Tin tức – Sự kiện

“Nghệ thuật được học như môn phụ...”

13 Tháng Bảy 2012
Con số tuyển sinh của trường Đại học Sư phạm (ĐHSP) Nghệ thuật Trung ương (TƯ) là niềm mơ ước của nhiều trường nghệ thuật. Không chỉ có vậy, môi trường làm việc và học tập ở đây mới là điều đáng nói. Sự hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, sự kết hợp sáng tạo giữa nét giản dị, chuẩn mực của sư phạm với sự phá cách trong nghệ thuật – là ưu điểm nổi trội về phương pháp giảng dạy của trường này.

“Nghệ thuật được học như môn phụ...”

TSKH Phạm Lê Hoà (trái) và Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại buổi nhậm chức danh Phó Giáo sư tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngày 20.11.2009.

Tiền thân là trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc họa TƯ, ĐHSP Nghệ thuật TƯ được thành lập giữa năm 2006. Cuối năm 2006, PGS.TSKH Phạm Lê Hòa được cử về làm hiệu trưởng của trường. Từ bấy đến nay, với vai trò là hiệu trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy, ông đã cùng cán bộ, giảng viên nhà trường có những bước tiến vượt bậc cả về quy mô lẫn chất lượng đào tạo.

Hiện, trường có 14 phòng, ban, viện, trung tâm; 8 khoa chuyên môn và gần 300 cán bộ, giảng viên trong đó trình độ từ thạc sĩ trở lên chiếm hơn 50%; tổng số sinh viên lên đến hơn 6.000 (tính cả số SV đào tạo liên kết), liên kết với 17 trường khác. Các con số thực sự ấn tượng, nhưng ấn tượng hơn có lẽ nằm sau những con số ấy: Trong bối cảnh các môn học như nhạc và họa trong trường phổ thông từ rất lâu đã không được coi trọng, vậy thì điều gì khiến cho trường ngày càng thu hút được sự quan tâm của sinh viên đến vậy? Hiệu trưởng Phạm Lê Hòa cho biết:

- Mỗi năm trường ĐHSP Nghệ thuật tuyển sinh trên 2.000 sinh viên. Nhu cầu đào tạo giáo viên âm nhạc, mỹ thuật khá cao. Ngoài hai khoa truyền thống là Sư phạm Âm nhạc và Sư phạm Mỹ thuật, chúng tôi mở thêm khoa mới là khoa Văn hóa nghệ thuật (gồm 3 ngành: Thiết kế thời trang, đồ họa, quản lý văn hóa). Năm nay chúng tôi tuyển sinh viên chính quy và vừa học vừa làm là 2.500 người.

Tôi nghĩ, một trong những điều làm nên sự phát triển của trường này là ở không khí dân chủ. Tôi không có quan niệm cứ không hiểu, không quản được là cấm. Đây là trường đại học, mà đã là trường đại học thì phải là nơi tập trung trí tuệ cao nhất với đội ngũ giảng viên tốt nhất. Ngay sau khi nhận chức, tôi nói với mọi người: Nếu đã tin tôi, tập trung quyền lực hết vào người hiệu trưởng lẫn Bí thư Đảng ủy như thế để thống nhất trong mọi hành động của trường, tôi xin cảm ơn. Nhưng tôi sẽ cảm ơn các bạn hơn nữa nếu các bạn cảnh báo cho tôi những gì tôi làm chưa tốt, những gì của biểu hiện chuyên quyền, độc đoán.

Tôi rất vui nếu như có ai phản biện trước những quyết định của tôi. Vì thế, tôi cho rằng trường ĐHSP Nghệ thuật là trường dân chủ. Dân chủ sẽ có đoàn kết và khi đoàn kết rồi thì các mục tiêu phát triển đều dễ dàng đạt được.

Từ bấy đến nay đã có ai phản biện hoặc phê bình cái mà họ cho là “mầm mống của sự chuyên quyền” không, thưa ông?

- Chưa thấy ai nói với tôi về sự chuyên quyền, nhưng góp ý thì có. Tôi là người rất nóng tính và quyết liệt trong công việc, cho nên đối với bất cứ một vấn đề gì tôi cũng phải giải quyết đến nơi, đến chốn. Nhân nói về chuyện thi cử, tôi cũng xin cảnh báo với các em học sinh rằng, một số lò luyện thi đã ra giá 30, 40, 50 triệu đồng gì đó và sẽ đảm bảo thi đỗ, nếu không đỗ thì không lấy tiền. Nhưng không phải đó là cái giá của đường dây “chạy” điểm. Thực tế, trong các “lò” ấy sẽ có một vài trường hợp vào được trường theo đúng khả năng của mình và những học sinh có khả năng ấy bị mất tiền oan, còn bên luyện thi dễ dàng kiếm vài trăm triệu một cách bất chính như thế.

 

Nhiều thầy cô giáo Khoa Âm nhạc của trường là những ca sĩ có tiếng. Ảnh: Y.T

“Nóng tính và quyết liệt” – điều này rất gần với chuyên quyền...

- Tôi có nguyên tắc làm việc rất rõ ràng, nhưng nguyên tắc ấy không độc đoán mà được bàn bạc dân chủ. Tôi sẵn sàng là một người tháng này nói thế này, tháng sau nói thế khác về nguyên tắc làm việc, miễn sao việc thay đổi đó của tôi được tập thể chấp nhận và có lợi cho sự phát triển chung của nhà trường. Tôi dám chịu trách nhiệm.

Nhìn vào “trích ngang” của nhà trường, thấy rằng chất lượng đội ngũ giảng viên khá đáng nể. Theo ông, với chất lượng giảng viên như thế, kết quả học tập của sinh viên có được nâng cao?

- Đào tạo của mình bây giờ, nếu hội nhập thế giới phải có tiêu chuẩn khác. Tôi có ấn tượng không tốt lắm về một số sinh viên hiện nay, họ rất thiếu niềm đam mê trong học tập. Có thể vì bây giờ có nhiều niềm vui quá, làm sao nhãng việc học tập. Thế hệ chúng tôi, đã chọn học nhạc thì sẽ coi âm nhạc gần như một tôn giáo. Sinh viên trường nghệ thuật có nhược điểm là ngoại ngữ kém, có rất nhiều chương trình đi đào tạo ở nước ngoài, đã hạ điểm chuẩn xuống rồi mà đôi khi không lấy được người nào.

Tại các trường đại học ở VN, một số sinh viên học chỉ để qua được các kỳ thi chứ không phải học cho chính mình. Đối với nghệ thuật mà học với tâm thế như thế thì rất khó, và không bao giờ giỏi được. Tuy nhiên, rõ ràng là nếu muốn có những bài giảng thuyết phục thì dứt khoát “thầy phải ra thầy, trò phải ra trò”. Đó là lý do tôi quyết tâm nâng chất lượng của giảng viên lên 100% ở trình độ sau đại học trong thời gian tới.

Mục đích của trường là đào tạo giáo viên tại các trường phổ thông và các cơ sở đào tạo nghệ thuật ở khắp cả nước. Với tình hình học tập như thế, cho dù của một số sinh viên, thì liệu chúng ta có hy vọng về những người “thầy ra thầy”?

- Mỗi trường có một tiêu chí riêng và những người không đạt tiêu chuẩn thì bắt buộc phải tự tìm một công việc khác. Xã hội bây giờ không phải phân công như ngày xưa nữa mà phải đủ trình độ thì mới tìm được việc làm, tạo được chỗ đứng. Còn nếu không thì tự đào thải.

Theo quan sát của ông, có nhiều người được làm theo nghề đã được đào tạo?

- Phần nhiều là làm đúng nghề vì nếu so với những yêu cầu mà đáng lẽ họ có thể đạt được thì có vẻ họ còn kém, nhưng so với yêu cầu chung thì chất lượng giảng dạy của họ là thừa tiêu chuẩn. Ngày xưa chỉ cần tốt nghiệp trung học nghệ thuật là có thể đi giảng dạy được rồi.

Tôi cứ nghĩ, làm giáo viên – lại là giáo viên dạy nhạc, họa không phải là mục đích chính của các cử nhân ĐHSP Nghệ thuật...

- Làm giáo viên nghệ thuật cũng giống như tất cả các nghề khác: Tài năng anh ở chỗ nào thì anh kiếm tiền ở chỗ ấy. Hiện giờ trường tôi cũng có rất nhiều nghệ sĩ, ca sĩ thuộc hàng “sao”. Họ vẫn vừa đi dạy học, vừa đi biểu diễn, kiếm tiền khá tốt.

Công việc làm quản lý, giảng dạy có “tước” mất của ông niềm đam mê làm khoa học?

- Hướng dẫn sinh viên làm luận văn tốt nghiệp, nghiên cứu sinh là công việc thường xuyên. Buổi tối vẫn là thời gian tôi làm nghiên cứu khoa học. Được làm công việc mình yêu thích với tất cả niềm đam mê, sáng tạo – tôi coi đó là hạnh phúc. Vừa rồi, dự án “Đưa dân ca vào các trường phổ thông” do tôi làm chủ nhiệm đã được bảo vệ thành công xuất sắc trước Hội đồng khoa học của Bộ GD&ĐT. Trong quá trình làm dự án, qua khảo sát, tôi thấy rất buồn vì quá ít người trẻ biết đến dân ca, trong khi dân ca là một trong những nét văn hóa cội nguồn của dân tộc.

Ở ta, rất nhiều dự án khoa học sau khi hoàn thành đã được cất vào... kho. Còn dự án này, liệu có chung số phận, thưa ông?

- Chúng tôi đang đưa vào trường học ở từng vùng, tập huấn cho giáo viên và nhân rộng. Nếu có tiền, chúng tôi sẽ tiến hành đồng bộ. Tôi tin rằng, đã là người Việt thì văn hóa Việt vẫn nằm trong huyết quản mỗi người, chỉ có chúng ta làm cho nó bị lãng quên đi thôi.

Nhưng theo tôi, đã đưa vào trường thì phải có hệ thống, có giáo trình và phải được coi như một môn học bắt buộc thì mới có hiệu quả. Được biết, hiện Trung tâm Phát triển, Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc cùng Bộ VHTTDL. Bộ GD&ĐT cũng đang thực hiện một dự án “Đưa nghệ thuật cổ truyền vào trong trường học”, nhưng dự án này cũng không mấy hiệu quả do cách thức tiến hành cũng chỉ là “thời vụ”...

- Đó là hạn chế ở ta hiện nay. Những bộ môn nghệ thuật như âm nhạc, mỹ thuật đều có ở trường phổ thông nhưng các em chỉ được học như môn phụ và chỉ yêu cầu mỗi thứ biết một ít. Để giải quyết vấn đề này phải có định hướng ở tầm quốc gia, phải có một hội đồng gồm các chuyên gia hàng đầu am hiểu về lĩnh vực này và quan trọng nhất là phải có tâm với sự nghiệp này.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

 

Kim Anh (thực hiện)

Theo laodong.com.vn