Hoạt động nghiên cứu

Giới thiệu phương pháp dạy học theo sơ đồ

26 Tháng Tư 2013

 TS. Bạch Thị Lan Anh

 

 

Phương pháp dạy học theo mô hình, sơ đồ thuộc nhóm phương pháp dạy học trực quan. Sử dụng phương pháp này phối hợp với phương pháp thuyết trình hoặc vấn đáp sẽ giúp học sinh hiểu sâu sắc và vận dụng tri thức một cách có hiệu quả.

Thực tiễn hiện nay đã đặt ra vấn đề đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực, lấy người học làm trung tâm. Sinh viên phải chủ động tham gia vào quá trình lĩnh hội kiến thức mới. Kết quả dạy học sẽ cao hơn nữa nếu giảng viên cho phép học viên tiếp cận tài liệu, kiến thức dưới dạng sơ đồ, mô hình. Ngược lại, việc học tập sẽ gặp khó khăn khi giáo viên chỉ đơn thuần thuyết trình chứ không kết hợp giảng dạy với tài liệu, mô hình, biểu đồ hoặc tranh ảnh.

Sử dụng sơ đồ kiến thức là hướng đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập phù hợp tính đặc thù đối với môn học  lý luận và phù hợp đối tượng sinh viên nghệ thuật.

Sơ đồ hóa kiến thức là gì?

Dạy học nhằm phát huy tính chủ động của người học liên quan tới quan điểm "dạy học lấy hoạt động của người học làm trung tâm". Dạy học lấy hoạt động của người học làm trung tâm là một quá trình phức tạp, đa dạng, mang tính tổng thể cao. Đòi hỏi phải sử dụng, kết hợp một cách có hiệu quả, hợp lý các phương pháp dạy học. Trong hệ thống các phương pháp có nhóm phương pháp dạy học trực quan. Phương pháp dạy học trực quan sử dụng phối hợp với phương pháp thuyết trình hoặc vấn đáp sẽ giúp người học hiểu sâu sắc và vận dụng tri thức một cách có hiệu quả. Ưu điểm của nhóm phương pháp dạy học trực quan: giúp cho người học có thể huy động sự tham gia của nhiều giác quan vào quá trình nhận thức; Tạo điều kiện dễ hiểu, dễ nhớ và nhớ lâu; Làm phát triển năng lực chú ý, năng lực quan sát, óc tò mò khoa học.

Phương pháp sử dụng sơ đồ trong dạy học là một trong những phương pháp thuộc nhóm phương pháp dạy học trực quan. Để sử dụng được Phương pháp sử dụng sơ đồ trong dạy học, trước tiên các kiến thức cơ bản cần được sắp xếp dưới dạng mô hình, sơ đồ. Sơ đồ hóa kiến thức là một trong những hình thức trực quan của quá trình dạy học. Sơ đồ, mô hình là những hình ảnh có tính biểu tượng được xây dựng trên các sự vật, các yếu tố trong cấu trúc sự vật và mối liên hệ giữa các yếu tố đó dưới dạng trực quan cảm tính ( quan sát được, cảm nhận được). Sơ đồ tạo thành một tổ chức hình khối phản ánh cấu trúc và logic bên trong của một khối lượng kiến thức một cách khái quát, súc tích và trực quan cụ thể. Nhằm giúp cho người học nắm vững một cách trực tiếp, khái quát những nội dung cơ bản, đồng thời qua đó phát triển năng lực nhận thức cho người học.

Đặc điểm của sơ đồ hóa kiến thức

Một là, khối lượng kiến thức quyết định nội dung khách quan của sơ đồ. Hình thức chủ quan của sơ đồ phụ thuộc người lập sơ đồ. Vì vậy, cùng một khối lượng kiến thức nhưng có thể có nhiều cách sáng tạo, thiết kế sơ đồ khác nhau.

Hai là, sơ đồ là những biểu tượng trực quan phản ánh một cách trừu tượng, khái quát các khái niệm, phạm trù, quy luật. Vì vậy, đòi hỏi sơ đồ phải phản ánh trung thành với khối lượng kiến thức mà nó mô tả.

Ba là, sơ đồ nhằm giúp người học lĩnh hội kiến thức dễ dàng hơn. Vì vậy, phải có tính thẩm mỹ, không rập khuôn, khuyến khích người học tự thiết kế sơ đồ trên cơ sở kiến thức đã lĩnh hội.

Bốn là, sơ đồ hình thành trên cơ sở xác định các yếu tố nội dung trong các chương, các mục, mối liên hệ biện chứng giữa các đơn vị kiến thức…Khi giảng dạy cần vận dụng các thao tác so sánh, phân tích tổng hợp, trừu tượng, khái quát… So sánh với  những quan điểm đối lập, bổ sung mở rộng vấn đề, phát triển tư duy logic.

Phương pháp dạy học theo sơ đồ là gì?

Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh đưa ra định nghĩa: Với ý nghĩa chung nhất phương pháp được hiểu là cách thức đề cập tới hiện thực, cách thức nghiên cứu các hiện tượng của tự nhiên và xã hội. Phương pháp là hệ thống các nguyên tắc điều chỉnh nhận thức và hoạt động cải tạo thực tiễn xuất phát từ các quy luật vận động của khách thể được nhận thức. [1, trang 23]

Phương pháp dạy học là cách thức hoạt động phối hợp thống nhất của giáo viên và học sinh trong quá trình dạy học được tiến hành dưới vai trò chủ đạo của giáo viên nhằm thực hiện tối ưu mục tiêu và các nhiệm vụ dạy học. [2, trang 204]

            Theo tác giả, Phương pháp dạy học theo sơ đồ hóa kiến thức là  cách thức hoạt động phối hợp thống nhất của người dạy và người học nhằm giúp người học hiểu được  bản chất của các sự vật, hiện tượng liên quan đến nội dung, nhiệm vụ dạy học dựa vào mô hình, sơ đồ của chúng.

Ưu điểm của phương pháp dạy học theo sơ đồ hóa kiến thức

- Dễ phát huy tính tích cực của người học.  Huy động tối đa các giác quan của sinh viên tham gia vào quá trình nhận thức, lĩnh hội kiến thức.

- Kiến thức được biểu diễn dưới dạng sơ đồ, ngắn gọn dễ nhớ. Sinh viên sẽ dễ dàng hơn trong việc phát triển ý tưởng, tìm tòi lĩnh hội và xây dựng kiến thức mới. Dùng sơ đồ minh họa tạo hiệu quả: trong một thời gian rất ngắn có thể khái quát được một khối lượng kiến thức lớn, vừa làm rõ bài giảng, vừa xâu chuỗi kiến thức và các mối liên hệ giữa chúng.

- Tác động vào "kênh hình" của người học. Sẽ tạo ra sự hứng thú trong giờ học, bài giảng, tiết học trở nên sôi động. Phát triển óc quan sát, kích thích tư duy của người học, củng cố kiến thức bài giảng, hào hứng tìm tòi, đón nhận tri thức mới, có lòng yêu thích môn học.

- Người học khám phá tri thức mới theo trình tự logic, giúp người học hiểu được bản chất quy luật. Thuận lợi cho quá tình tái hiện tri thức khi cần thiết.

Ví dụ: Giới thiệu khái lược về Chủ nghĩa Mác – Lênin và ba bộ phận cấu thành

 

 

 

Hạn chế của phương pháp dạy học theo sơ đồ hóa kiến thức

- Do kiến thức được mô hình hóa nên rất ngắn gọn, không thể chi tiết, mở rộng, nếu người học không hiểu được bản chất sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình diễn giải.

- Không nên sử dụng mô hình trực quan cho mảng kiến thức quá lớn nếu không người học sẽ  không biết bắt đầu từ đâu để ghi nhớ và liên tưởng các phần kiến thức với nhau. Nếu sử dụng sơ đồ  không đúng lúc, đúng chỗ hoặc quá lạm dụng phương pháp sơ đồ hóa thì sẽ làm cho người học bị mất phương hướng, không hứng thú cho việc tiếp thu kiến thức bài giảng

- Giảng viên cần hết sức lưu ý cho người học tính chất ước lệ  của sơ đồ. Sự nhận thức biểu tượng trực quan đó chưa phải là sự nhận thức đầy đủ về lý luận, mà mới chỉ là công cụ để xây dựng lý luận, để khẳng định và cụ thể hóa các kết luận có tính chất lý luận. Phải có sự mở rộng, liên hệ để tránh xa rời thực tiễn, gắn với các vấn đề đặt ra trong cuộc sống.

Một số lưu ý khi sử dụng phương pháp dạy học theo sơ đồ hóa kiến thức

- Giảng viên cần có trình độ chuyên môn vững vàng.

- Người học cần có tài liệu đầy đủ.

- Thích hợp với người học có tư duy sáng tạo, nhanh nhạy và tính cách hướng ngoại.

-  Nên tách các phần kiến thức, nội dung, các chủ đề bằng một vấn đề quan trọng nào đó. Sau đó liên hệ các kiến thức đó với nhau bằng nhiều mô hình sơ đồ.

- Bên cạnh những sơ đồ khái quát các chương, các bài, nếu cần có thể bổ sung những sơ đồ mở rộng bao hàm trí thức của các môn khoa học khác; hoặc những vấn đề của thực tiễn cuộc sống để có thể tăng sức thuyết phục đối với người học.

Giới thiệu một số cách sử dụng phương pháp dạy học theo sơ đồ hóa kiến thức

1.  Sử dụng sơ đồ  trước khi lên lớp

- Giảng viên yêu cầu sinh viên tự đọc tài liệu. Giao nhiệm vụ, thể hiện  kiến thức đã lĩnh hội dưới dạng sơ đồ đối với từng chương, mục, phần.

- Sử dụng sơ đồ giúp sinh viên tự học. Giảng viên đưa ra sơ đồ kết hợp với việc giao nhiệm vụ để sinh viên tự nghiên cứu hoàn thành bài giảng – sinh viên tự giải thích sơ đồ trước khi lên lớp.

- Sinh viên tiếp tục hoàn thiện sơ đồ do giảng viên đưa ra. Hoặc yêu cầu sinh viên phát triển, mở rộng sơ đồ, sáng tạo sơ đồ theo cách khác nhưng vẫn phù hợp kiến thức. Có thể giáo viên dựng sẵn khung, sinh viên điền nội dung vào những chỗ trống.

- Giảng viên yêu cầu sinh viên phát hiện những lỗi sai trong sơ đồ giảng viên đưa ra.

2. Sử dụng sơ đồ trong khi lên lớp

Để tiến hành theo cách này, giảng  viên cần có sự chuẩn bị trước, để sơ đồ khi thiết kế đảm bảo có tính khoa học và thẩm mỹ. Có sự chuẩn bị về bố cục trên bảng (chia bảng làm hai nửa, một bên ghi các tên chương, mục, nội dung bài; bên kia từng bước dựng sơ đồ)

- Giảng viên đưa ra sơ đồ để sinh viên giải thích sơ đồ (trên cơ sở đã cho sinh viên nghiên cứu tài liệu ở nhà).

- Trong khi diễn giảng, thuyết trình kết hợp với các phương pháp khác. Giảng viên từng bước xây dựng sơ đồ theo logic kiến thức. Giảng viên đưa ra sơ đồ cho sinh viên quan sát, tổng hợp các mối liên hệ. Trong quá trình thuyết giảng  cần kết hợp với các câu hỏi và cuối cùng là khái quát lại.

- Giảng viên từng bước dùng sơ đồ để minh họa, khái quát tóm tắt nội dung hoặc tổng kết bài giảng.

3. Sử dụng sơ đồ sau khi lên lớp

4. Sử dụng sơ đồ trong quá trình ôn tập

Có tác dụng hệ thống hóa kiến thức, tái hiện, củng cố bài – có thể tiến hành theo những cách tương tự như sử dụng sơ đồ  trước khi lên lớp

Trên đây là những cách cơ bản trong việc sử dụng phương pháp dạy học theo sơ đồ. Thực tế, khi sử dụng còn phụ thuộc vào các yếu tố khác. Hiệu quả của quá trình giảng dạy đòi hỏi sự sáng tạo, lựa chọn, kết hợp các phương pháp dạy học một cách hợp lý.

 

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Giáo dục đào tạo, Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh, NXB chính trị Quốc gia, 2009.

2. Trần Thị Tuyết Oanh chủ biên, Giáo trình Giáo dục học tập 1, NXB Đại học Sư phạm, 2007.