Tin tức – Sự kiện

Cửa hàng siêu nhỏ: Có khách, chủ ra đường

01 Tháng Tư 2012

Trên những con phố sầm uất của Hà Nội, nhà có mặt tiền dù bé đến mấy, lòng nhà nông đến đâu cũng được tận dụng triệt để làm nơi cho thuê, kinh doanh buôn bán. Những cửa hàng "siêu nhỏ" có diện tích chỉ 1 vài mét vuông bắt đầu xuất hiện từ đây.

 

Siêu nhỏ

Càng đi gần vào khu trung tâm Hà Nội, những con phố buôn bán sầm uất thì ta lại càng dễ bắt gặp những cửa hàng có diện tích siêu nhỏ. Nếu vô tình đi qua dãy cửa hàng nằm trên số 131 Bà triệu, người mua có lẽ sẽ phải giật mình vì diện tích khiêm tốn của mỗi cửa hàng tại đây.

Cùng một số nhà 131 Bà Triệu nhưng mặt tiền của ngôi nhà đã bị "xẻ nhỏ" ra thành 3 phần giành cho 3 cửa hàng quần áo khác nhau, mỗi cửa hàng có mặt tiền chỉ hơn 1m và sâu khoảng hơn 2 m. Với những cửa hàng có diện tích chưa tới 3m2 như vậy, chỉ cần có khách đến mua cộng với một người bán là cửa hàng không còn nỗi một chỗ trống nào.

Các loại váy, áo được treo sát kín các mặt tường, riêng một góc nhỏ là nơi thay đồ của cửa hàng cũng thì có một tấm mành được mắc tạm bợ. Nếu khách muốn thử đồ, người bán hàng phải đứng một góc để căng rèm.

Chị Phương, người bán hàng ở đây cho biết chủ hàng là nhà tạo mẫu, chuyên thiết kế váy, áo sơ mi công sở nên khách hàng tìm đến đa số là khách quen, đến chọn mẫu ưng ý rồi lấy luôn chứ rất ít khi có khách vãng lai vào thử. Giá thuê của mỗi cửa hàng này là vào khoảng 6 triệu đồng/tháng.

 

 

Cửa hàng 2m2 trên phố Tô Hiến Thành. (Ảnh: Q.D)

 

Tuy nhiên, nếu nói về độ nhỏ, thì có lẽ khó có cửa hàng quần áo nào "so" được với cửa hàng Kiosk của anh Sang. Cửa hàng nằm trên phố Tô Hiến Thành, có diện tích chỉ vỏn vẹn... hơn 2m2.

Với diện tích siêu nhỏ như vậy, mặc dù chuyên bán quần bò nhưng cửa hàng của anh chẳng có chỗ để thay đồ mà chỉ vừa đủ chỗ để treo quần và cho 1 người bên trong. Trường hợp có nhiều hơn 1 vị khách đứng trong cửa hàng, hay khách hàng chỉ cần hơi "to con" một chút, thì chủ hàng đành phải ngậm ngùi ra ngoài đứng để còn có chỗ thở.

Có một cửa hàng mặt tiền vị trí đẹp, thuận lợi để kinh doanh tất nhiên là một lợi thế mà bất cứ cửa hàng nào cũng mơ ước. Vì thế, người dân tìm mọi cách để tận dụng dù chỉ một vài mét vuông, miễn sao đó là mặt phố.

Cá biệt như trường hợp chị Mai bán gạo trên phố Nguyễn Công Trứ. Tầng một của nhà chị không có diện tích ở mà chỉ có cầu thang lên thẳng tầng 2. Tận dụng một ít diện tích còn dư bên cạnh cầu thang lên tầng, chị biến nó làm nơi bán gạo. Thế là gần chục bao tải gạo được chị chất trong gầm, bên cạnh, thậm chí cả lên chân cầu thang để bán.

Nhỏ mà chưa tiện

Cho dù có vị trí đẹp, thuận tiện, để buôn bán được tại những cửa hàng siêu nhỏ như thế này không hề dễ dàng. Việc người thuê không thể "trụ" lại được chỉ sau một vài tháng không phải là hiếm. Dù giá thuê cửa hàng mỗi tháng không cao, nhưng vẫn rất nhiều người phải "ra đi" do buôn bán không có lãi. Linh, bán hàng tại một cửa hàng quần áo trên đường Bà Triệu cho biết, thông thường cứ tầm 6 tháng đến 1 năm là các cửa  hàng ở đây lại đổi chủ một lần.

"Cửa hàng nhỏ quá khó bán nên đổi chủ liên tục. Bản thân mình trước cũng từng bán hàng cho chị chủ trước, sau đó tiếp tục được thuê bán hàng cho chị chủ mới này. Hàng tồn của chị chủ trước đây vẫn tiếp tục được bán trong cửa hàng với giá sale 50%", Linh nói.


Chật chội bên trong cửa hàng siêu nhỏ. (ẢNh (QD)

 

Trường hợp của anh Sang cũng là một ví dụ điển hình. Vốn đã có chút tiếng tăm với việc chuyên bán quần bò Quảng Châu ở trên mạng, anh mở cửa hàng trên phố Tô Hiến Thành, nơi tọa lạc của nhiều cơ quan, công sở với hy vọng sẽ tăng cường thêm lượng khách cho mình.

Vị trí thì đẹp "khỏi bàn", nhưng từ khi anh mở cửa, doanh số bán quần bò của anh không những không tăng mà lại có phần ế ẩm hơn. Khách đến mua chủ yếu vẫn là những mối quen, hay mua hàng trên mạng của anh từ trước đó chứ hầu như không có khách mới.

Theo anh Sang, nguyên nhân không phải vì quần bò của anh chất lượng không tốt, mẫu mã không đẹp mà là do chính cửa hàng này. Do cửa hàng quá bé, chẳng có chỗ thay quần nên quần mới bị ế. Để "chữa cháy", bên cạnh quần bò, anh Sang phải mở rộng sang bán thêm cả áo sơ mi, vì áo sơ mi dễ mua hơn, có thể thử ngay tại đấy mà... khỏi cần phòng thay đồ.

"Tháng vừa rồi tôi chỉ bán được 3 chiếc quần bò và gần chục cái áo sơ mi, tính ra cũng chẳng có lãi gì", anh thở dài ngao ngán. Anh Sang cũng dự tính, nếu tình hình vẫn như vậy trong vài tháng tới, anh sẽ buộc phải đóng cửa hàng này. Cửa hàng nhỏ quá người ta nhìn qua còn ngại không muốn vào chứ nói gì đến việc lựa chọn, mua hàng", anh nói.

Mặc dù liên tục đổi chủ, tuy nhiên, những của hàng này không bao giờ trong tình trạng bị bỏ không. Theo chị Phương, người cho thuê mặt tiền làm cửa hàng trên phố Tuệ Tĩnh, nhu cầu của những người mới tìm đến thuê không bao giờ dứt. Và cứ thế, cửa hiệu siêu nhỏ đang mọc lên ngày càng nhiều giữa lòng Hà Nội.

 

Theo http://vef.vn