động KH-CN góp phần xây dựng Chủ nghĩa Xã hội và bảo vệ Tổ quốc trong 5 năm qua. 

Trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho 49 tập thể 96 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động KH-CN giai đoạn 2006-2010. 

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ Nhiệm Ủy ban KHCN-Môi trường của Quốc Hội  TS Nghiêm Vũ Khải cho biết, theo luật, từ năm 2001 đến nay, kinh phí Nhà nước dành cho hoạt động KH-CN hàng năm không vượt quá 2% Tổng chi Ngân sách (ước khoảng hơn 0,3% GDP hàng năm). Mức chi này đã bất cập đối với hoạt động KH-CN mấy năm gần đây. Do vậy Ủy ban KHCN-Môi trường đang đề nghị Quốc hội trong kì họp tới điều chỉnh tăng thêm mức chi này lên bằng 1% GDP để thúc đẩy các hoạt động KH-CN.
 

Theo gdtd.vn