Tin tức – Sự kiện

Tắc nghẽn: Thách thức lớn cho giao thông đô thị Hà Nội

24 Tháng Sáu 2011

Xoay quanh vấn nạn tắc nghẽn giao thông ở Hà Nội, các chuyên gia trong và ngoài nước phân tích thực trạng, đồng thời đưa ra giải pháp nhằm từng bước khắc phục và xây dựng một hệ thống giao thông công cộng văn minh, hiện đại cho Thủ đô. Hội thảo do Viện Goethe tổ chức tại Hà Nội ngày 23-6

 

 

Quang cảnh buổi Hội thảo 	Ảnh: Minh Đức
Quang cảnh buổi Hội thảo. Ảnh: Minh Đức.
 

Không thể đổ lỗi cho xe máy

Tiến sĩ Khuất Việt Hùng (Trưởng Bộ môn Quy hoạch và Quản lý GTVT) nói: Từ 1995 trở về trước, Hà Nội là thành phố xe đạp, quá trình đô thị hóa và bùng nổ kinh tế gắn với quá trình du nhập xe máy vào Việt Nam. Đối với sinh viên, xe máy là phương tiện giao thông để bên giường trong phòng họ, từ trong phòng đi ra ngoài, rồi tới trường và từ trường quay trở về.

Nói đến xe máy là nói đến tính tiếp cận rất cao, cho nên quá trình đô thị hóa của những không gian liền kề với Hà Nội cũ, chịu ảnh hưởng rất mạnh của xe máy.

Xe máy hỗ trợ những người dân sống trong ngõ phố, vì nó có khả năng tiếp cận tốt và đi lại trong thời gian rất ngắn. Thực tế cho thấy, người dân bằng lòng sống trong các ngõ phố, xây nhà rất đẹp, có những con ngõ chỉ có 2,5 m bề ngang. Khi còn những con ngõ đó, Hà Nội còn phụ thuộc vào xe máy.

Xe máy là phương tiện gắn với quá trình đô thị hóa trong vòng 20 năm qua. Hà Nội sẽ tiếp tục là đô thị của xe máy trong vòng 10 - 20 năm tới.

Thạc sĩ Lê Vinh (Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội) cho biết: Hiện nay, Hà Nội có 583 tuyến đường được Sở GTVT quản lý, với tổng chiều dài 1.178km, có 150 điểm trông giữ xe công cộng với diện tích khoảng 272.370m2 (mới đạt 1,0 đến 1,5% mà theo yêu cầu phải đạt 3 đến 5% diện tích đô thị).

Hiện Hà Nội có 3,7 triệu xe máy, 400 nghìn ô tô với hai hình thức vận tải công cộng duy nhất là xe buýt và taxi. Xe buýt mới đảm nhiệm được 9% nhu cầu đi lại của người dân, chính vì thế ách tắc giao thông là khó tránh khỏi.

Làm gì để thay thế dần xe máy?

Tiến sĩ Michael Bose, chuyên gia quy hoạch đô thị và vùng, giảng viên cao cấp trường Đại học Hamburg (HafenCity-HCU - Đức) cho biết: Việc gia tăng xe máy không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước châu Á khác.

Phương tiện giao thông cá nhân là một trong những nguyên nhân gây hiệu ứng khí thải nhà kính. Nếu Hà Nội không phát triển được hệ thống giao thông công cộng có chất lượng cao thì giao thông của thành phố sẽ bị đình trệ trong một vài thập kỷ tới. Nguy cơ giao thông Hà Nội bị tê liệt, tắc nghẽn rất dễ xảy ra.

Hà Nội là một trong những thành phố chủ yếu dựa vào phương tiện xe máy, các tuyến đường Hà Nội không thể mở rộng được và khả năng tắc nghẽn giao thông rất cao. Trong tương lai, nếu người dân chuyển xe máy sang ô tô, vấn đề tắc nghẽn sẽ càng nghiêm trọng hơn. Trong tình hình đó, phải có giải pháp, chiến lược để ngăn chặn tình hình xung đột giao thông khu vực nội đô.

 

 

Cảnh tắc giao thông ở Hà Nội
Cảnh tắc giao thông ở Hà Nội.

 

Các tuyến xe buýt nhanh đã được áp dụng nhiều ở thành phố thuộc châu Mỹ và hoạt động hiệu quả. Điều quan trọng ở đây là chúng ta cần chú ý đến các điểm đỗ xe, vì nhận thức của người dân còn thấp, đồng thời phải chú ý khía cạnh tốc độ di chuyển và các giải pháp kỹ thuật để giúp hành khách dễ dàng tiếp cận các tuyến xe buýt nhanh.

Để xây dựng được một mạng lưới tàu điện ngầm, tàu điện trên cao hay tàu điện một ray, các bạn phải mất nhiều thập kỷ. Việc cải thiện giao thông cần có những quy định hạn chế xe máy tại các thành phố ở Việt Nam.

Cần áp dụng hệ thống thu phí tự động như ở Singapore hoặc phí tắc nghẽn ở Anh. Việt Nam là một trong những thị trường béo bở nhất cho ngành công nghiệp xe máy, có thể thay đổi loại hình xe máy, từ xe máy chạy bằng xăng sang xe máy chạy bằng điện. Có những nước có rất nhiều xe máy chạy điện, kể cả xe ôm như ở Trung Quốc. Bên cạnh đó, phải xây dựng quy định về phương tiện giao thông thân thiện môi trường.

Để giải quyết ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng, Tiến sĩ Michael Bose đề cập việc sử dụng xe đạp điện, ô tô để thay thế cho xe máy.

Ô tô hóa để phát triển khu dân cư và các doanh nghiệp, đưa trung tâm hành chính ra bên ngoài trung tâm thủ đô. Không biết Ba Vì có phù hợp với trung tâm hành chính hay không, nhưng ở Malaysia, xây dựng trung tâm hành chính, trung tâm công nghệ với khoảng cách 20 km bằng hệ thống trung chuyển tốc độ cao. Để làm được việc này, Giao thông Hà Nội cần có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành chức năng, cần giảm bớt lượng xe máy, ô tô trong nội đô.

Tiến sĩ Yiemchai Chatkeo, nguyên Phó Giám đốc điều hành MRTA (Mass Rapit Transit Authority of Thailand - Cơ quan quản lý các phương tiện vận chuyển hành khách công cộng Thái Lan) nói: Có những thời điểm thủ đô BangKok (Thái Lan) bị tắc nghẽn giao thông khiến nhiều người phải ăn ngủ trên xe nhiều ngày, lúc đó chỉ riêng ngành giao thông của nước này đã tiêu thụ đến 40% năng lượng của cả nước.

Nếu sử dụng mặt bằng phải xây dựng đến 22 làn đường mới vận chuyển hết số lượng 60.000 người/giờ. Như vậy phải áp dụng hệ thống trung chuyển số đông vừa tiết kiệm năng lượng vừa giảm ô nhiễm môi trường.

Hệ thống tàu điện ngầm, tàu điện cao tốc trên cao được sử dụng, tuy nhiên hệ thống trung chuyển số đông này không thể vận chuyển người dân đến tận nhà, mà cần một số phương tiện khác như ô tô, xe máy…

 


Theo tienphong.com.vn