Tin tức – Sự kiện

Mỹ thuật Việt Nam đang... lao dốc

14 Tháng Hai 2012


 

Tại Hội thảo về Thực trạng ngành mỹ thuật và mục tiêu quy hoạch phát triển ngành mỹ thuật đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ VHTTDL tổ chức ngày 21-11 tại Hà Nội, nhiều hoạ sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Việt Nam đã phải thốt lên, mỹ thuật Việt Nam đang lao dốc và thực sự hoang mang trước nhiều sóng gió.

 

Đối nghịch lượng và chất

Hoạ sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết, chưa bao giờ đội ngũ sáng tác mỹ thuật đông đến thế. Thống kê đến tháng 6-2011, số nghệ sĩ tạo hình lên đến trên 3000 người. Cũng chưa bao giờ việc đào tạo mỹ thuật lại nở rộ như hiện nay. Trước đây, nếu Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương trong vòng 20 năm (1925-1945) đào tạo bình quân 10 người mỗi năm và chỉ có hơn 140 người tốt nghiệp; trong chín năm kháng chiến chống Pháp chỉ đào tạo được 22 người khoá kháng chiến, thời kỳ kháng chiến chống Mỹ mỗi năm các trường cũng chỉ đào tạo trên 100 người... thì hiện nay con số hơn 4000 sinh viên tuyển sinh mỗi năm là quá đông đảo.

Cũng theo hoạ sĩ Trần Khánh Chương, mỹ thuật Việt Nam đang ngày càng tiệm cận với thế giới về loại hình, xu hướng sáng tác. Số hoạ sĩ có điều kiện sáng tác ngày càng đông đảo. Nếu như đầu những năm đổi mới, một tác phẩm mỹ thuật có giá trị cũng chỉ bán được vài trăm ngàn hoặc một triệu đồng thì những năm gần đây, giá tranh đã leo lên đến hàng ngàn, hàng vạn USD. Thị trường mỹ thuật Việt Nam cũng nở rộ với rất nhiều gallery xuất hiện tại các trung tâm đô thị lớn...

Tuy nhiên, các nhà chuyên môn đều cho rằng, thực tế này chỉ đơn thuần cho thấy sự đối nghịch ngày càng rõ nét giữa lượng và chất. Tranh mua giá cao nhưng chưa chắc, người mua đã được sở hữu những tác phẩm nghệ thuật thực sự giá trị. Các triển lãm bùng nổ về số lượng nhưng tác động đến đời sống nghệ thuật không nhiều. Số hoạ sĩ được đào tạo ngày càng đông đảo nhưng lại hụt hẫng về kiến thức chuyên ngành. Nạn tranh giả, tranh nhái khiến niềm tin dành cho mỹ thuật truyền thống bị đánh mất...

Nhà phê bình Trần Thức còn chua chát, tranh Việt Nam đưa ra các hãng đấu giá nước ngoài không những giá thấp mà còn bị nhà đấu giá lưu ý: Tranh Việt, người mua phải tự tìm hiểu kỹ!

Những nút rối của mỹ thuật Việt đang cần giải pháp tháo gỡ. Hoạ sĩ Vi Kiến Thành cho biết, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL) đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nội dung bản quy hoạch phát triển ngành mỹ thuật đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 với hi vọng sẽ nhìn đúng, lấp đầy những lỗ hổng của mỹ thuật Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, một quy hoạch có tầm nhìn, sát thực tiễn vẫn đang là một khó khăn khiến các nhà soạn thảo đau đầu.

Gỡ rối được không?

Cũng theo hoạ sĩ Vi Kiến Thành, mục tiêu đầu tiên của ngành mỹ thuật trong những năm tới chính là những tác phẩm, công trình mỹ thuật phục vụ đời sống, góp phần nâng cao mức hưởng thụ về mỹ thuật. Bên cạnh đó còn là nhiệm vụ bảo tồn và phát triển mỹ thuật truyền thống; công tác đào tạo và bồi dưỡng tài năng mỹ thuật; đẩy mạnh giao lưu, hợp tác quốc tế và xây dựng thị trường mỹ thuật trong nước phát triển bền vững.

Nhà phê bình Nguyễn Đỗ Bảo lại chia sẻ, trước khi quan tâm đến những định hướng vĩ mô, ông muốn quan tâm nhiều hơn đến những vấn đề nhỏ. “Trong bối cảnh hiện nay, mỹ thuật Việt Nam dậm chân tại chỗ được đã là may. Chưa muốn nói là tất cả đều đang cùng lao dốc...”- ông Bảo bức bối.

Vì sao? Ông dẫn chứng, cơ số tác phẩm quá nhiều, nhưng cũng quá nhiều tác phẩm vẽ nhăng nhít, thiếu chiều sâu. Nói là cần bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống nhưng thực tế cái gọi là truyền thống của mỹ thuật Việt Nam đang ngày càng mai một. Nói là cần đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu tác phẩm, nhưng thực tế số bảo tàng, nhà triển lãm mỹ thuật quá ít ỏi, tranh tượng chen nhau san sát như để trong kho... Nhà phê bình Nguyễn Đỗ Bảo cho rằng, nếu không bắt đầu gỡ từ những nhức nhối đó thì quy hoạch sẽ trở nên phù phiếm và vô nghĩa.

Ở một khía cạnh khác, nhà phê bình Nguyễn Hải Yến chia sẻ, nhắc đến mỹ thuật Việt Nam ở nước ngoài lại thấy tủi, thấy buồn. Dẫu rằng số kỳ cuộc triển lãm, giao lưu mỹ thuật ở ngoài nước diễn ra với tần số ngày càng cao nhưng hình ảnh của nền mỹ thuật bác học Việt Nam ngày càng trở nên nhạt nhoà. Bà Yến nhấn mạnh, ngoài mục tiêu xây dựng một thị trường trong nước bền vững thì mỹ thuật Việt Nam cũng cần đặc biệt quan tâm đến việc quảng bá, giới thiệu về mỹ thuật Việt Nam trên trường quốc tế.

Quá nhiều nút rối khiến chính những người trong cuộc cũng cảm thấy hoang mang. Chỉ riêng sự thiếu thốn của hệ thống nhà triển lãm, bảo tàng mỹ thuật cũng đang là một khủng hoảng thực tế khi cả nước chỉ có vẻn vẹn hai bảo tàng mỹ thuật lớn là Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tại Hà Nội và Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Nhiều tỉnh, thành, trung tâm du lịch lớn như Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ... cho đến nay vẫn chưa có kế hoạch xây dựng Bảo tàng Mỹ thuật.

Hoạ sĩ Trần Khánh Chương cho rằng, để phát triển thì không thể thiếu quan tâm đến sự phát triển của hệ thống này. Cần có định hướng đến năm 2020, các thành phố lớn trực thuộc Trung ương phải có ít nhất một Bảo tàng Mỹ thuật để phục vụ nhân dân và du khách, đồng thời, ngay từ bây giờ, các tỉnh, thành phố cần có kế hoạch sưu tầm tác phẩm trưng bày...

Kinh phí hạn hẹp cũng là cái khó bó buộc nhiều lĩnh vực đang khao khát đổi mới của mỹ thuật Việt.

Theo nhà phê bình Lê Quốc Bảo, nói là muốn tăng cường giao lưu quốc tế nhưng không có tiền cũng chịu. Vì thế, nhiều định hướng lớn đã được đề ra, tuy nhiên để trở thành thực tế còn là một chặng đường dài. Trong đó, Ban soạn thảo quy hoạch sẽ phải chú trọng phân định thời gian, mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn.


Theo nhandan.org.vn