Tin tức

Đổi giờ học, giờ làm và ưu tiên đường cho xe buýt

19 Tháng Mười 2011

Bộ GTVT và UBND TP.Hà Nội cùng các nhà quản lý, chuyên gia... đã đề xuất điều chỉnh giờ học, giờ làm việc, tách làn phương tiện, cấm taxi vào giờ cao điểm... nhằm đưa ra giải pháp tăng cường phát triển mạng lưới VCHKCC bằng xe buýt trên địa bàn Hà Nội.

 

Xe buýt: Dịch vụ còn kém

Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Ngọc Thành cho rằng, về hoạt động xe buýt của Hà Nội hiện nay, hệ thống điểm đầu cuối, trung tâm trung chuyển, điểm dừng - đỗ dọc đường đã được thành phố đầu tư, nhưng chưa đáp ứng cho hoạt động của xe buýt. Tiếp đến, thông tin để hành khách nhận biết, lựa chọn chuyến đi chưa có hoặc không rõ ràng. Nhiều tuyến không xây nhà chờ tại các điểm dừng trên tuyến, gây khó khăn cho hành khách khi chờ xe vào các ngày mưa, nắng. “Đặc biệt, chất lượng phương tiện trên nhiều tuyến còn kém, không có hệ thống máy lạnh, tay vịn quá cũ, hệ thống loa trên xe buýt có, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, mỗi khi gần đến điểm đỗ, trạm dừng hành khách không theo dõi được. Vào giờ cao điểm, hệ thống bị quá tải, dẫn đến tình trạng chen lấn, thậm chí trong một số trường hợp hành khách không thể lên được xe do đã quá đông người trên xe. Tình trạng mất trật tự thường xuyên xảy ra tại các điểm chờ xe buýt và các tệ nạn như móc túi, cờ bạc và hút chích ma túy... gây hoang mang, sợ hãi cho hành khách” – ông Thành dẫn chứng.

 

Cần có giải pháp mạnh để giải quyết vấn đề giao thông ở Hà Nội.  Ảnh: L.Q.V
Cần có giải pháp mạnh để giải quyết vấn đề giao thông ở Hà Nội. Ảnh: L.Q.V

 

Ngoài ra, nhiều vị trí nhà chờ xe đã bị chiếm thành điểm bán quán, nơi kinh doanh vật liệu xây dựng, không sạch sẽ, gây phản cảm cho hành khách.

Thừa nhận những yếu kém của hoạt động xe buýt, ông Nguyễn Phi Thường – Tổng GĐ Tổng Cty Vận tải Hà Nội – đơn vị đang đảm nhận hơn 90% thị phần vận tải xe buýt của TP - cho rằng, do mạng lưới giao thông quá tải, thời gian chuyến đi bị kéo dài, trong giờ cao điểm, xe buýt thường xuyên bị muộn từ 10 – 15 phút, thậm chí có những lượt xe bị muộn tới 30 – 40 phút. Mặt khác, do tần suất phục vụ của nhiều tuyến còn thấp (15 phút/lượt vào giờ cao điểm) nên khách thường phải chờ lâu. Đấy là chưa kể đến những bức xúc khác của hành khách.

Thêm đường cho xe buýt, đổi giờ học, giờ làm

Xác định ùn tắc giao thông chính là rào cản lớn nhất cho việc phát triển VCHKCC bằng xe buýt, các sở, ngành chức năng của TP.Hà Nội, cục, vụ của Bộ GTVT đã đưa ra nhiều giải pháp khắc phục, trong đó đặc biệt đồng thuận kiến nghị Chính phủ đổi giờ học của học sinh, sinh viên và giờ làm việc của các cơ quan, các điểm kinh doanh, siêu thị...

 

Chuyện thường ngày ở Hà Nội: Đường tắc, nhiều người đi xe máy cả trên vỉa hè. Ảnh: L.Q.V
Chuyện thường ngày ở Hà Nội: Đường tắc, nhiều người đi xe máy cả trên vỉa hè. Ảnh: L.Q.V

 

Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Văn Khôi nhấn mạnh, việc điều chỉnh giờ làm việc, giờ học nếu làm được sẽ giảm tải rất nhiều trong giờ cao điểm. Phó Chủ tịch đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, giao Vụ Vận tải, cùng với Sở GTVT, CSGT thành phố xây dựng kế hoạch, giải pháp đồng bộ việc điều chỉnh giờ học với bố trí tuyến xe buýt ưu tiên, điểm tập kết, điểm dừng - đỗ... chủ yếu là trên QL6 và QL32 - 2 tuyến đường tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng nhất.

Ông Khôi cũng cho biết, thời gian tới, TP sẽ quyết liệt giải tỏa điểm đỗ xe dưới lòng đường, tiếp tục tổ chức giao thông, tăng cường vận tải công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân, quyết liệt xử lý vi phạm, tăng cường tuyên truyền. Đặc biệt, ông Khôi cho biết đã giao Sở GTVT, quận Hoàn Kiếm nghiên cứu đề án tuyến phố đi bộ. Theo đó, sẽ khoanh một vùng nhỏ, trước mắt là quanh hồ Hoàn Kiếm và khu vực lân cận để tổ chức VCHKCC. Nếu thành công, sẽ triển khai nhân rộng.

Tỏ rõ quyết tâm phải hạn chế ùn tắc, tạo điều kiện tốt nhất cho xe buýt phát triển, Bộ trưởng Đinh La Thăng quyết tâm, đây là lúc phải hành động, không thể loay hoay mãi là có làm hay không nữa. Phải dùng giải pháp mạnh. Phải quyết liệt thì mới giải quyết được tắc đường. Về việc sẽ kiến nghị Chính phủ cho phép điều chỉnh giờ làm việc, giờ học, Bộ trưởng cho biết đã làm việc và nhận được sự đồng tình của Bộ GDĐT về vấn đề này. Bộ trưởng cũng gợi ý nên để các cơ quan trung ương làm việc từ 9h sáng đến 6-7h tối, đồng thời đề nghị TP.Hà Nội cần quyết liệt hơn nữa trong việc phân làn chống ùn tắc, tổ chức lại giao thông, tăng cường các tuyến đường một chiều, cấm taxi vào giờ cao điểm. Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, đưa ra các giải pháp để thực hiện cũng giống như dùng thuốc để chữa bệnh, khó tránh khỏi có “tác dụng phụ”. Nhưng muốn chữa khỏi bệnh, chúng ta cũng phải chấp nhận một chút ảnh hưởng.

Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, mạng lưới tuyến xe buýt Hà Nội hiện có 82 tuyến (65 tuyến buýt có trợ giá, 10 tuyến không trợ giá và 7 tuyến kế cận nối Hà Nội với các địa phương liền kề) với tổng số 1.254 xe đang hoạt động, 1.612 điểm dừng đón - trả khách, 292 nhà chờ, 60 điểm đầu cuối, 2 điểm trung chuyển (Long Biên và Cầu Giấy), 5km đường dành riêng cho xe buýt. Xe buýt Hà Nội hoạt động từ 5h – 22h30, phục vụ trên 10.800 lượt xe/ngày với trên 1,1 triệu lượt hành khách/ngày (trên 420 triệu lượt khách/năm).

Quang Hiệu

Theo laodong.com.vn