Tin tức – Sự kiện

“Mỗi đơn vị đào tạo phải nỗ lực tìm hướng đi cho mình”

12 Tháng Chín 2011

                                                                                    PV.

 

Thời gian này, các trường Đại học, Cao đẳng trên cả nước đang hoàn tất việc chuẩn bị đón các sinh viên mới nhập trường. Một kỳ tuyển sinh dần khép lại  với nhiều thành công đáng ghi nhận và cả những vấn đề còn đang bỏ ngỏ được dư luận xã hội quan tâm …. Chúng tôi có cuộc trao đổi với PGS.TSKH Phạm Lê Hòa (PGS.TSKH.PLH) – Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương (ĐHSPNTTW) về công tác tuyển sinh của nhà trường trong bức tranh toàn cảnh về công tác giáo dục đào tạo của đất nước hiện nay.

PV: Xin ông cho biết tổng quan về tình hình tuyển sinh của trường ĐHSPNTTW năm 2011?

PGS.TSKH.PLH: Năm 2011, Trường ĐHSPNTTW tuyển sinh vào các ngành: Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mĩ thuật, Quản lý văn hóa, Thiết kế thời trang, Thiết kế đồ họa, Hội họa. Chúng tôi đã tuyển được gần 1000 thí sinh đủ điều kiện vào học các ngành trên. Đó là một con số ấn tượng đối với khối các trường nghệ thuật, đặc biệt trong hoàn cảnh hiện nay, khi mà nhiều trường đại học phải ngừng đào tạo ở một số ngành vì không đủ chỉ tiêu tuyển sinh. Trường không tổ chức thi tuyển đối với hệ cao đẳng mà xét theo điểm thi của hệ đại học. Nhà trường cũng tạo điều kiện cho các sinh viên học cao đẳng: nếu sau năm học đầu tiên đạt kết quả tốt thì sẽ được dự thi đại học cùng chuyên ngành. Ngoài các môn thi năng khiếu theo đặc thù của nhà trường, chúng tôi tiến hành tổ chức thi môn hai môn Ngữ văn, Sử theo đề chung khối C của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Về cơ bản, việc tuyểnsinh của nhà trường vẫn tiếp tục triển khai như mọi năm.

 

PGS.TSKH. Phạm Lê Hòa

 

 PV: Việc thi tuyển vào trường ĐHSPNTTW có điểm gì khác biệt so với các trường  đại học khác?

PGS.TSKH. PLH: Do những đặc thù của ngành nghề đào tạo nên các phần thi của thí sinh tại trường ĐHSPNTTW có nhiều điểm khác biệt với các trường đại học khác. Hai ngành quan trọng và cũng là thế mạnh của nhà trường là Đại học sư phạm Âm nhạc và Đại học sư phạm Mĩ thuật, chúng tôi tiến hành tổ chức thi 3 môn: trong đó, môn văn học 180 phút theo đề thi khối C của bộ Giáo dục và Đào tạo; Môn 2 Lý thuyết âm nhạc tổng hợp – Xướng âm với các vấn đề về Nhịp, Quãng và Đảo quãng, các điệu thức trưởng, thứ, đọc xướng âm; Môn 3 Môn thanh nhạc – Nhạc cụ: thí sinh hát một đến hai bài tự chọn, trình bày một đến hai bài đàn tự chọn. Với ngành Đại học sư phạm mĩ thuật, ngoài môn văn bắt buộc, các em tiến hành thi các môn Hình họa, Bố cục.

Đại học Quản lý văn hóa thi tuyển môn Văn và Sử theo đề chung của Bộ GD&ĐT, môn thi thứ 3 là Hùng biện và Biểu diễn nghệ thuật. Ở môn thi thứ 3, các em có điều kiện thể hiện năng khiếu nghệ thuật của bản thân bằng việc tự chọn các hình thức thi như: Múa, Hát, Nhạc cụ, Tiểu phẩm sân khấu.

Đại học Thiết kế thời trang và Đại học Thiết kế Đồ họa thi 3 môn: Văn, Hình họa, Trang trí.

PV: Có nhiều trường ngoài công lập dù đã phải đưa ra các biện pháp để thu hút thí sinh như tặng tiền, học bổng… vv nhưng vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ không đủ chỉ tiêu tuyển sinh. Vậy trường ĐHSPNTTW có gặp phải những khó khăn tương tự?

PGS.TSKH. PLH: Trường ĐHSPNTTW đã có thông báo về điểm chuẩn đăng trên website www.spnttw.edu.vn , theo đó: Hệ Đại học:  Sư phạm Âm nhạc: 25.5 điểm;  Sư phạm Mỹ Thuật: 24.5 điểm; Thiết kế thời trang: 31 điểm; Quản lý văn hoá : 19 điểm. Riêng hệ Cao đẳng xét tuyển những thí sinh đã dự thi ngành ĐHSP Âm nhạc, Mỹ thuật của trường ĐHSP Nghệ thuật TW, với số điểm: Cao đẳng Sư phạm Âm nhạc: 21 điểm; Cao đẳng Sư phạm Mỹ thuật: 20.5 điểm.

Đặc biệt, chúng tôi không xét tuyển nguyện vọng 2 (NV2) như các trường khác. Chỉ xét tuyển với hệ cao đẳng, từ kết quả thi đại học cho các thí sinh không trúng tuyển kỳ thi đại học hệ chính quy ngành Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật tại Trường ĐHSPNTTW và các trường khác có cùng khối thi, môn thi.  Đó cũng là một trong những điều kiện ban đầu giúp chúng tôi đảm bảo được chất lượng đào tạo của mình.

PV: Với sự vượt trội của tỷ lệ thí sinh thi vào các trường kinh tế, tài chính, thương mại, ngân hàng… dư luận không khỏi lo ngại về tình trạng các trường sư phạm đang có sự giảm sút đặc biệt về số lượng thí sinh dự thi trong những năm gần đây. Ông nghĩ sao về hiện trạng đào tạo của ĐHSPNTTW hiện nay?

PGS.TSKH. PLH: Không phủ nhận rằng với nhu cầu và thực tiễn xã hội, áp lực từ phía gia đình khiến phần đông các thí sinh hướng vào thi các trường thuộc khối kinh tế. Trường chúng tôi nằm trong khối các trường sư phạm với đặc thù riêng là một trường sư phạm nghệ thuật, chắc chắn cũng gặp phải những khó khăn chung trong tình hình xã hội hiện nay. Song chúng tôi tin tưởng rằng: xã hội càng phát triển, nhu cầu về nguồn nhân lực cho các ngành xã hội/nghệ thuật sẽ ngày một cao hơn. Trong tương lai, các ngành này sẽ ngày càng trở nên cần thiết, hữu ích với toàn xã hội.

Mỗi cá nhân/tập thể trong quá trình phát triển, chắc chắn đều phải trải qua những bước biến đổi, thăng trầm. Công tác giáo dục đào tạo nói chung, giáo dục nghệ thuật nói riêng cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Quan trọng là, trước những khó khăn, mỗi đơn vị cần phát huy nội lực/sự nhạy bén và các biện pháp điều chỉnh tích cực gắn liền với thực tiễn xã hội, phải nỗ lực tìm hướng đi phù hợp cho mình.

PV: Trước tình hình chung như vậy, trường ĐHSPNTTW đã có những đổi mới như thế nào để thu hút người học và khẳng định định được vị trí một đơn vị đào tạo về giáo dục nghệ thuật uy tín của cả nước?

PGS.TSKH. PLH: Trước tiên, chúng tôi có những bước cải tiến trong cách tổ chức tuyển sinh. Để thu hút được tối đa số thí sinh tham gia cho các ngành, Hội đồng tuyển sinh của nhà trường đã bố trí lịch thi một cách hợp lý để thí sinh có thể tham gia đầy đủ các môn thi.

Chúng tôi cũng áp dụng việc xét tuyển cao đẳng đối với những thí sinh không đủ điểm vào hệ đại học. Trong số đó, nhiều em thực sự có năng khiếu nhưng do thời gian luyện còn ít nên chưa đạt được những kết quả cao. Nhà trường tạo điều kiện để các em có thể học tiếp, sau một năm nếu học tốt, có thể xem xét để thi đại học cùng chuyên ngành tại trường.

Song song với việc thu hút nhân tài, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường cũng tiến hành việc mở rộng thêm các mã ngành mới. Ngoài 2 ngành sư phạm âm nhạc và sư mạnh mỹ thuật vốn làm nên “thương hiệu” của nhà trường, hiện nay trường đã mở thêm các mã ngành mới ngoài sư phạm: quản lý văn hóa, thiết kế thời trang, đồ họa, hội họa.  Các ngành này đang bắt đầu được xã hội chú ý đến và sẽ trở thành một trong những nghề hứa hẹn nhiều tiềm năng vào thời gian tới.

PV: Với việc mở rộng quy mô đào tạo như vậy liệu có dẫn tới tình trạng, sinh viên đi học chỉ cho có tấm bằng còn đầu ra có việc làm hay không chưa tính đến?

PGS.TSKH. PLH: Việc nắm bắt được tình hình công việc của sinh viên sau khi tốt nghiệp là điều cần thiết, thể hiện trách nhiệm của nhà trường đối với công tác đào tạo. Phòng công tác Học sinh – Sinh viên là đơn vị được nhà trường giao nhiệm vụ tìm hiểu, điều tra thống kê tỷ lệ việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Hiện nay, theo những thống kê sơ bộ, các sinh viên của trường tốt nghiệp đều có công việc phù hợp. Đó là kết quả đáng mong đợi đối với bất kỳ một cơ sở đào tạo nào. Thời gian tới,  nhà trường sẽ tiếp tục có những biện pháp khoa học hơn nữa để theo dõi, nắm được tình hình công việc của sinh viên sau khi ra trường - đó là một từ những cơ sở quan trọng để chúng tôi có sự đánh giá, điều chỉnh hướng đào tạo của mình cho phù hợp với nhu cầu/ đòi hỏi của xã hội.

Xin cảm ơn ông và chúc cho Trường ĐHSPNTTW một năm học mới với nhiều thành công !

 

Tiếp nhận sinh viên nhập trường

 

Chi 20 tỷ đồng tặng học viên mới, thưởng tiền cho thí sinh điểm cao và các cơ sở giáo dục giới thiệu thí sinh vào trường... là cách nhiều đại học đang sử dụng để chiêu sinh. Nếu như đại học top trên ung dung tuyển bổ sung NV2 thì các trường top dưới, đặc biệt là hệ ngoài công lập, đang rất khó khăn trong việc xét tuyển. Ngoài biện pháp quảng bá, giới thiệu về trường, những đại học này còn dùng tiền làm quà tặng để hút thí sinh. – theo Vietnamnet.vn

 

Dự kiến năm học này sẽ có hàng loạt ngành học phải ngưng đào tạo. ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) vừa quyết định bỏ hai ngành Kinh tế Chính trị và Thống kê - Tin học vì không có thí sinh trúng tuyển trong kỳ tuyển sinh năm nay. ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) đóng cửa hai ngành Kinh tế Chính trị và Thống kê -Tin học. ĐH Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi) cũng đã bỏ ngành học Tài Chính - Ngân hàng vì duy nhất một thí sinh thi đỗ vào ngành này trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm nay... (theo vnexpress.net)