Tin tức – Sự kiện

Tác giả sách giải thích Hai Bà Trưng đánh giặc nào

09 Tháng Chín 2012

Sau khi bài viết 'Hai Bà Trưng đánh giặc nào' được đăng tải, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Chủ biên Sách Giáo khoa Tiếng Việt lớp 3 đã gửi tới VietNamNet bài viết: "Về bài tập đọc "Hai Bà Trưng": Đừng suy diễn, nặng lời". Dưới đây là nội dung bài viết.

 


VietNamNet ngày 4/9/2012 có đăng bài của một bạn đọc ký tên Trần Cao Duyên chỉ trích nặng nề SGK “Tiếng Việt 3, tập hai” trong bài tập đọc Hai Bà Trưng “không hề dám nửa lời chỉ đích danh bọn xâm lược là giặc Hán (Trung Quốc)”. Vậy, sự thật như thế nào?

Chỉ cần giở thêm vài trang quyển “Tiếng Việt 3, tập hai” đã có thể thấy nhận xét của bạn Trần Cao Duyên có thật khách quan không và có đúng là tác giả SGK không dám gọi tên các loại giặc từ nước láng giềng phương Bắc ra không (thời phong kiến nước này chưa có tên gọi là Trung Quốc).

Sau bài “Hai Bà Trưng” đúng 6 trang, bài chính tả "Trần Bình Trọng" ở trang 11 mở đầu: "Năm 1285, giặc Nguyên sang cướp nước ta". Đến trang 17, bài tập "Lê Lai cứu chúa" lại viết: "Giặc Minh xâm chiếm nước ta".

Cũng ở trang 17 còn có một bài tập yêu cầu học sinh nói về một vị anh hùng có công lao to lớn trong sự nghiệp bảo vệ đất nước mà các em biết, trong đó có nêu tên các danh nhân Trưng Trắc, Trưng Nhị, Triệu Thị Trinh, Lý Bí (Lý Nam Đế), Triệu Quang Phục (Triệu Việt Vương), Phùng Hưng, Ngô Quyền, Lê Hoàn (Lê Đại Hành), Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn (Trần Hưng Đạo), Lê Lợi, Nguyễn Huệ (Quang Trung), Hồ Chí Minh. Mười hai trong mười ba vị được nhắc tên là những anh hùng trong các cuộc chiến tranh chống quân xâm lược phương Bắc.

Như vậy, đâu có phải tác giả sợ, không dám hé răng gọi đến tên bọn xâm lược!

Còn bài “Hai Bà Trưng” trong SGK “Tiếng Việt 3, tập hai” chỉ là một truyện kể. Nó có tên các nhân vật lịch sử: bên ta là hai Bà Trưng Trắc, Trưng Nhị, bên địch là Tô Định - không phải một kẻ vô danh tiểu tốt mà là một viên thái thú có tên trong sử sách Việt Nam, Trung Hoa. Nhưng môn Tiếng Việt không phải môn Lịch sử. Không nhất thiết lúc nào truyện kể hay thơ cũng phải kể thật đủ tên giặc nọ giặc kia, nhất là đối với học sinh lớp 3 (mới 8, 9 tuổi). Thời các con tôi học tiểu học vào những năm 80 của thế kỷ trước, SGK của các cháu vẫn trích 10 dòng thơ “Đại Nam quốc sử diễn ca” về Hai Bà Trưng làm bài tập đọc:

“Bà Trưng quê ở Châu Phong

Giận người tham bạo, thù chồng chẳng quên

Chị em nặng một lời nguyền

Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân

Ngàn tây nổi áng phong trần

Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên

Hồng quần nhẹ bước chinh yên

Đuổi ngay Tô Định, dẹp yên biên thành

Kinh kỳ đóng cõi Mê Linh

Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta.”


Ai cũng biết sau 10 dòng này còn 10 dòng nữa, trong đó có những dòng chỉ đích danh nhà Hán: “Uy danh động tới Bắc phương/Hán sai Mã Viện lên đường tấn công” nhưng SGK không dạy, có lẽ vì bài đã dài mà ý cũng đã đủ.

Lúc các con tôi học tiểu học, cuộc chiến tranh chống quân Trung Quốc xâm lược ở biên giới phía Bắc vừa kết thúc, nhân dân ta vừa phải khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa phải chống chọi với bao khó khăn của thời cấm vận. Nhưng không hề có ai vì căm thù quân xâm lược mà cực đoan đến mức lên án SGK chỉ dạy cho các cháu bé có 10 dòng thơ đầu.

Các cháu còn nhỏ, đường học còn dài. Những bài học đầu tiên chỉ gieo những hạt đầu tiên. Điều chưa biết ở môn này, lớp này, đến môn khác, lớp khác sẽ được học. Ví dụ, về Hai Bà Trưng, chỉ sau 1 năm, SGK “Lịch sử và Địa lý lớp 4” sẽ dạy các cháu đầy đủ hơn: “Đầu thế kỉ I, nước ta bị nhà Hán đô hộ. Thái thú quận Giao Chỉ là Tô Định nổi tiếng tham lam, tàn bạo.” Còn đối với những cháu sớm hiểu biết, không đợi đến lớp 4 được thì thầy cô, cha mẹ, ông bà hoàn toàn có thể giải thích cho các cháu, thậm chí các cháu cũng có thể chủ động tìm kiếm thông tin trên mạng hay trong sách vở về thời kỳ này.

Việc bài tập đọc Hai Bà Trưng trong sách “Tiếng Việt lớp 3” nêu hay không nêu tên nhà Hán là chuyện nhỏ. Không nên vội thêu dệt thành những chuyện sai lạc với bản chất của sự việc.

Theo vietnamnet.vn