Tin tức – Sự kiện

Không thể cố mà được

24 Tháng Mười 2011
 

Không khí ảm đạm bao trùm lên hàng trăm trường ĐH trong suốt mấy tuần qua khi phải vớt vát xét tuyển đến NV3 mà vẫn không lấp kín được lớp học. Người ta đã biến báo đủ cách để có thể "vượt rào 3 chung" của Bộ GD&ĐT, trong đó hàng rào khó vượt nhất là "chung điểm sàn" bằng đủ hình thức khuyến mại như hạ điểm chuẩn, giảm học phí, kể cả tặng điểm… nhưng người học vẫn không đủ. Cực chẳng đã, nhiều trường đã phải đóng cửa một số ngành học...

Năm ngoái, các trường đại học Đông Đô, Lương Thế Vinh, Hồng Đức đã phải đóng cửa 11 ngành học vì thiếu người học. Năm nay hàng loạt trường tiếp tục cái mạch đáng buồn ấy: Đại học An Giang đóng cửa 3 ngành; Đại học Đồng Tháp đóng cửa 4 ngành (kể cả hệ cao đẳng là 7 ngành); Đại học Đà Lạt đóng cửa 3 ngành; các trường đại học khác như Đại học Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi); Đại học Đà Nẵng; Đại học Huế (phân hiệu Quảng Trị), Đại học Nông Lâm, Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh, Đại học Thái Nguyên… cũng trong tình trạng tương tự.

Phần nhiều những ngành không có người học hoặc chỉ có một người học rơi vào các ngành sư phạm, khoa học xã hội, văn hóa, nông nghiệp, cơ khí nhưng cũng lác đác có cả các ngành "hót" hiện nay như điện tử - viễn thông; quản trị - kinh doanh; tài chính - ngân hàng.

Vét đến nguyện vọng 3 mà vẫn thiếu người học là tình trạng diễn ra ở nhiều nơi. Đại học Thái Nguyên chỉ tiêu 2.190, chỉ có 140 hồ sơ. Đại học Huế chỉ tiêu 1.809 chỉ có 373 hồ sơ. Đại học Đà Lạt chỉ tiêu 1.454 chỉ có 139 hồ sơ. Ngay ở TP Hồ Chí Minh, Đại học Văn hóa có 388 chỉ tiêu nhưng cũng chỉ vét được 157 người học. Chỉ cần đạt điểm sàn của Bộ GD&ĐT nghĩa là dưới trung bình một chút hoặc trung bình là con đường vào đại học rộng thênh thang. Chưa bao giờ các học sinh phổ thông có học lực dưới trung bình lại "sung sướng" đến thế.

Có vị giáo sư đang là chủ tịch hội ngoài công lập còn nói chắc gì một học sinh ở Hà Nội được học thêm với một học sinh miền núi chưa đạt điểm sàn (tức là dưới trung bình) ai đã hơn ai. Tôi không bênh gì điểm sàn của Bộ GD&ĐT nhưng khó có thể chấp nhận được việc vơ bèo vạt tép, đòi hạ cả điểm sàn để có đủ sinh viên, bất kể chất lượng ra sao.

Có một thực tế không tiện nói ra vì nói ra thì rất ngượng, đó là không có sinh viên, không đủ sinh viên là lỗ. Bài toán kinh doanh giáo dục cho đáp số âm nên nhiều trường và trên nó là nhiều ngành ồ ạt mở thêm ngành nghề, mở thêm cấp học. Không được phép mở ngược lên trên (thạc sĩ, tiến sĩ) thì trong lúc chờ đợi, hãy mở thêm các hệ dưới đại học. ở nhiều trường, các ngành hệ đại học ít hơn rất nhiều các hệ thấp hơn.

Tình trạng đói học sinh, không đủ cán bộ giảng dạy, cơ sở vật chất, mất đoàn kết nội bộ xảy ra khá trầm trọng ở nhiều trường, có thể nói là một trong những khủng hoảng ở cấp đại học, đặc biệt là với các trường đại học ngoài quốc lập hiện nay là do việc đổ xô vào "kinh doanh giáo dục", coi giáo dục trong đó có hệ đại học cũng là một thị trường như mọi thị trường khác, nghĩa là cũng có buôn may bán đắt, lừa đảo cạnh tranh, lỗ lãi phập phù.

Từ quan niệm này, diễn ra tình trạng nơi nơi mở trường, ngành ngành mở trường, chỉ trong một thập kỷ, số trường đại học và cao đẳng ở nước ta đã tăng gấp đôi, từ hơn 200 trường lên hơn 400 trường, có tài liệu còn nói nước ta hiện có 450 trường đại học và cao đẳng, phải có giấy bút thống kê hẳn hoi, óc thường khó nhớ hết. Quan niệm và ý đồ kinh doanh giáo dục ấy còn được tình hình khát chất xám của xã hội, đặc biệt là trong các ngành kinh tế, rồi những kế hoạch nọ kia nhằm tăng lượng người tốt nghiệp đại học, tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ nống thêm. Kết quả là chúng ta có một cơ cấu đào tạo rất mất cân đối, trường đại học và cao đẳng nhiều hơn trường dạy nghề, số kỹ sư và cử nhân (2,5 triệu) nhiều hơn số thợ kỹ thuật, thợ giỏi (700 nghìn). Những thông tin trên đây toàn là khai thác lại trên các trang báo chí.

Việc phúc khảo kết quả chấm thi đại học được khá nhiều thí sinh quan tâm. Ảnh chỉ có tính chất minh họa

Thầy nhiều hơn thợ đã buồn cười, huống chi thầy không ra thầy, thầy không bằng thợ. Lâu nay, đã sai lầm khi một số người trong chúng ta nghĩ rằng giáo dục cũng là một dạng kinh doanh, sản phẩm của giáo dục cũng là một hàng hoá như mọi hàng hoá khác. Chính quan niệm giáo dục là một dạng kinh doanh, đầu tư vào giáo dục cũng là một hoạt động đầu tư như mọi đầu tư khác hoặc giả một số người trong chúng ta đã thô thiển hoá quan niệm đầu tư trong giáo dục nên đã biến giáo dục thành một thị trường đơn thuần. Khi thị trường thâm nhập vào nhà trường, diễn đạt một cách khác, nhà trường đã bị thị trường hóa, tất nảy sinh sự phát triển ồ ạt các cấp học, ngành học; việc thương mại hóa bằng cấp; việc ép học sinh học thêm; ép phụ huynh đóng góp thêm…

Quan hệ nhà trường và xã hội; thầy cô giáo với thầy cô giáo; thầy cô giáo và học sinh, kể cả học sinh với nhau đều bị đồng tiền chi phối. Tôi đã rút ra kinh nghiệm bản thân khi đi dạy 2 lớp khoa quan hệ công chúng và truyền thông ở một trường đại học dân lập. Sinh viên của lớp 75 nhưng đi học chỉ non nửa. Nghỉ học không lý do đã nhiều, vào lớp đã muộn, các em còn nói chuyện, ngủ, đánh bài, đọc sách, gọi điện thoại ngay trong lớp. Tưởng mình dạy kém, hóa ra thầy cô nào cũng vậy thôi. Phản ánh lên khoa, tôi nhận được những ánh mắt vừa van xin, vừa dỗ dành, vừa yêu cầu phải nhắm mắt cho qua của không ít cán bộ phòng giáo vụ.

Thì ra, để có thể được học, mỗi năm riêng tiền học phí mỗi em đã phải đóng 8 triệu. Không có học trò, thầy sống bằng gì, vì thế phải chiều, phải nịnh kẻ bỏ tiền ra. Quan hệ đã thay đổi. Thầy cô giáo đã trở thành người phục vụ kẻ có tiền, đó là sinh viên.

Đến phải mời chào mà vẫn không đủ người học theo chỉ tiêu; phải chiều nịnh mà chưa chắc học sinh đã học cho thì còn nói gì đến chất lượng. Trong khi đó, cứ ép phải có thêm ngày càng nhiều cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ thì làm sao mà không vắt chân lên cổ cho đủ chỉ tiêu, không thành lập thêm trường, thêm ngành học. Tất cả những thứ đó cộng thêm với xu hướng thị trường hóa trường học khiến cho chất lượng giáo dục ngày càng thấp với kết quả hiển hiện là 400.000 người thi trượt trong khi các trường vẫn không đủ người học.

Thay đổi tình trạng trên, nếu chỉ là chắp vá thì cố cũng không được đâu. Muốn không rơi vào cảnh "có nước lội mà không có nước uống" trong tuyển sinh đại học, cao đẳng hiện nay phải thay đổi tận gốc công tác giáo dục, lấy chất lượng làm đầu cho mọi cải tiến, nâng cao

                                                                                                                                                                                     Theo cand.com.vn