Tin tức – Sự kiện

Ra Trường Sa vẽ về đảo

21 Tháng Năm 2012

Nguyễn Doãn Sơn, hoạ sỹ được nhận giải thưởng "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội" năm 2008 với tác phẩm bức tranh sơn dầu kỷ lục "Hà Nội chiến luỹ và hoa" đã có cuộc hành trình ra Trường Sa để vẽ về Trường Sa và những người lính canh giữ đảo.

 

Kỳ 4: Chuyện những chú chó ở Trường Sa

Kỳ 3: "Vườn treo Babilon"... giữa biển

Kỳ 2: Ngoài kia, trên đất liền, con tôi đã mất!

Kỳ 1: Bữa tiệc thịnh soạn ở Trường Sa

Âm thầm vẽ đảo

Nguyễn Doãn Sơn sinh năm 1975, là hoạ sỹ, và là giảng viên trường Đại học Văn hoá - Nghệ thuật Trung ương ngoài Hà Nội.

Tôi nhận ra anh trên boong tàu vào giữa trưa ngày 20/4, khi tàu rời đất liền ra đảo Trường Sa Lớn được một ngày: vẫn chòm râu "phất phơ", gương mặt gai góc, mái tóc loăn xoăn, chiếc quần ngố, áo sơ mi ngắn tay.

Lỉnh kỉnh với hộp cọ, sơn màu, giá vẽ là một tấm các-tông lớn gập hai mặt như một cuốn sách, Sơn bày tất cả lên boong và... vẽ. Anh ký hoạ rất nhanh. Bức hoạ đầu tiên về cảnh sinh hoạt trên tàu HQ996, những chiếc xuồng xếp chồng lên nhau trên boong, cabin tàu HQ, biển trời mênh mông, những đám mây lãng đãng trôi tít nơi cuối đường chân trời...

Mọi người vây kín xung quanh xem anh vẽ. Sự tò mò của đám đông không làm ảnh hưởng đến anh. Sơn vẫn im lặng và tập trung diễn tả ý tưởng của mình qua những nét cọ trên tấm toan trắng.

Ý tưởng của anh trong chuyến ra Trường Sa lần này, đó là thực hiện một bức tranh khổng lồ về Trường Sa.

Tuy nhiên, kế hoạch của Sơn phải thay đổi, vì lý do đoàn công tác lần này đến với Trường Sa không có kế hoạch ở lại qua đêm trên đảo, thời gian lưu trú tại mỗi đảo cũng chỉ vỏn vẹn vài giờ đồng hồ. Và, đó cũng là cái duyên để Nguyễn Doãn Sơn thực hiện các tác phẩm cá nhân về con người, cuộc sống ở mỗi đảo.

Thời gian ngắn ngủi 10 ngày của cuộc hành trình, trong đó đã hết 4 ngày dành cho việc di chuyển từ đất liền ra đảo và từ đảo về đất liền, thế nhưng, Nguyễn Doãn Sơn đã sáng tác được khối lượng tác phẩm đáng nể: 17 bức tranh với các chủ đề khác nhau tại mỗi đảo: cảnh sinh hoạt của đoàn trên tàu HQ996; ngọn Hải đăng trên đảo Đá Tây; cột rađa, phong điện ở đảo Núi Le; chân dung chiến sỹ trên đảo Tốc Tan C; cuộc tuần tra của ba chiến sỹ hải quân trên trên Trường Sa lớn; bức hoạ về những cây bàng vuông trên đảo; bãi đá trên đảo An Bang...

 

Điều kiện sáng tác đặc biệt, Ảnh Kiên Trung

 

Ngày cuối cùng của cuộc hành trình, những tác phẩm ký hoạ của anh được "triển lãm" trên tàu. Nó được dán bằng băng dính trong hành lang chính dẫn lên cabin, ở vị trí đắc địa nhất mà nhiều người có thể chiêm ngưỡng. Và, chỉ khi cuộc triển lãm nho nhỏ ấy của anh được trình làng, tất cả gần 200 thành viên của đoàn công tác mới ngỡ ngàng về sức lao động của anh quả là kinh ngạc. Nhưng, hơn tất cả, đó là tình yêu Trường Sa của anh, trách nhiệm với Trường Sa với tư cách là một công dân Việt Nam lần đầu ra đảo, nó được hiện hữu.

Có thể, trước Nguyễn Doãn Sơn đã có rất nhiều hoạ sỹ ra đảo. Và chắc chắn, đã có rất nhiều bức hoạ về con người, cảnh vật... ở các đảo chìm, đảo nổi ở quần đảo Trường Sa, nhưng có lẽ, người vẽ nhiều về Trường Sa trong cùng một thời gian như thế, có lẽ mới chỉ có một Nguyễn Doãn Sơn!

 

Lần đầu làm mẫu, Ảnh Kiên Trung

Đầu trần, quần cộc, nắng, gió và biển Trường Sa...

Ẩn sau những háo hức của tất cả các thành viên được đặt chân tới đảo, những Đá Lát, Đá Tây, Tốc Tan, Phan Vinh, Núi Le, Trường Sa Lớn, Trường Sa Đông, An Bang..., mỗi người khám phá đảo theo cách riêng của mình; cánh phóng viên báo chí lăm lăm máy ảnh "lùng sục" tất cả các ngóc ngách trên đảo; đoàn văn công say mê đàn hát giao lưu cùng các chiến sỹ; các nhà văn âm thầm trải nghiệm để thai nghén cho những tác phẩm của riêng mình..., Nguyễn Doãn Sơn tự tìm một "góc riêng" cho chính mình.

Tại đảo Trường Sa Đông, một trong những đảo nổi xanh tươi, trù phú và diễm tình của quần đảo Trường Sa, Nguyễn Doãn Sơn cặm cụi với toan, cọ, sơn màu của mình. Anh gần như ngồi bệt dưới gốc cây bàng vuông, bằng cảm quan của một hoạ sỹ, anh mải miết ghi lại cảnh sinh hoạt ấm cúng và đời thường của các chiến sỹ trên đảo: một chàng lính trẻ đang nằm nghỉ trên chiếc võng được cột giữa hai gốc cây bàng vuông.

Bên cạnh người chiến sỹ ấy, mấy con chó hiền lành vẩn vơ đi lại giữa rất nhiều người lạ, con nằm, con ngồi... Khung cảnh gần gũi và bình dị ngỡ như mọi người đang ở giữa đất liền, không còn những lo lắng về sự thiếu thốn vật chất, tinh thần... mà các chiến sỹ đang canh giữ vùng biển của Tổ quốc vẫn hàng ngày, hàng giờ phải đối mặt.

 

Giá vẽ chỉ có ở Trường Sa, Ảnh Kiên Trung

 

Đảo Tốc Tan C. Trong lúc mọi người gần như tập trung ở khu vực giao lưu văn nghệ giữa đoàn văn công và các chiến sỹ trên đảo, Nguyễn Doãn Sơn lúi húi dưới cầu tầu, giữa trời nắng chang chang và gió biển lồng lộng. Nhân vật của anh - một chiến sỹ trẻ măng, nước da sạm đen vì nắng đảo đang ngồi làm mẫu. Chàng chiến sỹ trẻ vẫn chưa hết những bối rối và ngại ngùng, vì lần đầu tiên được ngồi làm mẫu cho một hoạ sỹ ký hoạ, giữa biển trời lồng lộng và nhiều ánh mắt cùng nhìn vào.

Bức hoạ chân dung người chiến sỹ trên đảo Tốc Tan C, điểm nhấn là đôi mắt: một đôi mắt cương nghị, nhìn thẳng, tư thế đĩnh đạc, khẩu súng đặt bên cạnh, sau lưng anh là biển và trời... Tôi cảm thấy Sơn đang chạy đua với thời gian, bởi thời gian chúng tôi đến mỗi đảo không nhiều.

An Bang là đảo nổi cuối cùng trong cuộc hành trình mà đoàn công tác đặt chân. Còn một điểm nữa, nhưng đó là nhà giàn Tư Chính. Đảo An Bang được ví như một thiếu nữ đang ở tuổi đẹp nhất của người con gái, có bãi cát vàng nổi trên mặt biển, có một chỗ khuyết trên bãi cát hệt như vòng eo con gái.

 

 

 

An Bang rộng rãi và được quy hoạch cực đẹp, với nhiều khu nhà cao 3-4 tầng, khu chăn nuôi và khu trồng rau xanh, ngọn Hải đăng cao gần 30 mét lộng lẫy giữa biển, khu nhà quân y... Tất cả đều toát lên sự khoa học trong kiến trúc quy hoạch và sự khang trang bởi những vật chất hạ tầng.

Buổi giao lưu tại đảo An Bang có lẽ là buổi giao lưu hoành tráng, ấm cúng và đông đúc nhất. Cả đoàn tập trung dưới khoảng sân rộng rãi được che bởi những tán bàng vuông xanh mát. Những hoa nắng lấp lánh rọi qua các kẽ lá, nhìn từ trên cao hệt như những ánh đèn của một sân khấu ngoài trời.

Trong khi ấy, khoảng riêng của Nguyễn Doãn Sơn là bên bờ biển, cạnh bãi kè chân đảo là những cột bê-tông hình lục giác được xếp theo hàng chéo để chắn sóng. Những đợt sóng ầm ào từ ngoài khơi xa kéo vào, xen giữa những khoảng trống của hàng cột bê-tông, chúng va vào kè trở thành những cột sóng trắng xoa. Hai gốc tra biển bị sóng bào mòn bạc phếch như gỗ lũa, nằm trên bãi đá. Một con thuyền nhấp nhô ngoài khơi xa...

Nắng trưa đứng bóng, Nguyễn Doãn Sơn miệt mài bên cạnh ụ súng, miệt mài vẽ, trước mặt anh là biển trời khoáng đạt. Hình như, anh không để ý đến xung quanh, không biết có một đàn gà con đang theo mẹ đi kiếm ăn, nhưng vì nắng quá, chúng trốn trong bóng râm của bụi tra biển, cách anh chỉ một đoạn, và liên hồi kêu liếp nhiếp như làm nũng gà mẹ.

Chuyến đi 10 ngày của chúng tôi kết thúc nhanh chóng, để lại bao cảm xúc.

 

Theo tuanvietnam.vietnamnet.vn