Tin tức – Sự kiện

Nhân năm học mới, nghĩ về tiếng Việt hôm nay

12 Tháng Chín 2011
PGS TS Phạm Văn Tình (Viện Từ điển học & Bách khoa thư Việt Nam)
Khi bước vào ngưỡng cửa nhà trường hiện nay, các nhà giáo dục nước nhà luôn mong các em học tiếng Việt sao cho vững vàng đã, sau đó các em mới bắt tay vào ngôn ngữ thứ hai (hay thứ ba). Cũng giống như một đầu bếp, đã rất thạo nấu các món ăn dân tộc, anh ta sẽ dễ dàng tiếp thu và chế biến các món ăn dân tộc khác một cách dễ dàng và hiệu quả.

Tiếng Việt đã ra đời cùng dân tộc Việt cách đây hàng ngàn năm và hiện tại nó vẫn tồn tại và phát triển theo dòng chảy của lịch sử. Bản thân tiếng Việt cũng chịu nhiều sự thăng trầm qua những biến cố thời gian nhưng vẫn giữ vững "cốt cách" của mình. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, khi mà khoa học, công nghệ hiện đại nhân loại đang phát triển như vũ bão và kèm theo đó là sự hội nhập, hòa nhập của các dân tộc trên thế giới, thì bản thân tiếng Việt có còn giữ được bản sắc của mình không? Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có thái độ ứng xử của lớp trẻ hôm nay với ngôn ngữ cha ông.

Tiếng mẹ đẻ: Vẫn là cái gốc

Con người sinh ra, lớn lên, muốn giao tiếp và tìm hiểu với cuộc sống, cộng đồng trước hết phải có ngôn ngữ. Ngôn ngữ là hệ thống kí hiệu đặc biệt, kì lạ nhất mà con người tạo ra trong quá trình lao động và cải tạo thế giới. Ai cũng biết, ngôn ngữ là công cụ giao tiếp và của tư duy. Thật khó tưởng tượng là ở một cộng đồng nào đó (dù chỉ là hai người) lại không dùng đến tiếng nói để trao đổi.

Học tiếng nói là học từ khi còn rất nhỏ và tốt nhất là học từ rất nhỏ. Ngay từ thuở nằm nôi, em bé đã được tắm mình trong lời ru của mẹ. Tiếng mẹ đẻ là tiếng của cha mẹ sinh ra ta, hiểu rộng hơn là tiếng quê hương, tiếng của dân tộc mình (Country language trong tiếng Anh có nghĩa là tiếng quê hương, tiếng của dân tộc, của đất nước...). "Ngôn ngữ là linh hồn dân tộc" (W. Humboldt) và vì vậy, biết nói và nói hay tiếng mẹ đẻ là người đó đã mang dòng máu dân tộc trong huyết quản của mình.

Ngày khai giảng một trường ở Hà Nội. Ảnh: Duy Tường.

Trong cuốn "Đaghextan của tôi", R. Gamzatov đã kể về chàng đô vật người Avar đã ôm chầm lấy đối thủ (đang mang quốc tịch Thổ Nhĩ Kì) khi biết rằng anh ta có gốc người Avar bởi đột nhiên anh thốt lên tiếng nói quê hương quen thuộc. Và người mẹ tội nghiệp nọ khi hay tin đứa con yêu quý của mình (đang lưu lạc nơi xứ người) phải nói chuyện với R. Gamzatov (là đồng hương) lúc gặp ông ở nước ngoài thông qua phiên dịch, đã buồn bã và lặng lẽ kéo khăn trùm đầu che mặt (một cử chỉ dành cho người đã khuất).

Tiếng mẹ đẻ cần phải coi là cái gốc, cái cốt lõi thiêng liêng mà mỗi người cần phải biết, phải nâng niu và trân trọng. Các em nhỏ khi tới 6 tuổi, sẽ bước chân vào lớp 1. Lúc đó, những vốn từ giao tiếp cơ bản các em (học từ gia đình, bố mẹ, cộng đồng xung quanh) đã có, những ngữ năng cơ bản của các em đã hình thành. Nhưng để nắm được tiếng Việt một cách cơ bản, thuần thục, các em phải được học hành bài bản, hệ thống ở trường phổ thông, thông qua hệ thống các tri thức ở các cấp học. Khi học xong lớp 12 (PTTH), các em cũng tròn 18 tuổi. Lúc đó, các em đã trưởng thành về sức vóc và có một vốn ngôn ngữ khá hoàn chỉnh. Khi đó, "dù có đi bốn phương trời" các em vẫn không quên được ngôn ngữ cha ông đã thấm rất sâu, rất đậm vào tiềm thức. Bác Hồ của chúng ta là một minh chứng sống động. Ra đi tìm đường cứu nước từ năm 21 tuổi (1911), sau 30 năm bôn ba Bác mới về nước (1941), vậy mà tiếng Việt của Người vẫn rất quen thuộc, tươi mới, từ lời lẽ đến âm sắc. Bây giờ nghe lại, ta vẫn thấy xúc động bởi giọng nói truyền cảm, đậm đà chất giọng xứ Nghệ "dẫu đi xa bao năm mà vẫn nhớ".

Hòa nhập ngôn ngữ: Sinh động và phong phú thêm

Như trên đã nói, mỗi người (cụ thể là mỗi học sinh) phải nắm vững tiếng mẹ đẻ. Đó là cái gốc. Gốc có vững thì cây mới bền.

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, mỗi dân tộc, mỗi con người không thể tự thu mình "bế quan tỏa cảng" như một ốc đảo. Họ phải biết bắt tay hội nhập và hòa nhập (nếu không sẽ bị tụt hậu và để người khác vượt lên). Muốn làm được điều đó, người ta phải biết cách vượt qua chướng ngại đầu tiên: hàng rào ngôn ngữ.

Ngôn ngữ là công cụ giao tiếp số một. Vì vậy, thiếu sự hòa đồng ngôn ngữ, con người chỉ biết "nhìn nhau và cười". Trong truyền thuyết về Tháp Babel, Thượng đế đã phá vỡ ý tưởng xây một tòa tháp cao vút để lên trời của loài người bằng cách "phù phép", sau một đêm bắt họ phải nói nhiều ngôn ngữ khác nhau. Mất tiếng nói chung, cộng đồng người kia, từ chỗ đoàn kết hăm hở, trở nên xa lạ, rời rạc mất ý chí. Cũng bởi họ chẳng còn công cụ quan trọng để trao đổi là ngôn từ. Câu chuyện này rất ý nghĩa trong bối cảnh thời đại mới. Muốn vươn ra thế giới để học hỏi tri thức, để tiến bộ "bằng anh bằng em", chúng ta phải tinh thông ngoại ngữ đã. Mà ngoại ngữ "mốt" hiện tại là tiếng Anh (sau mới đến tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Đức, tiếng Hán, tiếng Nga...).

Bây giờ, có người sùng bái ngoại ngữ đến mức, họ chỉ nhăm nhăm cho con cái đi học tiếng Anh càng sớm, càng nhiều càng tốt. Chắc họ nghĩ, cứ giỏi tiếng Anh ắt có nhiều cơ hội học hành và làm giàu. Họ quên rằng, muốn học ngoại ngữ tốt phải có nền tảng tiếng mẹ đẻ chắc chắn. Không có một ai dốt tiếng mẹ đẻ mà lại giỏi ngoại ngữ cả. Cũng bởi ngôn ngữ phản ánh tư duy. Không được trang bị kiến thức tiếng nói cơ bản, thuần thục, khả năng nhận thức, diễn đạt sẽ bị hạn chế. Vì vậy, khi bước vào ngưỡng cửa nhà trường hiện nay, các nhà giáo dục nước nhà luôn mong các em học tiếng Việt sao cho vững vàng đã, sau đó các em mới bắt tay vào ngôn ngữ thứ hai (hay thứ ba). Cũng giống như một đầu bếp, đã rất thạo nấu các món ăn dân tộc, anh ta sẽ dễ dàng tiếp thu và chế biến các món ăn dân tộc khác một cách dễ dàng và hiệu quả. "Thổi cơm chẳng chín, quét nhà chẳng nên" thì làm sao  làm tốt những việc hàng ngày khác cơ chứ!

Hiện nay tiếng Anh đang tràn ngập khắp nơi (trong sách báo, nói năng, trên mạng Internet...). Tiếng Việt đã chịu ảnh hưởng rất lớn từ tiếng Hán, tiếng Pháp, bây giờ là tiếng Anh. Đương nhiên, đã tiếp xúc là sẽ có tiếp nhận. Nhưng tiếp nhận như thế nào? Bởi với nhiều người giới trẻ, làn sóng "Anh hóa" đang đưa họ xa rời với lối nói dân tộc, từ từ ngữ đến cách nói. Như vậy, chính chúng ta đã tự tách rời môi trường sinh ngữ quen thuộc của mình. Nên nhớ rằng tiếp thu ngôn ngữ và văn hóa là cần, nhưng nó chỉ giúp làm cho tiếng nói vốn có của ta sinh động và phong phú hơn thôi. Nếu không khéo, thì hồn vía tiếng Việt ngàn đời cũng sẽ bị mai một. Giống như ca sĩ thời thượng lên sâu khấu, chỉ thích hát nhạc pop, rock, nhảy nhót loạn xị với lời lẽ ca từ "Tây không ra Tây, ta chẳng ra ta" mà không biết hát các bài ca trữ tình, truyền thống. Họ sẽ không được các "ông Tây bà đầm" hưởng ứng, và cũng sẽ xa lạ ngay với khán giả nước mình. Thái quá như bất cập. Cái gì quá đà cũng sẽ đem lại hiệu ứng ngược: Lợi bất cập hại.

Người khôn ngoan là người biết giữ được "gia sản" của mình đồng thời biết cách "làm giàu" thêm bằng những giá trị học từ người khác. Ngôn ngữ cũng thế thôi. Chúng ta hòa nhập để tận dụng những ưu thế của ngôn ngữ khác làm giàu cho tiếng Việt của mình.

*

Giáo dục ngôn ngữ là một chiến lược lâu dài. Đó là sự nghiệp của toàn dân mà ngành giáo dục "lĩnh ấn tiên phong". Nhưng chiến lược dù có hay đến mấy mà không nhận được sự tiếp nhận tích cực từ phía người học thì cũng dễ dàng bị đổ vỡ. Tiếng mẹ đẻ luôn phải coi là cái gốc phải giữ gìn, cái đích để hướng tới. Với hơn 24 triệu học sinh đang ở tuổi học đường hôm nay, tiếng Việt đẹp và trong sáng, rõ ràng đang nằm trong tay các bạn

Theo cand.com.vn