Tin tức – Sự kiện

Ngoại ngữ: dạy mãi sinh viên vẫn kém!

24 Tháng Mười Hai 2011

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết như thế đối với môn học này. Ông nhìn nhận đó là một sự thất bại tại hội nghị triển khai đề án dạy và học ngoại ngữ trong trường đại học ngày 23-12.

 

 

Một tiết dạy - học ngoại ngữ tại Trường ĐH Nông lâm TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

 

 

“Nếu ở môn học khác, bên cạnh những mặt còn hạn chế thì vẫn có thành công, nhưng với môn ngoại ngữ dạy mãi mà học sinh, sinh viên vẫn không sử dụng được. Đó thật sự là một thất bại”- Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã nói như thế tại hội thảo triển khai đề án ngoại ngữ ở các trường đại học do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 23-12.

TS Nguyễn Ngọc Hùng, trưởng bộ phận thường trực ban quản lý đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, nhận xét một trong những nguyên nhân khiến việc “dạy học ngoại ngữ mãi vẫn kém” trong các trường đại học là do quan điểm coi ngoại ngữ như một môn học kiến thức chứ không phải kỹ năng.

Chính vì vậy nên từ chương trình đến cách dạy, cách học đã không chú trọng việc rèn luyện kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cho người học. Việc dạy và học chủ yếu phục vụ thi, trong khi các kỳ thi cuối cấp, thi vào đại học vẫn chỉ tập trung vào ngữ pháp. Quan niệm này giống như một cản trở lớn trong việc rèn luyện kỹ năng ngoại ngữ của học sinh, sinh viên.

 

 

Một lớp học của sinh viên chương trình tiên tiến Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM). Sinh viên theo học chương trình này phải học hoàn toàn bằng tiếng Anh - Ảnh: Trần Huỳnh

 

 

Giáo viên nói quá nhiều

Cũng với quan niệm như vậy nên chương trình, sách giáo khoa chỉ chú trọng đến ngôn ngữ, coi nhẹ phát triển kỹ năng, lấy giáo trình thay cho chương trình.

Khảo sát của đề án cũng cho thấy năng lực nhiều giáo viên tiếng Anh ở các trường đại học còn bất cập, nhiều người không có phương pháp sư phạm. Một trong những lợi thế của việc dạy học ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng hiện nay là có sự trợ giúp của công nghệ thông tin (các phần mềm dạy học, Internet...), nhưng nhiều giáo viên lại không có khả năng hoặc không có thói quen sử dụng các phương tiện hiện đại này vào việc dạy học - ông Hiển nhận xét.

Đề cập đến bất cập này qua đánh giá thực tiễn dạy học ngoại ngữ trong các trường đại học, TS Hùng cho rằng: giáo viên dạy ngoại ngữ vẫn nói quá nhiều trong giờ học, trong khi lẽ ra phải tạo cơ hội cho người học nghe, nói, giao tiếp, tạo môi trường để người học sử dụng ngoại ngữ.

 

Không ngờ giáo viên yếu kém như thế!

“Khi triển khai đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 ở bậc phổ thông, điều chúng tôi đã lường trước là khó khăn về đội ngũ giáo viên. Đã biết trước là năng lực ngoại ngữ và năng lực dạy học ngoại ngữ của giáo viên còn kém, nhưng khi tiến hành khảo sát vẫn không ngờ trình độ giáo viên lại kém đến thế! Chỉ 10% số giáo viên được khảo sát đạt yêu cầu, trong đó có địa phương chỉ 1-2% số giáo viên đạt yêu cầu. Nhiều nơi giáo viên chỉ đạt trình độ B2 theo khung tham chiếu ngôn ngữ châu Âu, có nơi chỉ đạt B1 nhưng vẫn đi dạy. Việc này có một phần trách nhiệm của các trường đại học, nơi cung cấp nguồn giáo viên dạy ngoại ngữ”.

Thứ trưởng
Nguyễn Vinh Hiển

Bất cập trong quan niệm, chương trình, giáo trình, đội ngũ giáo viên, phương pháp giảng dạy là những yếu tố dẫn đến bất cập về chất lượng sản phẩm đào tạo, đó là cách tiếp cận, cách học tập, trình độ ngoại ngữ của sinh viên.

 

Theo nhận định của một số thành viên ban quản lý đề án, đa số sinh viên các trường đại học thụ động, không có phương pháp tự học, không biết sử dụng các phương tiện hiện đại vào việc học tập.

TS Dương Bạch Nhật, Trường đại học Duy Tân, Đà Nẵng, nhận xét kỹ năng nghe, nói, viết luận bằng tiếng Anh của sinh viên đại học rất kém. Sinh viên không quen phát âm ngữ điệu, không quen phong cách giao tiếp, vốn từ vựng ít. Nhiều sinh viên không nắm được cấu trúc câu trong tiếng Anh...

TS Hùng nói: “Sinh viên học xong, thi điểm cao, nhưng không sử dụng được ngoại ngữ vào công việc và cuộc sống do thiếu kỹ năng, do việc học không nhắm đến mục tiêu sử dụng mà chỉ để có vốn liếng đi thi, lấy bằng”.

Thách thức lớn

Tại hội thảo trên, đại diện nhiều trường không giấu được nỗi lo khi mục tiêu đề ra thì lớn nhưng có quá nhiều khó khăn.

Ông Vũ Ngọc Pi, phó hiệu trưởng Trường đại học Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên, cho biết: “Do chất lượng dạy học ngoại ngữ ở phổ thông thấp nên đầu vào của trường đại học cũng thấp và không đồng đều, việc phân loại trình độ và áp dụng chương trình dạy học tương ứng với các trình độ là việc khó khăn, trong khi thời lượng dành cho tiếng Anh quá ít (chỉ có 10 tín chỉ/tổng số 150 tín chỉ), số lượng sinh viên/lớp tiếng Anh quá lớn, trung bình 50-80 sinh viên/lớp/giảng viên. Trong khi đội ngũ giảng viên thiếu và còn yếu, ít người được đào tạo ở nước ngoài”.

Khó khăn mà ông Pi đề cập cũng là nỗi lo chung của nhiều trường. Theo TS Dương Bạch Nhật, sự yếu kém và thiếu đồng bộ trong chất lượng đầu vào là một khó khăn rất lớn. Qua khảo sát có thể tạm chia sinh viên năm 1 ra bốn nhóm: nhóm bắt đầu học tiếng Anh từ lớp 2, nhóm bắt đầu học từ lớp 3, nhóm bắt đầu học từ lớp 6, nhóm bắt đầu học từ lớp 10. Với thực trạng này, việc xếp lớp rất phức tạp và để tăng tốc đào tạo trong 3-4 năm đạt chuẩn mà đề án đưa ra là vô cùng khó.

Cũng giống như khi triển khai ở bậc phổ thông, tại bậc đại học nguồn giảng viên ngoại ngữ có chất lượng, theo đại diện nhiều trường, cũng là thách thức lớn.

                                                                                                                                                                                            Theo tuoitre.vn