Tin tức

GIỚI THIỆU VỀ THỔ CẨM H’ MÔNG Ở BẮC HÀ VÀ XU HƯỚNG NGÀNH HỌC THIẾT KẾ THỜI TRANG Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

27 Tháng Mười 2021

                                                                        Trần Thanh Nga

                                   Giảng viên Khoa Thiết kế thời trang và Công nghệ may

 

Bắc Hà là một huyện phía Đông Bắc của tỉnh Lào Cai, có nhiều dân tộc sinh sống ở đây như H'mông, Kinh, Dao, Tày, Nùng, Phù Lá, Hoa...vì thế đã tạo nên sự đa dạng văn hóa độc đáo. Nét đặc trưng nhất của vùng miền này mỗi khi chúng ta ghé qua đó chính là màu sắc sặc sỡ của trang phục người dân bản địa.Thổ cẩm là một trong những nét văn hóa tạo nên tính đặc trưng của từng tộc người ở Bắc Hà. Không chỉ được dùng để làm trang phục, mà thổ cẩm còn là sản phẩm văn hóa tộc người dùng làm kỷ vật trong hôn nhân, tang lễ, trong sinh hoạt thường ngày và trong sinh hoạt văn hóa truyền thống. Nhìn vào hoa văn thổ cẩm sẽ biết được văn hóa của tộc người, biết được quan điểm sống của tộc người, biết được quan niệm về thế giới quan và vũ trụ quan của tộc người đó.

 

 Nghệ thuật tạo hình dân gian của người Mông Hoa thể hiện rõ nét trên trang phục và đồ dùng sinh hoạt. Song trang trí y phục có vị trí quan trọng nhất, đặc biệt là trang trí trên váy, áo trang phục thổ cẩm của phụ nữ. Trang phục cổ truyền của phụ nữ Mông Hoa gồm khăn, áo, váy, tấm vải che phía dưới trước váy, thắt lưng, xà cạp... Áo của phụ nữ Mông Hoa thường xẻ nách, cổ cao, trên vai và ngực có nẹp thêm vải màu thêu, in hoa văn hình xoắn ốc. Thắt lưng là miếng vải rộng khoảng 7 - 8 cm và dài 80 - 120 cm, đoạn giữa thắt lưng được thêu các hoa văn, màu đẹp, quấn ngang bụng, tôn thêm vẻ đẹp của người phụ nữ Mông. Khăn của phụ nữ Mông hoa có hai loại, đó là loại hình chữ nhật khổ 65 x 40cm thêu hoa văn trùm lên đầu, một loại khăn vành rộng quấn quanh đầu. Họa tiết hoa văn trên nền trang phục Mông hoa chủ yếu là các hoa văn hình học và mang tính chất ước lệ. Đó là những đường ngang, viền đậm dài hoặc gẫy góc, tạo ra các khối hình vuông, chữ nhật, hình thoi… Trên trang phục của người Mông hoa ở Bắc Hà, màu đỏ đóng vai trò chủ đạo. Màu này phối hợp màu vàng, trắng nhằm đối chọi với nền chàm tạo nên sắc màu rực rỡ. Phụ nữ thường để tóc dài, quấn khăn trên đầu, đồ trang sức bao gồm khuyên tai, vòng cổ, vòng tay, vòng chân, nhẫn.

            Có rất nhiều những nhà thiết kế đã lấy nguồn cảm hứng từ thổ cẩm để sáng tạo trên trang phục hiện đại, đây là điều đáng mừng vì nó cho thấy rằng các nhà thiết kế trẻ đã biết trân trọng và bảo tồn những giá trị truyền thống của dân tộc.           Vào năm 2012, nhà thiết kế Minh Hạnh đã giới thiệu 50 mẫu thiết kế đặc biệt tại Lễ hội quốc tế dệt may đặc biệt tại Triển lãm “Les Métamorphoses” ở Bảo tàng Bargoin (Pháp). Giữa kinh đô thời trang của thế giới, bạn bè quốc tế không khỏi trầm trồ khi chiêm ngưỡng những trang phục mang sắc màu thổ cẩm độc đáo, làm từ loại vải dệt tay của người H’Mông ở Hà Giang và Bắc Hà (Lào Cai), kết hợp với kỹ thuật thêu tay truyền thống tinh xảo. Có thể nói rằng, bộ sưu tập này của nhà thiết kế Minh Hạnh đã phối hợp tinh tế giữa truyền thống, hiện đại, tạo nên bức tranh sinh động sắc màu của sự hòa quyện Đông – Tây.

            Để hiểu về truyền thống một cách thấu đáo thì mỗi nhà thiết kế tương lai có thể tìm thấy chất liệu, cảm hứng sáng tạo trong kho báu di sản đồ sộ của dân tộc, từ đó cho ra đời các sản phẩm mang đậm hơi thở cuộc sống hiện nay, nhưng vẫn chuyển tải nét độc đáo của hồn cốt Việt. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường nền tảng mà sinh viên có được chính là được tiếp cận trực tiếp với những di sản văn hóa, mà là những tri thức, kiến thức được truyền thụ lại của người giảng viên. Từ những ghi chép ký họa của những buổi điền dã, những buổi tiếp cận với quá trình thêu thùa, in ấn của người dân để hiểu về kỹ thuật cũng như những họa tiết trang trí hoa văn trên trang phục. Sau đó chuyển taỉ những bản ghi chép đó lên trên giấy và bắt đầu bước vào giai đoạn sáng tạo riêng của mỗi cá nhấn. Những hình học đơn giản giờ đã được thêm nét thêm hình để tạo thành những họa tiết hoa văn mới nhưng vẫn phải giữ được những âm hưởng của thổ cẩm dân tộc. Đây là cái khó mà đòi hỏi mỗi người sinh viên phải liên tục phát huy tính sáng taọ của mình.

            Hiện nay có rất nhiều những dự án nhằm bảo tồn những giá trị văn hóa phi vật thể và dự án: “ Hoa văn Đại Việt” được khởi xướng bởi nhóm Đại Việt Cổ Phong đã nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng, với cách thể hiện chính là sử dụng vector để vẽ lại những hoa văn dân tộc, ứng dụng vào rất nhiều sản phẩm hàng ngày: Quần áo, giày dép, khăn thời trang... Tương tự, dự án: Họa sắc Việt” cũng được dư luận quan tâm,  nhà thiết kế đồ họa Trịnh Thu Trang, người sáng lập dự án chia sẻ: “Chúng tôi luôn rất chú trọng đến việc làm thế nào để các giá trị cổ truyền có cuộc sống mới và phù hợp với hiện tại. Để những điều xưa cũ trở nên mới mẻ, các sản phẩm ứng dụng được sáng tạo ra để mọi người có thể cảm nhận rõ hơn về tính ứng dụng của các họa tiết truyền thống”.

Có thể thấy rằng, thời trang đem lại cái đẹp cho con người, từ cách ăn mặc, đi đứng tạo dáng, cho đến cách thể hiện cá tính cho từng loại hình, chính vì vậy thời trang là một ngành luôn phát triển không ngừng theo nhu cầu của xã hội. Hơn thế nữa ngành thiết kế thời trang hiện là một trong những ngành có nhu cầu tuyển dụng khá lớn. Thực tế cho thấy hiện nay nhiều đơn vị, xí nghiệp ngành Dệt may đang thiếu lực lượng cán bộ kỹ thuật, đội ngũ thiết kế được đào tạo đúng chuyên ngành. Nắm bắt nhu cầu chung của xã hội, một số trường đại học, cao đẳng, trung học dạy nghề sau một thời gian dài chuẩn bị đã mở thêm chuyên ngành Thiết kế thời trang, như các trường: Đại học Mỹ Thuật Công nghiệp, Đại học Mở Hà Nội, Đại học Công nghiệp Hà Nội… Hoặc Học viện thời trang LonDon, dưới sự điều hành của Tiến sĩ Martin Shoben, trường đã phát triển nhiều khoá học Đại học về chuyên ngành thời trang và giúp cho nhiều sinh viên có khởi đầu vững chắc trên con đường sự nghiệp. Mỗi khoá học là sự kết hợp những bài tập mang tính thực tiễn và các môn học định hướng quản lý nhằm cung cấp cho các học viên kiến thức, thực tiễn phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của ngành thời trang.

Tuy nhiên, các cơ sở đào tạo thời trang mở ra khắp nơi theo nhu cầu của người học chứ không theo sự phát triển thực sự của ngành nên chỉ đầu tư khá tốt về máy móc ngành may mặc, không có chương trình, giáo trình, giảng viên chuyên ngành phù hợp. Xét về mặt chuyên môn, việc trang bị cho các thế hệ sinh viên tương lai có chuyên môn vững vàng, có khả năng sáng tạo, ý tưởng độc đáo và năng động với môi trường làm việc là mục tiêu đào tạo của các trường có ngành Thiết kế thời trang trong xu thế hội nhập hiện nay.

   Thiết kế thời trang là một ngành học có tính đặc thù cao đòi hỏi tư duy sáng tạo và khả năng cảm thụ chính vì thế việc dạy những kiến thức chuyên ngành một cách có hệ thống là điều hết sức quan trọng. Điều này đòi hỏi người thầy phải rất giỏi về chuyên môn để có thể nêu cho sinh viên những khái niệm cơ bản nhất, giúp họ hiểu bản chất vấn đề. Nó cũng đòi hỏi sinh viên có đủ trình độ để tiếp thu kiến thức, có đủ giáo trình tài liệu tham khảo, có điều kiện vật chất phục vụ cho việc học. Chúng ta đều biết trong thời trang có sự hoà nhập giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại, thể hiện trình độ văn hóa của các quốc gia, các châu lục khác nhau. Qua các sản phẩm thời trang, người ta cảm nhận được ý tưởng của nhà thiết kế, đọc được mong muốn của người tiêu dùng, trình độ thẩm mỹ, khoa học kỹ thuật, mức sống, lối sống…

Trong thời đại công nghệ thông tin, trước một lượng thông tin tràn ngập, người giảng viên phải có trình độ chuyên môn vững, biết chọn lọc và sử dụng thông tin có hiệu quả; có trình độ ngoại ngữ; làm chủ trang thiết bị công nghệ hiện đại. Người giảng viên phải biết chuyển tải những kiến thức cơ bản nhất, lược bỏ những nội dung không còn phù hợp, bổ sung những kiến thức và công nghệ mới làm cho bài học phong phú. Đặc biệt đối với những giảng viên của chuyên ngành Thiết kế thời trang, giảng dạy bằng phương pháp nêu vấn đề, gợi mở cách tư duy cho sinh viên tự học, tự trang bị kiến thức, kích thích trí tò mò sáng tạo là một đòi hỏi mang tính thiết yếu. Vấn đề là ở chỗ người giảng viên luôn phải tự học, nghiên cứu, sáng tác và thường xuyên cập nhật thông tin thì mới không bị lạc hậu và mới đáp ứng những đòi hỏi hôm nay.

   Nắm bắt được nhu cầu và xu hướng tuyển dụng khá lớn của ngành nên năm 2007, sau một thời gian chuẩn bị, trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đã mở thêm chuyên ngành Thiết kế thời trang. Đội ngũ giảng viên trẻ, nhiệt huyết và sáng tạo đã đưa ngành ngày một phát triển và vững mạnh không ngừng cả về số lượng lẫn chất lượng đào tạo. Đến nay sau 14 năm đào tạo, khóa đầu tiên ra trường đã đạt con số 90% sinh viên có việc làm ổn định tại các công ty, cơ quan hoạt động về lĩnh vực thời trang. Song song với đó, các sinh viên đang theo học cũng đã đạt được những thành tích nhất định: như tham gia các cuộc thi thiết kế thời trang trên toàn quốc và đạt được những danh hiệu cao đánh dấu tên tuổi của mình cũng như khoa và nhà trường về lĩnh vực thời trang.

Ở Việt Nam, nghề thiết kế thời trang đang được coi là một nghề “hot” đối với nhiều bạn trẻ hiện nay. Từ góc nhìn của công chúng, đây là một nghề thời thượng, có thu nhập cao, phát huy tối đa sức sáng tạo cá nhân, có nhiều cơ hội để phát triển và đặc biệt tràn ngập ánh hào quang. Tuy nhiên, với những người làm nghề thì đây là một công việc vất vả và cực nhọc. Phía sau tên tuổi và tiền bạc – nghề thiết kế thời trang đòi hỏi vốn văn hóa sâu rộng, óc sáng tạo và thẩm mỹ cao, sự đam mê, khả năng làm việc liên tục, biết hi sinh cá nhân, cần cù, bền bỉ…