Tin tức – Sự kiện

Các trường khối VH-NT: Tìm giảng viên đúng quy định của Bộ GD&ĐT rất khó

01 Tháng Hai 2013

Một buổi tập của sinh viên Nhạc viện TP.HCM
VH- So với các trường khác, trường khối Văn hóa - Nghệ thuật có những đặc thù rất riêng, đây cũng là lý do mà vừa qua Bộ GD&ĐT đã chấp nhận phương án tự chủ tuyển sinh của 10 trường đầu tiên trong khối này.

 

Tuy nhiên, ngoài chuyện cần phải bỏ thi môn Văn ở đầu vào (chỉ xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT hoặc điểm tổng kết 3 năm ở THPT cùng với phần thi Năng khiếu), thực tế cho thấy các trường này hiện đang rất khó tuyển giảng viên, đặc biệt là giảng viên có bằng cấp theo quy định của Bộ GD&ĐT dành chung cho tất cả các trường.

 

 

Mong có cơ chế thoáng hơn cho khối ngành nghệ thuật vì thật sự đối với một giảng viên dạy các ngành này, ngoài chuyên môn – bằng cấp còn biểu diễn, sáng tác nên nếu cứng nhắc quá với những quy định như vậy sẽ rất khó cho trường và làm lãng phí nhiều tài năng vì họ không thể cống hiến được do bị trở ngại chuyện bằng cấp. 
(TS. Phan Thị Bích Hà, Hiệu trưởng trường ĐH Sân khấu điện ảnh TP.HCM)
 

 Trường ĐH Văn hóa TP.HCM mặc dù có một số chuyên ngành nghệ thuật, nhưng không được hưởng chế độ đặc thù như những trường nghệ thuật. Chẳng hạn, các giảng viên vẫn phải dạy 450 tiết như quy định dành cho trường nghệ thuật nhưng lại không được hưởng chế độ này là một sự bất công. Đã như vậy nhưng lại quy định tỷ lệ 25 sinh viên/giảng viên chứ không phải 50 sinh viên/giảng viên như các trường khối ngoài nghệ thuật. Với quy định này đã làm cho trường “hao” giảng viên trong khi việc tìm giảng viên hiện nay rất khó.

Ở trường ĐH Sân khấu điện ảnh TP.HCM còn bi đát hơn. Ông Phạm Huy Thục, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, hiện rất nhiều khoa ở trường đang cần bổ sung gấp trưởng hoặc phó khoa và các giảng viên. Lực lượng giảng viên ở các trường rất “mỏng”, không đủ so với yêu cầu, thậm chí có những chuyên ngành không mở được vì chưa đủ giảng viên cơ hữu. Tuy nhiên, việc thiếu thốn giảng viên trầm trọng này có lý do từ những quy định hiện nay.

Về việc nhiều nghệ sĩ có tâm lý “ngại” học, tại Nhạc viện TP.HCM càng thể hiện rõ nét. TS. Văn Thị Minh Hương, Giám đốc Nhạc viện bày tỏ, trường cũng đang trong trình trạng thiếu nhân sự, nhất là những người có học hàm học vị theo quy định. Mỗi năm Nhạc viện có các suất học bổng cử đi học nhưng không cán bộ, giảng viên nào đăng ký. “Ép” mãi thì có được vài ba người đi nhưng có người học nửa chừng rồi về và chấp nhận đền tiền theo quy định. Nguyên nhân của tình trạng này một phần vì hầu hết đó là nghệ sĩ bận biểu diễn, đã có cuộc sống hiện tại ổn định nên ngại phải đi học xa khó khăn, nhưng quan trọng hơn là họ nhìn thấy những cán bộ chức cao của Nhạc viện thu nhập thấp mà công việc lại nhiều… Điều này làm cho trường có nguy cơ thiếu hẳn đội ngũ kế thừa có bằng cấp, trình độ như mong muốn.

TS. Minh Hương cho biết thêm, không riêng chuyện đi học, việc làm hồ sơ để được công nhận các danh hiệu NGƯT, NSƯT cũng không ai chịu làm. Nên có khi nhìn lại, Nhạc viện rất nhiều “sao” mà đếm không được bao nhiêu danh hiệu.

Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM cũng không ngoại lệ, theo quy hoạch đến năm 2020 trường cần có đến 16 tiến sĩ nên từ giờ phải có đội ngũ đi học, tuy nhiên khó khăn hiện nay của trường là trình độ ngoại ngữ của giảng viên còn hạn chế. PGS.TS Nguyễn Xuân Tiên, Phó hiệu trưởng nhà trường nói về hạn chế này, có lẽ do người làm nghệ thuật chủ yếu tư duy bằng hình ảnh chứ ít tư duy bằng ngôn ngữ nên đây là khó khăn khi thi vào tiến sĩ. Chính vì thế với yêu cầu chuẩn đầu vào ngoại ngữ là B1 thì trường chỉ có thể thực hiện đầu ra đáp ứng trình độ này mà thôi.

Một giảng viên ở trường ĐH Sân khấu điện ảnh TP.HCM cho biết, hiện nay có nhiều giảng viên, trong đó có nghệ sĩ nổi tiếng trước kia được cử đi học ĐH ở Liên bang Nga. Tuy nhiên, theo thẩm định của một tổ chức phi chính phủ cho biết, bằng cấp này tương đương với bằng thạc sĩ tại Việt Nam nếu tính theo mặt bằng kiến thức chung. Nếu theo công nhận như vậy thì giảng viên ấy chỉ phải học tiếp lên tiến sĩ chứ không phải học lại thạc sĩ của Việt Nam. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa được Bộ GD&ĐT Việt Nam chính thức công nhận. 

Theo PGS.TS Đào Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo Bộ VHTTDL, để bảo vệ quyền lợi cho những cựu sinh viên đã tốt nghiệp ĐH tại Nga trước đây, Vụ Đào tạo đã làm việc với Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD&ĐT nhằm có văn bản chính thức công nhận trình độ thạc sĩ tại Việt Nam cho những người này. Về chủ trương thì Bộ GD&ĐT đã đồng ý, chỉ chờ có văn bản chính thức mà thôi. Với giấy công nhận này, các trường hợp đã tốt nghiệp ĐH tại Nga trước đây chỉ phải học nghiên cứu sinh để lấy bằng tiến sĩ.

Theo baovanhoa.vn