Tin tức – Sự kiện

Khi giải thưởng chỉ có ý nghĩa với người nhận giải

11 Tháng Bảy 2011

Nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng tư vấn cho giải thưởng Nhà nước về cách thức tìm ra người xứng đáng, đồng thời bàn về sự hiếu danh của người Việt.

 

Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng: “Nghệ sĩ có thành tựu, trước sau mọi người đều biết”. Ảnh: Kiên Trung
Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng: “Nghệ sĩ có thành tựu, trước sau mọi người đều biết”.
Ảnh: Kiên Trung.
 

Dù là giải thưởng Nhà nước hay danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) ai muốn được công nhận đều phải tự làm hồ sơ xin thì mới có cơ hội được trao. Ông nhận xét ra sao về cách làm này?

Chỉ nói riêng trong giới mỹ thuật, cách làm đó rất không ổn. Nhiều người gọi đó là sự xin - cho. Những người hay tự ái hoặc quá tự trọng, thường không làm hồ sơ xin giải thưởng. Người không có thành tựu gì nhiều lại sẵn sàng làm hồ sơ.

Xưa nay ai là nghệ sĩ có tài, có thành tựu thì trước sau mọi người đều biết. Huống hồ những cơ quan tư vấn cho nhà nước, họ ăn lương, mà chả nhẽ không biết ai xứng đáng.

Việc xét duyệt lại phụ thuộc vào một hội đồng. Mà thành viên trong hội đồng này nọ - thành tựu, trình độ cũng bình thường thôi, chưa kể tư túi, hay cảm tình riêng, thì việc xét duyệt đó làm sao chính xác được. Ví dụ giới mỹ thuật, đều biết hai ông Thái Bá Vân và Nguyễn Quân là nhà phê bình hàng đầu, nhưng khi xét duyệt thì họ cười khẩy vào hai vị đó. Hội đồng kiểu đó là có lỗi khi đại diện cho nghệ sĩ và nhà nước.

Anh có thể nói rõ “cười khẩy” là như thế nào?

Đó là những câu chuyện hành lang chúng tôi nghe được, không chính thức. Có thể nói là “cho trượt”. Hội đồng hay ghét những người có tài, trừ phi không thể không công nhận. Tôi không nghĩ nên nói quá nhiều vào lỗi của hội đồng nghệ thuật nào đó. Những hội đồng quốc tế cũng không làm được chính xác hơn. Hội đồng cũng là con người, có quyền sai lầm.

Như vậy chỉ còn cách chấn chỉnh hội đồng, các cơ quan tư vấn cho nhà nước và trông chờ vào sự khách quan, trung thực của họ?

Có thể làm từ nhiều góc độ. Có khi chỉ cần hỏi một nghệ sĩ danh tiếng, xem ông ta đề cử ai. Ví dụ bạn hỏi Nguyễn Tư Nghiêm ai là họa sĩ xứng đáng, chắc ông Nghiêm trả lời không sai, hoặc sai rất ít. Việc đó rất đơn giản và rất nhanh. Hoặc hỏi một nhà làm nghiên cứu lâu năm, họ có tổng kết sâu sắc cho cả một nền nghệ thuật. Ý kiến của họ thường không cảm tính, không phiến diện. Dư luận nhân dân cũng là một tham khảo tốt.

Giải thưởng Nhà nước về VHNT đưa ra những tiêu chí ít nhiều liên quan đến chính trị và cả ngoại giao. Ông nhận xét gì về điều này?

Xét tặng thưởng cho một nghệ sĩ là xét thành tựu nghệ thuật. Giải thưởng đó nên có ý nghĩa với nhân dân và văn hóa nhiều hơn là chỉ có ý nghĩa với người nhận giải. Do đó ai có ảnh hưởng đến sự tiến bộ của đời sống văn hóa, thì đương nhiên xứng đáng. Ai cống hiến cho sự phát triển riêng của nghệ thuật cũng xứng đáng. Thái độ chính trị cũng quan trọng.

Thích được giải thưởng hoặc hiếu danh âu cũng là đặc tính của con người?

Tôi cũng cảm thấy người Việt hiếu danh hơn các dân tộc khác. Ngày xưa người Pháp đã nhận xét: “Trong mỗi người Việt Nam đều có một ông quan”. Ở phố hay ở làng, chỉ bầu trưởng xóm - một thứ chức vô danh, không có quyền lợi, còn tranh nhau. Nhiều tòa báo chỉ có hai biên tập viên mà còn phải bầu trưởng ban biên tập. Huống chi NSND, giải thưởng Nhà nước, không tị nhau mới lạ.

Theo anh, bắt nguồn từ đâu mà người Việt phát triển tính hiếu danh?

Tính hiếu danh có những nguyên nhân truyền thống, nhưng ngày nay được nhân lên bởi rất nhiều người văn dốt vũ dát mà vẫn lên mặt. Chép tranh, đạo văn mà vẫn được giải thưởng, bằng cấp... Tức là người ta có thể đòi quyền lợi dù không làm gì.

Ngược lại, nghệ sĩ sáng tác tự do hoặc nhà nghiên cứu phê bình độc lập rất ít khi đòi gì. Bởi vì họ hiểu thực sự họ chưa xứng đáng để được thưởng, nghệ thuật vẫn còn xa lắm. Ví dụ đã có giải thưởng nào cho Nguyễn Huy Thiệp hay Nguyễn Hiến Lê? Nhưng ai chả đọc tác phẩm của họ.

Theo tienphong.vn