Nội san

NÉT ĐẶC SẮC Ở VẢI LANH CỦA NGƯỜI H’MÔNG Ở VIỆT NAM

22 Tháng Mười Một 2021

                                                                                                  Nguyễn Thị Bích Liên

                                                Giảng viên Khoa Thiết kế Thời trang và Công nghệ may

 

Trong ánh mắt từ nhiều bạn bè quốc tế, vải truyền thống ở một số quốc gia là một đặc trưng thú vị mà họ muốn mang về nhà sau mỗi chuyến thăm tại mỗi địa phương. Sản phẩm thổ cẩm hay vải lanh ở Việt Nam từ lâu cũng trở thành một sản vật được yêu thích của du khách quốc tế. Chất liệu vải ở mỗi một vùng miền, dân tộc qua quá trình dài hình thành và phát triển đã trở thành một nét đặc sắc rất riêng của Việt Nam. Nhờ sự khác biệt về chất liệu, màu sắc, hoa văn trang trí, chúng ta dễ dàng phân biệt được con người ở mỗi dân tộc qua những nét đặc trưng rất riêng của họ. Những tấm vải tự nhiên của Việt Nam được nhiều người yêu thích là do quá trình làm nên sản phẩm vẫn giữ được lối dệt và nhuộm truyền thống.

Ở Việt Nam, vải lanh được cho là một trong những sản vật mà người H’Mông khá ưa chuộng. Nét đẹp của vải lanh được người ta cảm nhận bằng mắt, còn chất liệu độc đáo này mang lại cho người sử dụng sự dễ chịu. Tìm hiểu về vải lanh, ta có thể thấy đó là một quá trình sản xuất thủ công thú vị. Như những câu chuyện hay giai thoại văn hóa truyền thống khác, vải lanh cũng có câu chuyện truyền thuyết như một sự giải thích lãng mạn về sự xuất hiện của vải lanh.

Trong dân gian, những câu chuyện văn hóa truyền miệng còn giữ lại được về nguồn gốc của vài lanh với đại ý như một câu chuyện lãng mạn về cây lanh của người H’Mông. Truyện truyền miệng kể lại như thể một thần tích về nguồn gốc của cây lanh cũng khá hấp dẫn. Còn theo khoa học nghiên cứu thì câu chuyện này lại khác.

Theo một số nhà khoa học nghiên cứu cho biết thì vải lanh (tiếng Anh: linen) là một trong những loại vải tự nhiên lâu đời nhất trên thế giới. Các nhà khảo cổ đã phát hiện ra những sợi lanh bắt đầu được sử dụng từ cách đây hơn 30.000 năm. Màu nguyên bản của vải lanh là màu trắng ngà, màu nâu vàng hoặc màu xám. Đối với những màu sắc khác, vải cần được nhuộm để tạo màu. Lanh được giới khoa học và nhà sản xuất coi là một chất liệu để may quần áo rất thân thiện với môi trường, do lanh không cần nhiều nước cũng như hoá chất khi trồng cây và làm sợi như nhiều loại vải khác.

Vải lanh của người H’Mông (Nguồn tác giả)

Đối với những người làm nghề, họ có cách nhận biết vải lanh rất đơn giản. Để nhận biết vải lanh, người ta chỉ cần chạm tay lên bề mặt tấm vải. Vải lanh rất mịn và không có xơ vải hoặc có thể sử dụng một cách khác để nhận biết vải lanh, bằng cách lấy một mẩu vải rồi đốt lên. Vải lanh khi bị đốt, sẽ cháy rất chậm, không đượm và có mùi giống như giấy cháy, tro sau khi đốt mềm như tro của sợi bông. Ưu điểm của chất liệu này là có độ bóng tự nhiên cao, vải có độ bền cao, giữ cấu trúc tốt. Ngoài ra thì khả năng thấm hút cũng như bay hơi của vải rất nhanh. Vải này có khả năng chịu nhiệt tốt, ít thấy bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ, nên khi sử dụng thì hoàn toàn có khả năng chống nắng, chống nóng. Với lợi thế không gây dị ứng cho người mặc, vải lanh dễ giặt cả bằng tay lẫn bằng máy, nên được ưa chuộng. Tuy nhiên, nó cũng có nhược điểm như là có độ co giãn cũng như tính đàn hồi kém nên dễ bị nhăn. Tuy nhiên, người dùng cũng không thể ủi quần áo quá nhiều. Cách để cất gọn trang phục bằng vải lanh tốt nhất là treo lên mắc, thay vì gấp lại.

Để hiểu sâu thêm về quá trình sản xuất, ta có thể tìm hiểu thêm về công cụ dệt vải của người H’Mông. Người H’Mông chọn cách dệt vải bằng khung cửi gỗ theo  kỹ thuật dệt thoi, nên tốc độ thao tác cũng khá nhanh. Tuy nhiên, thời gian để hoàn thành một tấm vải vẫn tốn khá nhiều thời gian. Để làm một cái váy, có khi người phụ nữ mất đến hàng năm mới dệt xong. Khung dệt của người H’Mông được những người đàn ông có kinh nghiệm mày mò tạo nên để phụ nữ dệt vải dùng trong gia đình. Những chiếc khung cửi cũng hay được làm mới vì gỗ làm khung cửi sẽ được đồng bào chặt đi sau khi ăn tết, để gỗ không bị mối mọt. Nghiên cứu cho thấy, khung cửi của người H’Mông rất đơn giản, chỉ gồm có khung dệt liên kết các bộ phận gồm: Thanh căng, lợi nén, go, trục cuốn sợi, trục cuốn vải, chân đạp guốc và thanh ghế ngồi. Loại khung cửi này thường thấy là loại chỉ dệt được khổ vải khoảng 40 – 45 cm. Mỗi một tấm vải lanh cũng phải trải qua các công đoạn y hệt như dệt vải bông như là dàn sợi, lên go, mắc cửi… Trong đó, dàn sợi là công đoạn phức tạp và mất nhiều thời gian, tùy theo chiều dài tấm vải mà người phụ nữ sẽ dàn sợi nhiều hay ít. Do sợi lanh không mịn, thường hay rối, phải liên tục tách sợi tốn thời gian nên năng suất dệt vải thấp. Do không sử dụng sợi bông mà dùng sợi lanh để dệt vải nên con thoi của người H’Mông so với các dân tộc khác cũng có khác biệt. Con thoi được làm to và nặng hơn so với con thoi bình thường để dệt được sợi lanh cứng và thô hơn so với các loại sợi khác.

Quy trình làm vải lanh của người H’Mông như sau:

Toàn bộ quy trình làm vải lanh tính từ lúc bắt đầu gieo hạt đến khi tạo nên tấm vải hoàn thiện thường mất khoảng 7 tháng và tốn rất nhiều công sức.

1. Trồng cây lanh

Vào mỗi độ đầu tháng 5 mùa hè tới, khi người H’Mông ở vùng cao sẽ gieo hạt ngô thì cũng là lúc họ bắt đầu trồng lanh. Họ gieo hạt với mật độ rất dày, ít có khoảng trống, để các cây lanh khi lớn lên sẽ thẳng, gầy và ít nhánh. Những cây thân mảnh sẽ cho sợi lanh có chất lượng tốt hơn. Như một người phụ nữ H’Mông bản địa ở Lào Cai cho biết, lúc đang gieo hạt lanh, họ sẽ không trả lời bất kỳ người nào đi ngang qua. Người già bảo họ rằng nếu không làm thế thì linh hồn của hạt lanh sẽ đi theo người đó và cây lanh sẽ không bao giờ mọc lên được (một quan niệm khá phi lý). Hai tháng rưỡi sau khi gieo hạt, cây lanh sẽ cao khoảng 2m và có thể thu hoạch được. Sau khi thu hoạch, thì tất cả lá và các cành nhỏ sẽ bị người dân bỏ đi còn thân cây lanh sẽ được phơi nắng cho đến khi thật khô.

2. Tước vỏ lanh

Để có được sợi lanh, người ta sẽ tước nó ra. Sau khi đã được phơi nắng, phơi sương đủ độ, các cây lanh được chia ra thành từng bó dài. Người H’Mông sẽ bẻ ở đoạn giữa thân cây và tách vỏ ra khỏi lõi. Từ mỗi cây lanh họ có thể tước ra được 8-12 sợi lanh để sử dụng.

3. Giã sợi

Vỏ cây lanh sau khi tước, thì được họ bó thành từng bó đều nhau, rồi được cho vào cối, giã trong vòng nửa giờ tới khi mềm hẳn để sẽ dễ nối vào nhau hơn và cũng không để lại mối nối. Công đoạn này thường mất từ 4 - 5 ngày. Đặc biệt, công việc này phải làm xong trước khi có các đợt gió mùa đông bắc tràn về nếu không lanh sẽ bị khô sợi. Vì như vậy sẽ làm giảm độ bền của lanh, sợi sẽ bị nát và khó nối.

4. Nối sợi

Sau khi các sợi lanh đã được giã, người H’Mông sẽ tiến hành nối các sợi lanh với nhau. Khi nối sợi, họ phải tuân thủ nguyên tắc nối ngọn với ngọn, gốc với gốc, các sợi phải đều nhau thì khi lên vải các thớ sợi mới đều, vải dệt sẽ phẳng và mịn. Công đoạn này mất rất nhiều thời gian nên phụ nữ H’Mông thường cuốn sẵn những sợi lanh quanh bụng và tay của họ, tận dụng những khi có thời gian rỗi để nối thành sợi lanh.

5. Xe sợi

Trong công đoạn này, sợi được đưa lên guồng trước. Muốn để khỏi bị đứt, các cuộn sợi thường được nhúng vào nước từ 15 - 20 phút trước khi xe sợi cho mềm, tăng độ dẻo dai. Sau khi được xe, sợi đã chuyển từ dạng dẹt và mỏng của vỏ cây sang dạng tròn và xoắn bện của sợi. Công đoạn xe sợi được tiến hành trong khoảng 5 ngày.

6. Thu sợi

Sợi sau khi được xe đã đạt được độ mềm mượt, dẻo dai, tròn, xoắn bện và bền chắc cần thiết nhưng lúc này sợi mới chỉ được cuốn thành từng suốt nhỏ. Muốn thực thiện được các công đoạn tiếp sau, người H'Mông phải thu sợi thành những bó lớn bằng guồng. Công đoạn thu sợi được tiến hành trong vòng 7 ngày.

7. Luộc - ủ - giặt sợi

Công đoạn này có tác dụng làm trắng sợi. Những bó sợi sau khi được thu lại thành từng bó lớn sẽ được ngâm với nước tro bếp rồi được luộc để bong hết vỏ xanh. Sau khi luộc, người H'Mông sẽ ủ sợi với tro bếp. Sợi sau khi ủ được đem đi giặt sạch và cho lên guồng thu sợi phơi khô. Công đoạn luộc - ủ này sẽ được lặp lại thêm 3 lần nữa. Đặc biệt là riêng trong lần luộc cuối cùng, người ta lấy 1 ít sáp ong cho vào để sợi vải được trắng, mịn và dai chắc.

8. Lăn sợi

Bí quyết để làm cho sợi mềm, bóng, các đầu nối sợi mỏng và phẳng, không lộ ra các mối nối, người H'Mông còn dùng một dụng cụ để lăn sợi. Đó là một khúc gỗ làm trục lăn và một phiến đá đẽo phẳng nhẳn. Họ đặt sợi lên khúc gỗ tròn, lấy phiến đá đặt lên trục gỗ rồi đứng trên phiến đá, vịn hay tay vào tường, di chuyển người liên tục làm cục gỗ chuyển động lăn đi lăn lại miết xuống sợi lanh.

9. Tháo sợi

Sau khi lăn xong, sợi được đưa lên giồng thu sợi để tháo cho dễ. Cách tháo sợi rất đơn giản, người phụ nữ đặt đầu sợi vào đáy gùi rồi xoay guồng thu sợi, tay dỡ sợi thả dần xuống gùi.

10. Xếp sợi

Sau khi tháo, sợi sẽ được xếp dọc thành các con chỉ dệt. Mỗi con chỉ gồm có 10 hoặc 12 sợi. Xếp sợi đòi hỏi phải có 2 người: một người dùng tay túm các sợi lanh thành con sợi lần lượt đi từ đầu này đến đầu kia để ghim con sợi vào các cọc gỗ đóng trên sàn, một người trông cho sợi không bị rối.

11. Dệt vải

Đến đây công đoạn se lanh đã hoàn thành, đồng bào tiếp tục với công đoạn dệt vải. Từ những cuộn sợi lanh đã được làm trắng, sạch người phụ nữ sẽ đem vào khung gỗ để dệt thành vải. Sau khi đã hoàn thành, mảnh vải lanh đó sẽ được đem đi vẽ sáp ong và nhuộm màu để sử dụng may quần áo.

Như vậy, chúng ta có thể thấy các công đoạn trồng, nhuộm hay các kỹ thuật xe, dệt vài lanh của người H’Mông có những điểm riêng khác biệt so với nhiều cách sản xuất vải thông thường khác ở nước ta. Quá trình thâm nhập thực tế và nghiên cứu nhiều nguồn tư liệu đã cho thấy quy trình sản xuất của người H’Mông khi tạo nên những tấm vải lanh mịn không xơ này có nhiều nét tương đồng với kỹ thuật sản xuất hiện đại. Đây có thể được coi là một sự lưu giữ nét truyền thống khác biệt của một tộc người dân ở vùng cao Việt Nam. Vải lanh của người H’Mông luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo, là niềm thích thú không chỉ của đồng bào người H’Mông, người dân Việt Nam mà cả bạn bè Quốc tế.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tiếng Việt

1. Trần Thủy Bình (2009), “Giáo trình Vật liệu may”,Nxb Giáo dục

2. Hoàng Thị Lĩnh (2013), Xử lý hoàn tất sản phẩm dệt may, NXB Khoa học và Kỹ thuật.

3. Nguyễn Thị Kim Chi (2007), “May công nghiệp”,Nxb ĐH Sư phạm.

4. Lê Huy Văn (2000), Lịch sử mỹ thuật công nghiệp, Nxb Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh.

Tiếng Anh

6. Helen Reynolds( 2007), Lịch sử thời trang – Quần áo, NXB Kim Đồng

7. Juki Corporation (2003), “The Binran- How to make up a plant of apparel manufacturing factory”, Juki Laboratory