Tin tức – Sự kiện

'Tôi sẽ chọn cách nổi tiếng như Ngô Bảo Châu'

16 Tháng Bảy 2011

Sự nổi tiếng tìm đến tự nhiên ngoài ý muốn của chủ nhân, hay tìm đến sự nổi tiếng từ cơn khát bằng mọi cách?



Đề thi môn Ngữ văn khối D kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2011 có câu hỏi như sau: "Đừng cố gắng trở thành người nổi tiếng mà trước hết hãy là người có ích".

Trong bài viết"cùng làm bài thi đại học với thí sinh", Lê Nguyễn Ngọc Trâm, học sinh lớp 10 Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam đã nêu vấn đề và luận giải từ góc nhìn của mình.


Dưới đây, VietNamNet giới thiệu bài viết của Ngọc Trâm, và mong nhận được các bài viết từ đề bài trên của bạn đọc.





Có những người nổi tiếng bởi họ thật sự tài năng và xứng đáng được ca ngợi. Sự nổi danh của họ đến như một điều tất yếu của những cống hiến không mệt mỏi của họ đối với  xã hội như Pascan, Anhxtanh.


Nhưng  trái lại, đã, đang và có rất nhiều người chạy theo một ánh hào quang của danh vọng một cách hăm hở, quyết liệt, kiên trì và bền bỉ đến không ngờ.

Thí sinh có thể tra cứu điểm thi TẠI ĐÂY

Họ tham gia vào cuộc đua trở nên nổi tiếng như tiến vào một cuộc săn đầy tính thách thức. Họ làm mọi cách để đạt được nó mà quên mất một điều: Sự nổi tiếng chỉ đến khi bạn xứng đáng, nó chỉ đến khi bạn làm việc, khi bạn cố gắng đóng góp một điều gì thực sự có ích cho cuộc sống này.


Vậy thì, sự nổi tiếng là gì mà có sức mạnh thu hút con người ta đến thế?


Đó chính là sự  ngưỡng mộ của xã hội đối với một con người bởi những đóng góp của họ.


Đó là sự khâm phục đối với một cá nhân với tài năng, phẩm chất của họ, với sự thành đạt của họ cũng như việc làm mà họ đã giúp ích cho cộng đồng.


Trở thành người nổi tiếng cũng đồng nghĩa với việc  tên tuổi của bạn,sự xuất hiện của bạn, những gì bạn mặc, những gì bạn nói , bạn làm … đã trở thành mối quan tâm của một bộ phận không nhỏ trong xã hội.


Dù bạn đang ở đâu, làm gì, nói gì, chỉ cần bạn nổi tiếng, tất cả đều được trở thành một tiêu đề báo.


Tất cả những điều đó, kết hợp với tốc độ tên lửa của công nghệ thông tin, mạng máy tính và truyền thông, biến sự nổi tiếng và ham muốn trở thành người nổi tiếng thành một cơn khát cho rất nhiều những người trẻ hôm nay.


Khát khao đó, đối với những tài năng, hay với những khối óc đầy đam mê và nhiệt huyết, sẽ trở thành một lực đẩy mạnh mẽ giúp họ cố gắng và tiến lên trên con đường trưởng thành và lập nghiệp của mình.


Nhưng với một số người khác,“nổi danh”, như một cái mác để họ khẳng định giá trị ,“đẳng cấp” của mình trong cuộc sống tẻ nhạt không mục đích, thiếu hoài bão thực sự.

Tôi cứ nghĩ sự nổi tiếng giống như một bông hồng trên vách đã cheo leo mà rất nhiều người muốn hái.
Nhưng liệu bạn chọn cách treo mình lơ lửng để rất nhiều người bàn tán và hái được bóng của đóa hoa trong chốc lát ; hay bạn chọn cách xây cả một tòa lâu đài vững chắc, không chỉ để cho riêng mình mà còn để rất nhiều người cùng bước lên và ngắm được vẻ đẹp của hoa?

Họ chọn cách “làm người nổi tiếng” để thỏa mãn sự phù phiếm của bản thân trong những tựa đề báo lá cải mà luôn luôn có họ là nhân vật chính.


Họ chìm trong ảo tưởng và sự mù quáng về bản than mà không biết rằng số lượng đông đảo những kết quả tìm kiếm về mình trên Google chỉ là bằng chứng cho việc họ đang là những đề tài giải trí tầm thường.


Nhưng họ lại không biết điều đó, họ thỏa mãn với nó để lại tiếp tục đưa thêm những tin giật gân, những bộ ảnh khiến người xem thất vọng, chán nản cho không phải một vài  mà là rất nhiều những người đang biến tuổi trẻ của mình thành một món giải trí rẻ tiền.


Cư dân trên mạng đều đã biết một số ca sĩ người mẫu đã không ngại phô trương thân thể để được nổi tiếng đó sao?


Cách làm ấy rất nguy hại vì nó không phải là mục đích cao quý mà những tài năng chân chính hướng tới.


Tiếng tăm, danh vọng thường không phải là mục đích cao đẹp nhất của cuộc sống.


Danh vọng có thể làm tha hóa con người, làm băng hoại đạo đức và đẩy con người ta vào tội lỗi. Để cố trở thành người nổi tiếng có những người đã đi vào những con đường bất chính, sử dụng những phương thức, hành động xấu xa để bôi nhọ hoặc hạ thấp giá trị của đồng nghiệp. Như thế thực sự họ đã tự hạ thấp mình.


Khẳng định bản thân là nhu cầu và khát khao của mỗi con người. Chúng ta sống và luôn mong muốn được người khác công nhận bản  mình.


Nhưng giá trị của chúng ta không nằm ở việc liệu có nhiều người biết ta là ai mà chính ở việc  ta làm  có ích cho cộng đồng hay không?


Một nhà văn từng nói: “Mọi phẩm chất của đức hạnh đều ở trong hành động”.


Dù đó là công việc lớn lao như một chính trị gia đại diện cho cả dân tộc, hay nhỏ bé như những học sinh phổ thông cần mẫn học tập để một ngày nào đó làm vẻ vang cho gia đình. 


Điều quan trọng là động cơ hành động của ta cao quý hay thấp hèn, vì mục đích hướng tới mọi người hay chỉ vì  sự háo danh trong chốc lát.


Những điều ta suy nghĩ , những việc ta làm vì lợi ích của số đông mới khẳng định ta là ai , ta ở đâu trong cuộc sống này.


Trở thành một người có ích, trở thành một người có mục đích tốt đẹp trong cuộc đời, đó mới thực sự là Sống.


Và khi ta ý thức được cuộc đời của ta và không ngại ngần công hiến hết khả năng, đó là khi ta đang dần xây dựng nền móng vững chắc nhất cho tên tuổi, cho “sự nổi tiếng” chân chính đáng quí của mình.


Không ai tắm hai lần trên một dòng sông , và không ai có hai lần tuổi trẻ. Đừng phí hoài nó với sự phù phiếm, giả dối của cái gọi là “ hư danh” trong chốc lát. Đừng thu mình trong vỏ ốc của sự rụt rè và nhút nhát  Hãy sống hết mình để khi nhìn lại ta không phải nuối tiếc, không phải hối hận vì đã an phận  đã bằng lòng trong những tháng năm tuổi trẻ.


Tôi cứ nghĩ sự nổi tiếng giống như một bông hồng trên vách đã cheo leo mà rất nhiều người muốn hái.


Nhưng liệu bạn chọn cách treo mình lơ lửng để rất nhiều người bàn tán và hái được bóng của đóa hoa trong chốc lát ; hay bạn chọn cách xây cả một tòa lâu đài vững chắc, không chỉ để cho riêng mình mà còn để rất nhiều người cùng bước lên và ngắm được vẻ đẹp của hoa?


Khi Ngô Bảo Châu lặng lẽ nghiên cứu toán học, hẳn anh không đi tìm sự nổi tiếng, nhưng chính sự say mê và sự kiên trì một mục đích tốt đẹp đã dẫn anh tới thảm đỏ của vinh quang.

 Và còn rất nhiều tài năng trẻ trên đất nước ta âm thầm học hỏi nghiên cứu, rồi một ngày nào đó, sự nổi tiếng lại tìm đến với họ. Tôi cũng sẽ chọn cách đó.


  • Lê Nguyễn Ngọc Trâm (lớp 10 văn, Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam)

Đề thi ĐH môn Ngữ Văn năm 2011, khối D: 

Câu II. (3,0 điểm)

Đừng cố gắng trở thành người nổi tiếng mà trước hết hãy là người có ích.

Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến trên.

*************************
Mời bạn đọc tham gia viết bài theo email: bangiaoduc@vietnamnet.vn hoặc mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn!

Theo vietnamnet.vn


Sau giờ thi. Ảnh: Lê Anh Dũng

Nhà thơ người Mỹ Henry Wadsworth Longfellow “Sự nổi tiếng chỉ đến khi bạn xứng đáng, nó đến như một định mệnh, bởi nó chính là định mệnh”.