Tin tức – Sự kiện

"Phải nhận lỗi nếu giải quyết sai trong các vụ việc tồn đọng"

03 Tháng Năm 2012
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu rà soát lại 528 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng. Theo đó, nếu giải quyết sai phải nhận lỗi. Nếu không sai, phải làm hết cách để thuyết phục nhân dân, còn trường hợp không thuyết phục được thì cưỡng chế, nhưng phải đúng pháp luật.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo hôm nay, 2/5, các đại biểu đã mổ xẻ các nguyên nhân khiến khiếu nại, tố cáo gia tăng.

Càng chây ỳ, càng hưởng lợi!

Đại diện tỉnh Quảng Nam cho biết, khiếu nại, tố cáo ngày càng xuất hiện nhiều. Nội dung chủ yếu liên quan đến đất đai và bồi thường giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân là do chính sách còn nhiều vấn đề bất cập như trong chính sách đền bù giải phóng mặt bằng, người được đền bù sau luôn được lợi nhiều hơn người đi trước.
 
Thủ tướng chủ trì hội nghị (ảnh Quang Phong)

 

Đồng tình với quan điểm trên, ông Trịnh Văn Chiến, Chủ tịch UBND tình Thanh Hóa cho rằng, do chính sách bất hợp lý dẫn đến việc “người càng chây ỳ, càng hưởng lợi”. Theo ông Chiến, phải làm sao người chấp hành nghiêm túc chính sách của Nhà nước được lợi hơn người người chây ỳ

Ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch tỉnh Đồng Nai cũng cho hay, khiếu nại, tố cáo ở địa bàn chủ yếu liên quan đến đất đai, bồi thường giải tỏa tái định cư.

Liên hệ việc khiến nại, tố cáo với vụ việc Tiên Lãng, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng cảm thấy rất tiếc về vụ việc và cho đây là bài học lớn! “Nếu chính quyền tiếp dân tốt sẽ không có những vụ việc đáng tiếc”, ông Thắng nói. Sau vụ việc ở Hải Phòng ông Thắng cũng nhận thấy đang có “hội chứng Tiên Lãng” làm cho cán bộ làm công tác giải phóng mặt bằng nhụt chí.

Báo cáo Thủ tướng, ông Dương Anh Điền, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Phòng cho biết, thành phố này đã lọc ra được 18 vụ khiếu kiện tồn đọng kéo dài chưa được giải quyết. Đến nay, Hải Phòng đã lập tổ công tác rà soát kỹ các vụ việc trên và đã chọn được 9 vụ có thể xử lý.

Theo ông Điền, hướng giải quyết của chính quyền Hải Phòng là không bảo thủ, luôn cầu thị. Ông Điền kiến nghị phải tiếp tục hoàn thiện văn bản liên quan đến Luật đất đai đồng thời cũng phải chia sẻ với người dân khi họ bị giải tỏa, thu hồi đất gặp khó khăn trong cuộc sống. Hơn nữa, phải tiêu chuẩn hóa đội ngũ các cấp chính quyền cơ sở để họ nắm vững luật đất đai, khiếu nại tố cáo.

Đại diện thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc thu hồi đất là vấn đề nóng liên quan nhiều đến khiếu kiện và chưa có dự án nào người dân đồng tình ngay từ đầu. Tuy nhiên, nếu không thu hồi thì không phát triển được.

Không làm quyết liệt là mầm mống gây bất ổn định xã hội

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, về giải quyết các vụ việc tồn đọng, bức xúc, kéo dài; các Bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm được 1.052 vụ việc tồn đọng, bức xúc, kéo dài (đạt 66,7%). Hiện còn lại 528 vụ việc đang được tiếp tục xem xét, giải quyết.
Hội nghị trực tuyến về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại do Thủ tướng chủ trì (ảnh Nhật Bắc)

 

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha cho rằng, nhiều địa phương còn coi nhẹ việc xử lý khiếu nại, tố cáo và khi có vấn đề xảy ra thì mới mời Mặt trận tổ quốc vào cuộc. “Không nên coi nhẹ khiếu kiện tố cáo. Nếu giải quyết tốt khiếu nại tố cáo sẽ giải quyết được nhiều vấn đề. Thực tế nơi nào dùng theo mệnh lệnh hành chính (bên là chính quyền - bên là đối tượng) thì giải quyết không tốt”, ông Pha nói.

Phát biểu tại hội nghị Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ rõ, khiếu kiện liên quan đến đất đai chiếm phần lớn (hơn 70%). Tuy nhiên, vì vấn đề phát triển của đất nước nên việc thu hồi đất vẫn được thực hiện nhưng mọi việc phải diễn ra đúng luật, đúng quy hoạch. Đồng thời phải hạn chế tối đa việc khiếu kiện đông người gây mất an ninh trật tự.

Thủ tướng nhấn mạnh nếu không giải quyết quyết liệt, làm tới nơi, tới chốn các vụ khiếu kiện còn tồn đọng thì đây chính làm mầm mống gây mất an ninh trật tự. “Trách nhiệm của chính quyền là phải tiếp công dân, lắng nghe những ý kiến khiếu nại, tố cáo của công dân”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Thủ tướng đề nghị, các địa phương phải làm tốt hơn, tập trung chỉ đạo quyết liệt và giải quyết dứt điểm từng vụ việc và phải lập hồ sơ tất cả 528 vụ việc chưa được giải quyết. “Qua rà soát nếu giải quyết sai thì nhận lỗi. Không sai, quyết định đúng vẫn phải làm hết cách để thuyết phục nhân dân. Trường hợp không thuyết phục được thì cưỡng chế nhưng làm phải đúng pháp luật”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Theo dantri.com.vn