Tin tức

Cử tri Hà Nội muốn có 'thuốc đặc trị' chữa ùn tắc

07 Tháng Mười Hai 2011

Kiến nghị đến kỳ họp cuối năm HĐND thành phố khai mạc sáng nay, cử tri Hà Nội đánh giá các biện pháp đang triển khai đối với giao thông mới chỉ là "tình thế, trước mắt".

 

Thời gian qua, Hà Nội liên tục thu hút sự chú ý của dư luận với một loạt đề xuất giải pháp giảm ùn tắc giao thông, một trong những vấn đề nóng nhất. Trong khi phân làn, phân luồng, bịt - mở ngã tư... gây không ít xáo trộn, khó khăn, thì hạn chế phương tiện cá nhân, điều chỉnh giờ... mới dừng ở ý tưởng cũng không khỏi làm người dân băn khoăn, nghi ngại.

Cử tri nội thành đều muốn thành phố có những biện pháp cụ thể, lâu dài như quy hoạch đồng bộ, khoa học, tránh chồng chéo; hạn chế cấp phép loại hình vận tải như taxi, ôtô cá nhân; chuyển một số trường đại học, bệnh viện ra ngoại thành...

Các biện pháp đang triển khai đối với giao thông Hà Nội mới chỉ là "tình thế, trước mắt". Ảnh: Phạm Hải

Trong khi cử tri Hoàn Kiếm muốn thành phố đẩy nhanh tiến độ xây dựng các bãi xe tĩnh trên địa bàn thì cử tri Ba Đình đề nghị không cấp phép điểm đỗ xe ở các tuyến phố hẹp, mật độ giao thông cao, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp dừng, đỗ xe không đúng nơi quy định.

Thường trực HĐND thành phố cho biết Sở GTVT đã được giao xây dựng “Đề án nghiên cứu sắp xếp mạng lưới điểm đỗ xe và bến bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn". Sắp tới, sẽ kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh, thu hồi những điểm đỗ xe bất hợp lý, giải tỏa các trường hợp trông giữ phương tiện lấn chiếm hè phố, lòng đường, tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc cấp phép sử dụng hè phố, lòng đường làm điểm trông giữ phương tiện.

Theo Thường trực HĐND, tốc độ gia tăng lượng phương tiện giao thông ở Hà Nội rất nhanh (12-15%/năm), việc đáp ứng nhu cầu về giao thông tĩnh cũng phải đảm bảo cả mục tiêu kiềm chế ùn tắc giao thông.

Người cần đất thì không mua được

Cử tri ngoại thành lại bức xúc vì tình trạng lãng phí đất đai như các công trình thi công dở dang, tiến độ chậm, vật tư để bừa bãi; một số công trình vỉa hè vừa làm xong đã phải đào lên làm lại; nhiều công trình nhà chung cư cao cấp, khu thương mại, văn phòng cho thuê chưa khai thác hết, trong khi đó các công trình dân sinh bức thiết như trường học, bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải...

Chưa kể, giá bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất thổ cư ở nông thôn còn thấp, chưa sát thực tế, chỉ 252.000đồng/m2. "Thành phố căn cứ vào cơ sở nào để đưa ra mức giá đền bù như vậy?", cử tri đặt câu hỏi và đề nghị thành phố lấy ý kiến của nhân dân để ra quyết định giá đất và giá đền bù sát hơn với giá thị trường, để nhân dân đỡ thiệt thòi.

Cử tri Mê Linh cũng chỉ ra trong tổ chức đấu giá đất ở các huyện, trong khi người dân địa phương thực sự có nhu cầu bức xúc về đất ở, nhà ở, lại không thể cạnh tranh được với những người có vốn, tham gia đấu giá với mục đích đầu cơ kiếm lời.

Trợ giá cho người thu nhập thấp

Lạm phát các tháng cuối năm đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, thời điểm năm mới đến gần càng làm cử tri lo lắng về giá cả. Chương trình bình ổn giá tuy được dành một khoản lớn kinh phí song cử tri phản ánh chủ yếu tập trung ở nội đô, người dân nông thôn ngoại thành không tiếp cận được hỗ trợ này.

Cử tri Mê Linh, Từ Liêm, Thanh Xuân muốn biết thành phố sẽ có cơ chế, chính sách gì và đổi mới cách tổ chức thực hiện như thế nào để nông dân cũng được hưởng một phần sự ưu đãi này.

Cử tri Ba Đình thì kiến nghị cần có giải pháp hạ thấp giá cả hàng hóa thay vì hỗ trợ tiền cho các hộ khó khăn. Cử tri Ứng Hòa cho rằng nên trợ giá trực tiếp cho người sản xuất hàng hóa và người lao động có thu nhập thấp, không nên trợ giá cho các siêu thị, vì nông dân, công nhân, lao động nghèo không có nhiều điều kiện thường xuyên mua hàng tại các siêu thị; mặt khác, hỗ trợ trực tiếp còn có tác dụng thúc đẩy sản xuất ở khu vực nông thôn.

Các vấn đề dân sinh bức xúc trên sẽ được thảo luận trong 4 ngày họp của HĐND Hà Nội, trong đó sáng 9/12 dành cho việc chất vấn trực tiếp.

Chung Hoàng

Theo vietnamnet.vn