Tin tức – Sự kiện

Lễ hội truyền thống Thăng Long – Hà Nội trong cuộc sống hôm nay

13 Tháng Ba 2013

Hà Nội là đất kinh kỳ, nơi hội tụ tinh hoa của nhiều vùng miền, cũng chính vì thế mà lễ hội của Hà Nội cũng có sự chắt lọc tinh túy của bốn phương mà vẫn tạo nên bản sắc của riêng mình. Lễ hội truyền thống của Hà Nội thể hiện những nét đặc sắc và giá trị của Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến.

 

Với bề dày nghìn năm lịch sử và một không gian văn hoá đậm đặc, lễ hội ở Thăng Long xưa, Hà Nội ngày nay, rất phong phú và có nét độc đáo riêng cần được giữ gìn, phát huy. Theo cuốn “Lễ hội Thăng Long” do PGS Lê Trung Vũ chủ biên, Thăng Long có 113 lễ hội. Tuy nhiên, sau mỗi lần Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, con số thống kê về lễ cũng theo đó mà nhân lên. Theo thống kê của Cục Văn hóa cơ sở tính đến năm 2008, Hà Nội có tới 1095 lễ hội diễn ra với các quy mô lớn, nhỏ khác nhau.

Hà Nội xưa với 36 phố phường đều gắn kết với những nghề thủ công, từ đó hình thành nên các phường nghề. Cũng vì thế mà không ít lễ hội của Hà Nội gắn với nghề buôn và tổ nghề. Tính chất buôn bán thủ công thể hiện rõ trong các lễ hội Hà Nội. Nhưng các lễ hội của Hà Nội vẫn có nguồn gốc là lễ hội nông thôn, lễ hội cổ truyền của người Hà Nội vẫn là hội làng, không ít tên hội quen thuộc với người dân như: Hội làng Chốm, Hội Đồng Nhân, Hội làng Lệ Mật, Hội làng Bát Tràng... Hà Nội khác với những đô thị khác ở chỗ tính chất của một lễ hội nông nghiệp, lễ hội mang tính chất kinh đô và tổ nghề hòa lẫn vào với nhau, tạo nên sắc thái đa dạng.

 

Lễ hội Triều Khúc

 

Trong số các lễ hội ở Hà Nội, có một số lễ hội mang tính chất tiêu biểu cho cả nước như lễ hội Đống Đa, Cổ Loa, Hội Gióng, Đền Hai Bà Trưng, Phủ Tây Hồ, Triều Khúc, ... Nhưng ngoài ra còn có nhiều lễ hội thể hiện nét riêng của vùng đất kinh kỳ. Chẳng hạn, chỉ Thăng Long - Hà Nội mới có "tứ trấn". Đó là: đền Bạch Mã (thờ thần Long Đỗ, trấn phương Đông); đền Voi Phục (thờ thần Linh Lang, trấn phương Tây); quán Trấn Vũ (thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, trấn phương Bắc) và đền Kim Liên (thờ Cao Sơn Đại vương, trấn phương Nam). Theo quan niệm của người xưa, mở hội tứ trấn là phương thức sáng tạo không gian thiêng, phủ lên 4 phương trời, từ đó sinh ra sức mạnh huyền diệu, thần quyền hỗ trợ cho uy lực của triều đình ngày càng vững mạnh, đất nước ngày càng yên vui.

Hà Nội là đất kinh kỳ, nên nhiều lễ hội truyền thống mặc dù có nguồn gốc từ các lễ hội nông nghiệp, nhưng lại vẫn có nét độc đáo riêng. Chẳng hạn như cùng thể hiện tín ngưỡng phồn thực thông qua một số trò chơi dân gian nhưng người dân Hà Nội vẫn đảm bảo tính thanh lịch, phù hợp thẩm mỹ của người dân đô thị. Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, trong cuốn Lễ hội truyền thống trong đời sống hiện đại (NXB Hà Nội, 2009) có đưa ra dẫn chứng về điều này thông qua trò chơi dân gian “Bắt trạch trong chum”. Bắt trạch trong chum là một trò chơi dân gian khá phổ biến trong nhiều lễ hội, nhưng theo đánh giá của ông Nguyễn Vinh Phúc “trò bắt trạch ở các nơi khác, nghi thức của tín ngưỡng phồn thực được diễn ra với những động tác tính giao cụ thể, lộ liễu, trần trụi. Còn ở Hồ Khẩu, động tác này được cách điệu hóa, tượng trưng bằng hình thức nam chỉ nắm tay nữ, gượng nghẹ, những cũng thật là gắn bó đồng cảm”.

Cũng giống như các lễ hội dân gian ở các vùng đất khác, lễ hội Thăng Long – Hà Nội có các giá trị cơ bản: Giá trị nhân văn; giá trị giáo dục đạo đức, thẩm mỹ; giá trị cố kết cộng đồng (cộng mệnh và cộng cảm); giá trị bảo tồn và phát triển vốn văn hóa vật thể lẫn phi vật thể; giá trị tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội (Trong lĩnh vực tham quan, du lịch,...). Các giá trị này cần được bảo tồn, làm giàu và phát huy trong đời sống xã hội hiện đại.

Lễ hội Phủ Tây Hồ

 

Trong bối cảnh xã hội ngày nay, lễ hội truyền thống Thăng Long – Hà Nội vẫn giữ một vai trò quan trọng đối với đời sống tinh thần của nhân dân. Thế nhưng, với sự tác động của nhiều yếu tố cả chủ quan lẫn khách quan, lễ hội truyền thống biến đổi theo nhiều xu hướng mở rộng, phục hồi, nâng cấp hóa và thương mại hóa lễ hội. Sau một thời gian dài bị thu hẹp, thậm chí mai một, các lễ hội truyền thống dần được khôi phục trở lại và được tổ chức với quy mô lớn, hoành tráng hơn xưa. Bên cạnh mặt tích cực là làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân thủ đô, giải tỏa tâm lý tín ngưỡng của người dân và bảo lưu những nét đẹp trong văn hóa, nghệ thuật diễn xướng truyền thống thì lễ hội truyền thống ngày nay cũng gặp phải nhiều vấn đề còn hạn chế. Đó là, việc tổ chức lễ hội và quản lý lễ hội ở Thăng Long – Hà Nội còn lộn xộn dẫn đến tình trạng xuất hiện các hủ tục mê tín dị đoan, cờ bạc, nạn trộm cắp, môi trường ô nhiễm, các hiện tượng thương mại hóa trong lễ hội… và nhiều tiêu cực khác.

 

Lễ hội Đền Gióng

 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi và hình thành các vấn đề chưa tích cực trong tổ chức lễ hội truyền thống ở Thăng Long – Hà Nội. Vấn đề ở đây là chúng ta cần phải nhận thức xu hướng biến đổi của lễ hội cũng là một vấn đề tất yếu trong đời sống xã hội. Việc cần làm là đưa ra được những giải pháp hữu hiệu trong công tác quản lý, nâng cao những giá trị đẹp, cốt lõi đặc trưng của lễ hội truyền thống, thông qua đó có sự định hướng đúng đắn trong việc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống để xây dựng con người mới, phát triển văn hóa cộng đồng. Phát huy giá trị của lễ hội truyền thống để mở rộng quảng bá tiềm năng về du lịch, mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế, kích thích sự tăng trưởng kinh tế của Thủ đô.

Lễ hội truyền thống là một sinh hoạt văn hóa đặc biệt, có sức sống từ ngàn đời nay, chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, xã hội. Lễ hội đã đáp ứng nhu cầu thiết tha của dân tộc ta trong quá khứ và trong hiện tại, giúp cho con người hướng về đoàn kết cộng đồng. Việc nhận thức, đánh giá đúng vai trò của lễ hội truyền thống cũng như việc bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống là việc làm vô cùng cần thiết để lễ hội truyền thống luôn là bản sắc văn hóa trường tồn của người Việt Nam nói chung và người dân Hà Nội nói riêng.

 

Trịnh Hiền Thương