Tin tức – Sự kiện

'Đại học ngoài công lập đứng trước nguy cơ tan rã'

06 Tháng Tám 2011

Sáng 5/8, tại Hà Nội, lãnh đạo các đại học ngoài công lập đã có buổi thảo luận, trao đổi về kiến nghị điểm sàn gửi lên Bộ GD&ĐT. Nhiều người cho rằng các trường ngoài công lập đang chết dần bởi không có nguồn tuyển.


Ngay sau khi hiệp hội các trường đại học ngoài công lập kiến nghị Bộ Giáo dục giao điểm sàn về cho từng trường hoặc hạ điểm sàn tương đối, thành viên của hội đã có buổi làm việc tại ĐH Nguyễn Trãi dưới sự chủ trì của Phó chủ tịch thường trực Phan Quang Trung.

Ông Lê Công Huỳnh, Hiệu trưởng ĐH Thành Tây cho biết, nếu các trường ngoài công lập không tuyển đủ chỉ tiêu thì đến lúc phải tan. Trong mùa tuyển sinh năm ngoái, các trường đã phải rất vất vả để chiêu sinh. Năm nay, nếu như một số trường công lập dự định lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn thì không còn thí sinh cho trường ngoài công lập.

 

Ông Lê Công Huỳnh, Hiệu trưởng ĐH Thành Tây. Ảnh: Hoàng Thùy.

 

"Khi mới thành lập cách đây 4 năm, trường tôi tuyển được 700 sinh viên. Năm sau được 600, rồi 400, e rằng năm nay để có 200 cũng khó", ông Huỳnh nói và kiến nghị Bộ Giáo dục hãy phê duyệt điểm sàn riêng cho khối công lập và ngoài công lập.

Ông Đặng Văn Định, Chủ tịch hội đồng quản trị ĐH Chu Văn An cho rằng, nhìn vào đồ thị phổ điểm năm nay có thể thấy tổ ra đề rất thiếu kinh nghiệm. "Tháng 6 thi tốt nghiệp kết quả cao chót vót, vậy mà một tháng sau thi đại học kết quả đã lẹt đẹt. Trong tình thế đó điểm sàn chính là nguyên nhân làm chết các trường top dưới, vô tình làm thui chột chủ trương xã hội hóa của cả nước", thầy Định nói.

Theo thầy Định, các trường cấp 3 đã làm rất tốt việc tuyển sinh. Đề thi là chung nhưng nếu chưa tuyển đủ thì có thể hạ điểm đến khi nào đủ thì thôi. Đó là phương pháp mà Bộ nên áp dụng đối với các trường đại học hiện nay.

Từng nêu rõ điểm chuẩn trường mình sẽ bằng điểm sàn của Bộ và kiến nghị Bộ hạ điểm sàn ngay từ khi mới có kết quả thi, Hiệu trưởng ĐH Dân lập Hải Phòng Trần Hữu Nghị cho rằng không nên bỏ điểm sàn vì nếu bỏ sẽ mất đi tính chất ba chung. Tuy nhiên, Bộ phải làm sao cho các trường có chỉ tiêu 100 thì tuyển đủ 100 bởi có hơn một triệu thí sinh tốt nghiệp nhưng chỉ khoảng 300.000 cơ hội đại học thì lẽ ra việc tuyển sinh không khó khăn.

 

Ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng ĐH Dân lập Hải Phòng. Ảnh: Hoàng Thùy.

 

"Năm ngoái, Bộ đã gia hạn tuyển sinh cho các trường ngoài công lập thêm 15 ngày, tuy nhiên không có thí sinh nào đến học vì nguồn tuyển đã cạn kiệt, việc kéo dài thời gian khiến học sinh phải nhập học muộn gây khó khăn cho công tác đào tạo của trường", thầy Nghị chia sẻ.

Theo phân tích của hiệu trưởng ĐH Dân lập Hải Phòng, ở một số đại học công lập, đầu vào cao chưa chắc đầu ra đã cao. Ông khẳng định, với việc tuyển học sinh mức điểm trung bình, trường ông có khả năng đào tạo sinh viên đó trở thành người giỏi bởi phương pháp đào tạo toàn diện.

"Từ khi vào trường cả thầy và trò đều phải chạy marathon để đảm bảo chất lượng. Thế nên hơn 96% sinh viên của chúng tôi ra trường đều có việc làm. Đây là kết quả mà không phải trường công lập nào cũng giành được", thầy Nghị nói và than phiền mặc dù chất lượng tốt nhưng vì hai chữ "dân lập", "tư thục" mà các trường ngoài công lập vẫn chưa thu hút được thí sinh.

Ngoài ra theo ông Nghị, quy định của Bộ như điểm sàn, không được gửi giấy báo cho thí sinh quá số lượng chỉ tiêu mà không quan tâm đến số ảo khiến các trường ngoài công lập đang rơi vào tình thế khó khăn.

Theo vnexpress.net