Tin tức – Sự kiện

Kiến nghị những thay đổi trong mùa tuyển sinh 2013

22 Tháng Giêng 2013

Các trường thuộc khối văn hóa-nghệ thuật được giao thí điểm tuyển sinh riêng; học sinh tham gia tập huấn đội tuyển dự thi Olympic khu vực và quốc tế, học sinh đoạt giải hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật quốc tế được tuyển thẳng vào đại học; rút ngắn, thời gian xét tuyển; sinh viên muốn học liên thông phải đủ 36 tháng kể từ khi cấp bằng... là những vấn đề mới trong mùa tuyển sinh 2013 được các đại biểu thảo luận trong Hội nghị thi và tuyển sinh năm 2013 do Bộ GD và ĐT tổ chức, chiều 22-1, tại Hà Nội.

Bộ thừa nhận yếu kém

Đánh giá kết quả kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012, bên cạnh những kết quả tích cực được nhiều trường ủng hộ như: Bổ sung khối thi A1, bổ sung cụm thi Hải Phòng nhằm giảm tải áp lực về địa điểm thi; là năm đầu tiên cho phép thí sinh có hộ khẩu thường trú tại 4 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có nguyện vọng vào học các trường đóng tại thành phố Hồ Chí Minh được dự thi tại cụm thi Vinh, đã giúp cho hơn 12.000 thí sinh các tỉnh này không phải vào thành phố Hồ Chí Minh dự thi, giảm được chi phí đi lại, ăn ở của thí sinh, giảm khó khăn về địa điểm thi của các trường tại Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời giảm ùn tắc giao thông tại thành phố Hồ Chí Minh trong những ngày thi… thì đây là lần đầu tiên Bộ GD và ĐT thẳng thắn và công khai thừa nhận những hạn chế, yếu kém của kỳ thi.

 

Bộ trưởng Bộ GD và ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng ngành GD cần đối diện với những thực tế phát sinh

 

Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ GD và ĐT, Ngô Kim Khôi nêu: Kết quả thanh tra công tác coi thi cho thấy, tại một số Hội đồng tuyển sinh cơ sở vật chất không đảm bảo, phòng thi chật hẹp, không đúng quy định về khoảng cách giữa hai thí sinh, bố trí nhiều hơn 40 thí sinh/1 phòng thi; sắp xếp số báo danh của thí sinh không theo thứ tự A, B, C,...; không lập danh sách ảnh phòng thi theo quy định; nghiệp vụ coi thi của mọt số cán bộ còn hạn chế, không thực hiện đúng quy trình ký giấy thi, giấy nháp, không thực hiện đánh số báo danh do Trưởng điểm thi quy định...

Kết quả chấm thẩm định 1.405 bài thi các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý của một số trường cho thấy, công tác chấm thi của các trường có sai sót, chưa nghiêm túc, không chấm 2 vòng độc lập theo quy định, có biểu hiện đánh dấu bài... ông Ngô Kim Khôi thừa nhận.

Một số trường không còn đủ năng lực để tuyển sinh, nhưng vẫn xác định và đề xuất chỉ tiêu tuyển mới năm 2012. Kết quả thanh tra 30 trường ĐH, CĐ trên cả nước (16 trường công lập, 14 trường ngoài công lập), cho thấy: 5 trường không đạt cả 2 tiêu chí về giảng viên cơ hữu quy đổi và diện tích sàn xây dựng; 13 trường không đạt tiêu chí về đội ngũ giảng viên; 5 trường xác định chỉ tiêu khi không còn năng lực tuyển sinh; 16 trường xác định chỉ tiêu cao hơn năng lực thực tế…

Những thay đổi không nhận được ủng hộ

Kéo dài thời gian xét tuyển, cho phép thí sinh mang thiết bị gắn linh kiện điện tử nhằm tố cáo tiêu cực vào phòng thi, thí sinh dự thi liên thông phải dự thi các môn văn hóa hoặc năng khiếu trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy… là vấn đề mà nhiều đại biểu không đồng tình với quyết định của Bộ.

Việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường trong công tác xét tuyển, kéo dài thời hạn xét tuyển đến hết ngày 30-11-2012 đã phát sinh những bất cập, đó là: Một số trường còn lúng túng, bị động khi được giao tự chủ; một số trường thông báo thời hạn nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển quá ngắn... đã gây không ít khó khăn và bức xúc cho thí sinh, nhất là thí sinh vùng cao, vùng xa...

Tổng hợp 12 ý kiến ở đầu cầu Hà Nội, ông Nguyễn Cảnh Lương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội kết luận: Nhiều ý kiến trao đổi đều liên quan đến việc đề nghị không cho phép thí sinh mang thiết bị quay phim vào phòng thi, mà nên quay về như các quy chế từ năm 2011 về trước bởi các trường gặp nhiều khó khăn trong việc thẩm định các phương tiện này, trừ các tường khối nghẹ thuật được phép sử dụng ghi hình với mục đích chấm phúc tra sau này.

Về vấn đề tuyển không đủ chỉ tiêu ở một số trường, một số ngành, có ý kiến cho rằng do điểm sàn áp dụng cho tất cả các vùng miền là không hợp lý, hơn nữa thời gian xét tuyển quá dài... và đề nghị thời gian tuyển sinh chỉ nên kéo đến 30-10 và mỗi đợt ít nhất 20 ngày.

Ông Phạm Lê Hòa, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật Trung ương nêu kiến nghị về các hình thức xét tuyển điểm Văn trong khối các trường văn hóa- nghệ thuật

 

Đồng tình với quan điểm không nên cho phép thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi, thời điểm kết thức tuyển sinh đến ngày 30-10 là hợp lý, đầu cầu TP Hồ Chí Minh còn đưa ra nhiều ý kiến về lệ phí thi, điểm chuẩn. Trong đó, có ý kiến cho rằng trước đây các trường top trên có điểm chuẩn cao giống như hình ảnh “tàu lớn đánh bắt xa bờ, bắt cá kình, cá ngừ, nay có trường xác định điểm chuẩn bằng điểm sàn, như đã tiến gần bờ để bắt cá con, cá kèo”.

Đầu cầu Thái Nguyên đề nghị Bộ cần quy định những vật mang vào phòng thi phải rõ ràng, rành mạch. Việc xác định thiết bị quay phim chụp ảnh không phát được tại chỗ là rất khó, Bộ nên cân nhắc tránh tạo áp lực lớn cho giám thị. Đối tượng dự thi liên thông dưới 36 tháng cần được nêu rõ…

Cần đối diện với thực tế phát sinh

Năm 2013, theo đề án tuyển sinh riêng thí điểm cho 10 trường thuộc khối văn hóa – nghệ thuật, ông Ngô Kim Khôi cho biết: Các trường đào tạo thuộc khối Văn hóa (khối C) không tổ chức thi, chỉ xét tuyển dự vào kết quả thi theo đề thi chung của Bộ GD và ĐT; các trường có tuyển sinh ngành đào tạo thuộc khối Nghệ thuật (khối H, N, S), chỉ tổ chức thi các môn năng khiếu; xét tuyển môn Ngữ văn dựa vào kết quả thi tốt nghiệp và điểm trung bình 3 năm học THPT.

Tiếp tục giao các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong công tác xét tuyển, có thể thực hiện nhiều đợt xét tuyển, nhưng thời gian xét tuyển mỗi đợt ít nhất là 20 ngày, tính từ ngày thông báo xét tuyển 20-8-2013. Thời hạn kết thúc xét tuyển là 30-10-2013.

Bộ GD và ĐT cũng nhận thấy một số quy định về xét tuyển chưa thật hợp lý, cần thiết phải điều chỉnh về số ngày/1 đợt xét tuyển; thời hạn kết thúc xét tuyển;... để phù hợp với thực tiễn, thuận lợi cho các trường, thí sinh và bảo đảm tính khả thi cho kỳ thi tuyển sinh năm 2013.

Bộ trưởng Bộ GD và ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng: Để thí sinh mang thiết bị nhằm chống tiêu cực vào phòng thi không phải sáng kiến của Bộ mà là vấn đề của thực tiễn đã phát sinh.

Đây không phải “vẽ đường cho hươu chạỵ” mà là thích ứng với môi trường giáo dục với những thiết bị đã phát triển. Nếu không cho mang vào, học sinh vẫn mang, vẫn phát tán trên mạng. Trong thế bị động như vậy việc giành thế chủ động là cần thiết. Với việc cho phép, qui định công khai mà vẫn tồn tại hiện tượng phát tán gây dư luận xấu thì sẽ có biện pháp xử lý, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh.

“Việc cách li khu vực thi rất tốt nếu các lực lượng trung thực, nhưng sẽ là “nối giáo cho giặc” nếu trong nội bộ có thoái hóa biến chất. Vụ Đồi Ngô nếu không phải học sinh phát hiện thì ai sẽ phát hiện, ai sẽ đấu tranh với một bộ phận thoái hóa. Chúng ta không bắt buộc thí sinh mua thiết bị mang vào nên phần lớn sẽ không mang, thí sinh nào không bằng lòng với tiêu cực thì chúng ta sẵn sàng đón nhận. Điều đó tạo ra sự kiểm soát vô hình, buộc các lực lượng phải thực hiện nghiêm túc”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

 

                                                                                                                Theo qdnd.vn