Tin tức

'ĐH FPT không phải trường của những nhà giàu'

20 Tháng Mười Một 2011

"FPT không thể xây dựng chương trình đào tạo chất lượng cao với chi phí thấp, nhưng chúng tôi có chính sách cho học sinh khá có hoàn cảnh khó khăn. Hiện, 40% sinh viên trường đang theo học dưới các hình thức hỗ trợ học phí.", TS Lê Trường Tùng Hiệu trưởng ĐH FPT cho biết.

- Nhiều người cho rằng ĐH FPT là trường của con nhà giàu vì mức học phí tương đương 1.100 USD mỗi học kỳ (23 triệu đồng). Vậy theo ông, sự thật của vấn đề học phí cần được nhìn nhận như thế nào?

- Chúng ta không thể xây dựng chương trình đào tạo chất lượng cao, giáo trình, giảng viên quốc tế, cơ sở vật chất hiện đại với chi phí thấp. Mức học phí đưa ra đã được tính toán hợp lý để đảm bảo chất lượng và những điều kiện học tập tốt cho sinh viên. Thực tế mức học phí hiện nay của ĐH FPT chỉ bằng khoảng 1/3 chi phí của các chương trình giáo dục đại học tiên tiến sử dụng kinh phí nhà nước ở Việt Nam.

Hiện những học sinh giỏi, thí sinh xuất sắc sẽ có cơ hội nhận học bổng. Các thí sinh có năng lực khá và hoàn cảnh gia đình khó khăn sẽ được tham gia chương trình tín dụng ưu đãi để theo học với mức hỗ trợ có thể lên đến 90% học phí của toàn bộ chương trình. Có đến 40% sinh viên trường ĐH FPT đang theo học dưới các hình thức hỗ trợ học phí của trường, trong đó rất nhiều em điều kiện gia đình còn nhiều khó khăn. Học bổng Nguyễn Văn Đạo (100% học phí) hàng năm đang thu hút gần 200 học sinh giỏi nhất của các trường phổ thông trong toàn quốc đến học tại ĐH FPT.

- Năm nay, trường mở thêm chuyên ngành mới thuộc lĩnh vực CNTT và kinh tế ứng dụng CNTT, vốn không phải là hấp dẫn trong những năm gần đây. Ông đánh giá thế nào về khả năng tuyển sinh của chuyên ngành này?

- Khi quyết định mở các chuyên ngành mới, điều chúng tôi quan tâm đầu tiên không phải là ngành này đang hấp dẫn thí sinh hay không mà là ngành đó có nhu cầu nhân lực như thế nào trong tương lai, định hướng chiến lược phát triển của trường, và những gì chúng tôi có thể làm tốt nhất. Chúng tôi tin rằng, nếu một ngành mà xã hội có nhu cầu về nguồn nhân lực, nếu việc đào tạo ngành này là thế mạnh của ĐH FPT thì sẽ thuyết phục được thí sinh, phụ huynh và xã hội chọn hướng này cho tương lai của con em mình.

Năm 2011, ĐH FPT đã mở thêm nhiều chuyên ngành đào tạo mới thuộc các khối ngành CNTT, Điện tử - Viễn thông. Điều này phù hợp với định hướng phát triển của trường khi đặt mục tiêu 5 năm tới có thể trở thành trường đại học đào tạo CNTT lớn nhất và tốt nhất Việt Nam. Đây cũng là bước chuẩn bị cho đề án “Nước mạnh về CNTT” đã được Chính phủ phê duyệt, và thực hiện nghị quyết của Đại hội Đảng XI xem phát triển nhân lực là khâu độp phá trong chiến lược phát triển triển đất nước. Theo đề án này, trong vòng 5-10 năm nữa, Việt Nam sẽ cần tới một lượng nhân lực khổng lồ trong lĩnh vực CNTT - Truyền thông. ĐH FPT mong muốn cung cấp 20% nguồn nhân lực cho chương trình này.

 

TS Lê Trường Tùng đang trả lời trực tuyến về tuyển sinh. Ảnh: Hoàng Hà.

- ĐH FPT đặt mục tiêu trong 5 năm nữa có thể trở thành trường đại học đào tạo CNTT lớn nhất và tốt nhất Việt Nam. Ông nghĩ sao trước nghi ngại, đây là“giấc mơ quá lớn” đối với một ngôi trường mới 5 năm tuổi?

- 5 năm trước không ai biết đến ĐH FPT. Hiện nay, sự thực là ĐH FPT là một trong Top 5 đại học đào tạo về CNTT Việt Nam tính trên số lượng sinh viên chính quy đang theo học và chất lượng đào tạo. Chỉ tiêu đào tạo hàng năm về CNTT của ĐH FPT cũng gần gấp đôi các trường đại học lớn đào tạo về CNTT khác.

Chất lượng đào tạo của nhà trường đã dần được khẳng định khi sinh viên được học các chương trình thiết kế theo chuẩn quốc tế, các giáo trình được chuyển giao từ nước ngoài, được tập trung đào tạo thêm các kỹ năng mà trường khác chưa đủ điều kiện triển khai, như 2 ngoại ngữ, kỹ năng mềm, đào tạo trong môi trường làm việc 8-12 tháng…

Chất lượng đầu vào của ĐH FPT cũng rất tốt. Sinh viên FPT liên tục giành các giải thưởng cao tại các kỳ thi quốc gia và quốc tế, như: Vô địch Siêu cup Olympic Tin học SVVN, Top 3 Việt Nam và Top 10 khu vực châu Á trong kỳ thi Lập trình sinh viên quốc tế ACM-ICPC, giải cao trong các kỳ thi Olympic Toán sinh viên… cùng nhiều giải thưởng tại các kỳ thi CNTT khác.

Đối với thị trường lao động thực tế của ngành CNTT, ĐH FPT đã trả lời bằng kết quả của lứa sinh viên đầu tiên ra trường với 100% sinh viên làm việc đúng chuyên ngành tại các công ty, tập đoàn lớn về CNTT với mức lương khởi điểm trung bình trên 300 USD mỗi tháng.

Hiện nay, trường đã tuyển sinh viên từ nước ngoài, và chuẩn bị triển khai đào tạo tại nước ngoài trong năm 2011. Chúng tôi đang nỗ lực phấn đấu để xây dựng ĐH FPT trở thành một địa chỉ đào tạo CNTT tốt nhất tại Việt Nam và xa hơn là trong khu vực.

- Là đại học đầu tiên do một tập đoàn công nghệ thành lập, trường có thế mạnh đào tạo sát thực tế, nhưng cũng có người cho rằng đây chính là điểm yếu khi sinh viên FPT chỉ là những “công nhân phần mềm”, thiếu tư duy nghiên cứu?

- Chương trình đào tạo của ĐH FPT được xây dựng bám sát chuẩn đào tạo kỹ sư CNTT ACM của Mỹ mà nhiều trường đại học trên thế giới đang áp dụng. Sinh viên FPT đang tham gia vào các dự án của Viện nghiên cứu công nghệ FPT, trực thuộc ĐH FPT, như: nghiên cứu vệ tinh, các phần mềm ứng dụng… và có điều kiện trưởng thành, phát triển từ việc nghiên cứu khoa học.

Ngoài ra, với việc mở chuyên ngành Khoa học máy tính và cấp học bổng toàn phần đào tạo thẳng từ cử nhân lên tiến sĩ dành cho sinh viên xuất sắc, có đam mê với lĩnh vực nghiên cứu CNTT cùng các chính sách thưởng, khuyến khích phát triển công tác nghiên cứu khoa học trong nhà trường (thưởng 40 triệu đồng cho mỗi bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí quốc tế), ĐH FPT mong muốn phát triển nhiều hơn công tác nghiên cứu khoa học. Dĩ nhiên, tùy theo sự lựa chọn và định hướng nghề nghiệp tương lai của sinh viên, các em sẽ lựa chọn những hướng đi khác nhau.

- Nhiều người nhận xét, thi vào ĐH FPT không hề khó, nhưng chương trình học rất nặng, tỷ lệ học lại, thi lại cao. Ông có thể nói gì trước nỗi lo lắng không ra nổi trường của nhiều thí sinh và phụ huynh?

- Các trường đại học tại nước phát triển như Mỹ, Anh, Singapore… từ rất lâu đã áp dụng mô hình mở đầu vào và sàng lọc sinh viên trong quá trình đào tạo. Trong khi đó, hệ thống thi và đào tạo tại Việt Nam dường như đang đi theo chiều hướng ngược lại khi siết chặt đầu vào nhưng khá nới đầu ra, sinh viên đã vào được trường gần như sẽ được tốt nghiệp.

Tại Đại học FPT, một khi đã trở thành sinh viên của trường, các em bắt buộc phải tuân thủ nguyên tắc “Học thật, thi thật”. Điều này giúp nhà trường và chính phụ huynh sinh viên đảm bảo được chất lượng đào tạo của sinh viên. Tuy nhiên, tùy vào độ đầu tư công sức cũng như năng lực, các em sẽ có kết quả cao thấp khác nhau. Tôi có thể khẳng định là sau khi đã đỗ kỳ thi đầu vào, nếu thực sự nỗ lực thì chắc chắn các em sẽ tốt nghiệp được.

- ĐH FPT đã có sự chuẩn bị như thế nào về nguồn giảng viên - một trong những yếu tố quyết định chất lượng đào tạo?

- ĐH FPT đặt mục tiêu lượng công việc của giảng viên cơ hữu chiếm ít nhất 70% số giờ dạy, mỗi lớp học không quá 30 sinh viên, cho nên cần số lượng giảng viên rất lớn. Chúng tôi tìm kiếm các giảng viên trẻ, có tài, có tâm, có kinh nghiệm thực tế và có bằng cấp. Không phải về ĐH FPT chỉ đơn thuần dạy học, mà là cùng chúng tôi xây dựng trường ngày càng lớn mạnh.

Chúng tôi cũng tăng cường tuyển giảng viên từ nước ngoài, sắp xếp việc tuyển dụng, phỏng vấn ngay tại các nước bản địa để tìm được ứng viên tốt. Ngoài ra một nguồn lớn giảng viên chuyên ngành chính là các chuyên gia trong lĩnh vực CNTT, những người có thể đem đến cho sinh viên kiến thức cập nhật nhất từ thực tế công việc.

Là trường ngoài công lập, chúng tôi được chủ động trong việc xác định chính sách đãi ngộ cho giảng viên để thu hút người tài. Tất cả giảng viên của trường đều được trang bị điều kiện làm việc tốt, thu nhập cạnh tranh, nhận đầy đủ các chế độ cho bản thân và gia đình. Thu nhập trung bình của giảng viên có trình độ tương đương đại học,thạc sĩ, tiến sĩ lần lượt là 10,15 và 20 triệu đồng một tháng. Năm 2010, số giảng viên có thu nhập 1.000 USD một tháng trở lên khá nhiều.

Tuy nhiên chúng tôi nghĩ điều quan trọng nhất để thu hút và giữ chân giảng viên là môi trường làm việc dân chủ, luôn đổi mới, nhiều thách thức và nhiều cơ hội thăng tiến, điều mà ĐH FPT luôn cố gắng thực hiện.

 

Kỳ thi sơ tuyển của Đại học FPT được tổ chức vào ngày chủ nhật 24/4/2011. Nội dung thi:

- Khối ngành kỹ thuật: trắc nghiệm toán, tư duy logic (tiếng Việt) trong 120 phút, viết luận (tiếng Việt) trong 60 phút.

- Khối ngành kinh tế: trắc nghiệm tư duy logic, năng lực xúc cảm, kiến thức xã hội (tiếng Việt) trong 120 phút, viết luận (tiếng Việt) trong 60 phút.

Trường dự kiến xét cấp khoảng 250 suất học bổng toàn phần hoặc bán phần cho các thí sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, đạt từ 28 điểm trở lên trong kỳ thi đại học năm 2010, có thành tích đặc biệt cấp quốc gia hoặc đạt điểm cao trong kỳ thi sơ tuyển của ĐH FPT.

Xuân Hoa

Theo vnexpress.net