Tin tức – Sự kiện

Luật GDĐH hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo

04 Tháng Mười Một 2011

Sáng nay 2/11, trong phiên làm việc toàn thể tại hội trường, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các đại biểu Quốc hội đã dành thời gian nghe Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật phổ biến, giáo dục pháp luật và Báo cáo thẩm tra dự án Luật của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật bảo hiểm tiền gửi và Báo cáo thẩm tra dự án Luật của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật tài nguyên nước (sửa đổi) và Báo cáo thẩm tra dự án Luật của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật giáo dục đại học và Báo cáo thẩm tra dự án Luật của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Tờ trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII.

 

Cụ thể hoá các quy định về GDĐH

Dự án Luật Giáo dục Đại học (sẽ gọi là Dự án Luật GDĐH) là một trong những Dự án Luật quan trọng của Chính phủ trình lên Quốc hội xin ý kiến tại Kỳ họp lần này và dự kiến sẽ tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu Quộc hội để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp tiếp theo.

Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật do Bộ trưởng Phạm Vũ Luận - thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ - trình bày trong phiên làm việc sáng nay. Đây là lần đầu tiên Dự luật quan trọng về GD&ĐT này được đưa ra nghị trường Quốc hội.

Khẳng định về sự cần thiết ban hành Luật GDĐH, Tờ trình nêu rõ trong bối cảnh GDĐH Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với hệ thống GDĐH trong khu vực và trên thế giới, việc ban hành Luật GDĐH là cần thiết để điều chỉnh các hoạt động GDĐH phù hợp với các cam kết quốc tế, điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt Nam là thành viên, quản lý tốt hơn hoạt động hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực GDĐH. Vì vậy, việc ban hành Luật GDĐH là cần thiết, nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc, thống nhất cho sự phát triển của GDĐH và thực hiện các mục tiêu của GDĐH.

Xét trên góc độ quy phạm pháp luật, đây là luật chuyên ngành đầu tiên quy định về tổ chức và hoạt động GDĐH, cụ thể hóa các quy định còn mang tính khái quát trong Luật GD về GDĐH.

Cụ thể là: Quy định về cơ sở GDĐH (Điều 7); Chính sách của Nhà nước về phát triển GD ĐH (Điều 10); Hội đồng trường (Điều 14), Hội đồng quản trị (Điều 15), Hiệu trưởng (Điều 16); Thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể, cho phép, đình chỉ hoạt động đào tạo của cơ sở GDĐH (từ Điều 18 đến Điều 22); Chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh (Điều 30); Chương trình đào tạo, giáo trình GDĐH (Điều 32); Văn bằng GDĐH (Điều 34); Hoạt động khoa học và công nghệ (Chương V, từ Điều 35 đến Điều 38); Hoạt động hợp tác quốc tế (Chương VI, từ Điều 39 đến Điều 42); Bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng GDĐH (Chương VII, từ Điều 43 đến Điều 47).

Tờ trình nêu rõ một số nội dung quy định tại Luật GD được sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật GDĐH đáng chú ý như:

Tại Điều 41 của Luật GD quy định về Chương trình khung, dự thảo Luật GDĐH giao cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về: “Chuẩn tối thiểu về kiến thức, kỹ năng mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp; quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; quy định các môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo đối với các trình độ đào tạo của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài; quy định việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng tài liệu giảng dạy, giáo trình giáo dục đại học” (được thể hiện tại khoản 3 Điều 32 của dự thảo Luật).

Dự thảo Luật GDĐH bổ sung quy định về cách xác định chỉ tiêu tuyển sinh: “Chỉ tiêu tuyển sinh được xác định trên cơ sở nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với các điều kiện về số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên; cơ sở vật chất và thiết bị” (được thể hiện tại khoản 1 Điều 30 của dự thảo Luật).

Dự thảo Luật GDĐH sửa đổi và bổ sung quy định về hội đồng trường đối với cơ sở giáo dục đại học công lập so với quy định tại Điều 52 của Luật GD (được thể hiện tại Điều 14 dự thảo Luật) như sau: Hội đồng đại học, hội đồng trường (gọi chung là hội đồng trường) được thành lập ở các cơ sở giáo dục đại học công lập; Chủ tịch hội đồng trường là hiệu trưởng hoặc giám đốc; Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể về hội đồng trường.

Bên cạnh đó, Tờ trình cũng cho biết Dự Luật bổ sung quy định về cách xác định chỉ tiêu tuyển sinh trên cơ sở các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, bao gồm số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên; cơ sở vật chất và thiết bị. Các nội dung về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của đại học, đại học quốc gia; về bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục, về lợi nhuận và phi lợi nhận; về xã hội hóa và công bằng xã hội trong giáo dục đại học… cũng đã được đề cập trong bản dự thảo Luật.

 

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật GDĐH trước Quốc hội
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật GDĐH trước Quốc hội

Hầu hết các vấn đề lớn của GDĐH đã được đề cập

Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật GDĐH, Quốc hội đã nghe Báo cáo thẩm tra dự án Luật của Ủy ban thường vụ Quốc hội, do Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi trình bày.

Báo cáo thẩm tra cho biết, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí với việc cần thiết ban hành Luật GDĐH để thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đổi mới và phát triển GDĐH; tạo hành lang pháp lý thuận lợi và thống nhất để điều chỉnh toàn diện các vấn đề liên quan đến GDĐH, góp phần đổi mới căn bản và toàn diện GDĐH Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. 

Về quan điểm, nguyên tắc xây dựng Luật, Báo cáo thẩm tra cho biết Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với quan điểm, nguyên tắc xây dựng Luật GDĐH trình bày tại Tờ trình của Chính phủ và nhấn mạnh: Thứ nhất, việc xây dựng Luật phải bảo đảm thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển GDĐH, góp phần giải quyết những vấn đề thực tiễn vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính chiến lược;

Thứ hai, việc xây dựng Luật phải hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo; gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; bảo đảm công bằng xã hội trong GDĐH; đổi mới công tác quản lý giáo dục, tăng cường quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở GDĐH; Thứ ba, với tư cách là luật chuyên ngành, chuyên sâu cho lĩnh vực GDĐH, các quy định trong Luật GDĐH phải cụ thể, chi tiết và phải có tính khả thi cao.

Đánh giá chung của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội được thể hiện qua Báo cáo thẩm tra cho thấy về cơ bản, việc xây dựng Dự án Luật GDĐH bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, phù hợp với Hiến pháp; nội dung cơ bản không mâu thuẫn với hệ thống pháp luật hiện hành; hầu hết các vấn đề lớn của GDĐH đã được đề cập trong Dự thảo Luật; một số quy định trong các văn bản dưới luật về tổ chức, tài chính tài sản, đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế,… được thực tiễn kiểm nghiệm và có tính ổn định đã được pháp điển hóa.

Tuy nhiên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý Dự thảo Luật vẫn chưa thể chế hóa rõ ràng một số chủ trương, chính sách lớn, chưa giải quyết thấu đáo, triệt để một số vấn đề quan trọng như phân tầng các cơ sở GDĐH, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở GDĐH, cơ chế, chính sách đối với các cơ sở GDĐH tư thục phi lợi nhuận và các cơ sở GDĐH tư thục vì lợi nhuận hợp lý,…; đồng thời, chưa xử lý tốt mối quan hệ giữa Luật Giáo dục hiện hành (luật chung) và Luật GDĐH (luật chuyên ngành); một số điều, khoản thay vì phải được quy định cụ thể ngay trong Luật thì lại được giao cho các văn bản dưới luật sẽ gây khó khăn và chậm trễ cho việc triển khai thi hành Luật trong thực tiễn.

Vì vậy, Ủy ban đề nghị tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn chỉnh Dự án Luật theo hướng quy định cụ thể, chi tiết hơn nữa để đáp ứng yêu cầu của một luật chuyên ngành và giải quyết sớm, có hiệu quả những vấn đề cơ bản, cấp bách của GDĐH hiện nay.

Theo dự kiến chương trình, ngày 4/11 tới, Dự án Luật GDĐH sẽ được các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ; để đến phiên làm việc ngày 14/11, Quốc hội sẽ đưa ra thảo luận tại Hội trường về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của Dự án Luật GDĐH.

Buổi chiều cùng ngày, các đại biểu thảo luận ở tổ về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII.

Nhất Nguyên  

Dự thảo 5 Luật giáo dục đại học bao gồm 12 chương, 67 điều. Trong quá trình soạn thảo, Ban soạn thảo đã nhận 173 ý kiến đóng góp bằng văn bản và thư điện tử; hơn 220 ý kiến đóng góp tại các hội nghị, hội thảo khoa học của các cơ sở giáo dục đại học, các nhà khoa học, các Bộ, cơ quan ngang Bộ; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc Hội; Ủy ban những vấn đề xã hội của Quốc hội; Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập; Hội Luật gia Việt Nam; Hội khuyến học; Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam; các cơ quan báo chí và các cá nhân.

Ban soạn thảo Luật giáo dục đại học đã nghiên cứu, nghiêm túc tiếp thu và hoàn thiện dự thảo Luật giáo dục đại học trước khi trình lên nghị trường Quốc hội tại Kỳ họp lần này để xin ý kiến của các vị đại biểu.