Tin tức – Sự kiện

Mong toàn xã hội quan tâm để đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT thành công

29 Tháng Mười Một 2011

Được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng như phần đông đại biểu đánh giá là một phiên chất vấn thẳng thắn, sôi nổi, phong phú, trong vòng hơn 2 tiếng rưỡi đồng hồ sáng ngày 24.11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã trả lời cụ thể và thỏa đáng 39 lượt chất vấn của gần 20 đại biểu quốc hội.


       
Nội dung chất vấn dành cho người đứng đầu ngành GD xoay quanh những vấn đề chính mà đại biểu quan tâm: Chất lượng GD ở các bậc học;  việc quy hoạch, thành lập, nâng cấp các trường ĐH, CĐ; chất lượng tuyển sinh; đào tạo thạc sỹ, tiến sĩ; dạy thêm, học thêm; lạm thu; thiếu trường MN công lập; GD miền núi. Được biết trước đó, thực hiện CV yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng đã có báo cáo trả lời liên quan đến những vấn đề trên.

Các đại biểu Phan Văn Tường ( Thái Nguyên), Ya Đuck ( Lâm Đồng), Trần Minh Diệu ( Quảng Bình), Lê Nam (Thanh Hóa) là những người đầu tiên đặt câu hỏi cho Bộ trưởng. 

 

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận: “không có sự phân biệt giữa đào tạo công lập và ngoài công lập”. ảnh: Thanh Lâm.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận: “không có sự phân biệt giữa đào tạo công lập và ngoài công lập”. ảnh: Thanh Lâm.

 

Trả lời câu hỏi về sự băn khoăn của các bậc phụ huynh trước tình trạng các trường ĐH trong nước không tuyển đủ chỉ tiêu trong khi HS, SV du học nước ngoài nhiều, nhiều trường ĐH không đáp ứng nhu cầu xã hội; Bộ trưởng đã đưa ra những cứ liệu cụ thể về nguyên nhân của những bất cập, trong đó có việc thành lập, nâng cấp các trường và mở nhiều ngành mới, để minh chứng cho 3 năm gần đây, việc thành lập trường ĐH đã giảm nhiều so với trước và chủ yếu là nâng cấp từ các trường công lập. Tiêu chí để xem xét các điều kiện thành lập trường ĐH được căn cứ theo QĐ số 07/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Khá nhiều giải pháp có tính thuyết phục về đổi mới đáng kể chất lượng, được Bộ trưởng nêu lên, như đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường ĐH; Xây dựng và nâng cao chất lượng đội GV, CBQL, ổn định chỉ tiêu tuyển sinh không chính quy, giảm chỉ tiêu tuyển sinh không chính quy, tăng cường công tác kiểm định chất lượng GD ĐH; đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội, gắn với NCKH, giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn một số thực trạng: Một số trường chưa công khai về điều kiện đảm bảo chất lượng; quản lý nhà nước về GD đã có thay đổi tích cực nhưng chưa hết bất cập, hạn chế; nhiều trường ĐH thuộc khối ngành Nông Lâm, Sư phạm, Khoa học xã hội không tuyển đủ SV; nhiều trường tư thục mới được thành lập không đảm bảo chất lượng nên khó tuyển sinh…

Mặc dù đã phân tích khá cụ thể về kết quả tốt nghiệp trung học phổ thông tăng trong 2 năm qua, hiệu quả của CVĐ “ Hai không” được sự ủng họ của toàn xã hội làm cải thiện đáng kể chất lượng dạy và học; kỷ luật phòng thi theo phản ánh của hầu hết đội ngũ các thầy cô giáo, các em HS và các bậc phụ huynh là nghiêm túc; Bộ đã tổ chức kiểm tra tại nhiều địa phương và cho thấy kết quả phản ánh đúng thực chất; một đại biểu vẫn đặt câu hỏi một lần nữa với Bộ trưởng: những trường đạt được tỷ lệ 100% có phải là chất lượng thực chất hay không? Bộ trưởng đã trả lời đầy tự tin: Hầu hết qua kiểm tra thực tế cho thấy, đó là những trường tốt ! Ở khối GDTX, còn một vài trường kết quả chưa thật thì Bộ sẽ tiếp thu để khắc phục.

Về điểm bài thi môn Sử thấp, Bộ trưởng Luận cũng khẳng định nguyên nhân hoàn toàn không phải ở đề thi như một đại biểu đã nêu. Nguyên nhân chính vẫn là do học sinh chưa theo kịp với yêu cầu của đổi mới kiểm tra, đánh giá, quen theo lối học thuộc bài một cách thụ động. Ngành GD-ĐT ngoài việc cải thiện thực trạng dạy và học môn Sử rất chú trọng đến GD lòng yêu nước và tự hào dân tộc qua môn học. Ý kiến chất vấn về việc Bộ GD-ĐT hạ điểm sàn tuyển sinh vào ĐH, Bộ trưởng trả lời : Bộ GD-ĐT đã kiên quyết giữ nguyên điểm sàn, không hạ, để đảm bảo chất lượng đầu ra. Ý kiến về việc HS, SV đi học nước ngoài nhiều, Bộ trưởng cho rằng: nhiều thế hệ cha anh trước đây của chúng ta cũng đã đưa con cháu ra nước ngoài để học. Trong điều kiện “ thế giới phẳng” như hiện nay, đời sống được nâng lên thì việc tuổi trẻ ra nước ngoài để học là thành quả của đổi mới. Ngược lại, trong thực tế, chúng ta cũng đã đón rất nhiều HS, SV nước ngoài đến học, mới đây nhất là lớp tốt nghiệp thạc sỹ của ĐH Việt Đức. 

Bảo vệ cho vấn đề chất lượng GD đại học, Bộ trưởng đã nêu lên một vụ việc: về CNTT, cách đây một vài năm, báo chí rộ lên thông tin Intel Việt Nam khi tuyển dụng lao động không tuyển được ai nhưng mới đây, trong một cuộc họp báo, Tổng GĐ Intel đã phủ định điều đó và khẳng định: Đại bộ phận người lao động làm việc cho Intel là do người Việt Nam đảm bảo, trong số đó có những người giữ vị trí chủ chốt và hiện chuẩn bị được điều làm việc ở các khu vực khác trên thế giới. Vào năm 2008, tổ chức diễn đàn kinh tế thế giới xếp hạng về chỉ số cạnh tranh của Việt Nam là 120/141; đến năm 2011, xếp hạng về chỉ số cạnh tranh của VN là 69, tăng 51 bậc. Tính theo thang điểm 5 của điểm của điểm chất lượng GD, Việt Nam được diễn đàn kinh tế thế giới xếp hạng từ chỉ số 3,4 năm 2008 lên 3,7 vào năm 2011…

Về GD miền núi, GD mầm non, Bộ trưởng cũng đồng ý với một số bất cập mà các đại biểu Hà Công Long ( Gia Lai), Trương Thị Ánh (Tp Hồ Chí Minh) nêu lên như CSVC, chế độ chính sách. Mặc dù những năm qua, ngành GD-ĐT đã hết sức nỗ lực cùng với nhiều Bộ, ngành khác thực hiện những giải pháp tích cực để triển khai nhiều đề án quan trọng nhằm thay đổi thực trạng; nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu… Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Quốc Tuấn ( Trà Vinh) về tiêu cực trong dạy thêm, học thêm tràn lan, Bộ trưởng nêu lên một số nguyên nhân từ phía phụ huynh học sinh, từ tình trạng nặng kinh tế thị trường của một bộ phận GV và cho biết: để khắc phục tình trạng này, sắp đến, Bộ sẽ thực hiện nhiều biện pháp tích cực như: tăng cường hơn nữa lòng tự trọng nghề nghiệp của GV và trách nhiệm của hiệu trưởng; tăng cường sự hỗ trợ, giám sát của nhiều đoàn thể và hội khuyến học, hội phụ huynh.       

Một số đại biểu còn đề cập đến vấn đề tái cấu trúc ngành GD trong yêu cầu tái cấu trúc nền kinh tế hiện nay. Về liên kết đào tạo mà một số đại biểu đưa ra, Bộ trưởng trả lời, bản thân việc đào tạo tại chức không có lỗi. Nhiều chuyên gia, nhà quản lý nổi tiếng trưởng thành từ hệ học này. Tiêu cực lệch lạc là do việc học theo hình thức, thành tích. Việc này sẽ có giải pháp quản lý. Giáo dục từ xa cũng là hình thức đào tạo mới mà ngành GD phải tiếp nhận nhưng sẽ xây dựng các giải pháp để kiểm soát chặt hơn. Về trình độ dân trí Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Bộ trưởng cho biết thời gian qua đã có một số giải pháp. Cụ thể đối với Đồng Bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng cho biết sắp tới Bộ sẽ làm việc với Ban chỉ đạo Tây Nam bộ về việc này, trước hết là đổi mới GD  mầm non.

Trong thời gian 35 phút còn lại, một số đại biểu tiếp tục đưa ra những câu hỏi không nằm ngoài những vấn đề mà các đại biểu ở phần đầu đã nêu lên. Về bức xúc của đại biểu trong việc giải quyết thâm niên nhà giáo cho những CBQL ở Phòng, Sở GD, sau khi Bộ trưởng trình bày về những văn bản quy định về chính sách, Chủ tịch Quốc hội Nguyên Sinh Hùng nhấn mạnh: Thủ tướng Chính phủ đã có quy định về chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo với đối tượng này, việc của Bộ trưởng là phải tham mưu để chính sách đó sớm thực hiện. Về mở trường ĐH, Bộ trưởng cho biết các trường đã mở hiện nay chưa có trường nào ra ngoài quy hoạch của Chính phủ, vẫn thiếu so với các quy hoạch, đặc biệt là thiếu các trường có chất lượng cao và đề cập đến các “giải pháp mạnh” để chấn chỉnh các trường ĐH kém chất lượng. Bộ trưởng khẳng định: không có sự phân biệt giữa đào tạo công lập và ngoài công lập, điều này đã được ghi trong Luật Giáo dục. Việc một số địa phương từ chối SV học trường dân lập, tại chức, Bộ trưởng cũng đưa ra quan điểm của mình: cả hai ngành này, đều có những SV giỏi và những SV không giỏi. Bộ trưởng cho biết đang phối hợp với Bộ Nội vụ hướng đến việc tuyển dụng theo năng lực thực chất chứ không theo hình thức của bằng tốt nghiệp. Về tình trạng SV ngành sư phạm không thiết tha với nghề, Đảng, Nhà nước đã có chính sách miễn  học phí, Bộ sẽ tham mưu để có những chính sách mạnh hơn nữa với ngành Sư phạm cũng như các ngành xã hội nhân văn để thu hút.

Ý kiến chất vấn về giảm tải, Bộ trưởng cho biết, liên tục trong nhiều năm, Bộ đã tiến hành theo một quy trình chặt chẽ để lấy ý kiến các trường, đến năm học vừa rồi, đã có quyết định giảm tải một số nội dung, dành khoảng trống cho nhà trường, các thầy cô giáo chủ động củng cố kiến thức cho HS; tiến đến tiếp tục nghiên cứu một cách căn cơ để đổi mới CT và SGK phổ thông. Về SV tốt nghiệp chưa có việc làm, Chính phủ đã có chỉ đạo về quy hoạch, phát triển nguồn nhân lực…Liên quan đến ý kiến chất vấn của đại biểu về chất lượng GD vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, Bộ trưởng cho biết, đã có rất nhiều giải pháp đối ở địa phương được coi là “ vùng trũng” về GD. Theo chương trình công tác, sắp đến sẽ có một hội nghị bàn về những giải pháp phát triển GD-ĐT ở khu vực này.

Liên quan đến chất vấn của đại biểu về GD đạo đức, nhân cách cho HS, Bộ trưởng trả lời: Bộ luôn xác định GD đạo đức, hình thành nhân cách cho HS là một khâu quan trọng. Hiện Bộ đang chỉ đạo sự thay đổi, điều chỉnh trong nội dung, PP giảng dạy một số môn học xã hội nhân văn như lịch sử, GD công dân…tránh giảng dạy máy móc, đưa nhiều những tấm gương tốt trong đời sống, trong lao động; đồng thời cho các em tham gia các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, chăm sóc di tích văn hóa, lịch sử, theo phương châm nhà trường gắn với xã hội nhằm nâng cao hiệu quả GD.

Mặc dù phải trả lời một dung lượng câu hỏi chất vấn khá lớn so với các thành viên khác của chính phủ tại Quốc hội, song có thể nói, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã đáp ứng được nhiều vấn đề mà đại biểu quan tâm. Đặc biệt là việc Bộ trưởng thẳng thắn nhìn nhận “ Giáo dục ĐH còn những hạn chế, bất cập so với yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, so với mong muốn của Đảng, của nhân dân, vì thế, Đảng ta mới ra chỉ thị về Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục”.

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại phiên chất vấn sáng nay 24/11
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại phiên chất vấn sáng nay 24/11

Tham gia trả lời chất vấn trước Quốc hội về tình hình GD-ĐT nước nhà, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ việc cải cách GD là một nhu cầu bức thiết mà nhiều nước trên thế giới và khu vực đang triển khai. Các vấn đề mà Phó thủ tướng nhấn mạnh là tăng cường học thực hành, ngoại ngữ ở bậc học phổ thông.

Về GDĐH, Phó thủ tướng cho biết ngành GD đang kiểm soát chất lượng bằng chuẩn đầu ra của SV và yêu cầu các trường công khai. Hiện đã có 60 % các trường công bố được chuẩn này. Chuẩn đầu vào cũng đã được ngành GD đưa ra cho cả bậc học phổ thông và ĐH. Các chuẩn này quy định về cơ sở vật chất, giáo viên. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, việc hợp chuẩn được bậc phổ thông tuân thủ nghiêm chỉnh hơn, còn nhiều cơ sở GDĐH lại chưa đáp ứng được chuẩn này. Đối với nội dung quản lý nhà nước về GD, Phó thủ tướng cho rằng các bộ ngành khó có thể kiểm soát được hết tình hình thực tế nên chính quyền địa phương phải cùng góp sức vào việc này. Theo đánh giá của Phó Thủ tướng, thời gian qua ngành GD đã có những lớp bồi dưỡng cho các hiệu trưởng, đầu tàu của cơ sở GD và đang chờ giải pháp này phát huy kết quả.

Về GD mầm non, Phó thủ tướng khẳng định các em dưới 5 tuổi về cơ bản vẫn được học tập nhưng cũng mong đại biểu thông cảm với điều kiện kinh tế của đất nước hiện nay. Về GDCN, Phó thủ tướng cho biết, trong năm 2011, trong 100 em học thi tốt nghiệp thì gần 55 em được tiếp nhận vào CĐ, ĐH. Đó là một thành tựu của ngành. Việc đào tạo chuyên nghiệp cũng đã được huy động xã hội hóa, là hình thức kinh doanh không lợi nhuận. Phó thủ tướng nhấn mạnh các địa phương, doanh nghiệp phải tăng cường hơn nữa việc “đặt hàng” ngành GD để góp phần đào tạo ra SV sát với yêu cầu thực tế. Phó thủ tướng khẳng định, hiện nay tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ" không còn nữa. Công nhân đang là đội ngũ chiếm số lượng nhiều nhất, sau đó mới đến những người có trình độ trung cấp, CĐ, ĐH.

Phát biểu kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao phần trả lời của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng Phạm Vũ Luận. Chủ tịch Quốc hội đánh giá phiên chấn vấn diễn ra rất thẳng thắn, sôi nổi; thể hiện sự quan tâm của đại biểu QH và cử tri cả nước đối với GD&ĐT nước nhà.

Nguyễn Thị Thúy Hồng

Theo gdtd.vn