Tin tức – Sự kiện

Hội Nhạc sĩ Việt Nam: Vẫn còn "nợ" nhạc sĩ Phạm Tuyên!

24 Tháng Tám 2011

Sát đến ngày công bố giải thưởng, Hội Nhạc sĩ Việt Nam vẫn chưa thể đưa ra câu trả lời về việc, sẽ xử lý thế nào với nhạc sĩ Phạm Tuyên trước đề nghị xét đặc cách giải thưởng Hồ Chí Minh cho ông.

Năm nay, vị nhạc sĩ 82 tuổi đã được Hội Âm nhạc Hà Nội đề nghị xét đặc cách cho giải thưởng Hồ Chí Minh. Đây không phải là lần đầu tiên, cái tên Phạm Tuyên có liên quan tới việc xét giải thưởng Hồ Chí Minh. Cách đây hai mùa xét giải, vị nhạc sĩ 82 tuổi này cũng đã từng làm hồ sơ, nhưng đều không đủ số phiếu để được vinh danh.

 Ảnh minh họa

 Năm nay, vị nhạc sĩ 82 tuổi đã được Hội Âm nhạc Hà Nội đề nghị xét đặc cách cho giải thưởng Hồ Chí Minh


Ở cái tuổi 82, nếu để bảo một người đã từng “trượt” 2 lần tiếp tục làm hồ sơ, âu là một việc rất khó. Cái sự quá tâm ba bận, có lẽ vị nhạc sĩ già đi cùng năm tháng này cũng thấu hiểu. Vì thế, năm nay, Hội Âm nhạc Hà Nội đã làm một việc là gửi Công văn xin xét giải thưởng Hồ Chí Minh cho vị nhạc sĩ này.

Câu chuyện cũng không có gì đáng để bàn luận quá sâu, nếu không có chuyện “đá bóng” của Vụ Thi đua khen thưởng và Hội Nhạc sĩ Việt Nam trong việc bàn tới việc đặc cách cho nhạc sĩ Phạm Tuyên.

Trong buổi họp báo cách đây không lâu, Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng có trả lời về trường hợp của nhạc sĩ Phạm Tuyên, rằng, ông đã không làm đúng quy trình xét giải là gửi hồ sơ. Vụ Thi đua Khen thưởng đã có phản hồi lại nơi đề xuất xét giải cho nhạc sĩ Phạm Tuyên là Hội Âm nhạc Hà Nội với nội dung chủ yếu, công văn không phải là hồ sơ xin xét giải, vì thế không hợp lệ. Cũng theo Lãnh đạo Bộ, việc này cần phải làm từ cấp cơ sở, cấp cơ sở không đề xuất thì Bộ cũng không xem xét.

Tuy nhiên, trong buổi sinh hoạt Câu lạc bộ Nhà báo và Âm nhạc định kỳ chiều qua (22/8), đại diện của Hội Nhạc sĩ Việt Nam lại có một cách lý giải hoàn toàn khác và đương nhiên, vẫn không làm thỏa lòng báo chí.

Vẫn là sự ra mặt của Phó Chủ tịch Hội - Nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi, với kiểu trả lời với báo chí cách đây không lâu, rằng quy chế xét giải sẽ phải là hồ sơ chứ không phải công văn. Theo ông thì Hội Âm nhạc Hà Nội gửi công văn tới 4 nơi, trong đó có cấp cao hơn Hội Nhạc sĩ Việt Nam chính là Hội đồng thi đua khen thưởng cấp Bộ, vì thế, công văn gửi tới Hội Nhạc sĩ Việt Nam hoàn toàn “không giá trị”.

 Ảnh minh họa

 Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam - Nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi


Cái không giá trị này, theo cách lý giải của Phó Chủ tịch Hội, đó là Hội đồng cơ sở Hội Nhạc sĩ chỉ đủ tư cách xét trên cơ sở là hồ sơ chứ không phải công văn. Khi công văn đã vượt cấp, nghĩa là Hội đồng cấp cao hơn sẽ ra quyết định đặc cách hay không!?

Thậm chí, vị này còn quả quyết quyền đặc cách, sẽ phải là ở cấp cao hơn “Nếu đặc cách, sẽ phải là Chủ tịch nước xét. Lúc ấy, việc đặc cách nằm ở một cấp khác, đó là đánh giá cả một sự nghiệp âm nhạc chứ không phải qua cụm công trình nào”.

Để đưa ra lý do chưa thật sự xác đáng để xét giải cho nhạc sĩ Phạm Tuyên lần này, ông Phạm Ngọc Khôi tiết lộ, vào năm 2005, nhạc sĩ Phạm Tuyên cũng đã đề xuất xét giải thưởng Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, theo ông Phạm Ngọc Khôi thì sau khi nhận giải thưởng Nhà nước, nhạc sĩ Phạm Tuyên chưa có được bộ hồ sơ nào dày dặn hơn để xin xét giải Hồ Chí Minh?

Chuyện “đá bóng” của Hội Nhạc sĩ Việt Nam khiến nhiều người khó hiểu. Đầu tiên, Hội Âm nhạc Hà Nội đã gửi công văn đề nghị xét đặc cách cho nhạc sĩ Phạm Tuyên từ hồi tháng 2, quá sớm khi Hội đồng cơ sở vừa có kết quả danh sách cấp cơ sở.

Tuy nhiên, từ tháng 2 đến nay, việc đó lặng thinh, Hội Nhạc sĩ Việt Nam không có bất kỳ động thái nào, ít nhất về “tình” để bảo vệ cho Hội viên của mình. Mặc nhiên, Hội Nhạc sĩ Việt Nam để số phận hội viên của mình được phán quyết bởi một Hội đồng cấp cao hơn mà không chút tác động từ cơ sở. Sát đến ngày công bố danh sách chính thức Hội đồng cấp Bộ, Hội Âm nhạc Hà Nội mới nhận được công văn phản hồi như một sự đã rồi, trong khi danh sách đã được chốt.

Với một bộ sưu tập ca khúc khổng lồ, gắn bó với từng giai đoạn lịch sử cách mạng của dân tộc, đó đã đủ sức mạnh để đặc cách giải thưởng Hồ Chí Minh cho ông. Đó là phần đông ý kiến của các nhạc sĩ và các nhà báo trong buổi gặp mặt báo chí của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Nhạc sĩ Văn Dung - Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội khẳng định, với những cống hiến cho nền âm nhạc cách mạng Việt Nam suốt chiều dài lịch sử, Phạm Tuyên là người hoàn toàn xứng đáng để được xét đặc cách giải thưởng Hồ Chí Minh.

Hội Âm nhạc Hà Nội vẫn tiếp tục làm công văn gửi tới Hội đồng cấp Bộ để xét đặc cách cho vị nhạc sĩ 82 tuổi này cũng với tâm lý, nếu không tôn vinh bây giờ, liệu 5 năm nữa, Phạm Tuyên có còn đủ sức lực để đi xin giải thưởng Hồ Chí Minh không.

 Ảnh minh họa

 Nhạc sĩ Cát Vận hứa sẽ trả lời báo chí về trường hợp của nhạc sĩ Phạm Tuyên vào thứ tư tới

 


Nhưng, đứng trước câu hỏi này, nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi lại thản nhiên, “Chúng tôi đương nhiên không muốn bị đứt gẫy trong việc xét giải thưởng định kỳ cho hội viên của Hội. Còn nói về tuổi tác, trong Hội Nhạc sĩ chúng tôi, còn rất nhiều các vị nhạc sĩ trên 80 tuổi như nhạc sĩ Phạm Tuyên”?

Một điều kỳ lạ là, Hội Âm nhạc Hà Nội - được coi là cấp địa phương, còn chú trọng đến việc bảo vệ quyền lợi cho hội viên của mình, vậy mà ở cấp cao hơn, Hội Nhạc sĩ Việt Nam lại quá thờ ơ với những cống hiến của vị nhạc sĩ “Con kênh ta đào” này.

Quá lúng túng vì không phải là người cầm trịch có quyền quyết định mọi thứ trong lúc Chủ tịch Hội Nhạc sĩ đi vắng, nhạc sĩ Cát Vận đưa ra lời hứa, vào thứ tư tới, ngày 24/8, Hội sẽ có câu trả lời chính thức với việc sẽ có động thái thế nào với việc xét đặc cách giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhạc sĩ Phạm Tuyên!

 


Theo http://vnmedia.vn