Sự kiện

VAI TRÒ CỦA VĂN HÓA ẨM THỰC TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH

05 Tháng Chín 2021

Giảng viên Nguyễn Thị Thùy Linh

Khoa Văn hóa Nghệ thuật – Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

Văn hóa ẩm thực là đặc trưng văn hóa của mỗi vùng miền, địa phương. Văn hóa ẩm thực đã trở thành một trong những nhân tố thu hút du khách đến với điểm đến du lịch. Bên cạnh những loại hình du lịch khác nhau như: du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh,… du lịch ẩm thực đang ngày càng trở thành xu thế và chiếm vai trò không hề nhỏ trong sự phát triển du lịch địa phương. Theo Tổ chức Du lịch thế giới, cơ cấu chi tiêu của du khách trong chuyến du lịch thì đến 1/3 là chi tiêu cho nhu cầu ẩm thực. Ẩm thực là yếu tố góp phần tạo nên chất lượng và thương hiệu du lịch. Khai thác giá trị văn hóa ẩm thực là một phần không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh du lịch của mỗi quốc gia. Qua đó có thể thấy giá trị, vai trò quan trọng của ẩm thực trong sự phát triển du lịch.

Thứ nhất, đáp ứng nhu cầu ăn uống của du khách được coi như vai trò đầu tiên của ẩm thực. Ẩm thực có vai trò trong việc duy trì nhu cầu sự sống và sự phát triển tinh thần của con người. Nhu cầu ăn uống của con người là một trong những nhu cầu hết sức tự nhiên. Đây được coi như bản năng vốn có của con người. Các cụ ngày xưa đã có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở” để nhắc nhở một đứa trẻ chào đời thì khâu đầu tiên là “học ăn”. Tháp nhu cầu của Maslow cũng đã chỉ ra, ăn uống là nhu cầu tối thiểu, chỉ khi được thỏa mãn trọn vẹn, con người mới quan tâm tới các nhu cầu khác. Đối với du khách, ăn uống không chỉ để thỏa mãn nhu cầu thiết yếu mà cần được nâng lên thành nghệ thuật. Ẩm thực là một “nghệ thuật đặc biệt”. Nếu các môn nghệ thuật như nhạc họa, điện ảnh đáp ứng nhu cầu tinh thần của con người thì ẩm thực là để thỏa mãn… cái dạ dày. Sau đó mới đến nhu cầu thưởng thức: món ăn ngon, trình bày đẹp, không gian yêu thích… Ẩm thực hay nói cách khác chính là ăn uống là những hoạt động không thể thiếu trong mỗi chuyến du lịch nhằm đáp ứng nhu cơ bản của con người.

Thứ hai, đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu của khách du lịch. Theo định nghĩa Du lịch trong Luật Du lịch năm 2018 đã chỉ ra: Du lịch là hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tìm hiểu, khám phá tài nguyên du lịch. Văn hóa ẩm thực chính là một loại tài nguyên du lịch đặc biệt trong phát triển kinh doanh du lịch. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, người dân Việt Nam đã sáng tạo và để lại một kho tàng ẩm thực phong phú, đa dạng, hấp dẫn, phù hợp khẩu vị nhiều đối tượng khách. Trong kho tàng ẩm thực thế giới, Việt Nam là xứ sở của những món ăn ngon. Bởi vậy mà không phải ngẫu nhiên mà nhà marketing huyền thoại Philip Kotker khi đến với Việt Nam đã có đánh giá nhận định: Việt Nam nên trở thành “Bếp ăn của thế giới”. Ẩm thực là một sản phẩm du lịch thu hút du khách với nhu cầu tham quan, tìm hiểu khám phá văn hóa ẩm thực địa phương. Đây là một trong những dịch vụ tạo dấu ấn đối với du khách qua điểm đến nhằm thỏa mãn nhu cầu khám phá văn hóa ẩm thực của địa phương. Đôi khi chính sự hấp dẫn văn hóa ẩm thực của địa phương trở thành động cơ và mục đích đi du lịch của du khách. Bởi lẽ, ẩm thực chính là một bức tranh đầy màu sắc mà bất kỳ du khách nào đến với một vùng đất mới cũng có khát khao được khám phá, thưởng thức dư vị đặc trưng văn hóa vùng miền.

Thứ ba, ngoại giao văn hóa là một trong ba trụ cột chính trong ngoại giao toàn diện (ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa). Năm 2019, lần đầu tiên Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO quyết định tổ chức “Ngày ẩm thực Việt Nam” thành chuỗi sự kiện tại một số quốc gia đại diện với điểm đến đầu tiên là thành phố bên bờ Địa Trung Hải Perpignan, niềm Nam nước Pháp. Với Việt Nam, tinh hoa văn hóa được kết tinh qua ẩm thực. Đó chính là nguồn cảm hứng để Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO lựa chọn ẩm thực như một cách tiếp cận mới, tạo nên điểm nhấn trong dòng chảy chung giới thiệu, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

Và cuối cùng vai trò của văn hóa ẩm thực chính là phát triển kinh tế du lịch. Văn hóa ẩm thực đặc trưng của điểm đến góp phần thu hút thêm khách du lịch, kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu bình quân của khách, tăng doanh thu du lịch và tạo nguồn thu cho địa phương. Văn hóa ẩm thực được xem là yếu tố không thể tách rời của du lịch. Hoạt động du lịch không chỉ đáp ứng nhu cầu ăn uống của khách du lịch, tạo ra việc làm và mang lại thu nhập kinh tế cho một bộ phận người dân địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch địa phương.

Tại lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) lần thứ 26-2019 dành cho khu vực châu Á và châu Ðại Dương, Việt Nam lần đầu được vinh danh ở hạng mục Ðiểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á. Sự kiện này một lần nữa cho thấy, nghệ thuật ẩm thực nước ta ngày càng khẳng định sức hấp dẫn đối với bạn bè quốc tế. Ðây cũng là kho tàng phong phú để “ngành công nghiệp không khói” khai thác, hình thành những sản phẩm du lịch độc đáo, mang đậm bản sắc Việt. Với những quốc gia có nền ẩm thực đa dạng, hấp dẫn, nếu bỏ qua việc tận dụng lợi thế về ẩm thực có nghĩa là đã bỏ qua cả “mỏ vàng” để phát triển du lịch.

Thời gian gần đây, nhằm khai thác lợi thế của ẩm thực trong phát triển du lịch, một số công ty du lịch trong nước đã bắt đầu xây dựng những tour khám phá ẩm thực cho du khách, như đưa khách đi cùng đầu bếp ra chợ để chọn thực phẩm, cùng tham gia vào quá trình chế biến; hay tổ chức các lớp học nấu ăn (kéo dài nửa ngày, một ngày) với sự hướng dẫn của các đầu bếp nổi tiếng; hoặc dẫn khách tới những khách sạn lớn trải nghiệm món ăn theo yêu cầu… Bài toán được đặt ra đối với các địa phương muốn khai thác loại hình du lịch ẩm thực này. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp du lịch và người làm du lịch cần có những kiến thức về ẩm thực để xây dựng những sản phẩm du lịch ẩm thực thật sự hấp dẫn du khách. Người hướng dẫn viên tour du lịch ẩm thực cần có vốn am hiểu ẩm thực và văn hóa ẩm thực mới có thể mang lại những giá trị trải nghiệm cho du khách. Du lịch ẩm thực (trong tiếng Anh là: gastronomic tourism, food tourism hoặc culinary tourism) đã trở thành một trong những loại hình du lịch đang ngày càng phát triển.

Theo Hiệp hội Du lịch Ẩm thực thế giới – WHFTA (2017) thì du lịch ẩm thực là việc tìm kiếm các trải nghiệm độc đáo và đáng nhớ liên quan đến việc ăn và uống. Hall và Michell (2001) thì cho rằng du lịch ẩm thực được hiểu là hoạt động của khách du lịch với mục đích chính là các điểm sản xuất, chế biến món ăn, các lễ hội ẩm thực, các nhà hàng hoặc những điểm đến cụ thể nơi họ được trải nghiệm những món ăn điển hình của điểm đến. Ví dụ như hoạt động đi thăm nhà máy sản xuất rượu vang nho Đà Lạt, du khách có thể tham quan, trải nghiệm quy trình sản xuất ra rượu vang nho Đà Lạt, đồng thời có thể nếm thử rượu vang nho ngay tại nơi sản xuất cùng những món ăn độc đáo đặc trưng của địa phương.

Du lịch ẩm thực không chỉ đơn giản là thưởng thức những món ăn, đồ uống ngon, độc đáo, mà còn là cung cấp những trải nghiệm, khám phá về bản sắc văn hóa, sinh hoạt cộng đồng của điểm đến gắn với từng món ăn, đồ uống nơi đó. Để tạo ra mô hình liên kết từ trang trại đến bàn ăn giúp thực khách du lịch có được những trải nghiệm sinh động. Không chỉ dừng lại ở mức độ trải nghiệm, thưởng thức ẩm thực, người làm du lịch cần chú trọng về không gian ăn, hay những văn hóa ứng xử trong khi ăn theo truyền thống của người Việt, từ đó mới tạo ra hành trình khám phá du lịch ẩm thực lên một tầm cao mới, cũng là để quảng bá những nét đẹp trong văn hóa ẩm thực Việt Nam. Đó mới là điều thiết yếu quan trọng trong xây dựng một sản phẩm du lịch ẩm thực đúng nghĩa và mang giá trị.

Nhận thấy vai trò quan trọng của ẩm thực đối với sự phát triển ngành Du lịch nói chung, sinh viên tại NUAE đã được học tập các học phần như: Văn hóa ẩm thực, Tổ chức khách sạn - nhà hàng… nhằm bổ sung kiến thức về mảng dịch vụ này và định hướng cho sinh viên ngay tại khi ngồi trên ghế nhà trường. Đối với học phần Văn hóa ẩm thực, sinh viên được tiếp cận ngay từ năm thứ nhất với những bài giảng trên lớp và những chuyến đi thực tế. Nhằm đáp ứng phục vụ cho nghề sau khi ra trường, học phần không chỉ tập trung giảng dạy kiến thức về Văn hóa ẩm thực Việt Nam nói chung mà còn khái quát định hướng giúp sinh viên nắm bắt được những đặc trưng văn hóa ẩm thực trên thế giới, xu hướng chung và phong cách ẩm thực Á- Âu… Học phần thu hút người học với sự tìm hiểu những văn hóa ẩm thực lớn trên thế giới như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Pháp...

Những buổi thực hành kỹ năng thuyết trình tìm hiểu về văn hóa ẩm thực các vùng miền được sự hưởng ứng nhiệt tình của các bạn sinh viên qua mỗi giờ học kết hợp với những chuyến đi thực tế khám phá ẩm thực của điểm đến du lịch. Những điểm đến mà có thể người học sau khi tốt nghiệp sẽ chính là nơi dẫn dắt du khách với một vai trò mới: hướng dẫn viên du lịch tương lai.

                                           Tài liệu tham khảo

  1. Luật Du lịch 2018.
  2. Nguyễn Thị Huế, Huỳnh Thị Dung, Nguyễn Thu Hà (2012) Văn hóa ẩm thực Việt Nam, Nxb Thời Đại, Hà Nội.
  3. Nguyễn Thị Diệu Thảo (2014) Giáo trình văn hóa Ẩm thực Việt Nam và Thế Giới, Nxb Phụ Nữ, Hà Nội.
  4. Nguyễn Thị Diệu Thảo (2015),  Ẩm thực Việt Nam và thế giới, NXB Phụ Nữ, Hà Nội.
  5. C.M. Hall, L. Sharples, R. Mitchell, N. Macionis and B. Cambourne, Editors, Food Tourism Around the World: Development, Management and Markets, Butterworth Heinemann, Oxford (2003) ISBN 0-7506-5503-8 (392pp., £24.99). DOI:10.1016/j.ijhm.2005.04.009
  6. Long. D. (1998). Culinary Tourism: A Folklore Perspective on Eating and Otherness. Southern Folklore, 55, 181-204
  7. UNWTO. (2017). Second Global Report on Gastronomy Tourism. Truy cập tại https://www.e-unwto.org/ doi/pdf/10.18111/9789284418701