Tin tức – Sự kiện

Giữ gìn di sản văn hóa cho mai sau

16 Tháng Bảy 2011
Những ngày qua, việc Thành nhà Hồ (Thanh Hóa) được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới đã trở thành một sự kiện làm nức lòng mọi người dân Việt Nam ở cả trong và ngoài nước.

 

Thành nhà Hồ có được vinh dự đó, vì đây là tòa thành có vị trí quan trọng trong tiến trình lịch sử - văn hóa dân tộc, như PGS, TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học, nói: 'Tòa Hoàng thành bằng đá của Kinh thành Tây Ðô được xây dựng bằng kỹ thuật đá lớn, kỳ tích đột khởi của việc xây dựng thành lũy Việt Nam. Ðồng thời còn chứng tỏ sự giao thoa các giá trị văn hóa Việt Nam và các giá trị văn hóa Ðông Á. Nó cũng là nơi duy nhất phản ánh văn hóa, lịch sử văn minh Việt Nam cuối thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15 khi Vương triều Hồ đẩy mạnh việc cách tân hướng đất nước tới cuộc sống văn minh hơn, nhiều lợi ích cho nhân dân hơn'. Qua đó có thể thấy, cũng như Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, cố đô Huế, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn,... Thành nhà Hồ là sự kết hợp chặt chẽ giữa các thành tựu văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của dân tộc Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử, là tài sản văn hóa hậu thế cần trân trọng, giữ gìn.

Với những giá trị lịch sử - văn hóa, các di sản văn hóa luôn có sức hấp dẫn đối với du khách, đặc biệt là khách nước ngoài. Coi mục đích của du lịch là khám phá và tìm hiểu, du khách thường rất quan tâm tới di sản văn hóa của quá khứ. Chúng giúp họ khám phá và mở mang sự hiểu biết về tiến trình lịch sử, về hệ thống giá trị của văn hóa dân tộc. Do đó, nếu có sự kết hợp hài hòa giữa việc giữ gìn, quảng bá di sản văn hóa với việc xây dựng một hệ thống dịch vụ du lịch tương ứng, các di sản văn hóa đều có thể tham gia vào quá trình phát triển kinh tế du lịch. Thực tế những năm gần đây cho thấy, một số di sản văn hóa ở Việt Nam đã trở thành điểm du lịch có sức thu hút rất lớn, phát huy được ý nghĩa và giá trị văn hóa, đồng thời đem lại lợi ích kinh tế, mà điển hình là các di sản như cố đô Huế, phố cổ Hội An... Tuy nhiên, cần phải nói rằng, đã có lúc, có nơi, tính thực dụng về lợi ích trong kinh doanh du lịch đã lấn át, làm cho tính văn hóa của di sản bị xem nhẹ. Thậm chí có di sản văn hóa đã bị biến thành nơi để một số người hành nghề mê tín dị đoan. Bên cạnh đó là sự lơ là trong tu bổ và sửa sang, khiến kiến trúc của di sản xuống cấp; hoặc trùng tu theo xu hướng 'hiện đại hóa quá khứ', đến mức có di sản bị biến dạng so với nguyên gốc lịch sử...

Di sản văn hóa, đặc biệt là các di sản văn hóa đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới, là tài sản vô giá của dân tộc. Tuổi lịch sử cùng các giá trị mà di sản văn hóa chứa đựng trong đó, một mặt là thành tựu văn hóa của cha ông, một mặt là niềm tự hào, góp phần hình thành nên động lực tinh thần khích lệ chúng ta trên con đường xây dựng nền văn hóa mới. Khi khẳng định văn hóa là dòng chảy không ngừng của sức sống dân tộc, chúng ta cũng cần xác định ý thức trách nhiệm của mình trong giữ gìn mọi di sản văn hóa của quá khứ, để từ đó trao lại cho con cháu mai sau. Vì thế rồi đây, Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, cố đô Huế, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, Thành nhà Hồ,... sẽ có thêm hàng nghìn năm tuổi hay không, phụ thuộc vào sự nỗ lực của mỗi chúng ta hôm nay. 

Theo nhandan.org.vn