Tin tức – Sự kiện

Tư vấn tuyển sinh 2013 VTV2 ngày 13/3/2013

21 Tháng Tư 2013

Vào lúc 14g00 ngày 13/3/2013, tại trường quay S10 của Đài truyền hình Việt Nam, VTV2 truyền hình trực tiếp Chương trình “Tư vấn tuyển sinh 2013″ – Số 4.

Trong chương trình này, Ban tư vấn của chương trình sẽ tư vấn và giới thiệu với quý phụ huynh và các em học sinh cơ hội trúng tuyển vào các trường thuộc lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật. Ban tư vấn của Chương trình là những chuyên gia, nhà quản lý giáo dục đến từ Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch và các trường đại học, cao đẳng khối ngành Nghệ thuật.

Hinhnguoc03 Tư vấn tuyển sinh 2013 VTV2 ngày 13/3/2013

Ban tư vấn của Chương trình đang trả lời các câu hỏi của phụ huynh và học sinh thông qua sóng của Đài truyền hình VN – VTV2

Khách mời của Chương trình gồm có:

(1) NGƯT. PGS.TSKH Phạm Lê Hòa – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật trung ương.

(2) Thạc sĩ Đào Đăng Phượng – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật trung ương.

(3) Thạc sĩ Nguyễn Quang Hải – Trưởng khoa Sư phạm Mỹ Thuật trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật trung ương.

(4) Ông Nguyễn Đình Thi - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu điện ảnh

(5) TS. Vũ Khắc Chương - Hiệu trưởng Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật Du lịch Sài Gòn.

(6) PGS.TS.NGƯT Đinh Thị Vân Chi – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa

(7) Thạc sĩ Trần Tiến – Phó hiệu trưởng Trường CĐ truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam.

13g55: Theo ghi nhận của tuvantuyensinh.vn, các vị khách mời của Chương trình đã hiện diện tại trường quay S10 của Đài truyền hình Việt Nam.

14g00: Tiết mục múa “Tiếng chim gọi bầy” – Biên đạo: Nguyễn Thúy Hường, của các bạn sinh viên đến từ Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật trung ương đã mở màn cho Chương trình Tư vấn tuyển sinh 2013 – Số 4.

Chimgoibay Tư vấn tuyển sinh 2013 VTV2 ngày 13/3/2013

Tiết mục múa: “Tiếng chim gọi bầy” đã mở màn cho Chương trình Tư vấn tuyển sinh – Số 4

14g10: Ban tư vấn Chương trình đã vào vị trí làm việc và Chương trình tư vấn tuyển sinh 2013 –Số 4 chính thức bắt đầu.

 

MC Vân Anh: Thưa PGS.TSKH Phạm Lê Hòa, hơn 40 năm trước, khi mới thành lập, ĐH Sư phạm Nghệ thuật trung ương chỉ có hai mã ngành, đến nay trường đã đào tạo hàng vạn giáo viên âm nhạc và mỹ thuật cho toàn quốc và mở thêm nhiều mã ngành đào tạo khác cùng với đội ngũ giảng viên hùng hậu, trong đó có những khoa 100% giảng viên có trình độ thạc sỹ trở lên. Mong nói rõ thêm về sự phát triển của nhà trường.

PGS.TSKH Phạm Lê Hòa - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật trung ương:

Thưa quý vị khán giả của Đài THVN, con số hàng vạn giáo viên âm nhạc và mỹ thuật là con số hết sức ấn tượng trong khối mỹ thuật.

Năm 2012, Nhà trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức cho phép đào tạo trình độ sau đại học.

Năn 2011 – 2012 Trường liên tiếp dành được các giải thưởng âm nhạc tại Festival quốc tế.

Điều tôi cho là quan trọng nhất trong đào tạo đó là: Thầy ra thầy, trò ra trò.

MC Vân Anh: Thưa Thầy, trong giảng dạy âm nhạc và nghệ thuật ở giai đoạn hội nhập rất cần có sự liên kết với các trường ĐH trong khu vực và trên thế giới, Thầy có thể cho biết những hợp tác quốc tế của ĐH Sư phạm nghệ thuật trung ương?

PGS.TSKH Phạm Lê Hòa:

Công tác hợp tác quốc tế được Nhà trường hết sức coi trọng. Thời gian qua, có nhiều trường ĐH Quốc tế cử giảng viên đến giảng dạy tại Trường.

Ngoài ra các giảng viên của Trường cũng được cử đi giao lưu và học tập ở nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Singapore, Nhật, Hoa Kỳ…

 

MC Vân Anh: Thưa quý vị và các bạn, là một cơ sở đào tạo nghệ thuật, trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật trung ương thể hiện sự giao thoa hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, sự kết hợp sáng tạo giữa nét giản dị của sư phạm với sự phá cách trong nghệ thuật.

Chúng ta cùng tiếp tục trao đổi với Thạc sĩ Nguyễn Quang Hải đến từ khoa Sư phạm Mỹ thuật. Thưa thầy, thầy có thể cho khán giả truyền hình được biết về những ngành nghề, lĩnh vực mà khoa đang đào tạo, điều kiện để dự tuyển cũng như vị tri công việc sau khi tốt nghiệp?

Thạc sĩ Nguyễn Quang Hải - Trưởng khoa Sư phạm Mỹ thuật, Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật trung ương.

Khoa Sư phạm Mỹ thuật là một khoa nền tảng của trường, từ chuyên ngành Mỹ thuật phát triển lên các ngành như Hội họa, Thiết kế đồ họa, Thiết kế thời trang. Sau này để đáp ứng nhu cầu của xã hội khoa có mở thêm nhiều mã ngành mới.

Điều kiện dự tuyển vào ngành Mỹ thuật các trường ĐH khối Văn hóa Nghệ thuật khác nhưng cũng có những nét riêng, đặc biệt trong việc đánh giá khả năng và năng khiếu hội họa, trang trí, mỹ thuật của thí sinh.

Sau quá trình đào tạo tại khoa, sinh viên ra trường có thể làm giáo viên các trường THPT, giảng viên các trường ĐH, CĐ, họa sĩ chuyên nghiệp, thiết kế thời trang, quảng cáo, thiết kế đồ họa…

MC Vân Anh: Thưa quý vị và các bạn, là một trong những trường công lập hàng đầu của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, đào tạo nguồn cán bộ quản lý văn hóa của nước nhà, với sự đa dạng về ngành nghề đào tạo, ĐH Văn hóa Hà Nội không chỉ là điểm đến dành cho các bạn trẻ có đam mê và năng khiếu nghệ thuật mà còn có nhiều chuyên ngành mới mở đáp ứng nhu cầu xã hội. Chúng ta cùng trao đổi với PGS.TS. Đinh Thị Vân Chi – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa Hà Nội.

Thưa Bà, trước hết Bà giới thiệu vài nét về ĐH Văn hóa Hà Nội, chỉ tiêu tuyển sinh cũng như các ngành nghề đào tạo của trường?

PGS.TS. Đinh Thị Vân Chi:

Trường tự hào là Trường đại học lớn nhất của Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch, 44 năm qua, trường đã đào tạo được hàng chục nghìn cán bộ văn hoá hiện đang công tác trên khắp mọi miền đất nước.

Trường đào tạo hết các bậc từ cao đẳng, đại học đến thạc sỹ, tiến sỹ. Trường có hơn 5 ngàn sinh viên đại học chính quy, 3 ngàn sinh viên vừa học vừa làm và 5 trăm học viên sau đại học.

Hiện trường có 10 khoa, đào tạo 18 chuyên ngành. Bên cạnh những chuyên ngành truyền thống: Bảo tàng, Văn hóa dân tộc thiểu số… có những ngành mới: Hướng dẫn viên du lịch, Quản lý nghệ thuật, Đạo diễn sự kiện…

Trong đó khối thi C, D dành cho các ngành văn hóa, nghiệp vụ văn hóa. Khối N,R dành cho các ngành thiên về nghệ thuật phải thi môn năng khiếu.

Cơ hội nghề nghiệp rất rộng mở. Sinh viên thiên về nghiên cứu có thể làm việc ở các phòng văn hóa, công ty biểu diễn… sinh viên thiên về nghệ thuật có thể tham gia ở các đoàn nghệ thuật, phát thanh truyền hình, các công ty truyền thông.

 

MC Vân Anh: Thưa quý vị và các bạn, với đặc thù riêng có của khối trường năng khiếu nên các trường này có đặc thù riêng và quy định riêng với khối thi vào trường mình. Chúng ta cùng tiếp tục trao đổi với vị khách mời đến từ Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh, Ông Nguyễn Đình Thi – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh. Thưa Ông, xin Ông cho biết thi vào khối ngành nghệ thuật, năng khiếu của trường gồm những môn thi nào và năm 2013 này việc dự thi vào khối ngành nghệ thuật sẽ tổ chức như thế nào và có những điểm gì cần lưu ý?

Ông Nguyễn Đình Thi:

Nhà trường tổ chức 2 khối thi S và A:

Đối với khối S, nhà trường vẫn áp dụng quy trình thi như trước đây. Nghĩa là thi môn năng khiếu và thi môn Văn theo đề thi chung của bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong mùa tuyển sinh năm nay, Nhà trường mở thêm ngành mới là ngành Biên tập truyền hình.

Kỳ tuyển sinh 2013, nhà trường có 369 chỉ tiêu đào tạo đại học.

MC Vân Anh: Thưa thầy Thi, dự thi vào khối ngành nghệ thuật trường ĐH Sân khấu Điện Ảnh cần những yêu cầu gì? Thí sinh sơ tuyển năng khiếu như thế nào? Chỉ tiêu cũng như lịch thi cụ thể năm nay của trường ra sao?

Ông Nguyễn Đình Thi:

Đối với việc thi môn năng khiếu, mỗi chuyên ngành Nhà trường có quy trình thi tuyển khác nhau nhưng đều trải qua 2 vòng: sơ tuyển và chung tuyển.

Thí sinh vượt qua vòng thi sơ tuyển mới được phép dự thi chung tuyển.

MC Vân Anh: Thưa quý vị và các bạn, chúng tôi xin tiếp tục giới thiệu vị khách mời đến từ Tp.Hồ Chí Minh, TS Vũ Khắc Chương – Hiệu trưởng Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Ddu lịch Sài Gòn, một cơ sở đào tạo đa ngành, trong các lĩnh vực: Văn hóa, Nghệ thuật, Du lịch và Kinh tế.

Trước hết, TS Vũ Khắc Chương cho biết vài nét về trường CĐ văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn, các ngành tuyển sinh và hình thức tuyển sinh?

TS Vũ Khắc Chương:

Là trường đa ngành, có 4 nhóm ngành, nghề: (1) Văn hóa, ngoại ngữ; (2) Nghệ thuật; (3) Kinh tế; (4) Du lịch.

Về đội ngũ giảng viên có 500 giảng viên, có trên 50% giảng viên có trình độ sau đại học. Nhà trường có ký túc xá, có một số công ty dịch vụ phục vụ sinh viên thực tập tại trường.

Trường có 7 năm thành lập, tất cả các chương trình thi đều thi trắc nghiệm.

Hiện tại Nhà trường có mối quan hệ quốc tế rất tốt. Hàng năm các trường quốc tế đều nhận sinh viên của trường sang nước ngoài học tập.

Hoạt động nghiên cứu khoa học: Tháng 4/2013, được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch ủy quyền tổ chức Hội thảo về nguồn nhân lực cho khu vực Đồng bằng Sông Cửu long.

Trường đào tạo 3 bậc học: Cao đẳng chính quy, Cao đẳng nghề và Trung cấp chuyên nghiệp. Trong 3 bậc học này, chỉ có bậc Cao đẳng chính quy là thi tuyển.

MC Vân Anh: Thưa Thầy, là trường đào tạo thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật vậy việc sơ tuyển ngành năng khiếu như thế nào thưa Thầy?

TS Vũ Khắc Chương:

Trường vẫn tổ chức tuyển sinh theo kỳ thi chung của Bộ giáo dục và Đào tạo. Thí sinh dự thi 03 môn là môn Văn và 02 môn năng khiếu. Trong quá trình đào tạo, Nhà trường sẽ tiếp tục sàng lọc để có những sinh viên có thể làm việc tốt nhất trong ngành nghệ thuật.

Trường sẽ hướng sinh viên đi theo ba hướng: sáng tác, biểu diễn và giảng dạy.

MC Vân Anh: Quý vị và các bạn thân mến, lĩnh vực truyền hình tại Việt Nam đang từng bước hòa vào dòng chảy số hóa mạnh mẽ của công nghệ truyền hình trên thế giới, nhu cầu nguồn lực đáp ứng việc phát triển ngày càng tăng cao. Là đơn vị trực thuộc Đài Truyền hình Việt Nam, trường CĐ Truyền hình có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển của ngành truyền hình cả nước nói chung và Đài truyền hình Việt Nam nói riêng. Tham dự chương trình hôm nay, xin mời Thạc sĩ Trần Tiến – Phó hiệu trưởng Trường CĐ Truyền hình giới thiệu vài nét khái quát về Trường, chỉ tiêu tuyển sinh cũng như loại hình đào tạo hiện Trường đang triển khai?

Thạc sĩ Trần Tiến:

Sau 60 năm, Trường đã đào tạo hàng vạn đạo diễn, nhà báo cho xã hội.

Khác với những trước, năm nay Trường tổ chức thi tuyển và xét tuyển từ bậc trung cấp đến cao đẳng, riêng trung cấp sẽ xét tuyển.

Ngoài ra, Trường còn có chương trình liên kết đào tạo với các trường cùng ngành để liên thông từ cao đẳng đến đại học như trường: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Mở…

Hiện trường mở nhiều ngành đào tạo như: Báo chí (thi khối C, D1) để làm việc với các vị trí: MC, Biên tập viên…, Đạo diễn truyền hình, Truyền thông đa phương tiện…

Ngoài ra, năm nay còn đào tạo ngành tiếng Anh biên dịch báo chí (thi khối D1). Khối A, A1: ngành Kỹ thuật sản xuất chương trình truyền hình, Kỹ thuật truyền hình cáp…

MC Vân Anh: Thưa Thầy, lĩnh vực truyền hình tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và thu hút sự quan tâm của các bạn trẻ đối với ngành nghề này. Tuy nhiên, yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng việc phát triển cũng ngày càng cao, vậy ông có lời khuyên gì cho các em học sinh khi lựa chọn ngành nghề này?

Thạc sĩ Trần Tiến:

Chuyên ngành Báo hình, vị trí làm việc là các phóng viên, Biên tập viên truyền hình.

Chuyên ngành Báo chí đa phương tiện là đào tạo phóng viên báo giấy, báo điện tử…

Chuyên ngành Kỹ thuật viên truyền hình là đào tạo các chuyên viên kỹ thuật phục vụ trong ngành truyền hình.

15g30: Kết thúc Chương trình truyền hình trực tiếp.

MC Vân Anh: Thưa quý vị và các bạn, chương trình truyền hình trực tiếp đến đây xin được nói lời chia tay. Hẹn gặp lại quý vị và các bạn vào 14h00 thứ bảy ngày 16/3/2013 tại Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ Tp.HCM – HUTECH, với sự tham gia của các trường ĐH thuộc khối ngành Công nghệ – Tự động hóa.

 

                                                                                                                                                                       Theo tintuyensinh2013.com