Tin tức – Sự kiện

Lễ khai ấn đền Trần: Cần thay đổi nhận thức

06 Tháng Bảy 2011
Cập nhật lúc 15:33, Thứ tư, 30/03/2011 (GMT+7)
 
 

Chung quanh Lễ khai ấn đền Trần, mới đây Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo chính quyền và các cơ quan quản lý tỉnh Nam Định cần xem xét lại cách thức tổ chức cho phù hợp. Kết luận của Bộ đã nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học và đông đảo công chúng. PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trao đổi với phóng viên NDĐT về vấn đề này.

 Phóng viên: - Thưa PGS.TS Nguyễn Văn Huy, theo ông, Lễ khai ấn đền Trần có từ bao giờ, có ý nghĩa như thế nào trong sự phát triển, vận động của xã hội, trong đời sống cộng đồng?

PGS-TS Nguyễn Văn Huy: - Theo thông tin tôi được biết, lễ Khai ấn ở đền Trần đã có từ lâu, là một nghi lễ và thực hành tín ngưỡng của nhân dân địa phương ở đền Trần và các xã chung quanh. Tín ngưỡng này được phổ biến trong dân gian cũng như rất nhiều các tín ngưỡng thờ thành hoàng làng, hay ở các đền chùa khác.

Trước đây, mọi hoạt động do cộng đồng tổ chức một cách có trật tự và hợp lý, trong phạm vi cộng đồng địa phương. Có lẽ không nên quá xét nét về nghi lễ, tập quán này có lịch sử tồn tại lâu dài hay không, nguồn gốc của nó thế nào, nhất là truy xem có phải từ thời Trần hay không. Điều quan trọng là thực tế cho biết, việc thực hành nghi lễ này, cả khai ấn và phát ấn, là một nhu cầu chính đáng của nhân dân địa phương trong nhiều năm qua.

- Nhưng thưa TS, những năm gần đây việc tổ chức khai ấn và phát ấn ở đền Trần (Nam Định) đã phát sinh nhiều hiện tượng khiến dư luận bức xúc. Quan điểm của ông về những hiện tượng này?

9708.jpg

Chen chúc, dẫm đạp lên nhau trong lễ khai ấn.

- Từ năm 2000 trở lại đây, có nhiều lý do, nhưng trước hết với mong muốn phát triển du lịch, phát huy bản sắc địa phương nên đã có những tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng quá mức và nhiều khi không chính xác về nghi lễ này. Điều đó đã góp phần gây ra việc kéo khách thập phương đến quá đông trong đêm khai ấn và phát ấn ở đền Trần. Theo tôi, nghi lễ này hoàn toàn mang tính tín ngưỡng của một nhà đền, nó không liên quan đến nhà nước, đến các vua Trần, đến hành động của các quan chức thời Trần xưa trong dịp trước khi nghỉ tết và sau khi hết tết trở lại công việc bình thường đầu năm. Vì nhiều lý do, nhiều ý nghĩa mới đã được gán cho nó sau này làm di sản bị biến dạng.

- Vâng, vì những biến dạng đó, có ý kiến muốn dừng hẳn việc phát ấn vì sự xô bồ lệch lạc và biến tướng khỏi ý nghĩa tốt đẹp ban đầu. Nhưng cũng có ý kiến xem lễ hội không bất biến mà phát triển, vận động. Lễ khai ấn cũng như việc phát ấn cũng đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh của người dân, không nên dừng hẳn mà chỉ nên chấn chỉnh lại cách tổ chức. Quan điểm của ông về hai luồng ý kiến trái chiều này?

- Cũng như tín ngưỡng thờ Mẫu và việc thực hành nghi lễ lên đồng, tín ngưỡng và thực hành tín ngưỡng dân gian ở đền Trần là một nhu cầu thực sự của nhân dân, theo tôi nên tôn trọng và cần tôn trọng. Không thể thấy những cái bất ổn của nó, nhất là vì trật tự trị an, vì những hành vi thiếu văn minh, nhiều khi do chính chúng ta gây ra, mà dùng biện pháp hành chính để cấm. Không nên và không thể dùng biện pháp mệnh lệnh, duy ý chí để cấm các nghi lễ hay tín ngưỡng trong nhân dân. Tôi nghĩ đấy là nguyên tắc. Làm khác đi là vi phạm hiến pháp, pháp luật. Chúng ta đã có những bài học quý trong mấy chục năm qua, vì duy ý chí cứ cấm cái này, cái nọ một cách chủ quan, tùy tiện, nhưng rồi cuối cùng nó vẫn tồn tại vì đó là tâm linh, là nhu cầu của một bộ phận nhân dân.

- Nhưng thực tế năm nào cũng xảy ra những hiện tượng mua ấn, chen lấn, dẫm đạp lên nhau rất phản cảm, gây bức xúc trong dư luận. Nếu không chấn chỉnh, sẽ ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, gây tác động xấu trong đời sống xã hội?

- Có nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm. Cần tìm những nguyên nhân đã tạo nên sự quá tải trong ngày hội đền Trần, sự mất trật tự, ứng xử thiếu văn hóa, những nguyên nhân về khâu tổ chức, quản lý, tuyên truyền… Chẳng hạn, về tuyên truyền, đó là trách nhiệm của nhiều cơ quan, của các phương tiện thông tin đại chúng. Cần xem lại cách quảng bá, đưa tin trên báo, đài.

9709.jpg

Nên tổ chức lễ khai ấn bình thường như nó vốn có trước năm 2000.

Theo tôi, không nên tuyên truyền, thổi phồng các sự kiện, làm sai lệch nội dung và các giá trị của nó. Không nên gắn đền Trần với những hoạt động đích thực của các vua Trần xưa để coi đấy là giá trị, là truyền thống cần được tiếp nối. Từ đó dẫn đến suy tưởng sai là nhà nước phải vào cuộc, lãnh đạo nhà nước phải đến lễ thì mới bày tỏ sự tôn vinh, kính trọng các vua Trần. Các giá trị văn hóa cần được nhận diện cho đúng mức và khách quan. Việc quản lý và tổ chức thực hành tín ngưỡng này cần được trả về cho cộng đồng, cho nhà đền; chắc chắn đó không phải là việc của các cơ quan nhà nước, lại càng không phải là việc của các vị lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo tỉnh.

 - Vâng, để ngăn chặn những biến tướng trong ngày hội này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa chỉ đạo không phát ấn vào chính đêm khai ấn. Ý kiến của ông, với tư cách là một nhà nghiên cứu- như thế nào?

- Tôi cho rằng trước hết cần phải tuyên truyền, phổ biến làm cho mọi người, làm cho các cấp, các ngành, nhất là ngành du lịch, văn hóa hiểu đúng giá trị của di sản này. Giá trị di sản không phải được nâng cao bằng việc tính đếm số khách đến với Nam Định, đến với đền Trần đông hay ít. Cho nên không cần thiết phải tuyên truyền quảng bá du lịch quá với tầm cỡ của di sản do một nhà đền quản lý.

Đặc biệt tỉnh không nên mời các vị lãnh đạo Đảng, nhà nước, lãnh đạo tỉnh đến khai ấn và phát ấn ở đền Trần. Một sai lầm lớn về nhận thức và hành vi chính là ở chỗ này. Đóng ấn đầu tiên không phải là việc của các vị lãnh đạo, các vị đến đó hay không đến đó không liên quan gì đến là hành vi tôn kính vua Trần. Đó hoàn toàn chỉ là một tín ngưỡng dân gian.

“Việc quản lý và tổ chức thực hành tín ngưỡng này cần được trả về cho cộng đồng, cho nhà đền; chắc chắn đó không phải là việc của các cơ quan nhà nước, lại càng không phải là việc của các vị lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo tỉnh” - PGS.TS Nguyễn Văn Huy

Xin nhắc lại, việc thực hành tín ngưỡng này chỉ là một công việc của nhà đền. Đóng ấn là việc của các thủ từ. Các vị lãnh đạo muốn bày tỏ một niềm tín ngưỡng thì xin đến đó với tư cách cá nhân, không cần chụp ảnh, ghi hình trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chính những việc như vậy càng kích thích người ta đến với đền Trần ở một thời điểm đó. Năm nay lại kích thích cho năm sau.

Đừng để nhận thức rằng các vị lãnh đạo cấp cao đến thì tỉnh mới thỏa mãn, nhà đền mới vinh dự, mới là sự tôn vinh các vua Trần. Cần thay đổi nhận thức từ các cơ quan quản lý nhà nước, từ những người làm công tác văn hóa, du lịch. Hãy làm sao để bình thường hóa công việc của đền Trần như vốn nó vẫn tồn tại trước năm 2000 như một tín ngưỡng dân gian mà người dân ở đây vẫn nhắc đến.

Thứ nữa, không được thương mại hóa việc phát ấn, không thu tiền dưới bất cứ hình thức nào. Đừng nghĩ đây là một nguồn lợi dù cho bất cứ ai. Sức nhà đền làm đến đâu thì chỉ làm đến đó thôi và thông báo rõ rõ ràng.

Cũng không thể dùng mệnh lệnh để giải quyết sự việc ngay lập tức. Tôi hy vọng rằng những việc làm này lúc đầu khó khăn nhưng một vài năm sau tình hình sẽ trở lại nếp cũ như một sinh hoạt tín ngưỡng của người dân địa phương.

- Vâng, xin cám ơn ông về cuộc  trao đổi. 

Theo nhandan.org.vn
Theonhandan.org.vn