Tin tức – Sự kiện

Miễn thi Văn không đồng nghĩa với không coi trọng môn học

02 Tháng Hai 2013
Học văn là học làm người, người có năng khiếu nghệ thuật mà không có văn, nói không ra câu thì sao có thể gọi là tài năng, là nghệ sĩ... đó là những nhận xét mà nhiều người đưa ra sau khi Bộ GD và ĐT công bố đề án Thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy vào các trường khối văn hoá, nghệ thuật năm học 2013-2014.
Thí sinh khối ngành nghệ thuật dự thi phần năng khiếu
 

Theo đó, 10 trường thuộc khối này sẽ thi tuyển sinh riêng, môn Ngữ văn sẽ không thi mà chỉ xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và điểm trung bình 3 năm ở bậc học này.

Văn là người

Do tính đặc thù và để chọn được thí sinh có năng khiếu phù hợp với chương trình đào tạo, trước đó, các trường khối văn hoá, nghệ thuật đã nhiều lần đề nghị với Bộ GD và ĐT cho thi riêng để tránh “bỏ sót” tài năng.

Với đề án tuyển sinh năm nay, các trường đã được toại nguyện, tuy nhiên lại gặp phải sự không đồng tình, thậm chí phản đối gay gắt từ phía dư luận xã hội với lý do học văn là học làm người, bỏ thi văn là “vẽ đường” cho những “tài năng” nghệ thuật nhưng lại kém môn văn không có động lực để học môn này...

Có người đã từng nhận xét, nếu chỉ coi trọng năng khiếu, chỉ thi mỗi môn năng khiếu mà lại loại bỏ môn Ngữ văn ra khỏi kỳ thi tuyển chọn vào khối các trường văn hóa, nghệ thuật là một việc làm rất không bình thường. Bởi Văn là gốc của mọi loại hình văn hóa, nghệ thuật. Một người không có văn liệu có thẩm thấu được vẻ đẹp của một vở kịch, một điệu múa, hay một một câu hát, cuốn phim? Khi không hiểu được vẻ đẹp của nghệ thuật thì làm sao có thể làm được nghệ thuật, một loại hình đòi hỏi sự sáng tạo rất cao.

Những nhận xét lo ngại kiểu ấy có phần đúng khi hiện nay không ít những cá nhân trong giới nghệ thuật có những phát ngôn, hành xử phản cảm, thậm chí gây “sốc”.

Tránh tình trạng loạn thi, Bộ GD và ĐT yêu cầu các trường không để cán bộ, giáo viên của trường tổ chức luyện thi, ôn tập và các hình thức tiêu cực biến tướng khác. Các trường phải công bố rộng rãi phương thức tuyển sinh để thí sinh, phụ huynh và xã hội giám sát. Bộ GD và ĐT sẽ kết hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch kiểm tra, giám sát hoạt động tuyển sinh của các trường.

Các trường thuộc khối Văn hóa - Nghệ thuật được giao thí điểm thi tuyển sinh riêng xây dựng phương án, trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt trước ngày 31-1-2013 và báo cáo Bộ GD và ĐT.

 

Bỏ thi Văn không có nghĩa bỏ văn hóa

“Không chỉ đối với những người làm công tác âm nhạc, môn Văn có tầm quan trọng đối với tất cả mọi người, mọi ngành”, PGS. NSƯT Vũ Chí Nguyện, Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam khẳng định.

PGS. NSƯT Vũ Chí Nguyện cho rằng: Tất cả thí sinh thi vào Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam đều đã tốt nghiệp văn hóa lớp 12. Những học sinh tốt nghiệp trung học âm nhạc chính quy đều phải bỏ công sức và thời gian học tập nhiều gấp đôi những học sinh chỉ học văn hóa. Họ phải học âm nhạc từ nhỏ, song song với học văn hóa. Việc không thi môn Văn không đồng nghĩa với việc không coi trọng môn học này mà chỉ để giảm tải và tạo điều kiện cho các thí sinh tập trung ôn tập những môn thi năng khiếu vốn nhiều và phức tạp. Những năm trước, một thí sinh thi vào ĐH âm nhạc phải thi tốt thiểu là 5 môn; ngành sáng tác, lý luận, chỉ huy phải thi tới 7 môn thi.

Những môn thi năng khiếu thường có phần kết hợp với kiến thức, hành văn cũng như cảm nhận văn học của sinh viên thông qua các môn thi viết tiểu luận, lịch sử âm nhạc và sáng tác âm nhạc. Để được nhận mức lương khởi điểm của cử nhân ĐH, thay vì chỉ phải học tập trong 4 năm như phần lớn các cử nhân ở các ngành đào tạo khác, một cử nhân âm nhạc phải học tập, lao động từ 8 năm đến 13 năm (như chuyên ngành Piano, Violon), PGS. NSƯT Vũ Chí Nguyện cho biết thêm.

Cũng đồng quan điểm ấy, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam, Nguyễn Anh Vũ cho rằng việc Bộ GD và ĐT cho phép 10 trường khối năng khiếu được tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong tuyển sinh không gây trở ngại gì cho nhà trường trong việc tuyển sinh đầu vào và chất lượng đào tạo. Hơn nữa, không phải thi môn Văn sẽ giúp trường giảm bớt một phần công việc trong tuyển sinh, đồng thời tạo điều kiện cho các thí sinh có thêm thời gian để tập trung thi các môn năng khiếu.

Để đến được với kỳ thi ĐH, thí sinh vẫn phải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT, cũng như kết quả học tập môn Văn của 3 năm học THPT, nếu nói bỏ thi Văn là bỏ văn hóa có nghĩa chúng ta đã phủ nhận chất lượng học tập hệ thống giáo dục phổ thông, ông Nguyễn Anh Vũ nêu vấn đề.

Dù không thi môn Văn nhưng thí sinh nào có điểm Văn THPT cao và điểm năng khiếu thấp hơn vẫn có khả năng đỗ do lấy điểm tổng của 3 môn thi như quy định của Bộ và xét tuyển từ cao xuống thấp, do vậy thí sinh không thể không học tốt môn Văn. Hơn nữa nếu không có khả năng cảm thụ văn học, hiểu biết cuộc sống tốt, thí sinh sẽ không thể truyền tải những điều ấy của mình vào bài thi. Như vậy, quyết định của Bộ GD và ĐT chỉ mang tính chất giảm tải cho các trường nghệ thuật đặc thù về năng khiếu, ông Nguyễn Anh Vũ đánh giá.

PGS. TS Phạm Lê Hòa, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật Trung ương bày tỏ sự ủng hộ theo phương án tuyển sinh mới và cho rằng xã hội đều coi giáo dục nghệ thuật là hoạt động mang tính đặc thù cao nhưng chúng ta lại không có những ứng xử đặc thù với ngành này.

“Nếu nghĩ các trường nghệ thuật bỏ thi Văn là không đúng với tinh thần của đề án tuyển sinh. Các trường vẫn xét tuyển điểm Văn của 3 năm THPT hoặc có thể xét điểm thi tốt nghiệp THPT, như vậy môn Văn cũng là một môn hết sức được coi trọng đối với các trường văn hóa nghệ thuật. Trong giáo dục nghệ thuật, đến nói còn không ra câu thì làm được việc gì nữa!”, PGS. TS Phạm Lê Hòa nhận xét.

 

Các trường được thi tuyển sinh riêng năm 2013 gồm:

HV Âm nhạc Quốc gia Việt Nam

HV Âm nhạc Huế

HV Âm nhạc TP Hồ Chí Minh

ĐH Mỹ thuật Việt Nam

ĐH Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh

ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương

CĐ Mỹ thuật trang trí Đồng Nai

CĐ Múa Việt Nam

CĐ Văn hoá nghệ thuật Tây Bắc

CĐ Văn hoá nghệ thuật Việt Bắc

 

 

                                                                                                                                                                         Theo baobacgiang.com.vn