Tin tức – Sự kiện

Nhà văn Lê Lựu khóc nức nở khi ông lão 87 tuổi bị con đẩy ra vỉa hè

16 Tháng Chín 2012
"Cụ Nhân bị con ruột mang vứt nằm nơi vỉa hè, con dâu “cấm cửa” không cho vào nhà. Còn con trai tôi thì sẵn sàng kí vào giấy từ bố chỉ vì muốn bố bán nhà. 5 năm nay, nó bặt tin tức, không một lời hỏi thăm, quan tâm tới bố… Người già chúng tôi như trẻ con ấy, cần được yêu thương và đối xử nhân đức hơn. Tiền bạc không có, sức khỏe yếu đuối, trí tuệ không còn. Buồn lắm!”.

 

LTS: Nhà văn Lê Lựu, tác giả của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Thời xa vắng” từng làm rung động hàng triệu trái tim độc giả đã có những chia sẻ cùng Báo Giáo dục Việt Nam xung quanh sự việc cụ ông Ngô Vi Nhân (87 tuổi) bị hai cô con gái ruột và cháu rể để lại vỉa hè ngay sau khi xuất viện, con dâu “cấm cửa” không cho vào nhà phải nằm phơi nắng, phơi mưa hơn 10 tiếng đồng hồ trên vỉa hè phố Núi Trúc – Ba Đình – Hà Nội đang gây xôn xao dư luận.

Nhà văn Lê Lựu

Cận cảnh con gái, cháu rể trải chiếu đẩy ông lão 87 tuổi ra vỉa hè
Cụ ông 87 tuổi bị đẩy ra đường: Lộ cảnh cháu nội canh cửa
Những hình ảnh "lạnh người" vụ cụ ông 87 tuổi bị con vứt ra đường

"Không có bất cứ lý do nào có thể biện minh"

“Thấy chuyện của người lại nghĩ đến chuyện mình, nhưng biết giận ai, trách ai bây giờ? Nếu trách chỉ nên trách cuộc đời này nhiều thói bạc bẽo, oái ăm. Nếu buồn chỉ buồn vì tình người không đủ lớn, đạo đức, luân thường đạo lí bị đảo lộn, tha hóa, xuống cấp. Cuộc đời này còn biết bao gia đình tan nát, còn biết bao người cha, người mẹ cả đời hy sinh vì con cái nhưng đến cuối đời nhận về sự đối xử lạnh lùng, tàn ác như thế?... Nhìn cụ Nhân nằm đó mà chua chát, mà căm phẫn và nhói đau…”, nhà văn Lê Lựu mở đầu những chia sẻ của mình.

Nhìn những bức ảnh cụ ông Ngô Vi Nhân bị con cái vứt nằm trên vỉa hè phố Núi Trúc, đọc lời thanh minh của những người con gái, con dâu cho hành động vứt bỏ, cấm cửa bố, nhà văn Lê Lựu đã không cầm được nước mắt và sự kích động. Ông đã khóc lên nức nở vì đồng cảm, thương xót với hoàn cảnh của cụ Nhân. Bức xúc, phẫn nộ vì những người con không trọn đạo làm con, làm người…

“Chua xót quá! Trong lúc xã hội người ta sẵn sàng nhường cơm sẻ áo, nhường quả thận, cho lá gan, quả tim cho nhau thì một bộ phận không nhỏ những người làm con lại hành hạ, ngược đãi cha mẹ mình. Tôi rất phẫn nộ, khinh thường với những hạng con cái như thế! Họ đã nỡ đối xử thất đức với chính người bố đẻ ra mình thì sẽ không bao giờ còn biết yêu quý, trân trọng và đối xử tốt được với ai nữa.

Không có bất cứ một lí do gì để ngụy biện được cho những hành vi ấy. Với tôi, con cái bạc đãi bố mẹ già không những thiếu tư cách mà còn là vô đạo đức. Họ sẽ không bao giờ là những con người tốt và đáng được trân trọng trong cuộc sống này…”, nhà văn Lê Lựu bức xúc.

Nhà văn Lê Lựu cho rằng, cuộc sống rất công bằng, gieo nhân nào sẽ gặp quả đấy, luật nhân quả sẽ ứng nghiệm rất nhanh.

Ông khẳng định: “Những người con của cụ Nhân sẽ nhận lãnh quả báo nhãn tiền ngay thôi. Họ đối xử bạc với bố mẹ thì con cái họ sau này cũng sẽ đối xử lại với họ như thế, không đợi đến lúc họ già cả, yếu ốm đâu. Khi bố mẹ không làm được gương thì con cái không thể tôn trọng được bố mẹ. Họ sẽ chỉ là những cái mặt thớt, mặt mo với chính con cái của mình…”.

Thấy chuyện của người lại tủi cái phận mình…

Theo nhà văn, hành động vứt bỏ cha già nơi vỉa hè không chỉ khiến dư luận bức xúc mà còn khiến xã hội mang tiếng, ảnh hưởng thuần phong mỹ tục của dân tộc.

“Tháng 7 là tháng Vu Lan, người người hướng về cha, về mẹ. Thế nhưng, thay vì báo đáp công ơn sinh thành với bố, họ lại hành hạ bố, vứt bỏ bố nơi vỉa hè. Không có bất cứ một lí do nào có thể ngụy biện cho hành động này của hai người con gái và cậu cháu rể. Việc người con dâu vì lí do gì không mở cửa cho bố vào nhà để ông cụ nằm hơn 10 tiếng đồng hồ phơi nắng, phơi mưa như thế cũng khó lòng thông cảm. Tất cả những hành động này đi ngược lại với truyền thống đạo đức của dân tộc.

Không bao giờ xã hội có thể chấp nhận những dạng người như thế. Một con người sống ở đời, không trọn đạo làm con thì sẽ không làm được bất cứ một việc gì với xã hội. Những dạng người này tồn tại chỉ làm nhục cho xã hội, cho địa phương. Tôi khinh bỉ những người con của ông cụ. Họ đã không đáng đạo làm con, đạo làm người. Những loại người này, nếu giặc có đến thì chỉ có mất nước. Bố mẹ có yêu đâu mà yêu tổ quốc.

Chắc chắn họ không bao giờ yêu ai, dám hy sinh vì ai. Yêu gia đình, quê hương, đất nước thì lại càng không. Họ chỉ biết yêu chính bản thân họ, đẩy đi cái trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng của một người con với bố mẹ,” nhà văn Lê Lựu chua chát.

"Một con người sống ở đời, không trọn đạo làm con thì sẽ không làm được bất cứ một việc gì với xã hội. Những dạng người này tồn tại chỉ làm nhục cho xã hội, cho địa phương" - Nhà văn Lê Lựu nói.

Cận cảnh con gái, cháu rể trải chiếu đẩy ông lão 87 tuổi ra vỉa hè
Cụ ông 87 tuổi bị đẩy ra đường: Lộ cảnh cháu nội canh cửa
Những hình ảnh "lạnh người" vụ cụ ông 87 tuổi bị con vứt ra đường

Nói về nỗi buồn và bi kịch lớn nhất của người già, nhà văn Lê lựu chia sẻ: “Nỗi buồn lớn nhất của người già là bị con cái rời xa, coi thường, trốn tránh trách nhiệm. Những người làm bố, làm mẹ như chúng tôi đâu có quản ngại vất vả, cả đời chỉ biết hy sinh vì con cái, làm tất cả những gì tốt đẹp nhất cho con. Thế nhưng, cuối đời chúng tôi nhận về cái gì?

Cụ Nhân bị con ruột mang vứt nằm nơi vỉa hè, con dâu “cấm cửa” không cho vào nhà. Con trai tôi sẵn sàng kí vào giấy từ bố chỉ vì muốn bố bán nhà. 5 năm nay, nó bặt tin tức, không một lời hỏi thăm, quan tâm tới bố…

Người già chúng tôi như trẻ con ấy, cần được yêu thương và đối xử nhân đức hơn. Tiền bạc không có, sức khỏe yếu đuối, trí tuệ không còn. Buồn lắm!”.

Bài học vỡ lòng đầu tiên phải dạy trẻ biết hiếu nghĩa

Nói về lí do của sự xuống cấp đạo đức này, nhà văn nhấn mạnh: “Mọi thứ được bắt nguồn từ sự giải phóng thái quá, tự do thái quá, bình đẳng một cách quá trớn. Sự nghiêm túc, khuôn phép, quy củ trong gia đình đã không còn được đảm bảo như ngày xưa. Xã hội càng tiến lên bao nhiêu thì đạo đức con người ngày càng đi xuống bấy nhiêu.

Ông cũng khẳng định: “Ai sống ở đời cũng có thể mắc sai lầm. Thế nhưng, mỗi người chỉ sống có một lần duy nhất trên cuộc đời này. Phật đã răn, “tội lớn nhất của con người là tội bất hiếu”. Đừng bao giờ để bản thân phạm vào cái tội lỗi lớn nhất, không thể tha thứ và để lại tiếng xấu muôn đời ấy. Đó là điều tôi muốn nhấn mạnh qua sự việc này…”.

Nhà văn Lê Lựu cũng nhấn mạnh rằng, bất hạnh lớn nhất của mỗi gia đình là ông không được coi là ông, cha không được coi là cha, con không đáng phận làm con, cháu không trọn đạo làm cháu… Tất cả những sự bát nháo, sự tha hóa, sự đảo lộn này là bi kịch. Xã hội này cần có luật pháp để tồn tại và phát triển. Mỗi gia đình cũng cần có những luật lệ để quy chiếu, kiểm soát hành vi, thái độ sống của từng cá nhân. Những bài học vỡ lòng đầu tiên đã phải dạy trẻ bài học đạo đức hiếu nghĩa với cha mẹ, hòa thuận với anh em trong gia đình như thế nào…

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!

                                                                                                                                                                                 Theo giaoduc.net.vn