Tin tức – Sự kiện

Hợp xướng: Một nghệ thuật cổ hồi sinh

18 Tháng Giêng 2013

Vào ngày 10/1/2011, tại Nhà hát Tp. HCM, một liên hoan hợp xướng mang chủ đề “Những bài ca dâng Đảng” đã được tổ chức long trọng do sự phối hợp giữa Bộ VH-TT-DL, Bộ GD-ĐT và UBND TPHCM. Trong liên hoan đó có sự tham gia đặc biệt của ban hợp xướng Nhà Thiếu nhi Thành phố, một đơn vị đã từng tham gia các liên hoan hợp xướng quốc tế do Tổ chức Liên Minh Văn Hóa INTERKULTUR (Đức) thực hiện tại Nga, Trung Quốc.

Và từ ngày 15 đến 18/3/2011 INTERKULTUR sẽ phối hợp với Việt Nam để tổ chức một sự kiện mang tên “Liên hoan và Hội thi Hợp xướng Quốc tế Việt Nam - Hội An”. Đây là lần đầu tiên có một cuộc thi hợp xướng uy tín quốc tế được diễn ra tại Việt Nam. Nhân các sự kiện đó chúng ta cùng tìm hiểu về loại hình nghệ thuật này.

Hợp xướng –  một nghệ thuật cổ xưa

Về tên gọi của một tập thể những ngươì cùng hát chung một tác phẩm chúng ta thường thấy có những tên gọi khác nhau: tốp ca, hợp ca và hợp xướng. Sự phân biệt này căn cứ trên số lượng thành viên, có chỉ huy hay không và có lĩnh xướng hay không. Thật ra, sự phân biệt như vậy chỉ là thói quen mang tính chủ quan và địa phương tính. Trong các kỳ thi quốc tế về nghệ thuật hợp xướng, không có sự phân biệt thành 3loại như vậy. Theo định nghĩa mang tính quốc tế, hợp xướng là một nhóm nhạc (musical ensemble) gồm các ca sĩ trình diễn chung với nhau. Người ta thường dùng thuật ngữ choir để gọi một ban hợp xướng (BHX) hát trong nhà thờ (ở Việt Nam thường dùng từ ca đoàn), đối với BHX trình diễn trong các nhà hát (hay những nơi khác, bên ngoài nhà thờ) người ta gọi là chorus. Tuy nhiên hai tên gọi này cũng không phải là tuyệt đối bởi có những hợp xướng mà hoạt động của họ diễn ra ở cả hai nơi.

Hợp xướng có lịch sử rất cổ xưa. Người Hy Lạp Cổ đại đã biết dùng hợp xướng để hát đệm cho những động tác trình diễn trên sân khấu. Loại âm nhạc được ký âm đầu tiên của Tây Âu là nhạc Gregorian . Loại âm nhạc này cùng với một số thể loại ca khúc khác đã thống trị âm nhạc nhà thờ Công giáo từ đầu thời Trung Đại  và người ta đã dùng những bài hát Bình ca để đệm cho các động tác phụng vụ tôn giáo. Từ đó phát triển nên truyền thống của một BHX hát loại nhạc không nhạc đệm trong nhà thờ, nên được gọi là nhạc A cappella. Kiểu hát hợp xướng A cappella kéo dài từ giữa thế kỷ IV (với Thánh Ambrosio), TK VI (với ĐGH Gregorio I) đến tận cuối thời Trung Đại. Lúc này xuất hiện một loại hát hợp xướng mới, có nhiều bè giai điệu cách nhau những khoảng nhất định gọi là hát theo lối “organum”. Sau đó, organum được phát triển thành clausulae, conductus và motet. Đó là những hình thức hợp xướng thống trị âm nhạc thời kỳ Phục hưng . Trong thời kỳ này nhạc hợp xướng là chủ đạo trong Thánh ca phụng vụ của các nhà thờ ở Tây Âu. Nhiều nhà soạn nhạc vĩ đại đã viết hàng trăm, hàng ngàn những Bộ lễ (mass), Motet cùng các thể loại khác cho hợp xướng, đa phần là không nhạc đệm. Những tên tuổi đem lại hào quang cho âm nhạc hợp xướng đa âm Phục Hưng như: Guillaume de Machaut, Josquin des Prez, Giovanni da Palestrina, Orlando di Lasso, Tomás Luis da Vittoria, và William Byrd.

Đến thời Baroque (1600 - 1750), một trong những nhà soạn nhạc lớn đầu tiên viết cho hợp xướng là Claudio Monteverdi . Cùng với Heinrich Schuetz  ông đã cho thấy âm nhạc có thể hỗ trợ và tăng cường cho các thông điệp của ca từ, công việc mà Palestrina đã làm ở nhiều thế hệ trước. Cả hai nhà soạn nhạc này đều có khối lượng sáng tác lớn cho hợp xướng a cappella cũng như có nhạc đệm. Gần một thế kỷ sau, Johann Sebastian Bach đã xuất hiện như một nhà soạn nhạc ưu tú đã sáng tác một khối lượng đồ sộ các tác phẩm hợp xướng thánh nhạc thuộc các thể loại cantata, motet và passion cũng như các thể loại nhạc khác. Ông còn nổi tiếng với các bản hợp xướng mang hình thức chorale, qua đó,ảnh hưởng của ông rất mạnh mẽ đến việc phát triển hòa âm cổ điển. Có thể nói đến lúc này, âm nhạc hợp xướng đã bước vào thời hoàng kim.

Các nhà soạn nhạc thời kỳ Kinh điển (Classic) cuối TK. XVIII bắt đầu say mê với những khả năng diễn đạt mới của âm nhạc giao hưởng và khí nhạc khác, nên phần đông đều quay lưng lại với âm nhạc hợp xướng. Haydn chỉ tìm thấy hứng thú với nhạc hợp xướng trong những năm cuối đời sau khi đã bị các oratorio của Haendel chinh phục để có các oratorio “Các mùa” (Seasons), “Sự Sáng thế” (Creation) Nhạc hợp xướng đã không là một đặc trưng của âm nhạc Mozart, trừ một vài tác phẩm ngoại lệ như Bộ Lễ “Lớn” giọng Đô thứ và bộ Lễ “Cầu Hồn” (Requiem). Beethoven chỉ viết có hai bộ Lễ và phần hợp xướng cho giao hưởng số 9. Ông đã được coi là người tiên phong trong việc dùng hợp xướng vào nhạc giao hưởng.

Sang Tk. XIX, thánh nhạc chạy ra khỏi nhà thờ để xuất hiện trên các sân khấu thế tục. Có những tác phẩm hợp xướng lớn (với phần dàn nhạc lớn) mang nội dung tôn giáo nhưng lại không thích hợp cho việc biểu diễn ở nhà thờ như “Ngài là Thiên Chúa” (Te Deum) và “Bộ Lễ Cầu hồn” (Requiem) của Berlioz, Bộ “Lễ Cầu hồn Đức” (Ein deutsches Requiem) của Brahms, “Mẹ đứng đó” (Stabat Mater) của Rossini, các bộ Lễ của Shubert và Verdi. Cũng có một số tác giả phát triển loại nhạc hợp xướng a cappella theo một hướng mới như Mendelssohn, Brahms và Bruckner.

Đến Tk. XX có thể nói âm nhạc hợp xướng tiếp tục thoái trào. Trong khi chỉ một vài tác giả lớn hướng vào nhạc hợp xướng thì đa số các nhà soạn nhạc tiêu biểu đều nghiêng về khí nhạc. Ngoại trừ một số ít tác phẩm hợp xướng nổi tiếng như Bộ “Lễ Cầu  Hồn Chiến Tranh” (War Requiem) của Benjamin Britten, Các motets Giáng sinh và bộ Lễ giọng Sol trưởng của Francis Poulenc, Carmina Burana của Carl Off (đã trình diễn tại Hà Nội năm tháng 10/2003 do dàn hợp xướng Frankfurt của Đức thực hiện).

Nếu phân chia theo loại giọng hát, chúng ta có các loại hợp xướng:

* Hợp xướng hỗn hợp

Còn gọi là hợp xướng dị giọng với sự có mặt của các giọng nam và nữ. Đây có lẽ là loại hợp xướng thường gặp nhất với 4 bè giọng căn bản: Soprano , Alto, Tenor và Bass, ký hiệu: SATB. Có khi, bè Bass được chia thành loại âm vực cao và thấp. Lúc đó bè Bass âm vực cao được gọi là giọng Baritone, ký hiệu: Bar. Hoặc có khi người ta chọn ra một số giọng nam đặc biệt để lúc thì đảm nhiệm bè Tenor, lúc thì bè Bass. Loại giọng này cũng được gọi là Baritone.

* Hợp xướng giọng Nam

Không có nghĩa là hợp xướng chỉ có 2 bè: Tenore và Basso. Có thể hợp xướng này vẫn dùng các tác phẩm cho 4 bè SATB, nhưng trong đó các giọng Nam (thiếu niên, con trai) sẽ hát bè Nữ cao - người ta gọi là giọng treble hay giọng soprano thiếu niên và giọng Nam hát bè Nữ trầm – được gọi là giọng countertenor. Nếu hợp xướng này chỉ gồm 2 giọng Tenor và Bass, người ta ký hiệu: TB hoặc TTBB.

* Hợp xướng giọng Nữ

Thường gồm 2 loại giọng: soprano và alto. Có thể mỗi giọng chia thành 2 bè, ký hiệu: SSAA.

Nếu dựa trên tiêu chuẩn loại âm nhạc mà hợp xướng chọn để biểu diễn, chúng ta có các loại hợp xướng như sau:

* Hợp xướng giao hưởng: Là loại hợp xướng có nhiều hơn 3 bè và trình diễn những tác phẩm có nhiều chương. Hợp xướng giao hưởng có thể được đệm bằng dàn nhạc đầy đủ hoặc không có nhạc đệm. Với những yêu cầu nghệ thuật của tổng phổ loại nhạc này nên các thành viên hợp xướng thường phải có chất lượng giọng đạt tiêu chuẩn, có khả năng thị xướng tổng phổ, giọng của họ phải hòa với nhau thành một một khối (một điều ít gặp được trong các hợp xướng không chuyên hoặc các hợp xướng được hình thành từ các ca sĩ đơn lẻ). Không phải vô lý khi có người cho rằng hợp xướng mà các thành viên là những “ngôi sao” ca nhạc thường là một hợp xướng kém.

* Hợp xướng jazz

* Hợp xướng thính phòng

Trong âm nhạc thính phòng, người ta có thể sử dụng các nhóm nhạc công hay các nhóm ca sĩ. Lúc đó, chúng ta có loại hợp xướng thính phòng. Một BHX này thường gồm từ 20 – 40 ca sĩ thành viên.

* Hợp xướng show

Là loại hợp xướng mà trong đó các thành viên vừa hát vừa làm các động tác vũ đạo, thậm chí là các màn múa cụ thể để diễn tả một nội dung nào đó. Loại hợp xướng này giống như các musicals .

Về liên hoan và hội thi hợp xướng quốc tế của tổ chức “INTERKULTUR”

INTERKULTUR (của Đức) là một tổ chức dấn thân vào mục đích nối kết các dân tộc, các nền văn hóa, ý thức hệ khác nhau trên thế giới thông qua hoạt động biểu diễn, thi thố tài năng trong lãnh vực nghệ thuật hợp xướng. Guenter Titsch là người sáng lập ra tổ chức này và có công chuẩn bị cho Cuộc thi Hợp xướng Quốc tế Lần thứ I diễn ra tại Budapest vào năm 1988. Ông đã thành công khi dùng nghệ thuật hợp xướng làm cầu nối giữa các dân tộc. Chỉ trong một thời gian ngắn INTERKULTUR đã trở thành một địa chỉ đáng tin cậy cho các sự kiện âm nhạc lớn mang tính toàn cầu, cho các loại hình biểu diễn theo nhóm (ensemble) từ hợp xướng đến nhóm nhạc và nhóm dân vũ. Từ INTERKULTUR đã ra đời “Hội Đồng Hợp Xướng Thế Giới”, một kiểu “Liên Hiệp Quốc” về hát hợp xướng. Tổ chức này đại diện không dưới 120.000 ban hợp xướng với 4.800.000 hợp xướng viên từ trên 70 quốc gia. Việt Nam cũng là thành viên của tổ chức này với người đại diện là Nhạc trưởng Phạm Hồng Hải, Phó Giám đốc Nhà Hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam.

70% thành viên tham dự Liên hoan Hợp xướng Thế giới (World Choir Games) vừa qua có tuổi đời dưới 27. Không còn nghi ngờ gì nữa, nghệ thuật hợp xướng, một trong những loại hình nghệ thuật cổ xưa nhất của nhân loại đang dần hồi sinh. Tính cho đến nay, trong Top 10 thế giới về hợp xướng do Interkultur sắp hạng có một đại diện của Trung quốc. Và, trong số Top 1000 hợp xướng thế giới có không dưới 50 ban hợp xướng của Trung quốc, ngoài ra còn có nhiều đại diện châu Á như Thái Lan, Nhật, Hàn quốc, Malaysia, Singapore, Indonesia nhưng không có được 1 ban hợp xướng Việt Nam. Chúng ta nghĩ sao?

 

Theo songnhac.vn