Tin tức – Sự kiện

Nhà nghèo cũng học!

29 Tháng Sáu 2012

Ngành Thiết kế thời trang của Việt Nam ta còn rất “trẻ”, tiềm năng rất lớn. Song để trụ được với nghề quả không dễ vì nghề đòi hỏi nhiều đức tính quý: Sáng tạo, năng động, khéo léo, nghị lực; và thêm nữa là nguồn vốn và cơ sở vật chất để lập nghiệp. Xưa nay, có một sự thật hiển nhiên là nếu nhà nghèo, ít vốn thì không nên theo học ngành thiết kế thời trang vì khi ra trường cơ hội việc làm thấp, khả năng “sống với nghề” không cao. Nhưng... tôi có một cái nhìn khác sau khi dự lễ tốt nghiệp khóa 2 Khoa Sư phạm Mỹ thuật và Thiết kế thời trang của Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật trung ương.

Thời trang dạo phố của Đinh Thị Hằng.

 

Khóa 2 của Khoa Sư phạm Mỹ thuật và Thiết kế thời trang của trường có khoảng hơn 100 sinh viên, trong lứa sinh viên này nhiều người có hoàn cảnh xuất thân khác nhau. Nhiều người đến từ những quê hương thuần nông, tiền ăn học rất eo hẹp. Trong hoàn cảnh vậy để có được bài tốt nghiệp đàng hoàng một chút, ngoài việc đầu tư nghiên cứu, làm luận văn còn phải mua vải, thuê may, thuê người mẫu... sinh viên phải bỏ ra một số tiền kha khá. Số tiền đó dao động từ 7 đến 25 triệu đồng, tùy khả năng từng người, tùy độ chi tiêu “liệu cơm gắp mắm”.

Thầy hiệu trưởng nhà trường là PGS, TSKH Phạm Lê Hòa nói ở nước ngoài nghề này không dành cho “con nhà nghèo” đâu, nhà nghèo lấy tiền đâu mà học? Thế nhưng ở Việt Nam ta ai cũng có khả năng theo học, miễn là có năng khiếu mà chất lượng hoàn toàn không thua kém. Bằng chứng là sinh viên Khóa 1 của Khoa ra trường năm ngoái đến nay đã được tuyển dụng 100%, có người đã lập được công ty thiết kế thời trang. Ở khóa 2, dù chưa tốt nghiệp đã có sinh viên đoạt giải cao của cuộc thi thiết kế thời trang lớn cấp quốc gia. Sinh viên đó tên là Nguyễn Ngọc Mai, người đoạt giải Đặc biệt của cuộc thi thời trang Hutech Designer 2012. Điều đáng nói ở cô sinh viên quê Hải Dương, xuất thân từ gia đình thuần nông này là sự tiết kiệm trong chi phí và phóng khoáng trong ý tưởng sáng tạo. Bí quyết của Mai chỉ gói gọn trong mấy chữ “tự thân vận động”. Trong đó ngoài rèn luyện kỹ năng may vá khéo léo, là việc nghiên cứu am tường chất liệu may mặc và khổ công tìm tòi những hình tượng từ thiên nhiên có giá trị thẩm mỹ, ứng dụng cao.

Bài thi tốt nghiệp của Nguyễn Ngọc Mai lấy ý tưởng từ rắn hổ mang chúa gây ấn tượng mạnh đối với ban giám khảo bởi sự sang trọng, quý phái. Khi được hỏi, Mai cười hiền: Bộ sưu tập này tốn của gia đình em đến 5 triệu đồng.

Có thấy tận mắt, nghe tận tai chuyện này tôi mới tin rằng ở Việt Nam ta, ai cũng có thể theo học ngành thiết kế thời trang.

 

Thời trang của nữ quân nhân - tác phẩm của Lê Thị Thắm.

 

Cho dù có những sinh viên vượt khó như Nguyễn Ngọc Mai nhưng tôi cũng cảm thấy có một cái gì đó hơi thiêu thiếu ở lối học tập của “con nhà nghèo” này. Có người cho biết đó là sự thiếu vắng những mẫu áo quần dành cho nam giới. Cũng phải thú thực thêm rằng với suy diễn của một người ngoại đạo, từ trước đến nay tôi chưa bao giờ nghĩ quần áo nam lại đắt hơn quần áo nữ. Sinh viên Lý Văn Toản, một trong số ít chàng trai theo học ngành thời trang cho biết: Nếu đầu tư sáng tác trang phục nam sẽ phải tốn thêm chi phí bằng ít nhất 2 lần trang phục dành cho nữ. Đơn giản bởi vì trang phục nam “chuộng” chất liệu sang trọng, tối kỵ rườm rà chi tiết. Ngoài ra, việc thuê người mẫu nam để trình diễn những tác phẩm cũng đắt hơn gấp đôi, gấp ba lần người mẫu nữ. Vậy là để tiết kiệm chi phí tốt nghiệp, 100% sinh viên khóa 2 chọn sáng tác trang phục nữ. Theo tôi đây là điểm hạn chế nhất của sinh viên “con nhà nghèo”.

Tìm hiểu về việc đào tạo thời trang ở nước ngoài chúng tôi được biết, một nước gần Việt Nam ta như Xin-ga-po, sinh viên phải đóng khoảng 15 ngàn đô-la Xin-ga-po một năm, lại phải đóng tiền đầu khóa khoảng 65 ngàn đô-la nữa. Dù Xin-ga-po là một nơi giàu có, song số tiền đó cũng quá lớn với mặt bằng chi phí học tập của xã hội. Nói chuyện xứ người để thấy các cơ sở đào tạo ở ta đã rất cố gắng tiết kiệm. Song dù tiết kiệm vẫn phải có cơ sở vật chất phục vụ đào tạo đàng hoàng, đó là quan điểm của PGS, TSKH Phạm Lê Hòa. Cách đây mấy năm, trường đã xây dựng một xưởng may trị giá nhiều tỉ đồng để sinh viên thực hành. Xưởng may này có những máy móc từ thủ công đến công nghiệp đủ để sinh viên thực hiện tác phẩm của mình. Nhờ có xưởng may này mà những sinh viên nghèo như Nguyễn Ngọc Mai đã giảm được chi phí học tập tối đa. Bên cạnh xưởng may là xưởng mỹ thuật, cũng đầy đủ trang thiết bị cần thiết để sinh viên sáng tạo. Ngoài ra, thầy hiệu trưởng nhà trường cũng khẳng định luôn quan điểm “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Nhiều lần ông động viên sinh viên... bỏ học vì phát hiện ra họ thiếu năng khiếu. Ông nói: “Mặc dù trường nghệ thuật trung ương này chỉ đào tạo phổ cập nhưng đối với các môn nghệ thuật chúng ta theo học ngoài 99% nỗ lực học tập các em còn cần phải có 1% năng khiếu. Vậy theo tôi nếu không có năng khiếu thì đừng nên theo học cho lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc”.

Thầy hiệu trưởng Phạm Lê Hòa cho biết thêm, trong tương lai gần, sinh viên Khoa Sư phạm Mỹ thuật và Thiết kế thời trang còn phải được dạy thêm cả về kinh doanh và thị trường bằng việc trường sẽ hỗ trợ mở ra những cửa hàng thời trang để sinh viên bán mua sản phẩm, chào hàng với những công ty may mặc và quan trọng nhất là hòa vào xu hướng thẩm mỹ thời trang của xã hội. Chúng tôi tin rằng những ý tưởng này hoàn toàn có cơ sở thực hiện.

 

                                                                                                                                    Bài và ảnh: Lê Đông Hà

                                                                                                                                                 Theo qdnd.vn