Tin tức – Sự kiện

BIỂU HIỆN VÀ BIỆN PHÁP PHÁT TRIỂN NĂNG KHIẾU ÂM NHẠC CHO HỌC SINH

27 Tháng Tám 2021

 TS. Nguyễn Mai Hương

                 Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

Tóm tắt

Giáo dục nghệ thuật là một trong những mục tiêu đã được xác định trong hệ thống giáo dục phổ thông Việt Nam, đặc biệt khi chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được ban hành khi môn nghệ thuật được đưa vào chương trình trung học phổ thông. Quá trình dạy học hướng tới việc tìm kiếm và phát hiện tài năng nghệ thuật phải bắt đầu từ khi trẻ còn nhỏ, ở những cấp học đầu tiên khi trẻ bộc lộ tư chất, năng khiếu của mình, do đó để tiến hành dạy học có hiệu quả nhà giáo dục phải đặc biệt chú trọng giai đoạn này.

Bài viết chỉ ra các biểu hiện của học sinh có năng khiếu âm nhạc, tìm hiểu những quan điểm định hướng dạy học trẻ em có năng khiếu, tài năng trong nhà trường từ đó đề xuất một số biện pháp nâng cao chất lượng dạy học trẻ em có năng khiếu nghệ thuật nói chung và năng khiếu âm nhạc nói riêng trong giai đoạn hiện nay.

Từ khóa: Năng khiếu, năng khiếu âm nhạc, học sinh

  1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Mỗi quốc gia đều tiềm ẩn những tài năng trẻ đầy triển vọng, trong tất cả những thiên bẩm mà con người may mắn có thể có thì không có thiên bẩm nào xuất hiện sớm hơn tài năng âm nhạc vấn đề cơ bản là biết phát hiện và kịp thời nuôi dưỡng, bồi đắp cho những năng khiếu này phát triển thành năng lực, tài năng nghệ thuật. .

Nghiên cứu lý luận và thực tiễn cho thấy, hiện nay ở nước ta quá trình dạy học trẻ em có năng khiếu âm nhạc chưa thực sự đạt hiệu quả cao, thực trạng này là do nhiều nguyên nhân yếu tố mạng lại: Do nhận thức về vai trò của giáo dục nghệ thuật, sự thiếu đồng đều chất lượng của đội ngũ giáo viên , phương pháp dạy học đối với trẻn em có năng khiếu âm nhạc và những điều kiện đặc thù của hoạt động đào tạo năng khiếu âm nhạc….

Bài viết chỉ ra các biểu hiện của học sinh có năng khiếu âm nhạc, tìm hiểu những quan điểm định hướng dạy học trẻ em có năng khiếu, tài năng trong nhà trường từ đó đề xuất một số biện pháp nâng cao chất lượng dạy học trẻ em có năng khiếu nghệ thuật nói chung và năng khiếu âm nhạc nói riêng trong giai đoạn hiện nay.

2. NỘI DUNG

2.1. Năng khiếu âm nhạc

2.1.1. Khái niệm năng khiếu

Thuật ngữ trẻ em có năng khiếu được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1869 bởi Francis Galton.Ông gọi những người trưởng thành đã thể hiện tài năng đặc biệt trong một số lĩnh vực là năng khiếu, ví dụ, một nhà hóa học tài năng. Trẻ em có thể thừa hưởng tiềm năng trở thành người lớn có năng khiếu và Galton gọi những đứa trẻ này là những đứa trẻ có năng khiếu. Lewis Terman đã mở rộng quan điểm của Galton về những đứa trẻ có năng khiếu bao gồm IQ cao. Đầu những năm 1900, ông bắt đầu một nghiên cứu dài hạn về những đứa trẻ có năng khiếu, người mà ông xác định là những đứa trẻ có IQ từ 140 trở lên.

Nghiên cứu Leta Hollingworth năng khiếu là những tư chất bẩm sinh, di truyền nét đặc trưng và tính chất đặc thù làm tiền đề bẩm sinh cho năng lực do di truyền. Tuy nhiên, việc xây dựng môi trường gia đình và trường học nuôi dưỡng cũng rất quan trọng trong việc phát triển tiềm năng đó.

Một quan điểm ảnh hưởng khá nhiều đến việc xây dựng trẻ tài năng tại các nước là mô hình 3 vòng tròn của R.S Renzulli. Lần đầu tiên vào năm 1978, R.S . Renzulli và cộng sự đã đề xuất mô hình về tài năng trong đó nhóm tác giả đã chỉ ra 3 cấu thành quan trọng trong năng khiếu của con người đó là: Sự xuât sắc vượt trội so với trẻ em cùng trang lứa về một lĩnh vực nhất định, tư duy sáng tạo phát triển cao và sự cam kết hoàn thành nhiệm vụ. Sau đó Renzulli đã nhiều lần diễn tả bổ xung và chuyên biệt hoá mô hình này như sau: "Tài năng được tạo bởi sự tương tác của 3 tổ hợp cơ bản các thuộc tính nhân cách: năng lực nhận thức học tập, động cơ hứng thú và tính sáng tạo. Định nghĩa này cũng được nhiều nhà nghiên cứu ở các nước khác trên thế giới đặc biệt quan tâm như Mỹ, Anh, Đức, Nhật Bản. Tuy nhiên định nghĩa này của ông đã không tính đến yếu tố sinh lý thần kinh của năng khiếu:

Mô hình 3 vòng tròn của Renzulli về năng khiếu:

 

 

 

 

 

 

                                                                      

                                                                         Tính sáng tạo

           

 

Từ việc phê phán định nghĩa tài năng của Renzulli, 2 nhà tâm lý học Đức Wiezerkowski và Wagner (1985) đã đưa ra một mô hình mới bao gồm các yếu tố: các năng khiếu, động cơ môi trường, tính sáng tạo. Trong mỗi yếu tố các ông đã cụ thể hoá thành các thành tố. Các loại năng khiếu bao gồm :

Năng khiếu trí tuệ

Năng khiếu nghệ thuật

Năng khiếu tâm vận

 Năng khiếu xã hội.

Với sự phân tích cấu trúc nội dung của yếu tố động cơ môi trường thành các thuộc tính như: Chăm chỉ kiên trì, quyết tâm đạt đến thắng lợi, bền vững về xúc cảm.

Với việc thừa nhận môi trường xung quanh cùng với sự hỗ trợ tối ưu từ bên ngoài, 2 nhà tâm lý học này đã đi xa hơn Renzulli trong việc xác định rõ hơn, chi tiết hơn về nội dung và vai trò của động cơ môi trường đối với tài năng con người. Theo phân tích của 2 tác giả này thì yếu tố xúc cảm, ý chí, thái độ đối với môi trường bên ngoài cũng như thái độ hay sự thừa nhận, hỗ trợ khuyến khích của môi trường bên ngoài có tác động quan trọng đến sự phát triển của tài năng. Cách quan niệm của họ đã giúp cho chúng ta có được cái nhìn cụ thể hơn về cấu trúc, nội dung của năng khiếu làm cơ sở cho việc thiết kế soạn thảo những công cụ nhận dạng các biểu hiện và đánh giá tài năng của con người kể cả tài năng trí tuệ và tài năng chuyên biệt.

            Định nghĩa năng khiếu nhiều yếu tố của Moenk (1985): Moenk là nhà tâm lý học giáo dục của Đức, Ông đã tiếp thu có phê phán các mô hình năng khiếu cao của các tác giả và cho rằng những cơ sở di truyền của nhận thức và những thuộc tính nhân cách của con người là khác nhau. Trong cuộc sống và hoạt động con người bị hạn chế, ức chế hoặc được hỗ trợ khuyến khích từ bên ngoài. Họ có thể bị cô lập hoặc được hoà nhập trong xã hội, với gia đình, bạn bè, họ có thể bị nhận định nhầm lẫn là không có năng lực do cách nhận dạng của xã hội, do nhà trường chưa tốt hoặc có thể bị nhận định là thiếu ý chí trong trường học... Vì vậy, tài năng không chỉ được xét dưới 3 góc độ hay 3 thành tố được đặt chông chênh trừu tượng ngoài xã hội như quan niệm của Renzulli, mà tài năng phải được coi là một cơ cấu mở trong đó bao gồm cả các yếu tố của môi trường xã hội. Moenk đã đưa ra mô hình tích hợp về tài năng có tên là "mô hình 3 yếu tố phụ thuộc nhau của tài năng" hay "mô hình các yếu tố của tài năng".

Ba yếu tố đó bao gồm: động cơ, các năng lực vượt trội, tính sáng tạo, theo Moenk thì đây chính là 3 yếu tố trụ cột tạo nên tài năng. Mô hình tài năng này có ưu điểm là đã coi "tài năng" như một hiện tượng có cấu trúc mở ra môi trường xã hội (tức là có nguồn gốc xã hội) chứ không còn đóng kín trong cấu trúc sinh học và cấu trúc trí tuệ hàn lâm. Tuy nhiên mô hình này cũng chưa làm nổi bật được vai trò của trí thông minh trong hệ thống các năng lực vượt trội nên việc đo đạc, đánh giá về trí thông minh bằng test trí tuệ truyền thống không thể hiện rõ trong quy trình nhận dạng tài năng. Trong  thực tiễn, muốn nhận dạng người có tài năng bao giờ cũng cần phải tiến hành đánh giá về trí thông minh hàn lâm của họ bằng các test IQ truyền thống như một khâu độc lập với việc đánh giá về các năng lực chuyên biệt khác thông qua trắc nghiệm trường học hoặc qua hoạt động giải quyết những nhiệm vụ chuyên biệt cụ thể nào đó. Mô hình tài năng của Moenk cũng chưa nhìn nhận đúng mức về vai trò của xã hội, tức là không đề cao những vai trò của các chương trình, dự án phát triển tài năng của nhà nước, của toàn xã hội. Và cũng như các định nghĩa tài năng khác nhau dựa trên quan niệm của Renzulli, định nghĩa này cũng bỏ qua yếu tố sinh lý.

Theo K.Heller, J. Webb (1995) trẻ em bộc lộ năng khiếu có các đặc điểm sau:

- Có năng lực sáng tạo xuất sắc, khả năng nắm bắt nhanh chóng và trí nhớ tuyệt vời, tò mò ham hiểu biết và cố gắng nhận thức, có năng lực tư duy trí tuệ cao

- Tin vào sự kiểm tra của bản thân và tinh thần tự chịu trách nhiệm cao, tin vào hiệu quả của bản thân và độc lập trong nhận xét

Như vậy cấu thành của năng khiếu các tác giả đều chỉ ra những đặc điểm chung sau đây:

- Năng khiếu là hệ thống tiền đề bên trong dựa trên những tư chất bẩm sinh - di truyền được phát triển trong đời sống cá thể tạo ra cho cá thể đó năng lực giải quyết với chất lượng và hiệu quả cao những yêu cầu đặt ra.

- Năng khiếu thường bộc lộ sớm trong đời sống cá thể

- Các tiêu chí đánh giá người có năng khiếu đó là: Sự xuất sắc vượt trội khi tiến hành hoạt động nhất định so với những người khác, khả năng hứng thú cao trong hoạt động, tư duy sáng tạo phát triển vượt bậc.

- Có khả năng nắm bắt nhanh chóng và trí nhớ tuyệt vời, tò mò ham hiểu biết và cố gắng nhận thức

- Năng khiếu là dấu hiệu đánh giá trẻ có năng lực, tài năng

2.1.2. Biểu hiện của năng khiếu âm nhạc

Theo nghiên cứu của nhà tâm lý học Liên Xô B. M Teplov về năng khiếu âm nhạc gồm các thành phần sau:

- Nhạy cảm điệu thức: nhận ra giai điệu, nhạy cảm nhạc lý, nhận biết nốt nhạc nhanh, phát hiện sai, đúng của nhạc lý rất nhanh.

- Khả năng tái hiện thính giác: tái hiện giai điệu bằng tai.

- Nhạy cảm nhịp nhạc: khả năng cảm thụ nhạc theo kiểu vận động, nhận biết tính biểu cảm cao độ của nhịp nhạc và tái hiện nó.

Như vậy có thể nói rằng năng khiếu âm nhạc là sự cảm nhận và tiếp thu âm nhạc một cách nhạy bén, có khả năng tái hiện và sáng tạo âm nhạc trong học tập cũng như biểu diễn

Theo thuyết đa trí tuệ Howard Gardner đã chỉ ra các đặc trưng tiêu biểu của kiểu trí tuệ âm nhạc ở các biểu hiện hành vi: Năng khiếu âm nhạc liên quan chủ yếu đến các cơ chế của trí nhớ âm thanh, nó không thể hoạt động theo cách sáng tạo nếu trước đó không được “hấp thụ” vô vàn kinh nghiệm âm thanh đa dạng.

Tác giả nhấn mạnh mối quan hệ giữa sáng tác và những nguyên liệu đầu vào đã có sự biến hóa, trong đó ký ức âm thanh ban đầu được nhào trộn với kinh nghiệm xúc cảm được hồi tưởng lại. Học sinh có năng khiếu âm nhạc thường bộc lộ những đặc điểm sau:

- Có thói quen hay hát khe khẽ một mình một cách vô thức, chất giọng tốt.

- Báo cho bạn biết nếu hát sai nhịp hoặc lạc điệu và gây khó chịu

- Hay gõ nhịp lên bàn ghế khi hoạt động, tay chân nhún nhảy không yên khi nghe nhạc

- Nhạy cảm đặc biệt với những âm thanh từ môi trường: Tiếng gió thổi, tiếng mưa rơi,sự chuyển động của nhịp điệu…

- Đáp ứng một cách thuận chiều khi chợt nghe một bản nhạc

2.2. Biện pháp phát triển năng khiếu âm nhạc cho học sinh

2.2.1. Biện pháp phát triển năng khiếu âm nhạc cho trẻ em tại các nước trên thế giới

a. Biện giáo dục năng khiếu âm nhạc Shinichi Suzuki tại Nhật

Giai đoạn tuyệt vời để học ngôn ngữ của trẻ từ khi sinh đến 6 tuổi cũng là thời gian tốt để học những kĩ năng âm nhạc. Shinichi Suzuki tiến hành các nghiên cứu về giáo dục âm nhạc cho trẻ em từ rất nhỏ (từ 3 tuổi trở lên), gọi đó là " giáo dục tài năng." Ông tin rằng những nhạc sĩ có kĩ thuật cao được đào tạo, chứ không phải được sinh ra, và ông đã chứng minh nó bằng cách lấy hàng trăm ví dụ, mỗi ngày có hàng trăm trẻ em được đào tạo để trở thành những nghệ sữ violin giỏi nhất trên thế giới. Mozart và Bach là 2 trường hợp ngoại lệ nổi tiếng. Cả hai đều có cha là nhà soạn nhạc, Shinichi Suzuki tin rằng tài năng không được thừa hưởng, và bất kỳ đứa trẻ nào cũng có thể xuất sắc trong âm nhạc nếu được cung cấp môi trường học tập phù hợp.

b. Giáo dục năng khiếu âm nhạc tại Mỹ

            Jeanne Bamberger, nhạc sĩ và nhà tâm lý học phát triển tại viện Công nghệ Massachusetts đã tìm cách phân tích năng khiếu âm nhạc theo đường lối Piaget nghiên cứu tư duy logic song tác giả nhấn mạnh rằng tư duy âm nhạc có nguyên tắc vàng và ràng buộc riêng không thể đơn giảng đồng nhất hóa với tư duy ngôn ngữ hoặc tư duy logic

Renzullin đã đưa ra 3 dạng làm phong phú chương trình học tập của học sinh tài năng: 

a. Hoạt động nhận thức chung (giới thiệu cho học sinh về nhiều lĩnh vực khác nhau và tuỳ theo sở thích các em có thể say mê những lĩnh vực riêng).

 b. Học theo nhóm (phát triển năng lực của trẻ về tư duy và chuẩn bị cho những chương trình tiếp theo phức tạp hơn).

c. Nghiên cứu và giải bài tập theo từng cá nhân hay theo các nhóm nhỏ (hướng học sinh vào những hoạt động sáng tạo hiệu quả). Renzullin thực hiện giờ học theo theo hướng đa dạng việc học tập như là những chương trình thoát ra khỏi giới hạn của chương trình học tập đã được ấn định và vượt lên trước chương trình.

Cần phải thấy rằng sự đánh giá năng lực sáng tạo ở Mỹ là một thành phần quan trọng trong quá trình phát hiện tài năng của trẻ. Hiện nay sự đánh giá năng lực sáng tạo về cơ bản được tiến hành trên cơ sở các phương pháp của Torance. Đó là những bài thử nghiệm về tư duy sáng tạo hình ảnh và tư duy sáng tạo bằng lời, năng lực sáng tạo trong hành động và cử chỉ.

Nhiều nhà nghiên cứu cũng coi tính ham hiểu biết của trẻ cũng là một đặc điểm quan trọng của tài năng. Phát triển tính tò mò, ham hiểu biết của trẻ, năng khiếu với những câu hỏi phỏng vấn phụ thuộc vào môi trường, đặc biệt phụ thuộc vào bầu không khí trong gia đình, ví dụ: thái độ của các thành viên trong gia đình trước những câu hỏi của trẻ. Nhà nghiên cứu người Anh N.Tempec khẳng định rằng vấn đề cơ bản không phải ở số lượng câu hỏi mà là chất lượng và tính chất của các câu hỏi: "Chính chất lượng của câu hỏi, độ sâu sắc của ý nghĩ đã nhắc cho ta biết năng lực trí tuệ của đứa trẻ".

2.2.2. Một số khó khăn trong việc tuyển chọn năng khiếu âm nhạc cho học sinh tại Việt Nam

- Chưa xác định tầm quan trọng và vai trò của Giáo dục nghệ thuật

Giáo dục nghệ thuật trong nhà trường phổ thông giữ vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên cần phải có cái nhìn toàn diện về công tác này; nhận thức của một phụ huynh, học sinh và không ít thầy cô trong nhà trường vẫn coi âm nhạc, mỹ thuậtlà môn phụ, giáo viên dạy môn học này không được chú trọng và phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác ngoài chuyên môn. Nhiều tài năng âm nhạc, sáng tác… của học sinh theo đó cũng chưa có môi trường phát triển. Bên cạnh đó, nhiều học sinh và gia đình xem các ngành nghệ thuật là một kỹ năng chứ chưa phải là nghề nghiệp. Học sinh, sinh viên hiện nay cũng ít có thời gian tiếp cận với nghệ thuật truyền thống nên chưa hiểu, chưa thực sự đam mê nên không dám thử sức.

  • Chất lượng giáo viên chưa thực sự đồng đều

Việc tìm kiếm, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu âm nhạc đòi hỏi vai trò của người thầy thực sự có chuyên môn đồng thời có khả năng sư phạm. Tuy nhiên, việc bố trí giáo viên dạy môn Âm nhạc tại một số trường chỉ có 1 giáo viên dạy âm nhạc, kiêm nhiệm thêm công tác Tổng phụ trách, tổ chức các hoạt động phong trào âm nhạc trong nhà trường… Chính vì vậy giáo viên dạy Âm nhạc chưa có nhiều thời gian tập trung cho việc phát triển năng lực giảng dạy bộ môn... nên chất lượng đào tạo nhiều nơi chưa tốt. Cùng với đó, trình độ giáo viên Âm nhạc, nhất là ở cấp Tiểu học còn chưa đồng đều, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục học sinh nói chung và việc tìm kiếm, bồi dưỡng và phát triển năng khiếu âm nhạc nói riêng.

  • Đào tạo năng khiếu âm nhạc đòi hỏi tính đặc thù

Đào tạo năng khiếu nghệ thuật nói chung và năng khiếu âm nhạc nói riêng đòi hỏi tính đặc thù rất cao, từ quy trình tuyển chọn khắt khe, quá trình đào tạo khổ luyện đến thực tiễn làm nghề đòi hỏi tính chuyên môn, sự sáng tạo và khổ luyện, mức độ đào thải cao… Thực tế này đã đặt ra những khó khăn trong công tác quản lý, tổ chức đào tạo đối với các ngành năng khiếu . Thí sinh vừa phải có năng khiếu, khả năng cảm nhận nghệ thuật và nền tảng văn hóa tốt đối với lĩnh vực nghệ thuật và nền tảng thể lực tốt, năng khiếu vượt trội đối với lĩnh vực Tuyển sinh qua nhiều vòng tuyển (vòng loại, sơ tuyển, chung tuyển), tuyển chọn những em đạt yêu cầu về hình thể, chất giọng hay độ nhạy cảm về nghệ thuật… Sau đó, các cơ sở đào tạo tiếp tục tuyển sinh vòng sơ tuyển và chung tuyển theo hai vòng độc lập: thi năng khiếu ở vòng sơ tuyển và phần kiến thức kết hợp với năng khiếu ở vòng chung tuyển.

Quy mô đào tạo nhỏ, chi phí lớn: Đối với các ngành, lĩnh vực khác, một thầy lên lớp có thể dạy hàng trăm trò, còn đào tạo nghệ thuật cần phải chia thành những lớp nhỏ lẻ, cả buổi học 1 thầy, thậm chí 2-3 thầy dạy 1 trò. Ví dụ trong đào tạo thanh nhạc, 1 thầy dạy chuyên môn, 1 thầy đệm đàn, 1 thầy dạy các môn kiến thức đại cương và cơ sở ngành… Âm nhạc cần có phòng cách âm và phòng học nhỏ cho chuyên ngành thanh nhạc, luyện thanh; phòng tập nhạc cho nhạc công, phòng hoà nhạc cho người học chỉ huy dàn nhạc, sáng tác âm nhạc, thực tập nghề nghiệp…. mới đủ điều kiện đảm bảo chất lượng cho quá trình đào tạo, huấn luyện được kết hợp giữa lý thuyết và thực hành trong quá trình học tập

 Bên cạnh đó tính sàng lọc năng khiếu cao, việc kiểm tra, đánh giá chất lượng năng khiếu được tiến hành thường xuyên, đồng thời với quá trình đào tạo, tính sàng lọc năng khiếu rất cao. Nhiều em trong quá trình học tập không phát triển, bộc lộ được năng khiếu sẽ không thể tiếp tục theo học.

2.2.2. Biện pháp phát triển năng khiếu âm nhạc cho học sinh tại Việt Nam

Trẻ em từ nhỏ đã bộc lộ rất rõ nét năng khiếu tự nhiên, song để giúp trẻ phát triển các năng khiếu thành tài năng đòi hỏi vai trò to lớn của người thầy giáo thông qua phương pháp giảng dạy của mình. Một trong những biện pháp cụ thể có thể áp dụng hiệu quả trong dạy học học sinh có năng khiếu âm nhạc

            - Biện pháp cá nhân hóa và phân hóa thành nhóm trong nội bộ lớp học.

Cá nhân hoá dạy học được quy định bởi sự khác biệt lớn của những phẩm chất học sinh mà kết quả học tập phụ thuộc vào những phẩm chất ấy. ở đây bao gồm cả trình độ kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo, kỹ năng học tập và năng khiếu.

Ngoài ra cũng cần tính đến những đặc điểm và trạng thái khác nhau ở mỗi học sinh, chúng luôn hoặc nhất thời có ảnh hưởng đến những học sinh đó và chúng được tính đến trong những trường hợp cá biệt.

Vì dạy học cá nhân hóa đòi hỏi sự chú ý đến những đặc điểm nêu trên nên mục đích dạy học đặc thù của nó thể hiện ở chỗ để hoàn thiện kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo của học sinh, hiện thực hoá chương trình học tập bằng cách nâng cao trình độ kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo nói riêng, chuyên sâu và mở rộng kiến thức cho học sinh, xuất phát từ lợi ích và những khả năng đặc biệt của học sinh bằng phương pháp "cá nhân hoá". Mục tiêu phát triển của phương pháp "cá nhân hoá" được thực hiện trong việc hình thành và phát triển tư duy lôgic, kỹ năng lao động học tập dựa vào sự phát triển gần đây nhất của học sinh.

Đặc điểm nổi bật của dạy học cá nhân hóa là chương trình học tập đa dạng, chú ý đến đặc điểm riêng của trẻ, phát huy tiềm năng sáng tạo của chúng và năng khiếu của chúng là một trong những yêu cầu của dạy học phân hoá.

- Biện pháp tăng tốc: Đây là biện pháp tăng tốc độ và nhịp độ làm việc của học sinh có năng khiếu cao. Nó thể hiện ở một số cách làm khác nhau và dựa trên các địa phương cụ thể có thể lựa chọn phương thức phù hợp: Cho trẻ có năng khiếu cao đến trường sớm trước tuổi học đường quy định. Cho trẻ tài năng học vượt một lớp so với bạn cùng lứa. Cho trẻ tài năng học nhanh toàn bộ nội dung chương trình dành cho một lớp và rút ngắn thời gian

- Biện pháp “cố vấn” thay thế giáo viên một cách linh hoạt: Cố vấn có thể là giáo viên rất có uy tín đối với học sinh tài năng hoặc giảng viên đại học nghiên cứu chuyên sâu về giáo dục trẻ tài năng. Người cố vấn có thể dạy một hoặc một vài tiết hay đơn thuần là nói chuyện với học sinh tài năng về các vấn đề mà các em quan tâm nhiều nhất.

- Biện pháp giảng dạy cho từng nhóm riêng của trẻ có năng khiếu cao. Đây là hình thức trong một hoặc vài ngày cố định trong tuần, trẻ sẽ được học tập theo các môn yêu thích riêng biệt do các em lựa chọn.

- Biện pháp tổ chức các lớp đặc biệt dành cho học sinh tài năng: Tại các lớp này có thể tăng thêm thời lượng giảng bài và tăng thêm dung lượng tri thức cho học sinh có tài năng. Cũng có thể đưa các phương pháp dạy học mới vào các lớp đặc biệt này.

Benjamin Bloom, đã phân ra ba kiểu giáo viên mà công việc của họ quan trọng như nhau đối với việc phát triển của trẻ tài năng. Đó là:

- Giáo viên biết đưa học sinh vào lĩnh vực môn học và tạo bầu không khí lôi cuốn về tình cảm, khơi dậy lòng say mê với môn học.

- Giáo viên đặt cơ sở (nền móng) công việc và cùng học sinh luyện cho thành thục kỹ thuật thực hiện công việc đó.

- Giáo viên biết dẫn dắt học sinh tới trình độ chuyên môn cao.

giáo viên dạy trẻ tài năng phải có trình độ nhất định trong lĩnh vực dạy trẻ.

Chính vì vậy người thầy giáo làm công tác bồi dưỡng tài năng cho trẻ tuổi tiểu học cần phải có những năng lực sau:  - Biết giáo dục nhu cầu và hứng thú trí tuệ của trẻ. - Biết khuyến khích học sinh trong học tập và trong các hoạt động. - Hình thành được cảm xúc và trí tưởng tượng bay bổng để trẻ xây dựng và nuôi dưỡng những ước mơ. - Biết giáo dục tính kiên nhẫn và ham muốn hoạt động tinh thần như học tập hay nghiên cứu về thế giới xung quanh. - Biết giáo dục năng lực cộng tác cho học sinh. - Biết tổ chức những yêu cầu tăng dần lôi cuốn học sinh tài năng đến với những tri thức mới và phức tạp hơn. 

  • Cần xây dựng cơ chế đặc thù trong đào tạo năng khiếu âm nhạc

Đào tạo, bồi dưỡng học sinh có năng khiếu âm nhạc không phải là truyền thụ có tính áp đặt những tri thức kỹ năng mà đơn giản là tạo cơ hội cho học sinh thể hiện tài năng bằng các hoạt động bổ sung, nâng cao, trong đó các em được động viên, khuyến khích, hỗ trợ để đương đầu với những thử thách ngày càng cao trong học tập hay luyện tâp. Do đó cần xây dựng cơ chế đặc thù trong đào tạo năng khiếu, nghệ thuật nói chung và năng khiếu âm nhạc nói riêng như chủ động xây dựng thời gian đào tạo; xây dựng chính sách cho đội ngũ cán bộ giáo viên trong lĩnh vực nghệ thuật; chính sách cho từng lĩnh vực văn học, hoạt động nghiên cứu sáng tác, biểu diễn, quy định bằng cấp… đối với cán bộ giáo viên trong đào tạo nghệ thuật.

3. KẾT LUẬN

Năng khiếu âm nhạc có cấu trúc nhiều mặt, nhiều yếu tố phức tạp do vậy cần xây dựng hệ thống các công cụ, các tài liệu phù hợp với từng yếu tố, từng mặt của cấu trúc đó để phát hiện và tuyển chọn, xây dựng chương trình phù hợp

Năng khiếu âm nhạc bộc lộ từ rất sớm và được phát triển bộc lộ ở nhiều độ tuổi. Do đó phát hiện năng khiếu âm nhạc cần tiến hành sớm thông qua các cấp học tức là xem xét nhiều lần đánh giá lâu dài chứ không chỉ qua 1 kỳ tuyển sinh duy nhất.

Năng khiếu âm nhạc chịu tác động của nhiều tố bao gồm những đặc điểm tư chất do bẩm sinh di truyền mang lại, môi trường, giáo dục và tính tích cực hoạt động của mỗi cá nhân do đó cần tính đến tất cả các yếu tố con đường đó

Người thầy là nhân vật không thể thiếu trong công tác bồi dưỡng và đào tạo năng khiếu, đặc biệt đối với năng khiếu âm nhạc vai trò của người thầy càng được thể hiện rõ rệt. Làm sao khơi gợi và phát triển được hứng thú của trẻ và dẫn dắt trẻ đến với tri thức thường đã là vô cùng khó khăn, song đối với trẻ có năng khiếu âm nhạc đòi hỏi người thầy phải là người thực sự có kinh nghiệm trong dạy học trẻ tài năng. Thầy giáo phải nắm được những đặc điểm và những thuộc tính nhân cách của học sinh có năng khiếu, nắm bắt được nhu cầu và hứng thú trí tuệ cao của trẻ, tính nhạy cảm, trí tưởng tượng bay bổng, năng lực làm việc thành công trong thời gian nhất định và năng lực của trẻ trong việc cộng tác với các bạn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. A. Xô - Khor (1956), Vai trò giáo dục của âm nhạc, NXB Văn hóa thông tin
  2. Phan Trần Bảng (2001), Phương pháp dạy âm nhạc trong nhà trường phổ thông, NXB Giáo dục
  3. Howard Gardner (2015), Cơ cấu trí khôn, Nhà xuất bản tri thức
  4. Trần Hữu Luyến (2012), Cơ sở tâm lý học dạy học ngoại ngữ, NXB Đại học Quốc Gia Hà Nội
  5. S. Renzulli, Joseph, (2009). Identification of Students for Gifted and Talented Programs, Joint Publication of Corwin Press, California (USA)
  6. https://nhandan.org.vn/dong-chay/dao-tao-tai-nang-am-nhac-trong-xu-the-hoi-nhap-280075/