Tin tức – Sự kiện

BÀN TRÒN: NHÀ PHÊ BÌNH ÂM NHẠC, ANH Ở ĐÂU?

01 Tháng Tư 2012

Trần Văn Phúc

phong vanDẫn chương trình (DCT): Xin chào nhà lí luận âm nhạc và nhà báo âm nhạc! Chương trình Bàn tròn Âm nhạc hôm naymời hai anh tham dự bàn luận về chủ đề “Nhà phê bình âm nhạc, anh ở đâu?”. Xin các anh tự giới thiệu đôi nét về mình với quý độc giả của chương trình.

Nhà lí luận âm nhạc (NLL): Tôi là nhà nghiên cứu âm nhạc, nhưng đôi khi vẫn bị gọi là nhà phê bình âm nhạc.

Nhà báo âm nhạc (NB): Vâng, tôi xin giới thiệu hết sức ngắn gọn như thế này: tôi là một nhà báo đại diện cho tất cả các nhà báo âm nhạc nước nhà hiện nay. Giới nhạc cứ coi tôi là nhà báo, song thực chất chính tôi mới là người làm công việc phê bình âm nhạc.

DCT: Thế còn nhà lí luận âm nhạc, anh có đại diện cho giới phê bình không?

NLL: Tôi chỉ đại diện cho mình tôi, không thể cho ai khác.

DCT: Nhà báo âm nhạc thì tôi thấy nhiều lắm, các anh ở khắp mọi nơi. Còn nhà lí luận âm nhạc, xưa nay anh ở đâu mà tôi ít thấy?

NLL: Tôi ở lĩnh vực của tôi.

NB: Nhà lí luận lẩn khuất ở nơi rất nhiều tài năng ẩn dật, đó là vỉa quặng quý không dễ gì khai thác hết nên anh ấy cũng tự nguyện đứng trong hàng ngũ những kẻ ẩn danh.

NLL: Vế đầu nhà báo nói chính xác, vế thứ hai chưa hẳn đúng.

NB: Theo cách nhìn của cánh nhà báo chúng tôi, các nhà lí luận âm nhạc được đào tạo một cách bài bản, được gắn đủ thứ học hàm học vị, có những bài viết đầy tính hàn lâm học thuật, có những công trình nghiên cứu khoa học đủ các cấp, nhưng chưa hẳn các anh đã có tình yêu âm nhạc mãnh liệt hơn công chúng, chưa hẳn tất cả các anh đã có những hiểu biết sâu rộng về thế giới âm nhạc hơn một số kẻ ngoại đạo vô danh...

DCT: Thưa nhà lí luận, anh muốn nói gì không?

NLL: Cứ để anh ấy nói tiếp xem sao.

NB: Theo lời giới thiệu của nhà lí luận, anh xuất thân là nghiên cứu âm nhạc, vạn bất đắc dĩ các anh mới phải khoác cái áo phê bình chứ cái danh phê bình âm nhạc không làm cho các anh hãnh diện chút nào. Lĩnh vực chính của anh là nghiên cứu âm nhạc chuyên nghiệp, phân tích tác phẩm hàn lâm thuộc lĩnh vực khí nhạc, còn mảng ca khúc quần chúng thì nhà lí luận hầu như không quan tâm.

DCT: Nhà lí luận có đồng ý với nhận xét đó không?

NLL: (Thở dài).

NB: Là một nhà báo phụ trách chuyên mục đưa những thông tin bếp núc của lĩnh vực âm nhạc lên mặt báo, tôi viết rất nhiều bài phê bình. Tôi cho rằng nhà báo và nhà phê bình gần như là một. Rõ ràng hai nhà này có điểm chung, đó là chữ “nhà” để chỉ nghề nghiệp. Người đời không ai gọi chúng tôi là “người viết báo” hay “người phê bình”, mà lại gọi là “nhà”. Chữ “nhà” theo tôi rất hay bởi lẽ: cùng một kiến trúc, nếu động vật không có trí khôn ở trong đó thì gọi là “chuồng”, nhưng con người ở thì được gọi là “nhà”.

So với nhà lí luận âm nhạc, tôi chỉ kém ở chỗ, sau chữ “nhà” anh có tới bốn chữ khác nữa, trong khi tôi chỉ có một. Anh nghĩ sao?

NLL: Anh triết lí hay quá, còn nói thay cả phần người dẫn chương trình! Tôi chẳng dám nói thêm gì.

DCT: Xin hỏi hai anh về hiện trạng phê bình âm nhạc ở ta?

NB: Có một thực tế là các nhà lí luận âm nhạc rất ít khi viết bài phê bình, khi viết lại nặng về phân tích chuyên ngành nên không có người đọc. Điều đó giải thích tại sao nhà lí luận chỉ thỉnh thoảng xuất hiện cho có mặt, cho phải phép. Các nhà phê bình âm nhạc tay ngang phải thế chỗ, bản thân tôi là một ví dụ điển hình. Tôi không được đào tạo một cách bài bản kiến thức âm nhạc như nhà lí luận, nhưng tôi đảm trách công việc bình luận âm nhạc và vì tình yêu âm nhạc mà phải tự mày mò học hỏi.

DCT: Nhà lí luận nghĩ sao?

NLL: Tôi chẳng nghĩ gì cả.

DCT: Anh cho biết các trường âm nhạc chuyên nghiệp có đào tạo chuyên ngành phê bình âm nhạc không?

NLL: Không.

DCT: Chắc phải có bộ môn phê bình âm nhạc chứ?

NLL: Nơi có, nơi không.

DCT: Anh đã từng học khoa nào vậy?

NLL: Khoa Lí - Sáng - Chỉ.

NB: Ồ! Cái tên này tôi đã nghe nhiều rồi, rất chi là Tàu. Theo tôi biết, Học viện Âm nhạc Quốc gia có khoa Lí luận - Sáng tác - Chỉ huy, Học viện Âm nhạc Huế có khoa Sáng tác - Lí luận - Chỉ huy, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh có khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học. Cái tên Lí – Sáng – Chỉ gợi cho tôi nhớ đến chuyện nhập rồi lại tách các tỉnh theo đơn vị hành chính năm xưa; ba tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình nhập làm một lấy tên gọi là tỉnh Hà - Nam - Ninh. Nghe đâu hồi ấy Đắc Lắc, Kon Tum và Plây Cu cũng định sáp nhập lại và lấy tên là Lắc - Kon - Cu?! Vậy xin hỏi nhà lí luận, tại sao vẫn cùng một nội dung đào tạo mà tên gọi ở các trường âm nhạc lại khác nhau như thế?

NLL: Tôi không rõ.

DCT: Xin hai anh cho biết cách tiếp cận một tác phẩm âm nhạc?

NB: Cách đưa tác phẩm âm nhạc đến với công chúng của tôi khác nhau với nhà lí luận. Nói một cách hình tượng, để công chúng hiểu thế nào là biển cả bao la: nhà lí luận mang công chúng vất xuống biển, một lúc sau họ ngạt thở, chết đuối, nếu bơi được vào bờ thì họ trở nên sợ hãi mà xa lánh biển cả. Ngược lại, tôi chỉ việc thu âm tiếng sóng thật hay cho công chúng nghe, hòa muối vào nước sao cho vừa vặn để công chúng nếm, bắt mấy con cá thật đẹp thả vào chậu cho công chúng xem, chẳng mấy chốc công chúng bị biển cả mê hoặc.

DCT: Cụ thể hơn?

NB: Sang năm 2013, NSND Đặng Thái Sơn sẽ biểu diễn 5 bản Concerto của Beethoven ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Giả sử trong buổi hòa nhạc, để chương trình thêm hoành tráng, nhà tổ chức mời giáo sư toán học Ngô Bảo Châu và “nữ hoàng dao kéo” Phi Thanh Vân đến nghe. Theo phép lịch sự tối thiểu giữa hai nhân vật nổi tiếng và là người của công chúng, trong lúc giải lao giữa giờ, Ngô Bảo Châu quay sang nói vài câu xã giao với Phi Thanh Vân.

Tôi chộp được cảnh ấy và có ngay một bài viết với cái tít khá ấn tượng: Ngô Bảo Châu phỏng vấn Phi Thanh Vân trong đêm nhạc Đặng Thái Sơn. Xào lại trên báo khác với một tít khác: Ngô Bảo Châu giảng cho Phi Thanh Vân hiểu thế nào là âm nhạc của Beethoven. Báo khác nữa với tít giật gân hơn: Ngô Bảo Châu chọc tức Phi Thanh Vân trong đêm nhạc Đặng Thái Sơn… Nội dung chủ yếu đề cập đến chuyện bếp núc của giới showbiz, khai thác chi tiết cuộc sống riêng tư của từng cá nhân, không quên nhắc đến những scandal nhằm mục đích câu khách.

DCT: Còn anh, nhà lí luận?

NB: Nhà lí luận chỉ quan tâm giới thiệu âm nhạc Beethoven và nghệ thuật thể hiện của Đặng Thái Sơn. Anh cho rằng trong thời gian ngắn mà Đặng Thái Sơn thuộc làu bao nhiêu vạn nốt nhạc để khi trình diễn không sai đến một phần mười của một nốt, trong khi các ca sĩ thị trường học đi học lại một bài hát có vài chục nốt nhạc mà vẫn không nhớ nổi.

DCT: Thưa nhà lí luận, anh nghĩ sao về nhận xét của nhà báo?

Nhà PBAN: Nghe bảo tháng 12 năm nay trái đất nổ mất rồi!

NB: Cánh nhà báo chúng tôi nổ thì có, chứ theo tôi nghe được thông tin từ các nhà khoa học thì trái đất chưa thể nổ trong năm nay và nhiều năm sau nữa.

NLL: Nếu trái đất chưa nổ thì xin nhà báo cứ tiếp tục.

DCT: Vậy mối quan hệ giữa nhà báo với phê bình âm nhạc là gì?

NB: Khi thông tin âm nhạc đến với công chúng, tôi sử dụng ngôn ngữ đời thường như phép ví von so sánh những khái niệm âm nhạc sơ đẳng, những tư duy trực giác… Tóm lại tôi đang làm công việc của nhà phê bình!

DCT: Có thể gọi nhà báo là nhà phê bình âm nhạc không, thưa nhà lí luận?

NLL: Đấy là nhà báo tự nhận thôi.

NB: Ý anh nói là chúng tôi tự phong cho mình thành nhà phê bình âm nhạc?

NLL: Câu hỏi của anh chính là câu trả lời rồi còn gì.

NB: Anh cho rằng nhà phê bình bắt buộc phải biết sử dụng thuật ngữ âm nhạc chuyên nghiệp, biết phân tích tác phẩm, hòa âm, đối vị, phức điệu… là những môn học bắt buộc phải có thầy dạy mới nắm được kiến thức, phải đầu tư quỹ thời gian đến hàng chục năm mới có được? Hình như anh muốn có một cuộc li dị giữa nhà báo và nhà phê bình?

NLL: Đã kết hôn bao giờ đâu mà nói chuyện li dị.

NB: Vâng, có lẽ tôi nhầm. Nhưng điều này thì tôi đã từng nghe có người nói, lĩnh vực âm nhạc cần có cuộc hôn phối giữa nhà báo với nhà lí luận âm nhạc để sinh ra nhà phê bình âm nhạc.

NLL: Nếu điều này xảy ra thì tôi cầu cho đứa con đó lành lặn.

NB: Từ nãy đến giờ tôi toàn nói thay cho nhà lí luận. Giờ xin được hỏi: anh có nhận xét gì về nhà báo chúng tôi?

NLL: Các anh có nhiều người mắc tội hay nói huếnh lên quá nhiều. Viết báo âm nhạc mà toàn nói những thứ linh tinh ngoài âm nhạc không cần thiết phải nói!

DCT: Vâng, dù có người bị khoác có người muốn khoác cái áo nhà phê bình âm nhạc, nhưng các anhđều đã cung cấp đôi nét về nghề phê bình âm nhạc! Xin cám ơn hai anh về cuộc cuộc trao đổi này.Cám ơn độc giả đã quan tâm theo dõi!

Theo http://vnmusic.com.vn